Thói quen làm sang cho mặt tiền, biển hiệu, coi đó là bình phong che đậy năng lực, thái độ làm việc mới có chừng ít năm nay.
Một khi đã thức thời tạo dựng bộ mặt của đô thị, phố xá trong mắt bạn bè du khách cũng phải có lớp lang, nguồn cội.
Sao phải treo đèn để cho có? Sao chẳng chịu tìm cho ra cái lồng đèn tượng trưng cho cái gì, ước nguyện gì buộc người ta đi đâu cũng phải nhớ về mình, thành một biểu tượng văn hóa của riêng người Việt?
Nếu cứ mãi mượn nước này một tí, theo nước khác một chút, uốn éo chạy theo vui mắt khách, e rằng rồi người ta sẽ thấy coi thường cho thứ văn hóa bồi bàn, mua vui đó.
Tự trọng còn phải là nội lực chứ không thể là thứ mua lại, nhờ vả, dựa dẫm. Ngày nay trong xã hội đang xuất hiện hai thái cực. Tự đánh bóng bản thân bằng những thứ mượn mõ, kiểu như: Nhạc… lời Việt; phim của… phiên bản Việt; cho đến mô hình giáo dục kiểu… cho thày Việt, trò Việt dạy mà đảm bảo vẫn tạo ra các chủ thể văn hóa Việt (?).
Nhớ khi xưa, với đời sống nông nghiệp sơ giản, trong mâm cơm người Mường cổ, gia chủ thường soạn thêm một đôi đũa để dành gắp thức ăn cho các thành viên trong mâm hoặc cho khách khi có. Hành xử đó chẳng chút cầu kỳ nhưng thật sự hiếu khách, lịch sự và sang. Nó khác với mâm cao, cỗ đầy mà vẫn dùng đũa của mình gắp cho bạn.
Trở lại chuyện đem rổ nhựa khắc phục cho việc thiếu đèn lồng. Nhiều người sẽ biện minh đó là cái linh hoạt, sáng tạo của người Việt. Nếu là tạm trong vài hôm thì bất đắc dĩ chấp nhận. Nhưng e rằng cứ mãi đối phó theo kiểu “mua được rẻ, tiện lợi” thì văn hóa Việt sẽ dần biến thành văn hóa… mượn. Tự trọng ở đâu?