Văn hóa Việt Nam – Phần VIII

41

Văn hóa Việt Nam – Phần VIII

[ 17 ]     Người Thượng

Sống cùng với chúng ta trên giang sơn này, còn nhiều dân tộc thiểu số. Vì họ sống trên cao, nên chúng ta gọi họ là Thượng, hoặc “Thượng” có một nghĩa nào khác ? Hầu hết các tác giả nói về người Thượng, chỉ nói về họ với từng “dân tộc” trong hiện tình, mà không truy về nguồn gốc.

 Bình Nguyên Lộc cho chúng ta chỉ dẫn xa và sâu hơn:

“Ta có thể hiểu rằng người Thượng Việt là Mã Lai đợt I di cư bằng đường biển, cùng lúc với ta và chiếm địa bàn Trung Việt vì địa bàn Bắc Việt đã bị ta chiếm rồi.

Sứ Chiêm Thành nói rằng Chàm đã đánh đuổi thổ dân ở Trung Việt rồi lập quốc ở đó. Nhưng không có một ai mà biết thổ dân đó là ai cả, và rồi họ đi đâu.

Khi mà ta biết được rằng người Chàm là Mã Lai đợt II thì ta phải hiểu rằng dân ấy là Thượng Việt, chớ không còn ai vào đó nữa cả.

 Dựa vào nhạc khí thời Bắc Sơn ở Darlac, ta kết luận được rằng Thượng Việt làm chủ Trung Việt và Cao nguyên rất lâu đời, chớ không phải chỉ làm chủ Trung Việt mà thôi….

 Trạm Tam Toà không thể là dấu tích của đợt II, vì chỉ có đồ đá mài mà không có dụng cụ canh nông, cũng không thể là dấu tích của hai chủng Mê-la-nê và Negrito, vì hai chủng đó một quá kém cỏi, trên thế giới, nơi nào họ cũng không tiến lên đá mài được, đó là chủng Negrito, còn chủng Mê-la-nê thì riêng ở Việt Nam, chưa tiến lên thời đại đá mài.

 Chỉ có một nhóm người mới có thể là tác giả của những cổ vật Tam Toà, đó là Mã Lai đợt I. Nhạc khí Darlac và đồ đá mài Tam Toà, tuy chỉ là hai dấu vết nghèo nàn, nhưng đủ sức vẽ ra được lộ trình của Mã Lai đợt I.

 Darlac là địa bàn của Mã-Lai đợt I, nhưng ngày nay nó lại là địa bàn của người Rađê, tức Mã-Lai đợt II. Thấy quá rõ là Chàm, chẳng những đánh đuổi Mã Lai đợt I lên núi rừng, lại còn rượt theo họ nữa, và hai nhóm Rađê và Giarai là hai nhóm Mã Lai đợt II không lập quốc được như Chiêm Thành, vì ở núi rừng họ thiếu điều kiện hơn Chàm, nhưng thuở mới di cư đến Trung Việt thì Chàm, Rađê, Giarai đều có một nền văn minh giống nhau, đó là nền văn minh của Mã-Lai đợt II vào buổi ấy, mà có lẽ Radê và Giarai còn giữ cho đến ngày nay, không thay đổi gì hết, đại khái biết nuôi gia súc, biết làm kim khí, biết trồng trọt, nhưng không giỏi lắm…” [1]

Trên Tây Nguyên, người ta mới gặp thấy nhiều di tích tiền sử. Đó là của những chủ đất hiện nay, hoặc chủng khác ?

Xin đọc thêm bài của Hoàng Dũng [2]:

 “Lung Leng làm đảo lộn lý thuyết về Tây Nguyên [3].

 Cuối tháng 9-1999 di chỉ khảo cổ học Lung Leng (xã Sa Bình, Sa Thầy, Kontum) đã được tiến hành khai quật, và đây là di chỉ duy nhất ở Tây Nguyên.

 Di chỉ Lung Leng do những người đào đãi vàng dọc sông Pô-Cô tình cờ phát hiện được đầu tháng 8-1999. Ngày 12.8.1999 ông Nguyễn Ngọc Kim, người xã Sa Bình, đã thu thập được trên 300 hiện vật trao cho Bảo tàng Kontum. Ngày 13.8.1999 bảo tàng tiến hành khảo sát di chỉ, thu thập một số đồ đá, đồ gốm, đồ đồng và xác nhận đây là di tích khảo cổ có tầng văn hoá và mộ táng của dân cư cổ. Ngày 9.9.1999 Bộ Văn Hoá – Thông Tin gấp rút cho phép khai quật di chỉ Lung Leng bởi di chỉ nằm trong vùng ngập lòng hồ Ea Ly.

 Lung Leng là một bãi bồi cổ ven sông có diện tích rộng khoảng 15.500m2, ở độ cao 505 – 507m. Chỉ cao hơn mặt sông Pô-Cô từ 2 – 5m, nằm trong lưu vực của ba con sông lớn nhất bắc Tây Nguyên là sông Dak Bla, Pô Cô, Sa Thầy, và là nơi hợp lưu của sông Pô Cô, sông Dak Bla trước khi đổ vào sông Sê San. Vị trí này hợp với điều kiện cư trú của dân cư cổ. Thời gian qua dân đào vàng đã xâm hại nghiêm trọng đến di tích. Ở các hố đào vàng hiện còn ngổn ngang rất nhiều mảnh gốm cổ, dấu vết mộ chum cùng nhiều di vật khảo cổ khác. Hiện làng Lung Leng là nơi cư trú của người Gia Rai.

Theo phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, người chủ trì cuộc khai quật di chỉ Lung Leng, thì phát hiện này có giá trị đặc biệt quan trọng bởi quy mô di chỉ rộng lớn tầng văn hoá ken dày và xuyên suốt nhiều thời đại. Văn hoá Lung Leng có nhiều mối giao lưu với văn hoá Sa Huỳnh lần đầu tiên tìm thấy ở Tây Nguyên. Di chỉ Lung Leng với những hiện vật thu giữ và khai quật được làm bất ngờ ngay cả giới khảo cổ học. Lâu nay các nhà dân tộc học, khảo cổ và sử học cho rằng các cư dân Tây nguyên trôi dạt vào đây từ biến động lục địa có nguồn gốc từ Inđônêxia [4] . Những dấu vết về đồ đá cũ đã nói rằng Lung Leng là một trong những cái nôi của loài người thời tiền sử.  Đặc biệt việc phát hiện dọi se sợi khẳng định hàng nghìn năm trước người Tây nguyên đã biết đến dệt vải chứ không phải chỉ che thân bằng vỏ cây như ta vẫn nghĩ. Các công cụ tìm thấy được cho thấy chúng chỉ thích hợp với vùng đầm lầy, phù sa canh tác lúa nước chứ không phải nương rẫy. Việc phát hiện khuôn đúc đồng bằng đá và vết xỉ đồng đã chứng minh nghề khai quặng và luyện kim đã có từ lâu đời ở đây mà ngày nay dân tộc Sê Đăng thuộc loại siêu trong lĩnh vực này. Có thể nói ý kiến từ lâu cho rằng cồng, chiêng của các dân tộc Tây nguyên được du nhập từ nơi khác đến đã không còn đứng vững”.

 Ai cũng quá rõ rằng : những hiện vật trên là thuộc nhiều thời đại khác nhau, có thể do nhiều dân tộc chủ nhân khác nhau. Nghĩa là các hiện vật đã bị xáo trộn rất nhiều rồi. Hình dạng chúng không đủ. Phải phân loại theo xét nghiệm C.14 để định tuổi.

 Nếu tìm được sọ người tiền sử, đối chiếu với sọ cư dân hiện nay, mới khẳng định được phải chăng chủng tộc này vẫn từ xưa chiếm địa bàn này.

 Dầu sao, những di chỉ ở vùng Tây Nguyên cũng cho chúng ta nhận thức rằng vùng đất ấy cũng không phải hoang dã đối với nhân loại từ bao nhiêu ngàn năm nay.

  

Lm. Nguyễn Thế Thoại


[1] Bình Nguyên Lộc. tr.716

[2] Tuổi Trẻ Chủ Nhật 42-99 trang 41

[3] Không hẳn như thế đâu. Chỉ giả thuyết của một số người bị đảo.

[4] Chắc Bình Nguyên Lộc và chúng ta không nghĩ thế (NTT).