Văn hóa Việt nam – Phần XII
7.
VĂN HOÁ ĐÔNG SƠN
và thời SƠ SỬ Việt Nam
“… Những vật dụng đã được đào lên và đem phân tích trong năm năm qua cho ta thấy rằng Con Người ở đây đã bắt đầu trồng cây, làm đồ gốm và đúc đồ dùng bằng đồng sớm hơn hết thảy mọi nơi trên trái đất… sớm hơn các dân tộc Cận Đông, Ấn Độ và Trung Hoa tới cả mấy ngàn năm”[1]
[ 25 ] Văn hoá Đông Sơn
Người ta thường nhận thấy ngay những trái thơm chĩu nặng cành, hoặc những bông hoa rực rỡ… rồi một số người mới chú trọng tới cây, tới gốc rễ và mầu đất trồng. Với văn minh và văn hoá cũng thế. Người ta tham quan những toà nhà hiện đại hoặc vài di tích hoang tàn, người ta thưởng thức chèo cổ, hát quan họ, thậm chí truyện cổ và truyền thuyết…. Còn lâu người ta mới tìm tới xã hội và văn hoá của những thành tựu đó.
1. Địa điểm
Hàng thế kỷ rồi, người ta nói đến trống đồng với thời văn hoá đồ đồng một cách mơ hồ, giả định. Chỉ mới mấy chục năm gần đây, khảo cổ mới đi tìm gốc rễ thời phát sinh kỹ nghệ luyện kim và đúc đồng, cũng như tìm cái nôi của nghề này.
Ngày nay gần như tuyệt đại đa số các nhà khảo cổ và tiền sử học đồng ý rằng: Cái nôi đó là vùng Đông Sơn và khai sinh chừng bốn năm thiên niên kỷ:
“Kỹ thuật luyện kim, đúc đồng của người Đông Sơn đã đạt đến trình độ điêu luyện đáng kinh ngạc. Trống đồng, thạp đồng là những di vật tiêu biểu nhất cho trình độ kỹ thuật và bàn tay tài hoa của những người thợ đúc Đông Sơn. Đỉnh cao không thể phủ nhận này đã khiến, trước đây, nhiều học giả phương Tây không thể tin vào nguồn gốc bản địa của văn hoá Đông Sơn nói chung, kỹ thuật luyện kim Đông Sơn nói riêng. Họ đi tìm nguồn gốc ở tận đất Trung Nguyên phương Bắc, thậm chí còn tìm ở nơi xa tít bên trời Tây…. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học vài thập kỷ qua đã chứng minh rằng nghề luyện kim đồng thau đã ra đời ở đất này từ rất lâu trước sự ra đời của văn hoá Đông Sơn. Luyện kim Đông Sơn là sự phát triển kế tục, không đứt quãng của luyện kim các giai đoạn văn hoá Tiền Đông Sơn” [2]
Định vị nền văn hoá Đông Sơn qua sản phẩm Trống Đồng, một chuyên viên Á Đông học của Nga là G. Stratanovich đã viết:
“Bốn kiểu trống đồng Đông Sơn mà các nhà nghiên cứu khác nhau đã phân ra và ba kiểu chuông Bắc và Tây Bắc của tôi thực ra chỉ là những biến thể của cùng một loại sản phẩm từ cùng một vùng sản xuất đồ đồng lớn nhất. Vùng này có thể hình dung dưới dạng một tam giác lớn, hai điểm tận cùng của cạnh đáy là Đông Sơn ở phía Đông và Mogaung (thuộc Bắc Mianmar… TNT.) ở phía Tây. Đỉnh của tam giác nằm ở sông Dương Tử, trong khoảng giữa hồ Động Đình và hồ Poan” [3]
2. Thời điểm
Văn hoá Đông Sơn được đặt vào điểm thời gian nào? Xã hội con người sống và tiến hoá, thành quả là văn hoá. Từ Văn hoá đồ đá, con người khám phá thêm công dụng của đồng và nghề đúc đồng từ từ hình thành khi dụng cụ đá mài đã thật trau chuốt.
Reina cho rằng: “Niên đại của Văn hoá Đông Sơn giờ đây được đẩy về khoảng giáp ranh giữa thiên kỷ III – II trước Công Nguyên” [4]
Chesnov nhìn về xa hơn: “Gần đây nhất, việc phân tích kỹ thuật luyện kim ở những đồ đồng vùng Kavkaz đã cho những kết quả thật bất ngờ rằng chúng ta chịu ảnh hưởng của những trung tâm luyện kim vùng núi Đông Dương, nơi mà, theo những kết quả đào xới gần đây, đồng đã tồn tại ít nhất là từ thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên ”.
Nhóm Trần Độ thì muốn bao gồm luôn thời gian, mà thu gọn luôn ranh giới cho tiện hoặc cho niềm tự hào dân tộc:
“Quá trình phát triển văn hoá liên tục từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn được một số nhà khảo cổ học gọi là văn minh sông Hồng, văn minh của người Việt cổ.
Bằng phương pháp carbonic phóng xạ C.14 đã xác định quá trình phát triển này diễn ra từ cuối thiên niên kỷ thứ III trước công nguyên đến buổi đầu công nguyên phản ánh quá trình hình thành Nhà nước đầu tiên của dân tộc ta: Nước Văn Lang của các Vua Hùng”. [5]
[ 26 ] Con người của văn hoá Đông Sơn
Con người của văn hoá Đông Sơn là con người chúng ta chỉ mới gặp trong truyền thuyết.
1. Con người truyền thuyết
Theo Hồng Bàng Thị, một truyện trong tập Lĩnh Nam Chích Quái, thì Vua xứ Nóng – tức Viêm Đế Thần Nông – có người cháu ba đời là Đế Minh. Đế Minh đi tuần thú đến núi Ngũ Lĩnh (Hồ Nam), gặp và ăn ở với một nàng con bà Vũ Tiên núi Ngũ Lĩnh, sinh ra Lộc Tục. Khi Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc thì Lộc Tục, người con của dòng giống đồng ruộng và núi rừng lên ngai vua phương Nam vào khoảng năm Nhâm Tuất 2879 trước công nguyên. Lộc Tục nhận đế hiệu là Kinh Dương Vương. Ông vua thứ nhất của họ Hồng Bàng này đặt tên nước là Xích Quỉ [6]. Nước Xích Quỉ Bắc giáp hồ Động Đình, Nam giáp Hồ Tôn (thuộc Chiêm Thành), Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), Đông giáp Nam Hải.
Lãnh vực trên chúng ta đã biết chính là địa bàn của người Bách Việt, cũng là chủng Nam Á, những dân tộc sống gần gụi chúng ta, xuống cả các nước Đông Nam Á hiện nay, mà dân tộc Việt Nam chúng ta chính là Lạc Việt trong Bách Việt, là những chủ nhân của đất nước Văn Lang cổ đại.
2. Con người Văn Lang
2.1.Rồng Tiên
Truyền thuyết kể tiếp: Kinh Dương Vương, vua nước Xích Quỉ lấy Long Nữ, Công Chúa của Thần Long hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm. Khi Sùng Lãm lên ngôi xưng là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, cháu ba đời của Đế Minh, con gái Đế Lai, sinh một bọc 100 trứng, nở ra 100 con trai.
Vì di truyền đòi hỏi môi sinh dị biệt, 50 con theo cha Long Quân về Thuỷ phủ, 50 con theo mẹ Âu Cơ vẫn sống trên đất. Âu Cơ dẫn các con tới Phong Châu và trưởng nam được tôn vua, là vua Hùng Vương, là Lạc Vương, đặt tên nước là Văn Lang.
2.2. Từ truyền thuyết sang suy luận khoa học.
Giáo sư Trần Quốc Vượng viết: “Vua Hùng là một trong những con theo dòng Mẹ và được suy tôn làm quân trưởng, làm VUA (VUA, theo từ điển A. de Rhodes (1651) trước đây đọc là BUA = BÔ = PÒ. Người đàn ông được kính trọng, là bậc già cả, giầu kinh nghiệm). Sơn Tinh là một trong “trăm con” của MẸ ÂU – BỐ LẠC của tộc người Việt cổ.
Lý thuyết địa chính học hiện đại cũng cho ta biết: Gần như trên toàn thế giới Miền đồi trung du là xuất phát điểm địa lý (point de départ géographique) của sự hình thành nhà nước sơ khai – đầu tiên kiểu như nhà nước Văn Lang của các vua Hùng với cấu trúc phân tầng xã hội như sau:
Vua Hùng
Lạc Hầu
Lạc Tướng
Lạc Dân
Dân Lạc Việt cổ lúc ấy, theo thống kê có khoảng 1/2 triệu đến 1 triệu dân. Và tương quan tam giác tính từ quan hệ giai tầng xã hội Việt cổ Sơn Tây – Vĩnh Phú là
Lạc tướng – Lạc hầu
Lạc dân Lạc điền
Lạc điền – các dộc ruộng lúa ở Tây Sơn – Vĩnh Phú (cùng các nương rẫy trên đồi) vẫn là ruộng đất công. Lạc tướng coi như “Lang đạo”, quản lý dân và đất, thế kỷ VIII ở Đường Lâm Sơn Tây vẫn còn chế độ lang đạo: Quan Lang PHÙNG HƯNG (767-791). [7]
Nhân truyện “Vua Hùng kén rể ” giáo sư Vượng tiếp:
“Sơn Tinh là con của mẹ Âu Cơ, bố Lạc Long Quân, bố mẹ “ly thân”, chia 100 con làm đôi. Sơn tinh theo cha về miệt biển song rồi lại “nhớ mẹ” và ngược sông, ngược suối trở về Non theo Mẹ. Vua Hùng là người con trai trưởng của mẹ Âu Cơ. Huyền thoại – huyền tích ấy là biểu hiện của nguyên lý mẹ cội nguồn văn hoá Việt Nam. Và đồng thời nó cũng biểu hiện xuất phát điểm địa lý… của cộng đồng Việt – Mường chung làmiền núi đồi ven Tây Nam châu thổ với trung điểm Ba Vì.
… Sơn Tinh là con mẹ Âu, vua Hùng cũng là con mẹ Âu (loạt đầu). Thế mà về sau lại có “mô típ” Sơn Tinh lấy Ngọc Hoa công chúa, con gái vua Hùng thứ 18 !
- Về tư duy lịch sử, đấy là sự “thác ngộ thời gian” (nhầm lẫn thời gian – Anachronisme).
- Nhưng tư duy huyền thoại, tư duy huyền tích lại không phải là tư duy lịch sử, theo thời gian đắp đổi nối nhau (lịch đại). Cái thời gian của tư duy huyền thoại, huyền tích là Xuyên đại (panchronique), nói nôm na là “liền tù tì”, chẳng có trước, chẳng có sau, mọi tích truyện đều đặt trên cùng một bình diện thời gian, không phân biệt trước / sau, sau / trước.
Nhà khoa học duy lý thường “không chịu nổi” cái kiểu thức thời gian này. Vậy khi sử dụng tư duy duy lý để biện giải một huyền thoại – huyền tích như truyện Sơn Tinh thì cần cẩn trọng !
“Đọc” huyền tích này. Y như “đọc” huyền tích “họ Hồng Bàng” ta thấy:
Viêm đế Thần nông
‘
? = Đế Minh = Vụ Tiên nữ Động Đình quân
‘ ‘ ‘
Đế Nghi Kinh Dương Vương = Thần Long nữ
‘
Đế Lai = Âu Cơ = Lạc Long quân
‘ ‘
Đế Dũ các vua Hùng Sơn Tinh
‘ ‘
Chử Đồng Tử = Tiên Dung, Ngọc Hoa= Sơn Tinh, Thuỷ Tinh
Mô hình này “tố giác” rất nhiều “lộn xộn” trong “đại gia đình họ Hồng Bàng”, kể cả việc “loạn luân”, nếu ta chỉ quy chiếu vào hệ thân tộc phụ quyền kiểu Hoa Hạ. Vậy ở đây ta có thể “đọc ra” một thông điệp.
Người Việt cổ có hệ thân tộc khác người Hoa, kiểu Hán Thư viết: người Việt Âu, Việt Lạc “không biết đạo cha con, đạo vợ chồng (kiểu Hoa Hạ)”
Các nhà nho Việt Nam viết sử, đưa dã sử vào chính sử, đã cố “duy lý hoá” cổ sử Việt Nam theo kiểu Nho – Hoa, mà “không được”.
… Thực ra, ta có quyền nghi ngờ cái mô hình trên là một mô hình không dân gian, một mô hình được giới bác học VN dựa vào huyền tích dân gian phần nào rồi “phịa” thêm ra, để chứng tỏ “Nam Bắc cùng sánh vai” “vô tốn Hoa Hạ” (không thua kém Hoa Hạ), “bất dị Hoa Hạ” (không khác Hoa Hạ để bị Hoa Thượng xem là man di). Hai khái niệm “vô tốn”, “bất dị” là “chữ” của Lê Quý Đôn (XVIII), chứ Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo lại nhấm nhá vào hai chữ thù, dị (khác nhau giữa Nam và Bắc quốc).
Trong khoa Folklore học, như nhận xét của nhà Folklore học lớn nhất của Mỹ Alan Dundes, bao giờ cũng có Folklore thực và Folklore giả mà ông gọi là việc “chế tạo Folklore” (the Fabrication of Folklore) <…>
“Muốn tìm thấy dung mạo tương đối nguyên thuỷ của Đức Thánh Tản Viên, ai trong chúng ta cũng thấy cần đào xuống lớp trầm tích văn hoá Bua Pa Ví (Vua Núi) và Bua Khú (Vua dưới nước). Thần Núi và Thần Nước, cùng các thần Cây, thần Thú khác (đặc biệt là thần Hổ = Hùm = Khái) là các vị nhiên thần của thời đại Đông Sơn tiền Bắc thuộc.” [8]
Có những biểu hiện cho thấy giáo sư Trần Quốc Vượng đã hơn một lần muốn nhìn và nhận định như người trí thức, tìm sự thật lịch sử; nhưng lại cứ phải nói những gì “hiện là hữu ích”! Thí dụ về Hùng Vương và Văn Lang, ông viết:
“Từ năm 1968 tôi đã chủ trương rằng: Chỉ từ thế kỷ XV trở đi cho đến hôm nay, người Việt (Nam) mới thờ cúng Hùng Vương như vị Tổ của cả nước. Nói chính xác hơn, là từ khoảng thời Lê Thánh Tông, với một nước Đại Việt được tổ chức theo mô hình Nho giáo.
Trước thế kỷ XV, nghĩa là trong thời đại Lý – Trần, tôi đã “check in” (sưu tra) mãi, chỉ thấy có 01 tài liệu nói về vua Lý đi cúng tế Thánh Tản Viên (Sơn Tinh), tuyệt nhiên không có tài liệu nào khác nói các vua Lý – Trần đi giỗ Tổ Hùng Vương và coi đền Hùng là đền quốc tế.
Đây là sách Đại Việt Sử Lược (3 quyển), được coi là viết vào khoảng sau 1377, vì cuốn sách đó – được coi là sách tóm tắt cuốn Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, dâng vua Trần vào năm 1272. Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, như mọi người đều biết, chỉ viết sử Đại Việt mở đầu từ Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) cho đến hết thời Lý Chiêu Hoàng (1226).
Sách Đại Việt Sử Lược cũng vậy, nhưng ở cuối sách có một tờ phụ lục ghi danh sách các vua Trần, kết thúc ở “vua nay” (Kim Vương) là Đế Nghiễn (cũng là Trần Phế Đế). Nói cho cùng, Nguyễn Trãi khi viết về Bình Ngô Đại Cáo (1428) cũng không có trong tâm thức về “Hùng Vương dựng nước” vì rõ ràng, khi viết thay vua đầu triều Lê, cụ Ức Trai đã mở đầu là:
Duy ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang,
Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc,
Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương”
Tạm dịch xuôi:
Như nước Đại Việt của ta
Thật là một nước văn hiến
Từ Triệu Đinh Lý Trần bắt đầu xây dựng lên nước ta
Cùng Hán Đường Tống Nguyên, mỗi bên làm đế một phương.
Đến sách Dư địa chí (1435) Ức Trai mới viết về Văn Lang và Hùng Vương sau Bách Việt và Kinh Dương Vương………
Nhà Việt Nam học người Pháp, ông Henri Maspéro (xem Le Royaume de Văn Lang. BEFEO XVIII, Hanôi 1918) khi nghiên cứu tên 15 bộ (lạc) của nước Văn Lang đã cho rằng: Danh sách ấy là do sự hỗn tạp của nhiều tên châu-quận-huyện của các thời sau – phần lớn là thời thuộc Đường (VII-X) thêm vào – đó là mấy tên trong tập truyền, như Văn Lang – Việt Thường Thị…
Tên Việt Thường Thị… thì thấy có từ Sử Ký Tư Mã Thiên đời Hán (Hán Vũ Đế), cùng với tên Bách Việt.
Tên Văn Lang cũng chỉ xuất hiện trong sử sách từ đời thuộc Đường – Tống (Thông điển q.184) “Phong châu có khe Văn Lang” – Thái Bình hoàn vũ ký (q.170) “Huyện Tân Xương có thành Văn Lang”…
Gần đây, GS. Người Anh dạy ở Đại học Cornel (Mỹ), cụ O.V.Wolters trong bài “kể chuyện về sự sụp đổ của nhà Lý và sự hưng khởi của nhà Trần” (Cornel 91) đã ngờ rằng sách Đại Việt Sử Lược thời cuối Trần được sửa chữa lại trong đời Hồ (1400-1407).
Ở giới sử nước ta, người đầu tiên đưa Hùng Vương vào chính sử là Hồ Tông Thốc / Xác, với sách Việt Nam Thế Chí (đã mất). Ông (chưa rõ năm sinh, năm mất, xuất hiện trong sử sách năm 1372 với chức Hàn lâm viện học sĩ, rồi năm 1386, Hàn lâm viện phụng chí) biên soạn sách này vào năm nào không rõ, song theo Phan Huy Chú thì sách này có quyển I chép về thế phổ 18 đời Hùng Vương, quyển II mới chép nhà Triệu. Ông cũng là tác giả quyển Việt sử Cương mục (cũng đã mất).
Hiện tôi chỉ biết sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên đời Trần (1329) chép đến Hùng Vương qua truyện Tản Viên, chưa hề chép Đền Hùng hay nước Văn Lang thành một “truyện”.
Tên Văn Lang đầu tiên thấy chép ở sách ta cuối đời Trần ngoài Đại Việt sử Lược – đã dẫn trên – là ở trong thơ Phạm Sư Mạnh (chưa rõ năm sinh năm mất, đỗ Thái Học sinh đời Trần Minh Tông (1314-1329) năm 1345 đi sứ Trung Hoa….
Giáo sư O.W.Wolters đã từng hỏi tôi – từ 1981 – là: Vì sao Phạm Sư Mạnh hay nhắc đến Văn Lang?
Tôi trả lời: Ông làm tướng và làm thơ thời Trần Suy, Trần Mạt (Dụ Tông 1341-1357). Ông nhắc đến Văn Lang – thời Hùng như nhắc đến Một Thiên đường đã mất (Paradise perdu) – “thời vua tôi cùng cày, không đắp bờ phân ranh giới” như sau này Ngô Thì Sĩ (Việt sử tiêu án) chép! G.S. O.W.Wolters rất tâm đắc ý ấy của tôi…” [9]
Thế đấy ! Cần từ từ “giải huyền”.
Trong khi chờ đợi, mà phải nói đến Hùng Vương và Văn Lang, chúng ta cứ hiểu đó là những bậc tiền bối sống trên đất nước này và để lại di chỉ để chúng ta tìm hiểu văn hoá thời đó. Tuy vậy, không nên khẳng định thời Văn Lang – Âu Lạc đã Xác Lập bản sắc Văn hoá dân Việt !
3. Bờ cõi nước Văn Lang
Nước Xích Quỉ, như đã ghi trên, là cả vùng Giang Nam, tức phía Nam sông Dương Tử, nghĩa là gồm Hoa Nam, Việt Nam tới Nghệ Tĩnh (ranh giới người Chiêm). Đó là giang sơn của cả Bách Việt. Có ba cuốn liên quan đến cổ sử Việt Nam: Việt sử lược * Lĩnh Nam trích quái * Dư địa chí (Nguyễn Trãi) nói về 15 bộ của nước Văn Lang [10]. Đi về chi tiết thì có những địa danh dị biệt; nhưng tất cả đều không ra ngoài vùng đất mà ngày nay Quảng Tây và Việt Nam tới Hoành Sơn. Nói cách khác: Đất nước Văn Lang chỉ nằm trên phần đất Lạc Việt. Những truyền thuyết về Hồng Bàng và mười tám đời vua Hùng… cũng chỉ diễn trên giang sơn Lạc Việt.
[ 27 ] Nếp Sống văn hoá của người Văn Lang
Cũng như về lịch sử chính trị, những nét văn hoá thời sơ sử này còn thật là mờ nhạt.
- Về Xã hội – chính trị,
thông qua những truyền thuyết của 15 bộ lạc, người ta nhận thấy: “bộ lạc Văn Lang mạnh nhất. Bộ lạc này có vị thủ lĩnh tài ba, thu phục được các bộ lạc khác và trở thành thủ lĩnh, liên minh các bộ lạc rồi chuyển thành người cầm đầu cả 15 bộ lạc. Vị thủ lĩnh lỗi lạc ấy gọi là vua Hùng, cha truyền con nối.
Cả nước hồi ấy chia làm 15 bộ. Đứng đầu mỗi bộ là Lạc tướng, cũng cha truyền con nối. Dưới là các công xã nông thôn. Đứng đầu là bố chính (già làng). Mỗi công xã có một ngôi nhà chung làm nơi hội họp và sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng……. Họ bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, thấy được sức mạnh của cộng đồng trong việc làm thuỷ lợi, trao đổi sản phẩm và đấu tranh giữ gìn làng bản, đất nước”. [11]
Truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương vừa nói lên thực tế chống ngoại xâm, vừa nói lên niềm tin tưởng ở Trời.
2. Về nghề nghiệp,
Đại Việt sử ký toàn thư, ngoại kỷ (q.1) cho biết: Người nước Văn Lang từ văn hoá hái lượm đi lên, vẫn còn có NGƯ NGHIỆP: “Bị thuồng luồng làm hại, bạch với vua, vua bèn bảo người ta lấy mực vẽ hình thuỷ quái lên mình, tự đấy thuồng luồng không làm hại nữa. Cái tục người Bách Việt vẽ mình là bắt đầu từ đó”.
Những lời trên cũng như di chỉ khảo cổ cho thấy ngư dân có thể bắt đầu dùng thêm lao, lưới cá và ghe thuyền.
NÔNG NGHIỆP, người dân Văn Lang thời Đông Sơn làm nghề nông đã có những tiến bộ vượt mức như:
- Đa dạng hoá cây trồng, cây ăn trái cũng như các thứ rau, củ.
- Nghề trồng lúa nước hẳn là phải mở rộng diện tích và mở rộng kinh nghiệm gieo trồng lúa theo mùa.
- Nông cụ đã vượt xa đồ đá, những cuốc, xẻng, mai, lưỡi cày bằng đồng. Nghề chăn nuôi phát triển, người ta biết dùng sức trâu bò hỗ trợ và thay cho sức người.
- Thành công nông nghiệp, người ta cũng từ từ biết chế biến các nông sản làm thực phẩm và dụng cụ.
SÁNG CHẾ NÔNG CỤ của thời này còn để lại nhiều di tích. “Đó là đồ gốm trang trí đẹp, rìu tứ giác mài nhẵn (lưu vực sông Hồng), rìu bằng đá có nấc buộc cán (vùng Đông Bắc Bộ), bình gốm miệng vuông hay tròn có trang trí vỏ sò (Thanh Hoá), rìu có vai, đồ gốm đáy tròn có hoa văn (đồng bằng miền Trung). Đặc biệt là các loại hình công cụ bằng đồng, số lượng nhiều, kích thước lớn, kỹ thuật cao, trang trí phong phú, tiêu biểu là thạp đồng, nhất là trống đồng Đông Sơn.”
Những phẩm vật Đông Sơn của người Việt cổ mà bây giờ có thể coi là văn hoá Đông Sơn còn được chuyển đi xa hơn về phía Nam, ngoài phạm vi văn hoá Sa Huỳnh” (Hà Văn Tấn, sđd, trang 185) [12]
3. Về sinh hoạt thường ngày
Trước hết là ăn: Trồng được nhiều lúa tẻ, người Văn Lang Đông Sơn dùng cơm gạo thường ngày, thứ gạo lúa dài thành lúa tẻ, gạo tẻ, để đối lập với thứ gạo hạt tròn. Nếp, chính là thứ gạo hạt tròn, được coi là dẻo ngon hơn, nhưng sản xuất tốn kém hơn, nên chỉ dùng trong những ngày vui: tết, cúng, giỗ, lễ hội…. Những chiếc cối và cách giã gạo còn thấy rõ trên trống đồng và trong điệu múa cổ truyền.
Truyện Hồng Bàng ghi nhận: Người Văn Lang lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu, lấy gạo làm rượu, lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm. Những di chỉ văn hoá Phùng Nguyên đã cho thấy những chiếc bàn đá để đập vỏ cây làm sợi (dệt hoặc đan áo), những dụng cụ se chỉ….
Không di chỉ nào cho thấy y phục người Đông Sơn rõ hơn hoa văn trống đồng: Nam giới dùng khố đơn giản, có thể quấn khăn đầu và trang trí lông chim. Phụ nữ dùng váy tương đối ngắn, áo ngắn tay, có thêu thùa và dùng lông chim.
Người ta di chuyển đường bộ, khiêng, cáng võng, dùng trâu, bò, lừa và voi. Hoặc đường thuỷ trên những chiếc bè, chậm mà vững, trên những chiếc ghe có mắt chim hoặc đầu chim.
4. Về nghệ thuật và Tư duy
Hơn một bộ đàn đá đã khẳng định rằng những con người sống trên giang sơn này rất sớm phát triển về nghệ thuật âm thanh. Những di chỉ thời Đông Sơn như trống, sênh, phách, khèn… cùng những điệu múa thời Đông Sơn cho biết nghệ thuật âm nhạc đã phát triển mạnh.
Người ta đang nghiên cứu những mẫu tự của thời Văn Lang còn tồn tại nơi dân tộc Mường ở Thanh Hoá.
5. Về tín ngưỡng
Những huyền tích, huyền thoại và di chỉ về tín ngưỡng của người thời Đông Sơn thật không ít.
Chi tiết Lạc Long Quân thuộc giống Rồng trong truyện họ Hồng Bàng và phong tục vẽ mình… liên quan đến tục thờ vật tổ Rồng, tục thờ Rắn và những chuyện về thần Rắn cũng thế. Bọc trăm trứng của người Việt liên quan với chuyện Đẻ Đất, Đẻ Nước của người Mường (Thanh Hoá). Những chi tiết đó có thể chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, mà thời Lý Trần mới tô đậm để tỏ rõ “Nam quốc sơn hà nam đế cư ”.
Tục thờ vật tổ Chim và tôn kính vong linh tiền nhân thì nhất định có ngay từ đầu, như chúng ta đã nhìn qua thời Văn hoá Sơn Vi.
Hầu hết hoa văn trống đồng Đông Sơn đều nói lên những chi tiết về bái vật tổ CHIM. Niềm tin này phải chăng liên hệ với tên bộ tộc LẠC VIỆT, từ LẠC viết với bộ CHUY trong chữ Nho…. Những nét hoa văn đó với Thuyền Chim, có thuyền không người lái, thêm vào những di vật nói lên cách an táng người quá cố cho thấy người Văn Lang còn cảm nhận như vong nhân vẫn còn sinh hoạt và gần gụi bà con….
Những điểm trên làm nên một phần bản sắc văn hoá Dân tộc Việt Nam, giữa những nét giao lưu văn hoá.
Khảo tiền sử với những di chỉ cũng nhận ra tín ngưỡng thờ Mặt trời, thần nông, tín ngưỡng phồn thực như ở bao nhiêu dân tộc cổ thời…. Chung qui đó là những biểu hiện lòng biết ơn và cầu khấn tới Nguồn Gốc sinh thành và Nuôi Dưỡng con người và vạn vật.
Những chi tiết phản ánh giáo lý Phật, Lão trong truyện Chử Đồng Tử, cũng như bao chi tiết của “Lĩnh Nam Chích Quái” hẳn là được thêu dệt thêm vào sau này, trong thời kỳ giao lưu văn hoá với Trung Hoa và Ấn Độ.
Lm. Nguyễn Thế Thoại
[1] Giáo sư W.G.Solheim II tài liệu đã dẫn
[2] Gs. Hà Văn Tấn “Văn hoá học đại cương và cơ sở văn hoá. 1996
[3] Reina, Lịch sử văn hoá Á Đông, nxb. Ngày Nay, 1977
[4] nt.
[5] Trần Độ, sđd, trang 36
[6] Xích = đỏ = phương Nam, Quỉ = thần
[7] Trần Quốc Vượng VN. cái nhìn địa – văn hoá, trang 54-55
[8] Trần Quốc Vượng, trang 74-79
[9] Trần Quốc Vượng, sđd, trang 24-28
[10] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư sau này thì theo Dư địa chí.
[11] Quỳnh Cư – Đỗ Đức Dùng “Các triều đại VN”, trang 12
[12] Giáo sư Lê Văn Chưởng, sđd, 1999, trang 58