Văn hóa Việt Nam – Phần I
Để phục vụ tốt
Nói về Khổng và Lão tử, sử gia nổi tiếng của Trung Hoa còn để lại cho chúng ta một mẩu chuyện, đại ý như sau:
Lão Tử đang làm quan thủ-thư của Nhà Chu, Khổng tử tới nghiên cứu để san định bộ Lễ Kinh. Thày hỏi Lão Đam thật nhiều về Lễ nghi tiền triều.
Lão Đam đáp:
“Những người mà ông nói tới kia đã tan xương nát thịt cả rồi. Chỉ còn lời nói của họ thôi. Vả lại, người quân tử gặp thời thì xe ngựa võng giá nghênh ngang; không gặp thời, thì cỏ bồng xoay theo chiều gió. Tôi nghe nói: ‘Người buôn giỏi thì biết giấu của báu, khiến người thấy như không có hàng hoá chi cả. Người quân tử đức cao thì diện mạo ngó ngu si”. Ông nên bỏ cái khí kiêu ngạo cùng cái lòng ham muốn nhiều, bỏ cái vẻ ham hở cùng cái chí tham lam đi. Những thứ đó đều không ích gì cho ông cả. Tôi chỉ bảo ông có thế thôi.
Khổng Tử ra đi, bảo môn đồ: Con chim, ta biết nó bay; con cá, ta biết nó lội; con thú, ta biết nó chạy. Ta có thể dùng lưới để săn loài chạy; có thể dùng câu để bắt loài lội; có thể dùng tên để bắn loài bay. Đến như con rồng cưỡi mây lướt gió trên trời, ta không sao biết được.
Hôm nay gặp Lão tử. Ông ta là con rồng chăng?” [1]
Chỉ cách nhau 20 năm, nhưng Khổng Tử sinh trưởng ở lưu vực Hoàng Hà, còn Lão Đam dân lúa nước, lưu vực sông Dương tử. Trong những vùng đất trời và dòng tộc khác nhau, họ thừa hưởng hai nền văn hoá khác nhau, học thuyết Khổng và Lão đương nhiên cũng thật là khác nhau.
Hai vị hiểu nhau còn khó, nói chi chúng ta, người theo sau cả vài thiên kỷ, làm sao hiểu được họ và ảnh hưởng họ để lại trong cuộc sống đồng bào và dân tộc ta!
Khi cả hai học thuyết đó du nhập Việt Nam, do áp lực chính trị hoặc văn hoá, tiền nhân chúng ta đã pha trộn với cả những giáo huấn Việt Nam và học thuyết Phật giáo Nam Bắc Tông.
Kitô-giáo từ ba thế kỷ nay và học thuyết Mác Lê sáu bẩy chục năm nay hiển nhiên chưa có độ dài lịch sử bằng Triết học Trung hoa, nhưng cũng vì tính bảo vệ giáo điều, mà khó thấm nhập văn hoá và con người thuộc các dân tộc Việt Nam cũng như Á châu. Vùng đất mênh mông, nhưng gồm không nhiều dòng tộc từ thời cổ sử, mà những dòng tộc này đều kiên cường, bất khuất, có thể thích ứng, mà không bị tiêu diệt. Nhưng nếu muốn Thích nghi Văn hoá, bạn phải biết những nét cơ bản của nền văn hoá này.
Tập sách Bạn đang cầm đây muốn giúp Bạn nhận diện Văn Hoá này. Văn-hoá của dòng tộc Việt-Nam, trải qua bao thời đại và hiện nay, đang hướng về tương lai rất mới.
VĂN HOÁ
VĂN HOÁ VIỆT NAM
1. Khái niệm VĂN HOÁ
2. KHOA HỌC văn hoá
3. Cội nguồn văn hoá Việt Nam
1. KHÁI NIỆM
Người ta gọi Người và Văn Hoá là một tinh thần đã được gieo trồng
tinh thần của những người khác.[2]
Đừng muốn biểu diễn văn hoá hơn cả cơ bắp.
Văn hoá bơi lội dưới câu cú
như bắp thịt dưới áo quần. [3]
[1] Văn Hóa LÀ…
Đúng là có lắm quan niệm nhiều ít khác nhau về nội dung từ VĂN HOÁ.
Làm sao có một khái niệm tương đối đồng nhất?
Chúng ta điểm qua mấy quan niệm được khá nhiều người biết đến:
1. Đào Duy Anh trong “VN Văn Hoá sử cương”
Ngay từ những thập niên khởi đầu xây dựng Văn Học Quốc Ngữ của chúng ta, Đào Duy Anh đã hiện ra như một học giả với tác phẩm giáo khoa uy tín từ năm 1938: “Việt Nam Văn Hoá sử cương“. Ngay trang đầu, theo lối tác phẩm tư tưởng Âu Mỹ, ông xác định từ ngữ:
“VĂN HOÁ LÀ GÌ?
Người ta thường cho rằng văn hoá là chỉ những học thuật tư tưởng của loài người, nhân thế mà xem văn hoá vốn có tính chất cao thượng đặc biệt. Thực ra không phải như vậy. Học thuật tư tưởng cố nhiên là ở trong phạm vi của văn hoá nhưng phàm sự sinh hoạt về kinh tế, về chính trị, về xã hội cùng hết thảy các phong tục tập quán tầm thường lại không phải là ở trong phạm vi văn hoá hay sao? Hai tiếng văn hoá chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng: Văn hoá tức là sinh hoạt.
Văn hoá đã tức là sinh hoạt thì không kể là dân tộc văn minh hay dã man đều có văn hoá riêng của mình, chỉ khác nhau về trình độ cao thấp mà thôi. Ví dụ văn hoá các dân tộc Âu Mỹ thì cao, mà văn hoá của các dân tộc mọi rợ ở Phi châu, Úc châu cùng các giống người Mường, Mán, Mọi ở nước ta thì thấp” [4].
Định nghĩa trên của họ Đào đã thật là hay, tuy vẫn còn vài điều bất ổn. Thí dụ: Căn cứ vào đâu hoặc dùng tiêu chuẩn nào mà bảo: “Văn hoá của các dân tộc Âu Mỹ thì CAO, mà văn hoá của các dân tộc mọi rợ ở Phi châu, Úc châu cùng các giống người Mường, Mán, Mọi ở nước ta thì THẤP“? Bằng vào phẩm cách gì mà bảo dân này là Mọi, dân kia là man di? Phải có mẫu số chung và tiêu chuẩn chung mới so sánh và đo lường được!
2. Trần ngọc Thêm “Tìm về bản sắc văn hoá VN”
Chúng ta nghe một trong những giáo sư nổi tiếng hiện nay, một trong những người đã được sang tận Liên-xô học thi tiến sĩ Ngữ học và về làm giáo sư tại Đại học Hà-nội và Sài-gòn. Ông Trần Ngọc Thêm trong giáo trình “Tìm về Bản sắc Văn Hoá Việt Nam” đã viết:
“Từ “văn hoá” có rất nhiều nghĩa, nó được dùng để chỉ những khái niệm có nội hàm hết sức khác nhau. Trong tiếng Việt, văn hoá được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ học thức (trình độ văn hoá), lối sống (nếp sống văn hoá); theo nghĩa chuyên biệt để chỉ trình độ văn minh của một giai đoạn (Văn hoá Đông sơn)… “Đề cương về văn hoá Việt Nam” của Đảng CSĐD năm 1943 đã xếp văn hoá bên cạnh kinh tế, chính trị và xem nó bao gồm cả tư tưởng, học thuật (=khoa học, giáo dục), nghệ thuật. Ủy ban UNESCO của Liên hiệp quốc thì xếp văn hoá bên cạnh khoa học và giáo dục, tức là đặt hai lĩnh vực này ra ngoài khái niệm văn hoá.
Federico Mayor, Tổng giám đốc UNESCO cho biết: “Đối với một số người, văn hoá chỉ bao gồm những kiệt tác tuyệt vời trong các lãnh vực tư duy và sáng tạo, đối với những người khác, văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động. Cách hiểu thứ hai này đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hoá họp năm 1970 tại Venise”. Chính với cách hiểu rộng này, văn hoá mới là đối tượng đích thực của văn học…” [5]
Sau khi giải thích bốn đặc trưng cơ bản của Văn Hoá, tác giả cũng tìm về định nghĩa:
“Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”. [6]
Đọc nội dung tác phẩm của Đào Duy Anh và Trần Ngọc Thêm, chúng ta thấy cả hai giáo sư đều theo cách hiểu bao quát như Liên hiệp quốc nhìn nhận năm 1970.
3. Gs. Nguyễn Đức Đàn
Nhà xuất bản Văn Học, năm 1998 cho ra đời một tác phẩm của Gs. Nguyễn Đức Đàn, cuốn “Tư tưởng triết học và đời sống văn hoá văn học ẤN ĐỘ “.
Chỉ cần đọc tựa đề đó cũng biết Giáo sư Đàn và người đảm trách xuất bản của Nhà xuất bản Văn Học cho rằng Triết học và Văn học không bao hàm ở Văn Hoá. Nghĩa là Ấn Độ nói riêng hoặc các Dân tộc nói chung, có thể có Văn học và triết học không thuộc văn hoá !
[2] Tìm về ngữ căn để nhận chính danh Văn Hoá
Không thể đơn giản nói ai trúng, ai trật; chúng ta nên tìm ý nghĩa từ ngữ ngay từ gốc rễ của nó.
“VĂN HOÁ” là một từ gốc rễ Hán-Việt. Thật hợp lý nếu chúng ta tìm hiểu từ gốc rễ để biết ngay trong đất nước Trung Hoa, người ta đã hiểu thế nào.
Các tác giả “Đại cương Lịch sử Văn Hoá Trung Quốc” [7] đã tìm về gốc rễ như thế, ngay từLời Nói Đầu:
“Từ ‘VĂN HOÁ’ xuất hiện ở Trung quốc rất sớm. Quẻ Bói trong Chu Dịch nói: “Quan sát dáng vẻ con người, lấy đó để giáo hoá cho thiên hạ” (quan hồ nhân văn, dĩ hoá thành thiên hạ), trong đó đã bao hàm hai từ tố “văn” và “hoá”. Khổng Dĩnh Đạt trong cuốn “Chu Dịch chính nghĩa” đã giải thích như sau: “ý nói bậc thánh nhân quan sát dáng vẻ con người, tức là nói Thi, Thư, Lễ, Nhạc, theo đó mà dạy để giáo hoá thiên hạ”. Lưu Hướng (ước đoán 77-76 tcn) đời Tây Hán là người sử dụng từ văn hoá sớm nhất, sách Thuyết Uyển bài Chi Vũ viết: “Bậc thánh nhân trị thiên hạ, trước dùng văn đức rồi sau mới dùng vũ lực. Phàm dùng vũ lực đều để đối phó kẻ bất phục tùng, dùng văn hoá không thay đổi được thì sau đó sẽ chinh phạt”. Ở đây, hai chữ văn hoá được dùng như một cách giáo hoá đối lập với vũ lực. Trong sách Bổ vong thi của Thúc Triết có viết: “Văn hoá để làm cho bên trong hoà mục, vũ công để sửa sang bên ngoài” (văn hoá nội tập, vũ công ngoại tu) [8]. Ở đây hai chữ văn hoá gồm nghĩa với giáo hoá. Chung quy, văn hoá là văn trị giáo hoá, là chế độ lễ nhạc điển chương. Cách nhìn nhận này mãi đến cuối thế kỷ trước vẫn không thay đổi.
Trước mắt, từ văn hoá mà chúng ta dùng có hàm nghĩa không giống với thời cổ, đó là có chuyển dịch qua tiếng Nhật từ “văn hoá” của phương Tây vào cuối thế kỷ 19 [9]. Từ này tiếng Anh tiếng Pháp đều viết là culture. Tiếng Đức là kultur, tiếng Nga là kultura, đều từ chữ La tinh cultura mà ra. Trong tiếng la-tinh cultura bao hàm ý nghĩa trồng trọt, cư trú, luyện tập, lưu tâm, chú ý v.v…. Từ văn hoá trong tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga ngày nay vẫn giữ lại một số hàm nghĩa của nó trong tiếng La tinh. Giữa thế kỷ 19 các khoa nhân văn học như nhân loại học, xã hội học, dân tộc học, v.v… phát triển mạnh ở châu Âu, khái niệm văn hoá cũng do đó mà có biến hoá, dần dà có cái hàm nghĩa hiện tại, hơn thế ngày càng trở thành thuật ngữ thường dùng của các khoa học xã hội. Cha đẻ của nhân loại học nước Anh là Thailơ (Taylor), trong cuốn Văn hoá nguyên thuỷ xuất bản năm 1871, lần đầu tiên đưa ra một định nghĩa về văn hoá: “Văn hoá là một tổng thể phức tạp, bao gồm trí thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục và cả những năng lực thói quen mà con người đạt được trong xã hội”. Về sau, các học giả phương Tây đua nhau định nghĩa văn hoá, giới thiệu khái niệm văn hoá. Cho đến nay, định nghĩa về văn hoá ít nhất có 160 loại…
Khái niệm văn hoá mà chúng ta thường dùng trong nghiên cứu, lý luận lại chỉ những thứ có quan hệ đến văn minh tinh thần, như triết học, sử học, văn học, mỹ học, âm nhạc và cả tôn giáo, v.v… Có một khái niệm rộng hơn về văn hoá, đó là tất cả những gì loài người sáng tạo ra, là tổng hoà của văn minh vật chất và văn minh tinh thần, bao gồm các chế độ điển chương trong đời sống chính trị, sự trao đổi sản xuất trong đời sống kinh tế, việc ăn mặc ở trong đời sống xã hội v.v… Nghĩa là tất cả những gì con người bằng lao động thể xác và lao động trí não tạo nên… Lại có cái gọi là văn hoá tầng sâu, chỉ kết tinh của tinh thần dân tộc được hình thành trong những điều kiện tự nhiên và điều kiện lịch sử nhất định, cũng có nghĩa là đặc trưng văn hoá và bộ mặt tinh thần của một dân tộc.
Tóm lại, ý kiến của các học giả trong và ngoài nước về văn hoá là không thống nhất. Văn hoá là một khái niệm mơ hồ, nội hàm rất phong phú, vì nội hàm không xác định nên ngoại diện cũng không xác định. Bởi vậy, khó mà có một định nghĩa rõ ràng hoàn thiện”. [10]
[3] Từ Khái niệm đến Trình bày
Từ khái niệm tổng quát, người ta đi vào trình bày tác phẩm với bố cục phù hợp khái niệm.
1. Việt Nam Văn hoá Sử cương
Sau Thiên thứ: Nhứt TỰ LUẬN
Về định nghĩa Văn hoá và nguồn gốc người VN cũng như sơ lược lịch sử tiến hoá của dân tộc VN, tác giả vào phần chính với.
Thiên thứ Hai: KINH TẾ SINH HOẠT
Trình bày về Nông, Công, Thương nghiệp,
về sinh hoạt thôn quê và thành thị,
về giao thông, sưu thuế và tiền tệ.
Thiên thứ Ba: XÃ HỘI KINH TẾ SINH HOẠT
Gia tộc, Xã thôn, Quốc gia,
Cứu tế và tương tế,
Phong tục, tín ngưỡng và tế tự.
Thiên thứ Tư: TRÍ THỨC SINH HOẠT
Qua các thời đại, với các học phái Nho Phật Lão
Về Giáo dục, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, khoa học, phương thuật.
Thiên thứ Năm: TỔNG LUẬN
2. Tìm về Bản sắc Văn hoá VN
Của giáo sư Trần Ngọc Thêm, có lẽ bố cục cũng không khác lắm, tuy nội hàm có nhiều phần phải rất khác:
Chương một:
CƠ SỞ LÍ LUẬN CHO CÁCH NHÌN HỆ THỐNG – LOẠI HÌNH VỀ VĂN HOÁ VIỆT NAM
Trong chương này, tác giả nhìn qua:
Văn hoá và cấu trúc văn hoá,
Loại hình văn hoá,
Toạ độ của văn hoá VN.
Tiến trình văn hoá Việt Nam.
Chương hai:
VĂN HOÁ NHẬN THỨC
Tư Tưởng xuất phát về bản chất vũ trụ: Triết lý âm dương
Triết lý Phương Nam về cấu trúc không gian của vũ trụ: mô hình tam tài, ngũ hành.
Triết lý phương Bắc về cấu trúc không gian… Tứ tượng, Bát quái.
Cấu trúc thời gian của vũ trụ: Lịch pháp và hệ Can Chi.
Chương ba:
VĂN HOÁ TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG:
ĐỜI SỐNG TẬP THỂ
Tổ chức nông thôn,
Tổ chức quốc gia
Tổ chức đô thị
Chương bốn:
VH.TC.CĐ: ĐỜI SỐNG TẬP THỂ
Tín Ngưỡng, Phong tục,
Văn hoá giao tiếp và nghệ thuật ngôn từ,
Nghệ thuật thanh sắc, Nghệ thuật Hình khối
Chương năm:
VH. ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN
Tận dụng MTTN để ăn uống và giữ gìn sức khoẻ
Đối phó với MTTN: mặc và làm đẹp con người
Đối phó với MTTN: Ở và đi lại
Chương sáu:
VH. ỨNG XỬ VỚI MT. XÃ HỘI
Giao lưu với Ấn độ: VH. Chàm
Phật giáo và VHVN, Nho giáo và VHVN, đạo giáo và VHVN.
Phương Tây với VHVN.
VH đối phó với Môi trường xã hội: tính dung hợp…
Tác giả Thay lời kết luận bằng hai chục trang bàn về Văn hoá VN từ truyền thống đến hiện đại.
Những phần phải rất khác giữa tác phẩm thứ nhất với tác phẩm thứ hai là ở điểm này: Tác phẩmTìm về Bản sắc VHVN chú trọng nhiều tới phần trình bày Lý luận, tức phần Văn hoá học, đồng thời dùng những nhận xét về VHVN như minh hoạ cho phần lý thuyết đó. Còn Đào Duy Anh thì gần như chỉ trình bày những gì ông cho là “dữ kiện lịch sử VH”, mà không trực tiếp lý luận.
Cả hai đều có lý của mình. Một người trình bày theo quá trình lịch sử và thành phần văn hoá. Thời học giả Đào Duy Anh, người ta cũng chưa giảng dạy Văn Hoá tại Đại học, như một Khoa học. Giáo sư Thêm là người đã được hưởng phần tiến bộ đó của giáo dục từ nước ngoài, nên ông phải đặt vững lý luận như mô hình căn bản, rồi tìm xem Văn Hoá VN thế nào chiếu theo mô hình đó.
Chúng ta không nói tới tác giả thứ ba, giáo sư Đàn, vì tựa đề cuốn sách đủ nói quan niệm của ông về bản chất và thành phần văn hoá, cũng vì ông bàn về Ấn độ, một phạm vi thứ yếu khi so sánh với kiến thức về Văn hoá như một khoa học và về Văn Hoá Việt Nam. Đây là hai thành phần của nội dung chúng ta tìm hiểu trong giáo trình này.
Lm. Nguyễn Thế Thoại
[1] Tư Mã Thiên “Sử Ký”
[2] Công nương Diana
[3] Fernand Vanderem “Gén de Qualite”
[4] Sdd Tự Luận – 1. Van hóa la gì
[5] Sdd. Tr.21-22
[6] Sdd 1997. 1.1.5
[7] NXB.VHTT. 1994
[8] Văn tuyển q.19
[9] “bunka”= văn hóa, văn minh
[10] Sdd. Tr.15-17