VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN Văn hóa Việt Nam – Phần VI

Văn hóa Việt Nam – Phần VI

[ 10 ] Chuyển Biến Văn Hoá

Chúng ta nhắc lại: Người ta theo văn hoá Tĩnh hoặc Động là vì tính khí của mình và vì sau thời kỳ thuần hái lượm cây trái và thú vật để sống, con người thấy mình thích hợp với Nông nghiệp hoặc Du mục. Hai nghề này lại do địa lý và khí hậu đề nghị cho từng chủng tộc. Mà khí hậu không phân theo Đông-Tây, cũng không hẳn Nam-Bắc; nhưng Xích Đạo và khoảng cách với xích đạo là nguyên nhân chính, núi cao hoặc bình nguyên và đại dương là phụ, vì cơ bản sức nóng là do mặt trời. Vậy nên không nói được rằng Tây phương du mục, Đông phương làm nông:

1. Một quan niệm thời thượng

“Điển hình cho loại trọng tĩnh (gốc nông nghiệp) là các nền văn hoá phương Đông, còn điển hình cho loại trọng động (gốc du mục) là các nền văn hoá phương Tây”

Nói đến chuyển đổi văn hoá, nhận xét này của giáo sư Thêm càng không đúng địa lý, lịch sử và xã hội “Chính vì động nên các nền văn hoá phương Tây đã chuyển biến rất nhanh. Trong khi phần lớn các nền văn hoá phương Đông đến nay về cơ bản vẫn mang tính nông nghiệp thì các nền văn hoá Tây phương đã chuyển sang công nghiệp từ lâu.

Con đường chuyển biến từ du mục đến nông nghiệp đi qua giai đoạn thương nghiệp: Ban đầu là du mục, nhưng trong khi lang thang từ nơi này sang nơi khác, người ta nhận ra sự khác biệt về giá cả, vì vậy họ đã chuyển sang mô hình kết hợp du mục + buôn bán. Khi hàng hoá dồi dào và thấy buôn bán có lợi hơn chăn nuôi, người du mục sẽ từ bỏ chăn nuôi mà chuyển hẳn sang thương nghiệp. Nhưng thương nghiệp thì phải có kho bãi, phải có nơi gặp gỡ để trao đổi hàng hoá. Và thế là cuộc sống định cư hình thành, dân số tăng lên, các kho bãi, chợ búa sẽ phát triển thành đô thị. Để phục vụ nhu cầu của đô thị và có hàng hoá trao đổi lấy hàng nông nghiệp về nuôi sống đô thị, đồng thời với sự phát triển của khoa học – sản phẩm của tư duy phân tích, một xã hội công nghiệp sẽ hình thành.”

2. Nên nhận xét sâu hơn

Có thể vì vội vàng, có thể vì “phương pháp luận” không đúng, giáo sư Thêm mắc vài ba khuyết điểm trong những hàng trên, chúng ta không thể chấp nhận, mà cần quan niệm lại cho đúng.

2.1.Không đúng: “Từ du mục đến thương nghiệp… đến công nghiệp”.

Xét về nhu cầu: Sau khi dùng đủ, người du mục muốn hoặc cần bán gia súc cũng như nhà nông cần bán nông sản thôi.

Xét về hàng hoá bán ra và mua vào, xét về điểm hẹn để buôn bán, nhà nông vẫn có nhiều ưu thế hơn du mục, cuộc sống đơn giản và không định cứ.

Về mặt lịch sử: Hai con đường buôn bán nổi tiếng thời thượng cổ là con đường tơ lụa và con đường hồ tiêu, hoặc hương liệu, là hai con đường mua bán Nông Phẩm, không phải của du mục. Điểm xuất và điểm nhập cũng là những nước nông nghiệp.

2.2. Không đúng: Tây phương đi từ du mục qua thương nghiệp tới công nghiệp

Vì sao nói “quan niệm trên không đúng” ?

Lịch sử Tây phương hoặc Âu châu ghi đậm nét sự kiện họ là những dân du mục (man di ) vào phân chia đế quốc Roma từ thế kỷ V đến VIII, và họ đều được các Thày Tu Thiên Chúa Giáo – nhất là đan tu Biển Đức với châm ngôn “cầu nguyện và làm ruộng = orare et laborare” – dạy họ canh tác và hình thành ngôn ngữ văn tự… để hình thành bản đồ Châu Âu. Họ cơ bản làm nông, chăn nuôi làm phụ, cho tới khi máy móc chào đời. Máy hơi nước cũng ưu tiên khởi đầu được ứng dụng vào ngành dệt. Sau đó được đưa vào ngành luyện thép, rồi đường sắt… lúc đầu nhằm chuyên chở nông sản, rồi mới tới khoáng sản làm nhiên liệu v.v.

Phát triển hàng hải ghe buồm với ưu thế của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… mà phát triển hàng hải với máy hơi nước là ưu thế của Anh quốc.

Chỉ khi đó mới phát triển thương mại quốc tế và đô-thị-hoá để đi vào ngành công nghiệp.

Vậy nên nhận đình rằng :

2.2.1.. Rõ ràng không phải vì du mục mà Tây phương chuyển sang thương nghiệp và công nghiệp.

2.2.2.. Các nước Âu Châu, và từ thế kỷ 18 thêm Mỹ châu, tuy còn nhiều phong tục của mỗi sắc dân, nhưng họ có chung một Văn hoá Thiên Chúa Giáo. Thiên Chúa Giáo có chương đầu Thánh Kinh dạy: con người giống Thiên Chúa, nên con người có nhiệm vụ phát triển và làm chủ vũ trụ vạn vật này . Thánh Kinh còn dạy họ coi nhau như anh em, phải đi khắp thế giới loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa [1].

Tôi cho rằng chính Văn Hoá Thiên Chúa giáo hoặc là Do-thái-Kitô-giáo, là yếu tố tiến bộ của các dân Âu Mỹ. Thiên Chúa giáo ngành Hồi-giáo, từ thế kỷ VII, cũng là yếu tố tạo văn hoá tiến bộ cho các dân Ả-rập và những nước theo Hồi giáo.

Yếu tố này, hàng chục thế kỷ sau Âu châu, các nước Đông Phương vẫn không có, vì họ sẵn theo Khổng, Lão và Phật giáo, những tôn giáo, nói chung, chủ trương Tịnh và tu tâm. Mặt khác, các dân tộc nông nghiệp Á Phi nào sớm bị Âu châu thực dân lấn lướt, mà biết “cải cách” như Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật, hoặc Tôn Trung Sơn của Trung Quốc, Gandhi của Ấn Độ… thì cũng sớm chấp nhận chuyển biến văn hoá; những bộ tộc du mục hoặc du canh, vì một lý do nào đó, chẳng hạn mặc cảm yếu kém, chủ trương đóng kín, không chịu tiêp biến hoặc thích nghi văn hoá, thì vẫn không có chuyển biến nào đáng kể. Họ có thể sắp biến mất trong văn hoá thông tin toàn-cầu-hoá, trong nền văn hoá này, không quyền lực nào che giấu được. Nếu chính quyền che đậy, nhân dân thức tỉnh và ùa theo những nét văn hoá mới, không được chọn lọc và hướng dẫn, thì khủng hoảng văn hoá phải xảy ra….

3.

CỘI NGUỒN

VĂN HOÁ VIỆT NAM

“Chúa Trời lấy bùn đất mà cấu tạo con người. Ngài thở sinh khí vào mũi, bỗng nó trở thành nhân linh.

Rồi Đức Chúa Trời lập một vườn vui về hướng Đông và đặt con người vừa được tạo thành vào đó.

Đức Chúa Trời lại khiến đất trổ sinh các thứ cây đẹp mắt, ăn ngon, với cây trường sinh và cây biết thiện ác ngay giữa vườn. Một con sông từ giữa lạc viên chảy ra tưới khắp vườn, cũng từ đó phân làm bốn nhánh: Nhánh thứ nhất gọi là Phisơn, chảy quanh đất Heu-la, nơi có vàng. Vàng xứ này hảo hạng. Ở đó lại có trầm và bích ngọc. Nhánh thứ nhì Giê-hơn, chảy khắp miền Ethiopia. Nhánh thứ ba là Tigre chảy ngược lên vùng Assyrie. Còn nhánh thứ tư chính là Euphrate. Vậy Đức Chúa Trời đặt con người ở lạc viên…” [2]

[ 11 ] Tìm phát tích nhân loại

Muốn biết cơ bản Văn hoá Việt Nam, phải biết người Việt Nam. Muốn biết người VN, phải tìm chủng loại và cái nôi của dân tộc. Chúng ta liên hệ đến mấy khoa học chỉ mới bắt đầu trong một thế kỷ nay, nghĩa là còn ít phổ biến và dễ bị trộn với giả thuyết. Chúng ta chỉ sàng lọc vài hàng có lẽ đáng tin hơn.

Trước hết, về nguồn gốc loài người theo địa khảo cổ:

1. Nhóm các chủng xích đới

Max. Sorre, giáo sư Đại học Sorbonne [3] viết:

“Trạng thái và khởi nguyên.

Nhóm này gồm chung các chủng rải rác vòng bán nguyệt chung quanh Biển Ấn Độ và trong các đảo Thái Bình Dương. Họ sống trong môi trường xích đới, hoặc ít ra cũng nhiệt đới ẩm ướt. Ngoài da mầu ít nhiều đậm lạt, họ còn chung cấu trúc thân thể mảnh mai, mũi rộng, tóc thường quăn và sọ nói chung là cứng dài. Tướng mạo cổ kính của họ nói lên một nguồn chung. Nhưng, họ làm thành hai nhóm cách biệt bằng Ấn độ dương, mà họ chẳng hề thử vượt qua, họ cũng cách nhau bằng những sa mạc Iran-A-rập thuộc quyền những chủng khác. Tóc và màu da là những nét phân biệt họ. Trung tâm phân tán họ phải tìm ở miền khác trong vùng Nam Á Châu hoặc trong vùng Insulinde [4]. Vào thời kỳ đóng băng cuối cùng, vùng Iran không phải là sa mạc không thể qua giữa hai sắc dân này, mà liên hệ còn dễ hơn nữa qua Ả-rập ít cừu địch; thời đó, trước khi chìm mất từng phần của vùng Sonde [5], cánh Đồng gồm cả Insulinde vào Đông Dương. Những chuyển di tách rời các phần đất Ấn-Thái-Bình-Dương này chưa lâu lắm….

Nhóm Đông phương

Hình thức xưa nhất của Nhóm Đông phương (australoide) biểu tượng nơi chủng Ta-Marianiêng, mới diệt chủng từ năm 1877. Trong các đặc điểm của bộ cốt thì trán phẳng là rõ nhất. Chủng Nam (australienne), đã từng có thời sinh trưởng ở phương Nam lục địa, có diện mạo cổ sơ với trán thóp, lông mày thật mạnh và cánh mũi tẹt. Hình ảnh này nhắc nhớ loại người Neanderthal. Di tích khảo cổ cho thấy họ sống trên vùng rất rộng ở Malaya, Đông Dương, tới tận đồng bằng sông Ấn. Tại Nam Mỹ Châu, người ta cũng thấy đặc tính này nơi sọ Ona. Còn những dân thường gọi là Đen, tượng trưng là người Pa-pu (Tân Ghi-nê) và người Mã-lai. Những người này giữ vai trò quan trọng tại Đông Nam Á. Di tích của họ gặp thấy trong thời Đá Mài ở Đông Dương và cùng kiểu rải rác trong bán đảo thuộc các dân Indonêdiêng. Trong cánh Đông phương này có những bộ tộc nhỏ thường gọi là Negrito (trong các đảo Adaman, bán đảo Malacca, Philippines, Tân Ghi-Nê).

Nhóm Tây phương

Nam Sahara có cánh Tây phương của chủng Mã-lai. Đây là đại lục đen theo đúng nghĩa. Tượng trưng cho những người xưa ở đây là các dân Bochimans và Hottntots của Nam Phi và Négrilles của rừng nhiệt đới…” [6]

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

2. Da Trắng, Da Vàng của người Á-Âu

Những mẫu người xưa

Dân lục địa Á-châu là thuộc hai nhóm da mầu. Ranh giới giữa họ là từ cửa Ob đến cửa sông Hằng, trắng vàng là hai sắc dân lớn và quan hệ giữa họ cho ra đời những dân lai. Thời và địa điểm thì không sao minh định được. Hình như vào thời mà cả Tây Bắc Âu còn đóng băng và lúc băng tan, có những bộ tộc từ Á-châu thường canh tác trên những triền đồi… bị áp lực của những sắc dân tiến bộ hơn, nên một mặt họ tràn xuống Tây Âu, mặt khác xuống Đông Bắc Á…. Trước hết, tại Yéso, Nam bán đảo Sakhaline, trong các đảo Riu Kiu và Nam Kurin, xuất hiện sắc dân Ainos, giống người Âu, trước đây đã chiếm cả quần đảo Nhật. Những người này vóc nhỏ, sọ dài, lông mày đậm, mũi thẳng hoặc khoằm, tóc gợn sóng…. Nơi thứ hai, trên quần đảo của Thái Bình Dương, như Hạ-uy-di, Quần đảo Samoa và Pasqua, có những dân tộc mang dung mạo người Âu, mà da rám nắng, mũi thanh và cao: hình ảnh một phụ nữ Maori buông tóc mang dáng dấp một phụ nữ miền nam Italia….

Những người da vàng

Lớp người thứ nhất là tập thể có phong hoá đồng dạng lớn hơn hết. Không phải họ bao cả một vùng. Người ta chỉ gặp các chủng tộc có những nét mông-gô-lích đã giảm nhẹ. Họ sống trong những phần đất khó đi lại và có phần khắc nghiệt để định cư, những nhóm sơn nhân nho nhỏ như Pumans ở Bornêo, hoặc những dân tộc định cư trên các cao nguyên Á châu như Tây Tạng, hoặc ở gần đại cực như người Paleo ở Sibêri. Trong số này, những dân ở Tây phương (như Osiaks và Voguls ở đồng bằng Ob) không còn giữ được cặp mắt mông-gôn, mà những dân ở Đông phương, như Tchouktches, gần chủng hơn. Người ta nhận ra những biệt điểm này: da vàng, tóc thẳng, đen, cứng, thân vóc đậm, cánh tay ngắn, gò má cao, mí mắt xếp, đầu tròn, sọ rộng, mũi trung bình…. Mẫu người Hoa Bắc cao hơn, đầu dài và vươn lên, sọ cao hơn. Những chủng tộc này bành trướng không ngừng. Người Môngols đã lai giống với người Alpins và Địa Trung Hải, thành nên những tộc Kirghiz ở Turkistan, Turcomans ở Ba tư, Tatars ở Crimée và Thổ ở Anatolie…. Trong vùng Hoa Nam và nhất là ở Đông Dương nhiều sắc tộc giao thoa, mà chúng ta còn thấy sót lại là những bộ tộc sơn dã…. Đông dương thật đúng là bài toán dân tộc học: phạm trù “indonésiens” người ta thường dùng chỉ các dân này có nhiều diện không thích hợp. Dầu sao, ở phương Nam, dòng Mã-lai đã lai chủng…” [7]

Nghiên cứu của Giáo sư đại học Pháp là thế. Tài liệu khảo cổ và chủng học của Hoa Kỳ có khác không?

[ 12 ] “Một quá khứ bị lãng quên”

Khi nói về “Toạ độ của Văn Hoá Việt Nam”, giáo sư Trần Ngọc Thêm có “mở rộng” sang cái nhìn về nguồn gốc nhân loại, nguồn gốc Văn minh, theo nghiên cứu của giới Đại học Hoa Kỳ. Chúng tôi xin trích lại bài đó như trong cuốn Tìm về Bản sắc Văn Hoá VN. [8]

“TIA SÁNG MỚI RỌI VÀO MỘT QUÁ KHỨ BỊ LÃNG QUÊN

Wilheim G.Solheim II

Tiến sĩ Wilheim G.Solheim II là giáo sư nhân chủng học ở trường Đại học Hawai chuyên nghiên cứu về tiền sử Đông Nam Á. Bài viết New Light on a Forgotten Past trích giới thiệu dưới đây đăng trong National Geographic (vol. 139. No.3. March. 1971). Cũng nội dung này, Ông đã trình bày nhiều bài ở những tạp chí khác. Các chỗ nhấn mạnh là của chúng tôi (TNT).

Thế giới trong 10 năm qua đã quay sang chú ý đến Đông Nam Á, nhưng nguyên do chính của sự chú ý này là chiến tranh đang xảy ra tại đây. Chính cái tính chất nặng chĩu của những biến cố quân sự ấy đã làm lu mờ nhiều khám phá lý thú về cổ sử và tiền sử của các dân tộc hiện đang sống trên miền đất này. Thế nhưng, về lâu dài, những khám phá này, phần nhiều có tính khảo cổ, sẽ tác dụng, có lẽ còn nhiều hơn là chiến tranh hay hậu quả của chiến tranh, đối với lối suy nghĩ của chúng ta về miền đất này và các dân tộc của miền này, và đối với lối tư duy của họ đối với chính họ nữa. Ngay cả đến quan niệm của người phương Tây về vị trí của họ trong quá trình biến đổi của văn hoá thế giới cũng có thể bị thay đổi hoàn toàn. Bởi vì có nhiều dấu hiện rõ rệt và mạnh mẽ khiến ta nghĩ rằng những bước đầu tiên đến văn minh có thể phát xuất từ Đông Nam Á.

Các nhà sử học Âu Mỹ thường hay lý luận rằng lối sống mà ta gọi là văn minh thoạt tiên bắt nguồn từ vòng cung phì nhiêu miền Cận Đông, hoặc trong những vùng sườn đồi lân cận. Ta đã tin tưởng từ lâu rằng ở đây con người cổ sơ đã phát triển nghề nông và dần dần học cách làm gốm và đồ đồng. Một khảo cổ học cũng yểm trợ cho điều tin tưởng này, một phần vì các nhà khảo cổ đào bới khá nhiều trong vùng thung lũng phì nhiêu của Cận Đông.

Tuy nhiên, những khám phá mới đây ở vùng Đông Nam Á bắt buộc chúng ta phải xét lại những quan niệm này. Những vật dụng đã được đào lên và đem phân tích trong vòng 5 năm qua cho ta thấy rằng con người ở đây đã bắt đầu trồng cây, làm đồ gốm và đúc đồ dùng bằng đồng sớm hơn hết thảy mọi nơi trên trái đất.

Điều hiển nhiên là người ta đã tìm thấy các chứng tích tại những nơi mà ngành khảo cổ đào xới trong vùng Đông Bắc và Tây Bắc Thái Lan, với những chứng minh hỗ trợ từ các cuộc đào xới ở Đài Loan. Nam và Bắc Việt Nam, các miền khác của Thái Lan, Malaixia, Philippin, và ở cả Bắc Úc Châu nữa.

Các vật dụng đã tìm được và ước định tuổi bằng cacbon 14 là những di tích văn hoá của dân tộc mà tổ tiên họ đã biết phương pháp trồng cây, chế tạo đồ đá mài và đồ gốm sớm hơn các dân tộc Cận Đông, Ấn Độ và Trung Hoa, tới cả hằng mấy ngàn năm. Trong một vùng ở Bắc Thái Lan, có những đồ đồng được đúc bằng các khuôn kép vào khoảng 2.300 năm trước công nguyên. Thậm chí có thể trước cả 3.000 trước công nguyên nữa. Như vậy, nghĩa là trước khá lâu, so với các vật dụng bằng đồng được đúc ở Cận Đông, Ấn Độ và Trung Hoa mà nhiều chuyên gia đã tưởng là những vật dụng đầu tiên <…>

Người ta có thể sẽ có lý khi đặt câu hỏi: Nếu có sự kiện quan trọng như vậy thì tại sao cho tới nay khoa tiền sử học Đông Nam Á lại không ai biết đến? Có nhiều nguyên nhân, nhưng lý do chính là vì rất ít những tìm tòi khảo cổ được tiến hành tại đây trước năm 1950 . gay cả đến bây giờ công việc cũng chỉ mới bắt đầu. Nhà cầm quyền thực dân đã không đặt vấn đề ưu tiên vào vấn đề khảo cổ ở đây, và một số rất ít người tra cứu về môn này đã không có một hiểu biết chuyên môn cần thiết. Trước năm 1950, không có một bài biên khảo nào đúng với tiêu chuẩn hiện đại được tiến hành. Lý do thứ hai là bất cứ cái gì khám phá thấy đều được xếp loại căn cứ vào quan niệm từ lâu cho rằng đó là kết quả của sự di chuyển văn minh. Họ cho rằng: Văn minh bắt nguồn từ Cận Đông, phát triển thịnh vượng ở xứ Mesopotamie và Ai-Cập, và sau này ở Hi-Lạp và La-Mã. Văn minh cũng di chuyển về hướng Đông đến Ấn Độ và Trung Hoa. Còn Đông Nam Á, vì ở xa nhất đối với điểm xuất phát, nên cũng hưởng văn minh sau chót. Người châu Âu đã tìm thấy những nền văn hoá tiến bộ ở Ấn Độ và Trung Hoa. Khi họ thấy có những điểm tương đồng… của các nước này với các xứ sở miền Đông Nam Á thì họ cho rằng đó là do Ấn Độ và Trung Hoa đã ảnh hưởng đến Đông Nam Á. Ngay cả cái tên mà họ đặt cho miền này – “Ấn Độ-Trung Hoa” (Indochine) [9] – cũng phản ánh thái độ đó <…>

Robert Heine Geidern, một nhà nhân chủng học Áo, đã xuất bản năm 1932 bàn về những nét chính cổ truyền của tiền sử Đông Nam Á. Ông cho rằng có một loạt các “làn sóng văn hoá”, nghĩa là những dòng di cư. Theo ông thì đoàn di cư quan trọng nhất đến Đông Nam Á là từ phía Bắc Trung Hoa. Ông cho rằng đồ đồng Đông Nam Á là kết quả di cư của các dân tộc ở Đông Âu tới vào khoảng năm 1.000 trước công nguyên. Ông tin rằng những dân tộc di cư về phía Đông và phía Nam, đi qua nước Tàu vào thời kỳ nhà Tây Chu (1122-711 trước công nguyên). Các sắc dân này mang theo không chỉ phương pháp đúc đồng mà cả một nghệ thuật trang trí đồ đồng bằng các hình vẽ kỉ hà học [. . . .]

Các nhà nghiên cứu tiền sử phần đông đều chấp nhận lối lập luận cổ điển này, nhưng nếu theo đó thì có một số sự kiện tỏ ra không được ăn khớp lắm. Một số nhà thực vật học nghiên cứu nguồn gốc cây trồng chẳng hạn cho rằng Đông Nam Á là nơi biết trồng cây sớm nhất.

Năm 1952, Ông Carl Sauer, một nhà địa chất học Mỹ, đi thêm một bước xa hơn nữa. Ông nêu giả thuyết là khoa trồng cây trên thế giới đã bắt nguồn trước tiên trong vùng Đông Nam Á. Ông cho rằng khoa trồng cây do một sắc dân mang lại đây trước thời kỳ Đông Sơn rất lâu, họ được biết tới dưới danh hiệu một nền văn hoá thô sơ gọi là Hoà Bình. Các nhà khảo cổ không thể chấp nhận ngay thuyết của ông Sauer.

Từ năm 1920 trở đi, bà Madeleine Colani, một nhà thực vật học, cổ sinh vật học và khảo cổ học người Pháp, đã nêu ý kiến là có một nền văn hoá Hoà Bình. Những ý kiến của bà đều căn cứ vào các cuộc đào xới ở một vài hang đá và các nơi trú ẩn bằng đá khác ở miền Bắc Việt Nam, trong đó khu vực đào xới đầu tiên đã được tìm thấy ở vùng Hoà Bình <…> [10]

Chúng ta sẽ đọc tiếp tài liệu này khi bàn về Văn Hoá Hoà Bình. Bây giờ nên chú ý đến một thời còn mờ mịt hơn, với con người đang hình thành lý trí, mà tiền sử học gọi là Homo Sapiens trong văn hoá hái lượm, rất lâu xa trước con người biết trồng cây.

[ 13 ] Một quá khứ chưa tìm lại được: Văn hoá SƠN VI

Xin ghi lại, và xin ghi nhận một chút trong công trình tập thể của những thế hệ trí thức Việt Nam làm việc trong những điều kiện hết sức khắt khe vì nội chiến giành độc lập: “Ba thập kỷ, kỳ gian của một thế hệ người trong lịch sử trôi đi, tư duy khảo cổ, tư duy lịch sử Việt Nam ngày càng chín chắn, những cách tiếp cận liên ngành, nghiên cứu đối sách liên văn hoávà việc đặt Vĩnh Phú – Việt Nam trong bối cảnh đại đồng văn (contexte) Đông Dương – Đông Nam Á – Thái Bình Dương… ngày càng được ứng dụng có hiệu quả.

Đã xuất hiện nhiều công trình tổng kết và tổng hợp về văn hoá Sơn Vi, văn hoá Phùng Nguyên….

Huyền thoại, huyền tích và cả kho tàng Folklore nói chung của Vĩnh Phú được giải mã trên tảng nền kinh tế – xã hội và theo lý thuyết về biểu tượng (théorie des Symboles)…. Cái truyền thống được “lật đi lật lại”, trong ánh sáng hôm nay. Địa chí Vĩnh Phú được xây dựng rất sớm….

……………… Khi người Việt và không gian Việt bắt đầu được định hình và bước đầu phát triển, cho mãi tới thời thuộc Pháp, Vĩnh Phú được xem là xứ Đoài, miền Tây không gian – hạt nhân Việt…. Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm! (Thơ Quang Dũng). Mây Ba Vì, mây Tam Đảo… được ngắm nhìn từ Kẻ Chợ kinh kỳ. Ba Vì (hay Tản Viên, theo tên chữ) cũng như Tam Đảo (không có tên Nôm, kỳ lạ thế), mà nhất là Ba Vì, được xem là ngọn Chủ Sơn (núi chúa) của không gian Việt.

Nhất cao là núi Tản Viên

……………… (ca dao)[11]

Chúng ta gọi Vĩnh Phú thuộc miền Trung Du, Bắc Việt. Trần Quốc Vượng nhận xét:

“Trung Du đã là nơi sống xen Việt – Mường, Việt – Tày, mà điều chắc chắn, yếu tố Việt là cái tới sau, từ đồng bằng, do thiên tai và biến động lịch sử….

… Việt Trì và vùng xung quanh – tức là Vĩnh Phú là vùng đỉnh xưa nhất của tam giác châu sông Hồng.

Sông Hồng là một tên gọi muộn màng ở cuối thế kỷ XIX do mầu nước của dòng sông này. Sách Thuỷ kinh chú ở thế kỷ VI gọi nó là “Tây Đạo”, cái “tên chữ” Hán Việt này là sự phiên âm một tên Tày cổ Nậm Tao mà tên Việt hiện nay còn giữ được ở Việt Trì là Sông Thao…. Bao quanh điểm Việt Trì, là những núi đồi lô nhô như bát cơm mà tư duy vũ trụ luận dân gian hình dung thành bầy voi trăm con mà tới 99 con chầu về Đất Tổ….

Cái dân gian gọi chung là voi – đồi thì địa chất học và địa lý học phân tích hẳn hoi thành hai loại hình khác nhau: Một loại là những đồi diệp thạch (schiste, grès schisteux) vết tích của một bán bình nguyên thời địa trung sinh, trăm triệu năm về trước. Một loại khác, với cấu tạo cuội sỏi và đất phong hoá từ đá gốc, có độ cao từ 25-60m, là thềm bậc hai của sông Hồng (người ta bảo sông Hồng có tới mười bậc thềm, từ hạ lưu ngược lên thượng lưu, mà bậc 1 nay chỉ còn những gò đồi sót cao 5-10m, ở lác đác trên châu thổ).

Chính trên những con đồi – thềm bậc hai sông Hồng này của vũng Vĩnh Phú, vào xuân hè 1968 tôi cùng các đồng nghiệp sinh viên Đại học Tổng Hợp Hà Nội, trong khi đào lại Phùng Nguyên, đã phát hiện ra nền văn hoá cuội gia công tiền Hoà Bình, sau được mệnh danh là Văn hoá Sơn Vi, với niên đại C14: 10-20.000 năm cách ngày nay vào cuối thời Đá Cũ, ở thời điểm cuối thế cánh tân Pleixtoxen. Bấy giờ là băng kỳ cuối cùng Wirm ở Bắc Á – Bắc Âu, mực nước biển còn ở xa ngoài khơi Biển Đông, cái đồng bằng Bắc Bộ thứ nhất với rừng cây rậm rạp che phủ những hệ thống sông chảy dài ra hải đảo – Trường sinh thái – nhân văn của người Sơn Vi, hái lượm và đi săn, rộng mênh mông, những tưởng là vô tận…. Tôi tìm được di tích Sơn Vi ở Gò Cưu và những thềm sót vùng Đầm Cà – Cổ Loa ngoại vi Hà Nội, ở những gò-đồi thềm cổ sông Lục Nam từ Chũ đến An Châu Hà Bắc, cho tới giáp chân núi Yên Tử, mạn Đông Triều.

Những phát hiện gần đây về văn hoá Sơn Vi ở cả ba lưu vực sông Lô, sông Đà và Yên Bái – Hoàng Liên Sơn dọc thượng – trung lưu sông Hồng đã dẫn Nguyễn Khắc Sử (1991) đến một giả thuyết về sự hội tụ Sơn Vi ở đỉnh Việt Trì Vĩnh Phú từ ba nguồn Sơn Vi sớm dọc sông Lô, sông Đà, sông Nhị. “Hội Thuỷ” là của tự nhiên, hội Nhân, hội văn hoá là của con người.

Người cực khôn ngoan (homo sapiens sapiens) đã hội tụ về Vĩnh Phú hàng vạn năm về trước rồi lan toả về xuôi, về biển….

Đấy là con người và văn hoá lần thứ nhất ở Vĩnh Phú. Từ lâu, tôi vẫn ngờ rằng sự Hội tụ Sơn Vi muộn này đã khiến nảy sinh nền nông nghiệp sơ khai – trồng trọt, chăn nuôi sơ khai. Nếu quả vậy, thì mảnh đất trung du Vĩnh Phú – Sơn Tây của Việt Nam cũng giống như dải bình nguyên – cao nguyên Anatôli của vùng Trung Cận Đông Châu Á – là môi trường sinh cảnh của cuộc cách mạng đá mới – hay cách mạng nông nghiệp (nhảy vọt sang nông nghiệp) của loài người. Không nên chỉ cho rằng nông nghiệp nảy sinh với văn hoá Hoà Bình ở vùng chân núi đá vôi. Nó còn nảy sinh trên vùng bán bình nguyên trung sinh cũ, với sinh cảnh thiên nhiên thuận lợi hơn nhiều.

Nhưng sau đó thì những hậu duệ (con cháu) của chủ nhân văn hoá Sơn Vi đã mất tích ở trung du Vĩnh Phú. Tiền nhân của họ, chúng tôi đã tìm thấy trong các hang động Thần Sa, Bắc thái (văn hoá Thần Sa, trung kỳ hay hậu kỳ Đá Cũ, với niên đại C14 trên 30.000 năm). Hậu thân của họ, tức chủ nhân những nền văn hoá Hoà Bình – Bắc Sơn nổi tiếng (niên đại C14 9000-6000 năm cách ngày nay), chúng ta cũng đã tìm thấy nhiều trong các hang động đá vôi ở Hoà Bình, ở Bắc Sơn, ở vùng núi đá vôi Thanh Nghệ, Thượng – Trung Lào và rải rác ở ven biển Quảng Ninh (Hà Khẩu) hay ven biển Quảng Nam (Bàu Dũ) cho mãi tới tận ven biển Sumnatra…” [12].

Có thể đọc vài trang trích dẫn trên, Bạn đã phần nào biết tại sao lại có cùng những di tích khảo cổ nơi cả vùng Đông Nam Á này. Ngoài thuyết về nguồn gốc con người do giáo sư Max. Sorre trích dẫn trên . Chúng ta tìm CHỦNG tộc từng sống trên vùng này năm sáu ngàn năm trước.

[ 14 ] Tìm chủng của người Việt Nam

Bình Nguyên Lộc là Nhà văn nổi tiếng của Miền Nam Vệt Nam trong thập kỷ ’60 của thế kỷ XX. Đó là điểm son cho ông; nhưng lại thiệt cho ông, vì sang thập niên ’70 ông công bố những công trình nghiên cứu dài ngày của mình thì lại ít được lưu ý từ đầu. Mà tình hình chính trị xã hội không để những người quen ông còn thời gian nghiền ngẫm kỹ. Ông không đi ngược tới khởi nguyên loài người, Ông chỉ tìm về CHỦNG và công bố trong tác phẩm

“Nguồn gốc Mã-Lai của dân tộc Việt Nam”, 896 trang, Lá Bối Xuất Bản Năm 1971…

cùng với bốn năm tác phẩm về ngữ học và phong tục học các dân tộc thuộc Chủng Mã Lai như VN, Chàm, Phù Nam, Cao Miên, Miến Điện, Thái, Tây Tạng, Lê Hải Nam, Nhựt Bổn, Đại Hàn, Thượng Việt, Nam Ấn-Độ, Nam Dương, Phi Luật Tân, Đa Đảo, Ba Thục, Tây Âu, Mân Việt và Sở….

Chúng ta ghi nhận một trong những thành quả trí tuệ đó và lượm một số thông tin quan trọng ::

1. Người Việt không đồng chủng Trung Hoa

Tiếp dòng tư tưởng của Max. Sorre trên về chủng tộc Hoa, chúng ta có lưu ý của Bình Nguyên Lộc:

“1. Hoa chủng là kết quả của một cuộc hợp chủng giữa chủng Bắc Mông-gô-lích của người Mông Cổ và với một chủng nào đó cao hơn Tày, thế nên người Hoa Bắc, nhứt là ở Cam Túc, Sơn Tây và Thiểm Tây, mới cao lớn như vậy.

2. Cuộc hợp chủng ấy xảy ra ở ngoài nước Tàu, tại đâu không rõ, nhưng họ xâm nhập Trung Hoa từ hướng Tây Bắc, qua hành lang Cam Túc.

3. Cái sọ của họ khác sọ Việt Nam 9 đơn vị về chỉ số.

4. Sọ Việt Nam có tính cách brachycéphale, còn sọ Hoa Bắc và Hoa Nam thì có tính cách Mésocéphale. Dung lượng sọ cũng khác. [13]

Chúng ta không đi về chi tiết dành cho nhân chủng học , vì ở đây chỉ cần xác nhận rằng theo khoa học, chúng ta không đồng chủng với người Trung Hoa, ít là Hoa Bắc. Cả ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta chỉ một phần lai giống. Mà lai giống là một trong những quy luật thiên nhiên để trường tồn và thăng tiến.

Khẳng định trên không chỉ thuộc phạm vi sách vở nhà trường, nhưng đi vào những hệ luận quan trọng thực tế, như giao lưu và hợp tác thương mại, văn hoá, tôn giáo v.v… Với những dân tộc đồng chủng, thành quả tốt đẹp và mau lẹ hơn với những dân tộc khác chủng. Chỉ mới năm bảy năm nay, chúng ta “hé cửa” giao lưu và hợp tác với các nước Asean, có thể nói là đồng chủng, thành quả tốt đẹp và thoải mái gấp bao nhiêu lần chúng ta bị bắt buộc quan hệ với Bắc Kinh và với Tây Phương.

Lm. Nguyễn Thế Thoại


[1] Theo Mt 28, 19-20; CvTd 1, 8

[2] St 2,7-15

[3] “L’homme sur la Terre”. Ch. 1. Hachette. 1961

[4] Vùng Nam A Châu : Malaysia xuống các đảo Indonesia, Philippines

[5] Tu Malaysia xuống đảo Timor

[6] Max. Sorre sđd. Tr. 11-12

[7] Max. Sorre. Ib. p. 13-16

[8] Max Sorre sđd tr. 75-81

[9] Quen goi Dông Dương

[10] Trân ngoc Thêm sdd tr. 75-77

[11] Trần Quốc Vượng « VN, cái nhin dịa-văn hóa ». 1998 tr.37-38

[12] Trần Quosc Vương, sdd tr.42-44

[13] Brachycephale :sọ quân bình về rộng và dài

Dolichocephale : sọ dài

Mesocephale : sọ trung bình

Bình Nguyên Lộc, sdd tr.81

Exit mobile version