Văn hóa Việt Nam – Phần III
Người ta thường dùng hoặc lợi dụng văn hoá hơn là lượng giá văn hoá. Hơn thế, gần như không thể có tiêu chuẩn hoàn toàn khách quan và chuẩn để lượng giá một công trình văn hoá. Vì mang tính nhân linh, lại phải có một quá trình, nên một công trình văn hoá thường được đánh giá rất khác nhau.
1. Tính tương đối trong các lượng giá về văn hoá.
Có thật nhiều nguyên nhân làm biến đổi giá trị văn hoá, những nguyên nhân làm người lượng giá thấy những trị giá khác nhau của cùng một công trình văn hoá.
Chúng ta điểm sơ qua ba nguyên nhân:
1.1. Tính đa diện của một công trình hoặc thành quả văn hoá.
Mỗi cá nhân hoặc tập thể, ở mỗi nơi, trong mỗi thời gian lại có thể nhìn một diện trong nhiều diện của văn hoá. Người hoan nghênh văn hoá về diện thưởng thức được vẻ đẹp. Người khác tìm tính thiện trong cùng công trình văn hoá đó. Người khác nữa lại tìm công dụng giáo hoá của cũng một công trình này. Tất nhiên, họ thấy những giá trị khác nhau và mức độ đánh giá của họ về công trình cũng khác nhau.
Phố cổ Hội An có giá trị rất lớn với du khách, với những người muốn nghiên cứu kiến trúc thời Nguyễn, do đó cũng có giá trị chính trị và kinh tế lớn cho những người quản lý… nhưng có thể thiệt thòi cho những người chủ nhân thực sự của những nhà thuộc căn phố đó vì không thể sửa lại cho đủ tiện nghi, không thể yên tịnh sống đời sống cá nhân và gia đình mình v.v.
Tính tương đối vì điều kiện lịch sử
Việc lượng giá những thành tựu văn hoá cũng bị lệ thuộc nhiều điều kiện của dòng lịch sử nhân văn. Do đó, mỗi thời mỗi khác. Những nhà, những đường phố cổ như ở Hội An, như rất nhiều ở Macao, như cả vùng Cổ Roma… thực ra chẳng mấy giá trị vào thời của nó được kiến tạo. Nhiều phố nhiều nhà khác cũng thế. Ai thích ngó ai đâu. Chính dòng thời gian trôi qua, mà chúng tồn tại, tăng giá trị của chúng.
Dòng lịch sử cũng có thể thay đổi giá trị của một thành quả văn hoá. Thí dụ: Quần thể kiến trúc Cố Đô Huế, hoặc y phục áo năm tà v.v… có giá trị công dụng hiện tại vào thời Nguyễn; ngày nay chỉ còn giá trị chứng tích, thuộc loại văn hoá bảo tàng. Những trống đồng, đàn đá… cũng như thế.
Đã thay đổi giá trị, lượng giá cũng thay.
1.3. Tình tương đối do bối cảnh
I. Do bối cảnh không gian: Chiều kích cũng như đường nét và màu sắc một tác phẩm văn hoá luôn luôn bị chi phối một phần bởi bối cảnh.
Chùa Một Cột mà đặt vào giữa Hồ Tây thì hẳn không thể được lượng giá như ở vị trí hiện nay. Màu xi-măng của nhà thờ chánh toà Nha Trang mà đổi sang màu trắng sẽ giảm nhiều giá trị. Ca sĩ mặc Jeans vừa hát vừa hét vừa vặn mình… thì hẳn là giá trị khác ca sĩ mặc áo dài VN với giọng ca và cử điệu đó! Y phục dạ hội phải khác phẩm phục lễ tế.
II. Do bối cảnh tâm lý xã hội: Phù hợp hoặc chống chọi, giá trị văn hoá được định mức tuỳ theo mức độ nó đáp ứng được mong muốn của người thưởng thức.
Những bài thơ hay của Xuân Diệu tiền chiến bị coi như tội lỗi trong thời kháng chiến và lại được ca tụng hôm nay. Biết bao tác phẩm văn hoá hôm qua trong chiến tranh, ngày nay chỉ còn giá trị chứng tích; nếu trình bày như thời thượng thì thực là lạc lõng hoặc bị chê cười. Những mẩu chuyện hoặc cử chỉ chọc cười của Âu Mỹ mang trình chiếu y nguyên tại Việt Nam thường thất bại vì tâm lý Tây – Ta quá khác biệt.
2. Lượng giá theo tiêu chuẩn nhân văn
Lượng giá tác phẩm văn hoá theo tiêu chuẩn nhân văn, người ta thường chia theo giá trị vật chất và giá trị tinh thần.
2.1. Giá trị vật chất
Thực ra, không có giá trị vật chất của văn hoá; gọi thế chỉ để nói rằng thành tựu công trình văn hoá đó giúp ích cho con người về phương diện vật chất, trực tiếp đáp ứng những nhu cầu thể xác.
Tất cả những thành tựu tốt đẹp về lương thực, may mặc, cư trú, di chuyển v.v đều có giá trị này. Đặc biệt nhất là ngày nay, thời mà nhiều người gọi là Văn Minh Vật Chất và văn hoá tiêu dùng.
2.2. Giá trị tinh thần
Nói “giá trị tinh thần của văn hoá” tức là nói thành tựu văn hoá đáp ứng nhu cầu của tinh thần hoặc làm phong phú tinh thần con người, cá nhân hoặc tập thể. Chính những thành quả của tư tưởng và tâm tình con người, tự chúng, đều có giá trị của văn hoá tinh thần.
Một công trình kiến trúc có giá trị vật chất, những đầu óc phác hoạ ra thiết kế đó mang giá trị tinh thần. Các tác phẩm văn học nghệ thuật, các phương pháp giáo dục đạo đức và mở mang kiến thức… đều có giá trị tinh thần của văn hoá đương đại và có thể có giá trị tương lai.
Người ta trong mỗi địa phương, mỗi giai đoạn lịch sử, có thể có những chuẩn mực lượng giá vật chất và tinh thần của các thành tựu văn hoá. Những chuẩn mực đó càng nhiều tính nhân linh, ít chất chủ quan, càng được nhìn nhận trong phạm vi rộng lớn và càng tồn tại lâu dài.
3. Lượng giá theo công dụng
Theo công dụng, người ta thường chia giá trị văn hoá làm hai loại để đánh giá: Giá trị thưởng thức và giá trị đào luyện.
3.1. Giá trị thưởng thức
Giá trị thưởng thức thường phát sinh từ chất VĂN, nét đẹp trong lãnh vực vật lý hoặc tâm lý, đạo đức. Nét mềm mại trong hội hoạ và kiến trúc cổ truyền. Nét xinh đẹp duyên dáng trong trang điểm con người và trang hoàng nhà cửa. Nét đẹp và mềm mại, êm đềm thường gặp trong thơ lục bát, trong điệu hát dân ca. Những nét đẹp vừa rung động năng khiếu thẩm mỹ của người thưởng thức, vừa âm thầm tôn vinh nền văn hoá hài hoà của dân tộc.
Ngoài giá trị MỸ, văn hoá có chất đẹp của CHÂN và THIỆN. Tính chân thật đơn giản vẫn là một trong nhiều đặc điểm văn hoá, tại Việt Nam cũng như trong nhiều dân tộc khác. Chân thật ngay cả trong những biểu tượng. Những trá hình và giả tạo không thể làm nên giá trị văn hoá. Tế nhị và bóng bảy trong nếp sống văn hoá chỉ thêm đẹp cho giá trị chân thành. Hai giá trị này lại phát sinh từ thiện tâm. Chính vì thế mà những người tàn nhẫn hoặc tinh quái không làm văn hoá được, cũng không thưởng thức được văn hoá.
3.2. Giá trị đào luyện
Chính là hiểu về giá trị này mà chúng ta gọi “bộ văn hoá giáo dục”. Nếu “mỹ″ liên hệ nhiều với “Văn” thì tính đào luyện liên hệ với Hóa nhiều hơn và nhằm mục tiêu Chân, Thiện. Dùng Văn để giáo luyện, cho con người Hóa tốt đẹp hơn. Những cuộc cách mạng quân sự và chính trị chỉ thành công lâu dài nếu đi sau hoặc song hành với cách mạng văn hoá. Nhưng cách mạng văn hoá bao giờ cũng khó khăn và lâu dài hơn cách mạng thuần quân sự hoặc kinh tế, chính trị.
Nếu muốn kỹ hơn, chúng ta phân biệt đào luyện tinh thần và đào luyện nhân cách.
I. Đào luyện tinh thần thì đào luyện cả trí và tâm.
Con người vượt xa hơn muôn vật, dầu xuất hiện trên trái đất hàng trăm triệu năm sau động vật khác, chính nhờ con người phát triển trí. Các nước Tây phương, hoặc theo văn hoá Thiên Chúa giáo, đuổi theo, rồi vượt xa các nền văn minh cổ đại Ấn Độ và Trung Quốc… vì họ chú trọng tới “ánh sáng”, tới lý trí và luôn luôn đòi hợp lý. Càng ngày, những chủ trương tiến bộ càng phải quan tâm đào tạo trí óc hơn.
Tuy thế, văn hoá đầu óc đủ chế tạo máy móc tự động, mà chưa đủ giúp con người hạnh phúc. Muốn hưởng hạnh phúc, văn hoá đào luyện tâm hồn cần hơn. Chúng ta thua các nước tiên tiến hàng thế kỷ về công nghiệp kỹ thuật, nhưng chúng ta không thua – mà có lẽ thắng – họ về tâm hồn và cuộc sống tương đối hạnh phúc. Bởi từ ngàn xưa, chúng ta vẫn chú trọng tới văn hoá tâm linh.
II. Đào luyện nhân cách
Đào luyện nhân cách thì nền văn hoá nào cũng có và nó tương đối với giá trị đào luyện tâm linh của nền văn hoá đó. Tuy nhiên, phải nói ngay rằng trong những môi trường sống khác nhau về thời đại và không gian, người ta cũng thường có nhiều ít khác biệt về quan niệm nhân cách.
Người Tây phương chú trọng tới Thẳng thắn hơn; Đông phương chúng ta thường chú trọng hơn vào Điềm đạm. Tây phương đòi luôn trật tự; Đông phương cần điều độ. Tây phương tôn trọng ranh giới; Đông phương thích hài hoà….
Tóm lại, có thật nhiều chủ trương và nhiều cung cách lượng giá văn hoá. Không ai có quyền cho chủ trương của mình hơn của người khác.
Dầu sao, một tác phẩm, một thành quả, một công trình văn hoá phải đạt một số trong những giá trị văn hoá mà chúng ta vừa sơ lược trên.
Lm. Nguyễn Thế Thoại