Văn hóa Tết

47

VĂN HÓA TẾT

 

Văn hóa có thể hiểu nôm na là tất cả các sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người, mang tính đặc trưng truyền thống tốt đẹp của một dân tộc. Hiểu văn hóa theo nghĩa rộng như thế sẽ giúp cho chúng ta xác định được cái gọi là bản sắc văn hóa một cách tương đối dễ dàng hơn.

Theo đó thì, mọi nhịp độ sống của con người đều mang tính văn hóa, từ cách ăn ở, cách cư xử, cách đi đứng, nói năng… đến các lễ hội, tết nhất đều mang yếu tố văn hóa.

Đi đường một cách nghiêm túc, không trái luật, không xả rác bừa bãi dọc đường người ta gọi là có văn hóa.

Một khu phố mà trong đó có những người sống với nhau hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau, không có trộm cướp, mại dâm, ma túy… thì người ta gọi là một khu phố văn hóa.

Một con người nói năng lịch thiệp, lúc nào cũng hòa nhã với mọi người, ăn mặc chỉnh tề, tác phong nghiêm túc, cư xử tốt với mọi người xung quanh thì người ta gọi là người có văn hóa…

Rồi đến các dịp lễ hội, tết nhất, cúng quảy ông bà… tất cả đó người ta cũng gọi là văn hóa. Nhưng cũng tùy theo bản chất, loại hình, đặc điểm của từng sự vật, sự việc cụ thể mà người ta chia ra văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh…

Văn hóa ở một chừng mực nào đó nó gần nghĩa với cái đẹp, sự hoàn thiện, sức sống, cho nên từ bao đời nay, con người luôn phấn đấu để làm đẹp cho mình, làm đẹp cho đời cũng nhằm hướng tới cái văn hóa vậy. Nhưng tại sao lại phải phấn đấu? Bởi vì cuộc sống vốn dĩ rất phức tạp và luôn biến động. Có những cái ở thời này cho là tốt, là đẹp nhưng sang thời kỳ khác thì không còn tốt, không còn đẹp nữa. Và trong cuộc sống khi đã xác định được một giá trị, tạo lập được một khái niệm thì lúc nào cũng có cái đối nghịch với nó: có tốt phải có xấu, có hiền phải có dữ, có thiện phải có ác, có người trung thì cũng có kẻ phản bội, có người học thật thì cũng có người học giả…

Và văn hóa cũng thế, có văn hóa ắt cũng có cái phản văn hóa. Nhưng có một điều hết sức biện chứng là, chính do những cái phản văn hóa đó mới làm tôn thêm giá trị của văn hóa. Vì vậy, trong cuộc sống, con người luôn hoạt động vì cái văn hóa, cố gắng đè nén hay xua đi cái phản văn hóa. Xã hội lúc nào cũng muốn xua đi, hoặc ngăn chặn lại các tệ nạn xã hội, như: mại dâm, ma túy, bạo lực… để làm cho xã hội đẹp hơn lên. Trong mỗi con người, từ trong sâu thẳm ai cũng muốn mình sống đẹp hơn, có nhân cách hơn và người hơn. Ai cũng muốn mình có cơm ăn, áo mặc, có sức khỏe dồi dào, xã hội ổn định, mọi người cư xử với nhau tốt hơn. Nhưng vì lý do này, lý do khác mà những cái phản văn hóa không bao giờ mất đi, nó lúc nào cũng đồng hành với cái văn hóa. Suy cho cùng thì nó không thể nào tan biến đi được.

Cái văn hóa và phản văn hóa như là hai mặt của một tấm huân chương, là hai mặt của một vấn đề mà trong từng thời điểm, từng hoàn cảnh, từng điều kiện mà mặt này nổi trội hơn mặt kia. Và đó chính là cái mà con người đang kiếm tìm, đang muốn vươn tới, đó là, cái văn hóa sẽ át cái phản văn hóa, cái thiện sẽ lấn cái ác…

Và trong chừng mực nào đó, ngày Tết cổ truyền Việt Nam đã đạt đến “chân lý” này. Ngày Tết, bản thân nó vốn dĩ đã là văn hóa, là nét đẹp, là bản sắc dân tộc. Nhưng cũng chính trong ngày Tết là môi trường lý tưởng nhất cho việc biểu hiện cái đẹp.

Ngày Tết, có thể nói là ngày lý tưởng nhất trong năm. Ở đó, mọi lý tưởng, mọi biểu hiện tốt nhất của con người đều được thể hiện. Người ta cư xử với nhau tốt hơn, ân cần hơn. Có thể hôm qua họ là hai đối thủ, tranh giành bán buôn, lời qua tiếng lại, rồi không thèm nhìn mặt nhau. Nhưng Tết đến thì dù muốn dù không, khi đụng mặt, họ vẫn chào nhau một tiếng, chúc cho nhau những lời tốt đẹp.

Rồi những gia đình có cuộc sống khó khăn, thiếu trước hụt sau, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng Tết đến, họ cũng cố gắng sắm được chiếc áo lành lặn dù là không mới, có được bữa cơm tươm tất hơn dù là đạm bạc. Và ngày Tết chính là ước mơ của họ, là điều mà họ muốn vươn tới. Đó là có được cơm ăn áo mặc, có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc…

Trong những ngày thường thì trẻ con đi học, làm lụng nhưng Tết đến thì chúng được nghỉ ngơi, lại vừa có tiền, có thức ăn ngon, có quần áo đẹp, trẻ con nào không thích.

Trong ngày Tết, các cơ quan công quyền cũng nghỉ ngơi, gác lại mọi việc để ăn Tết trước đã. Đặc biệt, các cơ quan thực thi pháp luật thì không ai nỡ đem người phạm tội ra xử án, mà phải gác lại để xử sau. Bởi ngày Tết là ngày rất thiêng liêng.

Không khí mùa xuân là khí thiêng của đất trời, của hồn núi sông và hồn dân tộc mà trong đó mọi sinh linh đều có quyền được hưởng. Nên khi mùa xuân đến, đất trời khoe sắc, các mầm non đâm chồi nẩy lộc, sự sống lại hồi sinh, tất cả cùng chung hưởng một mùa xuân ấm nồng và tươi đẹp.

Về phía gia đình, chuyện ngày Tết cũng là chuyện gia phong. Gia đình có dịp quây quần, đoàn tụ sau những ngày làm ăn xa cách. Không khí gia đình đầm ấm hơn khi cùng ăn chung mâm, uống chung với nhau một ngụm trà. Con cháu cũng có dịp bộc lộ tấm lòng thơm thảo của mình với ông bà, cha mẹ. Anh chị em chăm sóc nhau, thương yêu nhau hơn…

Và cao hơn nữa là sự sum họp, sự hiếu để của cháu con đối với tổ tiên ông bà, mà biểu hiện là ở bàn thờ gia tiên. Con cháu dâng những mầm xanh của lộc trời, những thành quả lao động của mình lên tổ tiên, ông bà để tỏ lòng thành kính của cháu con luôn nhớ về nguồn cội. Thể hiện lòng tri ân của cháu con đối với tổ tiên dòng họ đã tạo lập cho mình một cuộc sống tốt đẹp như ngày nay. Và đồng thời kèm theo đó là một ước mơ, mong muốn tổ tiên, ông bà lúc nào cũng hiển linh phù hộ cho gia đình có được cuộc sống ấm no, bình an vô sự…

Ngày Tết là ngày lí tưởng, ngày của những ước mơ, ngày của cuộc sống tâm linh cao đẹp, hướng về tổ tông dòng họ, nguồn cội tổ tiên, tri ân những người có công với nước, với dân, thể hiện một ước mơ vĩnh hằng mà trong cuộc sống đời thường con người nhiều khi không có được: mọi người đều có cơm ăn áo mặc, có cuộc sống bình an, con người thương yêu nhau hơn, không có chiến tranh, không có hận thù, không có những hiềm tị nhỏ nhen, gia đình được sum vầy, hạnh phúc… Cho nên, nói ngày Tết là cái đẹp, là truyền thống văn hóa của dân tộc, có tính nhân văn và nhân đạo là vậy.

Như trên đã nói, cái xấu và cái tốt luôn cùng nhau tồn tại trong cuộc sống. Nên ngày Tết là truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc cũng không tránh khỏi những hạn chế. Trước đây, người ta ăn Tết bảy ngày, mười bữa thì nay chỉ còn có ba ngày, và chủ yếu là đêm giao thừa và mồng một; Trước kia đốt pháo quá nhiều gây lãng phí tiền của, nguy hiểm đến tính mạng con người thì nay không còn nữa. Một số việc có tính chất mê tín cũng không mấy còn tồn tại… Giá trị văn hóa không phải là cái bất biến, mỗi thời có một quan niệm khác nhau. Không hẳn là cái sau hay hơn cái trước. Nên tốt nhất là xem giá trị văn hóa như là một quan niệm, đừng phẩm bình. Nhưng chắc chắn có một điều: đánh bạc đến tán gia bại sản trong ngày Tết; tết nhất mà say sưa tối ngày, đánh vợ chửi con; đặt điều bói toán dị đoan… thì không thời nào xem là tốt cả. Nó chính là cái phản văn hóa đích thực, phản lại bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp về ngày Tết của dân tộc.

Chừng nào mỗi cá nhân chưa ý thức được ý nghĩa của ngày Tết là thiêng liêng, là hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên ông bà, thể hiện một ước vọng của con người về cuộc sống ấm no hạnh phúc… thì chừng ấy, những cá nhân đó chưa hưởng được hương vị Tết một cách đích thực, đúng nghĩa…!

Trần Kiều Quang