Văn hóa Việt Nam – Phần XVII

79

Văn hóa Việt Nam – Phần XVII

2. Mấy đặc điểm văn hóa Việt Nam thời này

Điểm đàu tiên trong cuộc huynh đệ tương tàn là tranh giành chính nghĩa cho mình và lên án người khác, khiến “đàn em” không còn biết chọn phe phái nào. Đành “chịu trận”.

2.1. Mất lý tưởng hoặc phân hóa lý tưởng

Kể từ khi Lê tàn, Mạc lên ngôi và Lê Trịnh gắng trung hưng, người Việt Nam nói chung không còn quan niệm đồng nhất về lý tưởng quốc gia, dân tộc. Kẻ sĩ, nói riêng, cũng không còn hợp nhau trong lý tưởng tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Khâm Định Việt Sử kể chuyện Trịnh Khải chạy Tây Sơn năm 1786, cũng là để nói lên hiện trạng đó:

Khi Trịnh Khải chạy đến xã Hạ Lôi, huyện Yên Lăng thì quân sĩ đi theo đã tan tác gần hết. Bấy giờ, có viên Thiên sai làm việc ở Lại Phiên là Lý Trần Quán [1], trước đó được cử đi truyền hịch để chiêu mộ nghĩa binh, bất ngờ gặp Khải, Lý Trần Quán giả vờ nói với người học trò của mình là Nguyễn Trang rằng:

Đây là quan Tham Tụng người họ Bùi [2] đi lánh nạn đến, anh hãy hộ vệ ngài, đưa ngài qua bên kia địa giới của huyện này.

Nguyễn Trang biết đó là chúa Trịnh, bèn cùng đồ đảng là Nguyễn Bá, bắt giải nạp cho giặc [3]. Trần Quán được tin ấy, vội vàng chạy đến vừa lạy vừa khóc, nói rằng:

– Đẩy chúa vào tình thế này, tội là ở thần.

Nói xong, lấy nghĩa lớn mà khuyên bảo Nguyễn Trang, nhưng Trang lại nói:

– Sợ Thầy không bằng sợ giặc, quí chúa không bằng quí thân.

Nói rồi, hắn giải Trịnh Khải đi. Khải dùng dao cắt cổ tự tử. [4]

Chắc chắn rằng một phần vì mục tiêu chính trị, phần thấy lý tưởng Nho giáo từ mấy thế kỷ đến nay không còn đủ sức nơi tam cương ngũ thường nữa, họ Lê, họ Mạc và họ Trịnh vẫn là theo Nho giáo và Phật, nhưng tranh giành quyền bính như họ thì sao gọi là theo lý tưởng Nho giáo hoặc Tổ quốc, Dân tộc , hoặc từ bi hỉ xả !

Họ Nguyễn Phúc miền Nam đề cao quan niệm thờ Trời, Phật và Lão giáo, chẳng hạn: Nguyễn Hoàng tự xưng chúa tiên và xây chùa Thiên Mụ [5]. Nguyễn Phúc Nguyên xưng chúa Phật [6], Nguyễn Phúc Lan tự xưngchúa Thượng [7].

Chúng ta thường nghe phác họa anh em Tây Sơn như nông dân vùng lên cứu quốc. Xin coi lại:

Tổ tiên anh em Tây Sơn vốn người họ Hồ ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Khoảng những năm 1653-1657 quân Nguyễn đánh ra Đàng Ngoài, chiếm được 7 huyện của trấn Nghệ An, khi rút về Nam, họ đem theo rất nhiều dân ở các huyện trên vào sinh sống ở các vùng đất mới phía Nam để khẩn hoang. Ông tổ của Tây Sơn cũng bị quân Nguyễn bắt và an sáp ở ấp Tây Sơn Nhất (nay là thôn An Khê, phủ Hoài Nhân, Bình Định). Từ đó họ đổi sang họ Nguyễn.

Đến đời Nguyễn Phi Phúc lại dời sang ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn (Tuy Phước, Bình Định). Ông Nguyễn Phi Phúc lấy bà Nguyễn Thị Đồng, sinh được ba người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ. Gia đình ông làm nghề buôn trâu, cuộc sống cũng khá giả…

… Nguyễn Nhạc xuất thân làm biện lại (thu thuế ở một trạm thuế trong vùng), nhưng vụ thuế năm Tân Mão [8], thu được bao nhiêu Nhạc đánh bạc hết sạch. Để tránh sự truy tố của nhà cầm quyền, Nhạc bỏ trốn cùng hai em vào ở núi Thượng Đạo, ấp Tây Sơn, dựng trại, lập đồn, xưng hùng khởi nghĩa. Cơ nghiệp triều Tây Sơn bắt đầu từ đây…” [9]

Ngay cả khi Nguyễn Huệ đại thắng ngoại xâm và vinh hiển lên ngôi, Nguyễn Nhạc cũng không nhường, Nhạc vẫn làm vua vùng từ Bình Thuận đến Quảng Nam ngày nay [10].

2.2. Cơ cấu tổ chức chính trị phi lý

Trong nước vẫn có vua, truyền dòng và nối ngôi. Nhưng vua chỉ là hư vị. Chúa cũng truyền dòng, nối vị, mà chúa mới nắm thực quyền.

Chúa Trịnh còn có thể giết cả vua, như Lê Anh Tông [11], Kính Tông [12].

Chúa Nguyễn cũng từ từ trút bỏ quyền lực trên đầu mình. Nguyễn Phúc Chu [13] đã tự xưng là Quốc chúa, Nguyễn Phúc Chú [14] là Ninh Vương, Nguyễn Phúc Khoát [15] vừa là Võ Vương, vừa tự đúc tiền Thái Bình và vận động triều Thanh nhìn nhận mình.

2.3. Mua quan, bán chức

Vẫn có kỳ thi tuyển nhân tài ra làm quan giúp nước đấy, nhưng thi không chắc đậu và đậu không bảo đảm hoan lộ tốt đẹp. Vàng bạc mới bảo đảm.

Một Trịnh Doanh đã ba lần xuống lệnh bán quan chức:

  • Năm Tân Dậu [16] “Ai nộp thóc sẽ được làm quan.” [17]
  • Năm Mậu Thìn [18] “Hạ lệnh cho bách quan văn võ, ai nộp tiền hoặc thóc, sẽ trao cho các chức phẩm khác nhau.” [19]
  • Năm Canh Thìn [20] “Hạ lệnh cho dân, ai nộp thóc sẽ trao cho quan chức.” [21]

Người đã xuất tiền hoặc đổ thóc ra mua quan chức, sẽ tìm lại bằng đủ cách bất công và bóc lột:

Con ơi nhớ lấy câu này:

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan. [22]

Thêm vào chiến tranh, quan quân quấy nhiễu như thế, người dân làm sao có thể an cư và lạc nghiệp.

2.4. Thi cử cũng hư hỏng

Đọc lại trang sử hồi đó, chúng ta cứ tưởng như truyện đang xảy ra trong cái thời dối trá này. Từ đó hoài nghi : Phải chăng tham nhũng, chạy chọt đã là một nét tiêu cực cố hữu trong “văn hóa” VN.:

Học trò đã quen thói đua nhau chạy chọt, quan trường thì coi nhẹ kỷ cương, công khai gởi gắm. Vì thế, người đỗ đạt phần nhiều không có thực học, miệng thế bàn tán rất xôn xao. Chúa Trịnh Doanh nổi giận, bắt tất cả thi lại, đánh hỏng đến trên hai trăm người…” [23]

Tình trạng bi đát đến độ con của danh sĩ Lê Quí Đôn mà cũng đi vào “sổ đỏ” nhân kỳ thi Hội, tháng 10 Ất Mùi [24]:

Quí Kiệt là con của Quí Đôn, vào kì đệ tứ, Quí Kiệt và Đinh Thì Trung đổi quyển cho nhau, việc bị bại lộ, Đinh Thì Trung bị khép vào tội đày đi Yên Quảng, còn Quí Kiệt phải về làm dân thường. Đinh Thì Trung phát giác ra bức thư gửi gắm của Lê Quí Đôn ở Lê Quí Kiệt, nhưng chúa Trịnh Sâm lấy cớ rằng Lê Quí Đôn là bậc Huân thần, bỏ đi không xét, chỉ luận thêm tội cho Quí Kiệt, bắt giam trong ngục cấm ở cửa Đông.” [25]

Thi, với bao nhiêu là chính sách, là chiếu cố, là gởi gắm… cho nên sỉ số tăng ghê gớm. Phan Huy Chú viết :

… Quan Thự Phủ là Đỗ Thế Giai bàn rằng, dụng binh hao tổn nhiều, tiền tài nhà nước thiếu thốn. Vậy, hãy cho mỗi người được nạp ba quan rồi miễn cho họ việc khảo hạch, cũng gọi tiền ấy là tiềnthông kinh! Vì lẽ này, kẻ làm ruộng, người đi buôn, cho đến cả đám hàng thị và bọn buôn bán vặt cũng nhất nhất làm đơn xin nạp tiền thi. Đến ngày vào thi, sĩ tử đông đến nỗi dẫm đạp lên nhau, có kẻ chết ở cửa trường. Còn trong trường thi, kẻ mang theo sách, kẻ hỏi chữ, lại có cả kẻ mượn người thi thay, chúng ngang nhiên làm bậy, chẳng biết kiêng nể phép tắc là gì. Những người đậu mà có thực tài, mười phần không được lấy một.” [26]

Chính vì những tranh chấp quyền bính và danh lợi đó, mà nhân dân chúng ta đã uổng phí bao tài năng trong những thế kỷ người mình tự chủ.

2.5.Những điểm son văn học

Hẳn là có bao nhiêu phí phạm trong xã hội phân tranh; tuy thế, gặp thòi bình hoặc giữa “cơn giố bụi”, dòng tiến hóa của dân tộc không thể hoàn toàn bị tàn phá. Mỗi thực cảnh xã hội chính trị là bối cảnh của một vài điểm son văn học. Thí dụ:

  • Vì tôn quân và tôn trọng quyền dân tộc, chúng ta có những tác phẩm sử địa để đời như:

Các tác phẩm của Hồ Sĩ Dương [27]:

  • Trùng San Lam Sơn thực lục,
  • Hoan Châu phong thổ kí,
  • Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thực lục
  • Hồ thượng thư gia lễ.

Của Nguyễn Nghiễm [28] như:

  • Việt sử bị lãm,
  • Lạng Sơn toàn thành đồ chí.

Ngô Thì Sĩ [29] với Việt sử tiêu án

Nguyễn Hoản [30] và Phan Lê Phiên [31] đều có Đại Việt lịch triều đăng khoa lục.

  • Thời này cũng xuất hiện những tác phẩm văn chương chữ Nôm của Đạo Công giáo, như đã nói, và tác phẩm Hán Nôm giá trị nho giáo như:
  • Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn.
  • Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề [32]
  • Sãi vãi truyện thơ nôm của Nguyễn Cư Trinh [33]
  • Cung oán ngâm khúc 
  • Ôn như thi tập của Nguyễn Gia Thiều [34]
  • Hoa tiên truyện của Nguyễn Huy Tự [35]
  • Tụng Tây hồ phú và Cung oán thị của Nguyễn Huy Lượng [36]cũng rất nổi tiếng.
  • Thi tập ngẫu hứng thì có thật nhiều, nhất khi tác giả đi sứ:
  • Sứ hoa thi tập và Vạn thọ thánh tiết khánh hạ thi tập của Phùng Khắc Khoan [37] nổi tiếng. TậpVạn thọ có lời tựa của Sứ giả Triều Tiên Lý Chi Phong.
  • Trúc Ông phụng sứ tập của Đặng Đình Tướng [38]
  • Hoa trình thi tập của Nguyễn Quí Đức [39]
  • Mặc ông sứ tập của Đinh Nho Hoàn [40]
  • Sứ hoa tùng vịnh của Nguyễn Kiều [41] và Phó sứ Nguyễn-Tông-Quải

v.v.… đều gợi lên thời kỳ thi văn rộ nở.

Độc loại về Y học phải kể tác phẩm thiên tài y khoa Lê Hữu Trác [42] với bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh.

2.6. Tư tưởng và tôn giáo

Chúng ta đã nói: Tư tưởng và Lý tưởng Nho giáo suy thoái. Thời tự chủ mà người cùng dân tộc tranh giành quyền bính này, người ta tìm lẩn trốn, hoặc tìm lại nguồn gốc thần thiêng cội nguồn dân tộc để sống và để an tâm:

– Người ta tìm lẩn trốn

Vì thế sáng tác ra những thơ phú truyện, thưởng thức quang cảnh thiên nhiên và hưởng nhàn,

Vì thế tư tưởng Đạo giáo phổ biến.

– Người ta tìm hòa giải

Nên Đạo Nội phát triển, nhất là sùng kính Tứ bất tử. Nên nhớ rằng Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan được thuật lại như người đầu tiên được thánh mẫu Liễu Hạnh hiển linh và trao sứ mạng phổ biến việc lập đền, tôn thờ thánh mẫu này [43].

Vì chiến tranh khiến ai cũng cảm thấy cái chết bất ngờ có thể tới, người ta trở về với tín niệm hồn bất tử, nên việc lên đồng và thờ cúng vong linh thịnh hành. Việt Điện U Linh tập của Lý Tế Xuyên vàLĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh, Kiều Phú cũng ở trong vùng tư tưởng tôn giáo này.

KITÔ giáo là một yếu tố rất mới lan tỏa thời này.

Với giáo thuyết tin yêu Thiên Chúa và đồng loại, Kitô-giáo nhẹ nhàng vào Việt Nam từ hồi nào không rõ. Thời Lê Huyền Tông 1663-1671 mới để lại dấu vết của sử thần (nha Nguyễn) là hai lần vua hạ lệnh cấm Đạo, một Đạo đã truyền vào ba tổng thuộc hai huyện Trung Châu Bắc Việt (Nam Định ngày nay). Nhưng tới Mạc Lê-Trinh và Nguyễn chúa thì người ta lại thấy có những quốc thư gởi Macao hoặc Roma để xin nhà truyền Đạo. Đây đó, người ta đã thấy những thánh đường Công Giáo và những nghi lễ thờ kính Chúa, nghi lễ hiếu hỉ cho người theo đạo, rất được dân ta trọng vọng…Rồi lại có những lần chính quyền trục xuất người truyền đạo và cấm dân theo đạo.

Ngoài những kinh sách truyền đạt giáo lý, Văn chương quốc âm phải kể những ca vãn song thất lục bát của công giáo, những truyện các thánh và sách “gương tội”, “gương phúc”, “truyện Thày Lazaro Phiên” đã khai sinh dòng văn xuôi quốc âm, một thể loại độc đáo chỉ gặp thấy nơi “nhà đạo”. Một mai, nếu được tái xuất, những tác phẩm thi văn chữ nôm của Linh mục Lữ Y Đoan và công nương Catarina chị chúa Trịnh sẽ chói sáng.[44]

Chỉ cần đọc Bài Giảng Trên Núi của sách Tin Mừng theo Matthêu hoặc một tác phẩm nào trong Tân Ước cung thấy được rằng đạo lý Kitô giáo thật sự đáp ứng mong muốn mãnh liệt của nhân dân Việt Nam trong triều chính “huynh đệ tương tàn” đó. Những tín đồ đầu tiên của Kitô giáo thật sự đã đem vào Văn Hóa Việt Nam nhiều yếu tố mới .

Như thế, thời này có thể băng hoại về kinh tế và chính trị, nhưng tận thâm tâm người dân Đại Việt vẫn thành tín và trân trọng Trời, Đất, Con Người và vạn vật.

[ 39 ] Văn hóa Việt Nam thời Nguyễn

taysonMột nhóm người Đàng Trong tại Tourane tức Đà Nẵng thời Tây Sơn-Tranh của họa sĩ người Anh William Alexander

Về bờ cõi giang san, Nguyễn Gia Long đã thu phục được rộng hơn bao giờ hết ; nhưng về văn hoá, Nguyễn triều có mang lại được gì tốt đẹp hơn hoặc khôi phục được những giá trị cổ truyền từ thời Lý Trần ?

1. Bối cảnh lịch sử xã hội

Năm 1786, Nguyễn Ánh đánh bật Nguyễn Lữ khỏi vùng Gia Định [45]. Liền bốn năm sau đó, ông luôn luôn tổ chức những “trận giặc mùa”: lợi dụng gió mùa để kéo hải thuyền ra tấn công Nguyễn Nhạc. Tháng 3 năm 1799, ông hạ Qui Nhơn và đổi là Bình Định.

Tháng 6 năm 1801, Nguyễn Ánh đánh bật triều đình Tây Sơn của Nguyễn Quang Toản và chiếm lại Phú Xuân. Một năm tiếp theo là những bước tiến thần tốc, như không có gì cản trở được, vì thế, tháng 7.1802 Nguyễn Ánh đã là ông vua một nước Việt Nam thống nhất lớn hơn bao giờ hết trong lịch sử Đất Nơ]sc ta.

Triều Nguyễn Phúc này sẽ kéo dài qua hai giai đoạn rất khác nhau mà tồn tại tới 143 năm [46]:

  • Giai đoạn đầu: 1802-1884

82 năm các vua nhà Nguyễn mặc tình thi thố tài năng cai trị một nước Việt Nam độc lập, với vài người Âu cố vấn.

Thực ra, ngay từ đầu, vẫn phải chịu ảnh hưởng của Trung Hoa. Lê Quang Định được cử làm chánh sứ sang Trung Hoa xin phong vương và nhìn nhận tên nước là Nam Việt. Năm Giáp Tí [47], Thanh triều mới cử Tề Bồ Sâm, Án sát Quảng Tây, sang phong vương cho Gia Long Nguyễn Ánh, và đặt tên nước là Việt Nam. Vì Nam Việt của Triệu Đà xưa gồm cả một phần Nam Trung Hoa. Thế kỷ XIX năm Bính Dần[48] tại điện Thái Hòa, Gia Long chính thức xưng Đế.

Thực ra, năm 1858 Pháp bắt đầu kế hoạch thực dân, năm 1862 chúng chiếm ba tỉnh miền Đông. Sau năm năm [49], triều Nguyễn đã phải ký thỏa ước nhường trọn sáu tỉnh miền Nam Việt Nam, nơi đã từng là đầu cầu cho quân Nguyễn về tấn công khôi phục toàn quốc. Từ 1873, Pháp lại biểu lộ dã tâm chiếm toàn quốc Việt Nam khi tấn công Hà-Nội.

Dầu sao, cho tới hòa ước Patenôtre Pháp ký với triều Nguyễn [50] và Hòa ước Thiên Tân Pháp ký với Thanh triều, thì trên pháp lý, triều Nguyễn mới đánh mất chủ quyền độc lập của Việt Nam [51] và phải điều hành đất nước theo cây gậy lãnh đạo của Thực dân Pháp.

  • Giai đoạn thứ hai: 1884-1945

Điểm chung của giai đoạn này là thực quyền của người Pháp trên quyền hành vua quan.

Nếu nhìn qua lăng kính dân tộc, người ta có thể coi như hai chặng:

  • 1884-1916: bảo vệ chủ quyền hoàng-việt, Hoàng đế, thí dụ Hàm Nghi, Duy Tân; triều thần cũng còn nhiều cương quyết bảo vệ chủ quyền cho dân tộc hoặc cho vua.
  • 1916-1945: cố giữ ngai vàng. Vua không còn thực quyền nào, nhưng vẫn gắng giữ ngai vàng, dù phải hy sinh hết quyền lợi của nhân dân. Đó là khi Đồng Khánh và Bảo Đại sợ mình đi phải vết xe Duy Tân.

Gia Long từng theo luật Thanh triều, giành quyền lo cho dân nước; nhưng khi triều đình càng yếu nhược, nhân dân càng cảm thấy mình có nhiệm vụ bảo vệ nòi giống: các đảng phái chính trị đứng ra tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh, và họ có cách làm của họ, kiên trì mãi tới thành công.

2. Những đặc điểm văn hóa thời Nguyễn

2.1. Phục hưng và thanh lọc văn hóa Nho giáo

Ngay từ năm Canh Tí, 1780, khi chưa tiến qua được vương quốc Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã mở khoa thi Hương tại Gia-định. Vậy mà khi thống nhất giang san rồi, các vua nhà Nguyễn cho tuyển sinh đậu rất ít, để tìm thực lực và lấy lại giá trị cho khoa bảng.

2.2. Văn chương chữ Nôm

Cựu Hồ Nguyễn Tây Sơn, cũng giống như nhà Hồ trước đây, chủ trương dùng chữ Nôm để toàn dân có thể thưởng thức được nội dung các bản văn triều đình và xã hội, cũng như thưởng thức những công trình thi văn của người mình. Triều Tây Sơn phù du qua giòng lịch sử, triều Nguyễn Phúc cố lập lại thượng phong Nho-học, nhân dân chúng ta cũng gặt hái được những tác phẩm giá trị bậc nhất của văn chương chữ Nôm, như:

  • Đoạn trường Tân Thanh của Nguyễn Du
  • Thơ của Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan
  • Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu
  • Các thể loại thi ca của nhiều nho sĩ như Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Cao Bá Nhạ, Trần Tế Xương v.v.

2.3. Văn chương quốc ngữ và tính phổ biến văn học

Thứ chử mà văn nhân thi sĩ trong dân chúng ta dùng cả ngàn năm, chỉ là chữ Hán. Thứ chữ mấy trăm năm lưu dụng trong cả xã hội và tôn giáo, trong cả những tác phẩm giá trị thật cao, vẫn chỉ là chữ Nôm. Còn thứ chữ mới, chính thức được phổ biến từ ông vua cuối triều Nguyễn, liền được coi là QUỐC NGỮ ! Thực không nhờ quyền lực và thế lực nào hơn là do giá trị nội tại của loại mẫu tự Việt-hóa từ La-tinh này với cách kết cấu rất khoa học nhưng đơn giản, mà những thế hệ truyền đạo Thiên Chúa đã dầy công tạo hình cho nó.

Với thứ văn tự này, người Việt Nam chỉ cần học ít tháng là có thể đọc tất cả các sách và viết ra mọi cảm nghĩ của mình, thay vì mất cả chục năm như thời học Hán Nôm.

Tứ đó, tỉ lệ người bình dân biết đọc biết viết tăng vọt với cấp số nhân. Những nhà văn, nhà thơ quốc ngữ vừa đông, vừa gồm mọi lứa tuổi và địa vị xã hội.

Cũng do đó, chữ quốc ngữ góp phần rất lớn trong tiến bộ xã hội của dân tộc ngay từ thời Nguyễn.

2.4. Học chánh

Trước hết Học chánh triều Nguyễn tự chủ vẫn là NHO HỌC. Chỉ khi chịu Bảo Hộ, việc học mới đổi sang Tân Học và Chữ Quốc Ngữ.

2.4.1. Nhìn chung

Nhà Nguyễn phục hưng và ủng hộ Nho giáo, để tổ chức mọi tầng lớp xã hội hướng về hoàng đế và tùy thuộc triều đình. Chính vì thế mà

  • Triều Nguyễn, ngay từ khi chưa thống nhất giang san, đã mở các khoa thi để tuyển chọn người có học; nhưng trải qua hàng thế kỷ “lính vua, lính chúa, lính làng…” đâu còn được bao nhiêu thanh niên, càng không còn mấy người có học. Tất nhiên người đậu không nhiều và khó có người xuất sắc. [52]
  • Nguyễn Ánh thu dụng nhiều danh nho của thời Lê – Trịnh – Tây Sơn như Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhậm, La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích.
  • Nhà Nguyễn thống nhất giáo dục và thi cử, sửa lại các luật thi cho thống nhất và nghiêm minh, sửa lại học vị.

Người đậu thi Hương được gọi là Cử Nhân, được ghi danh vào Hổ Bảng [53], được cấp thẻ đồng, dự yến Lộc Ninh và đương nhiên được vào kinh dự thi Hội.

Nếu trong kỳ thi Hương, ai chỉ đậu 3/4 thì được gọi là Tú Tài, ghi danh ở Mai Bảng [54], dự yến Lộc Ninh, nhưng không được thẻ đồng và không được dự thi Hội. Muốn vào thi Hội thì năm sau phải thi và đậu Hương thí.

Thi Hội có đậu Chánh bảng thì sau đó mới được vào thi Đình, đậu Phó bảng thì không đuợc. Tiến sĩ hoặc người đậu đại khoa này được nêu tên trên Kim Bảng [55], cũng gọi là Long Bảng [56].

2.4.2. QUỐC TỬ GIÁM và QUỐC SỬ QUÁN

Nói chung, hai cơ quan này đã có từ trước, nhưng triều Nguyễn vẫn làm mới lại:

a/ Quốc tử giám

Lý Nhân Tông [57] đã khai sinh Quốc tử giám năm 1076 với ba quan chức: Tri giám, Quốc tử giám tế tửu và Quốc tử giám tư nghiệp.

Gia Long đệ tam niên [58], Quốc tử giám được thành lập ở Huế với hai quan chức: Chánh Đốc học và Phó Đốc học.

Quốc tử giám thời Nguyễn qui tụ những ai?

Sai chọn con em của các nhà tôn thất từ 10 tuổi trở lên và từ 15 tuổi trở xuống cho được vào học tại nhà Quốc tử giám” [59]. Thực ra, người được qui tụ về Quốc tử giám không đông, nhưng ảnh hưởng khuyến học của nó thì lan ra cả nước.

b/ Quốc sử quán

Cơ quan này chịu trách nhiệm biên soạn và lưu trữ mọi tài liệu liên quan đến nhà nước. Triều Trần đã lập Quốc sử viện từ sáu thế kỷ trước và đã tuyển chọn được nhân tài để làm việc trong cơ quan này:

Mùa Xuân, tháng Giêng năm Nhâm Thân [60] quan giữ chức Hàn Lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu là Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt Sử Ký chép sử từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển, đem dâng lên, vua xuống chiếu khen ngợi.” [61]

Gia Long lập Quốc Sử Quán, nhưng công trình xây dựng chỉ hoàn thành năm 1821, thời Minh Mạng. Chính ông vua này đích thân đến kiểm nhận công trình và cho khắc bia đá trước cổng: Khuynh Cái Hạ Mã.

Dù bạn là quan chức, qua đây Bạn phải xuống ngựa và nghiêng lọng.

Nhìn qua các chức vụ cũng thấy tầm quan trọng người xưa đặt ở Quốc Sử Quán: 1 Tổng tài, 1 Phó Tổng tài, 10 Toản tu [62], 25 Biên tu [63], 5 Hiệu Khảo [64], 12 Thu Chưởng [65], 8 Đằng Lục [66]. Số nhân viên có thể thật đông, theo nhu cầu.

Đây là một trong những cơ quan còn để lại nhiều tài liệu văn hóa thật quí, bởi họ đã làm việc nhiều. Thí dụ:

  • Kêu gọi và sưu tầm tài liệu sách vở trong toàn quốc
  • San định, nhuận sắc và cho khắc in nhiều thư tịch cổ. Thí dụ bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [67].
  • Biên soạn nhiều công trình lớn, thí dụ:
  • Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (52 quyển)
  • Đại Nam thực lục (453 quyển)
  • Đại Nam liệt truyện (87 quyển)
  • Tạo thành phong trào học tập, nghiên cứu sâu rộng. Từ đó có được những nhân tài lớn, như nhàbách khoa toàn thư Phan Huy Chú (1782-1840), người để lại nhiều tác phẩm lớn như:
  • Lịch triều hiến chương loại chí (49 quyển)
  • Hoàng việt địa dư chí (2 quyển)
  • Lịch đại điển yếu thông luận…

2.5. Thi xã

Chúng ta đã biết Tao Đàn, nhị thập bát tú của Lê Thánh Tông, thế kỷ XV, là một thi xã. Chiêu Anhcác của nhóm Mạc Thiên Tứ, thế kỳ XVIII, cũng là một thi xã. Chúng ta nhắc qua Bình Dương thi xãrồi Bạch Mai thi xã thời Nguyễn.

  • Bình Dương thi xã khi chào đời, sau ngày Gia Long lên ngôi, mang tên Sơn Hội ở Gia Định; nhưng nó nổi tiếng từ khi đã là Bình Dương Thi xã với điểm tụ Gò Cây Mai:

Gò Cây Mai nằm về phía nam Trấn thành[68], cách trấn thành ba mươi dặm rưỡi. Nơi đây đất nổi gò cao, trên gò ấy có nhiều cây mai thuộc giống Nam Mai, gốc và cành rườm rà, nhưng khi nở ra, cánh hoa không có tuyết, chỉ có lá đỡ và mùi thơm mà thôi. Thứ hoa này thụ bẩm được linh khí mà sinh ra, cho nên, không thể đem trồng ở nơi khác được. Trên Gò Cây Mai có ngôi chùa gọi là chùa An-Tôn. Từ nơi đây, đêm đêm vang lên tiếng đọc kinh, ngày ngày có chuông sớm trống chiều rền trong mây khói, cảnh sắc thật thanh u kỳ lạ. Dưới Gò Cây Mai lại có con suối chảy quanh, các cô gái chiều chiều chèo ghe nhỏ đi hái sen. Những khi có tiết đẹp thì văn nhân tài tử rủ nhau mang bầu rượu túi thơ, leo lên trên gò mà ngâm vịnh xướng họa. Dưới gốc mai, thơ và hoa cùng thi tỏa hương nồng, đó quả là thắng cảnh của du khách.”[69]

Thật nhiều người tham gia thi xã này, nhưng nổi nhất hẳn là Gia Định tam gia : Trịnh Hoài Đức, Ngôn Nhân Tĩnh và Lê Quang Định.

Bạch Mai thi xã ra đời nửa thế kỷ sau Bình Dương thi xã. Tụ điểm chính vẫn là Gò Cây Mai;nhưng nội dung thi ca thì khác lắm rồi, vì vương quyền nhà Nguyễn và chủ quyền dân tộc bị đe dọa nặng nề. Tác phẩm chủ yếu văn Nôm của những người tiêu biểu như Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân, Huỳnh Mẫn Đạt…

Bạch Mai thi xã tan rã cùng với thành Gia Định thất thủ ngày 17.2.1859.

Nói chung, khi phục hưng và chấn chỉnh việc học Nho và đạo Nho, nhà Nguyễn đã nhắm tới lợi ích phổ biến “Trung Quân” Chính các nho sĩ ở khắp nơi và trong mọi giai tầng nhân dân sẽ theo và đòi hỏi người khác theo khuôn thước nho giáo: Tam Cương, Ngũ Thường. Thế là thêm vào Hình Luật Gia Long, có Nhân-trị của đạo nho.

3.Tổ chức Hành chánh

Đạo nho làm nên nét văn hóa tinh thần, tổ chức hành chánh làm nên văn hóa xã hội và vật thể.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, nhà Nguyễn tổ chức hành chánh dưới triều đình: Tỉnh xuống Phủ xuống Huyện xuống Tổng xuống Xã xuống Thôn Làng.

Chính quyền các cấp dưới huyện đều do dân cử; triều đình không bổ, mà chỉ nhìn nhận. Trung ương cũng chẳng cần “xuống nắm địa phương”. Tất nhiên mỗi cấp dưới cũng chịu ảnh hưởng quyết định của cấp trên.

Tại mỗi thôn làng, nhà Nguyễn cũng cho xây Đình, vừa làm nơi nhắc nhớ anh hùng liệt nữ, những ân nhân của làng, vừa là nơi tụ họp hội hè và bàn bạc việc chung lớn nhỏ.

Hai nét đó đủ cho thấy “cái ách” triều đình nặng nhẹ tuỳ tinh thần địa phương. Thực chất thì chính quyền không có thủ đoạn bó dân hoặc “bàn tay sắt bọc nhung”.

4. Tôn giáo

Nho giáo là chính đạo của triều Nguyễn. Bên cạnh đó, triều đình không có vấn nạn nào về Phật giáo, Lão giáo và nhất là Đạo Nội, ngoài ra việc gắng quy tụ dưới quyền hoàng đế.

Khi kiến thiết kinh thành Huế, Triều đình cũng quan tâm tới đàn Nam Giao. Việc nhà vua thay toàn dân tế Trời là theo tinh thần phổ quát cổ thời. Nhà Nguyễn đưa vào pháp luật. Việc tế giao cũng được qui định rất trang trọng [70]. Thêm vào đó là những qui định để tôn giáo ủng hộ chính quyền. Vì thế, nói chung các vua Nguyễn đề phòng Thiên Chúa Giáo, dầu chính nhờ một vị Giám mục trong tôn giáo này mà Gia Long gượng lại được trước những đòn chí mạng do Tây Sơn.

Ủng hộ Đạo Nội, tiếp nối thêm việc tôn sùng Thánh Mẫu miền Nam với thần tích và đền thờ Bà Đen. Ngay ông vua cuối thời độc lập nhà Nguyễn là Tự Đức, ông vua sùng Nho, cũng “can thiệp vào tất cả các đền thờ bằng cách gia phong cho tất cả các thần trong nước…”[71]

Chúng ta cũng biết chuyện Nguyễn Công Trứ được dân Kim Sơn Tiền Hải ở Ninh Bình và Thái Bình lập miếu “thờ sống” vì công khẩn điền lập ấp, mà bị triều Nguyễn giáng chức và triệu hồi…

Nói chung, cũng như trong mọi chính thể tập quyền, Văn Hóa bị chính quyền mưu đồ nắm giữ, nhưng đó vẫn là của Toàn Dân. Cũng chính vì chủ trương tập quyền, mà triều Nguyễn công khai cấm Đạo Thiên Chúa gay gắt và lâu dài hơn hết. Mà một trong những lầm tưởng chính là coi Thiên Chúa Giáo như phát xuất từ Âu châu Đồng thời khẳng định rằng không theo lệnh vua mà bỏ Đạo là coi thường triều đình. Đối lại, một số thừa sai hiểu lầm răng “ đạo hiếu” là tôn giáo và do đó “thờ ông bà cha mẹ” là “đa thần, là mê tín”. Từ sai lầm đó, phía chính quyền nghiêm trị, phía giáo dân cho rằng mình phải làm chứng cho sự thực :” Một Thiên Chúa duy nhất được tôn thờ ; dù biết ơn và tôn kính, người không thờ người”.

Lm. Nguyễn Thế Thoại

———————–

[1] Đó chính là Tiến sĩ Lý Trần Quán 1735-1786
[2] Ám chỉ Bùi Huy Bích
[3] Tây Sơn
[4] KĐVSCM. Chính biên, q. 44, tờ 21
[5] Năm 1601
[6] 1613-1635
[7] 1635-1648
[8] 1771
[9] Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng “Các Triều đại Việt Nam”, 1995, tr. 218-219
[10] Nguyễn Huệ mất ngày 16.9.1972; Nguyễn Nhạc 1793
[11] 1556-1573
[12] 1599-1619
[13] 1691-1725
[14] 1725-1738
[15] 1738-1765
[16] 1741
[17] Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, q. 39, tờ 1
[18] 1748
[19] KĐVSCM. q. 40, tờ 25
[20] 1760
[21] KĐVSCM. q. 42, tờ 8
[22] Ca dao
[23] KĐVSCM. Chính biên, q. 42, tờ 9 và 10
[24] 1775
[25] KĐVSCM. Chính biên, q. 44, tờ 27
[26] Phan Huy Chú, “Lịch triều hiến chương loại chí”, khoa mục chí.
[27] 1621-1681
[28] 1708-1775
[29] 1726-1780
[30] 1713-1792
[31] 1735-1809
[32] Năm quyển dã sử giá trị
[33] 1716-1767
[34] 1741-1798
[35] 1743-1790
[36] ?-1808
[37] 1528-1623
[38] 1649-1735
[39] 1648-1720
[40] 1671-1716
[41] 1695-1752
[42] 1720-1792
[43] Xin đọc thêm Tôn giáo học của Nguyễn Thế Thoại
[44] Xin đọc thêm trong “Lịch sử văn học Công Giáo VN.”cúa Võ Long Tê, NXB.Tư Duy.1965 hoặc “Công giáo trên Quê hương Việt Nam” q.1. Nguyễn Thế Thoại
[45] Đông Định Vương Nguyễn Lữ mất tại Qui Nhơn 1787
[46] 1802-1945
[47] 1804
[48] 1806
[49] 1867
[50]    1884
[51] 1965 thời Paul Ely toàn quyền cuối cùng, Pháp mới trao trả độc lập Việt Nam cho chính phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm.
[52] Thời đó “khuê môn bất xuất”, không có nữ thí sinh!
[53] Bảng có vẽ hình con cọp
[54] Bảng vẽ cành mai
[55] Bảng vàng
[56] Vì vẽ con rồng
[57] 1072-1127
[58] 1804
[59] Đại Nam thực lục, chính biên, đệ nhất kỉ, q.14
[60] 1272
[61] Đại sử Ký Toàn Thư, bản kỷ, q.5, tờ 33a
[62] Chịu trách nhiệm duyệt xét các bản Biên tu chuyển đến
[63] Chịu trách nhiệm trực tiếp biên soạn
[64] Tập hợp hoặc xác minh một số tư liệu nào đó
[65] Lo các việc hậu cần
[66] Chép lại bản thảo cho đẹp
[67] Đã in năm 1697
[68] Phiên trấn Gia Định
[69] Trịnh Hoài Đức, “Gia Định thành thông chí”, q.2, “Sơn xuyên chỉ”
[70] Xin coi lại “Tôn giáo học”, cùng người viết.
[71] Nguyễn Thế Thoại, “Tôn giáo học”, chương 12 “Thờ Thần ở Việt Nam”