Văn hóa điện thoại di động

78

 Văn hóa điện thoại di động

Điện thoại di động là sản phẩm và là thành tựu của ngành khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong thời đại thông tin. Nó được ví như chiếc cầu nối giúp con người xích lại gần nhau hơn. Nó có khả năng thu hẹp khoảng cách không gian và rút ngắn thời gian cho con người. Những tiện ích mà điện thoại di động mang lại cho con người thật đáng kể, nhưng sử dụng nó như thế nào cho đúng mục đích lại là vấn đề đáng nói.

Buổi tọa đàm của Lm Fx. Thiệu, SDB về đề tài “văn hóa điện thoại di động” tại trung tâm mục vụ tổng giáo phận Sài gòn như tái khám phá lại một bầu trời của riêng nó, vốn nghĩ mình đã thủ đắc điện thoại di động nhưng thật lắm khi sử dụng nó mang tính thiếu văn hóa.
Vậy chúng ta phải hiểu và sử dụng nó như thế nào cho đúng mục đích và có tính văn hóa của người giao tiếp điện thoại di động?
Cũng cần nhìn lại ý nghĩa, thiết tưởng, cũng không thừa. Điện thoại là gì? Di động là sao? Mục đích chính của điện thoại là dùng để đàm thoại, liên lạc và nắm bắt thông tin. Di động là động thái di chuyển một cách uyển chuyển, linh động. Như vậy, nói nôm na điện thoại di động là vật có thể di chuyển trong khi giao tiếp điện đàm và thu nhận thông tin.
Chúng ta ai cũng có điện thoại, nhưng hình như ít ai được hướng dẫn hay dạy dỗ để giao tiếp như thế nào cho phải phép, hay nói đúng hơn là có văn hóa trong giao tiếp điện thoại, hiểu theo nghĩa chặt. Thường chúng ta chỉ thấy người ta sử dụng làm sao thì chúng ta học theo làm vậy.
Khi muốn điện thoại cho ai, trước hết chúng ta cần phải chuẩn bị nội dung, mục đích kèm theo thái độ lịch sự và tế nhị trong giao tiếp. Điện cho người khác thì mình phải xưng danh tánh trước. “Alô, Tôi là Thiên. Làm ơn cho tôi gặp Nga được không?” Nếu là Nga thì tốt rồi, còn nếu không phải là Nga bắt máy thì người nghe cũng cảm thấy dễ chịu và sẵn lòng giúp đỡ. Cũng vậy, người nhận cũng phải lịch sự không kém. “Alô, Nga xin nghe”. Không nên nói “Ai đó?”. Trong thực tế, chúng ta bắt gặp không ít trường hợp trả lời “ai đó?”, kể cả người gọi điện đến cũng lệnh “Ai đó”. Thiết nghĩ, đấy không phải là lối giao tiếp trong điện thoại được thể hiện là lối lịch sự, là có văn hóa.
Chuyện tưởng chửng “biết rồi khổ lắm nói mãi”, nhưng thực tế lại diễn ra dài dài.
Nghe thử câu chuyện mà tự đánh giá. Có hai anh chị cảm tình với nhau. Thường xuyên điện thoại thăm hỏi. Chàng trai mỗi lần gọi điện đến cho bạn gái: “Alô, cún con của anh!”, nhưng nào ngờ, hôm ấy ông bố nhấc điện thoại Alô, lập tức có tiếng bên đầu dây: “Alô, cún con của anh!”. Ông bố nghe vậy, sốc quá, cũng chẳng vừa bèn đáp: “Cún bố mày đây!”. Cuộc giao tiếp trở nên căng thẳng, nhạt nhẽo, vô duyên!
Điện thoại là việc giao tiếp giữa người nói bên này và đầu giây bên kia. Nó mang tính chất riêng tư và cá nhân. Do vậy, phải hết sức tế nhị và để ý đến người xung quanh. Nói thong thả, đủ nghe, tránh to tiếng ở chốn đông người. Vì thực chất, tần số và âm lượng của nó được cấu tạo như lỗ tai của con người. Nếu hét lớn quá, tai nghe sẽ ồn và tiếp nhận âm thanh không thật. Điện thoại cũng thế, nhà sản xuất nghiên cứu đo lường mức độ âm thanh vừa đủ để làm sao người nói và người tiếp nhận thông tin nghe rõ ràng chính xác. Nếu nói lớn quá, âm thanh sẽ bị nhiễu và việc truyền đạt thông tin không chuẩn. Chúng ta cũng dễ hiểu vì sao khi kéo chuông liên hồi, con chó hú lên, là bởi tần số âm thanh lớn hơn tần số có ở nơi tai con chó. Nói chuyện chó để hiểu chuyện điện thoại có khi cũng nên. Thú thật, có người cầm điện thoại lên là alô, anh đó ha? Nói oang oang, bô bô ở chốn đông người. Những người này họ tưởng rằng họ là người quan trọng, phải được chú ý, làm như vậy mới là oách là oai là sành điệu, nhưng qua cách ứng xử ấy, họ sẽ bị đánh giá nhân cách và phẩm giá bị người khác xem thường. Tưởng là hay, là sành điệu, là ta đây có điện thoại, mà kỳ thực là thô bỉ, lố bịch và khiếm nhã. Trường hợp không chỉ xảy ra ở nơi những người ít học mà cả nơi những người xem là học thức cao nhưng cách ứng xử cũng chẳng hơn gì.
Nghe thêm câu chuyện để lượng giá. Trong một buổi họp cao cấp và đầy tính quan trọng. Có rất nhiều cử tọa và khán thính giả tham dự. Vị chủ tọa đang thuyết giảng, bỗng tiếng điện thoại vang lên. Cả hội trường giật mình. Tưởng rằng vị chủ tọa này sẽ tắt đi và tiếp tục phần thuyết trình của mình. Nhưng sự trông mong ấy không xảy ra. Điều đáng buồn là vị chủ tọa dừng bài nói chuyện của mình để trả lời điện thoại mà không một lời xin lỗi quần chúng. Lối ứng xử ấy xin dành lại cho quý độc giả đánh giá.
Nghe nói điện thoại đúng nơi đúng chỗ và sử dụng nó sao cho hợp tình hợp lý. Tôi thấy không hiếm người ăn mặc hết sức chỉnh trang và sang trọng, trông không thiếu phần trí thức, nhưng khi sử dụng điện thoại lại lộ ra vẻ rởm đời và đáng chê trách. Ăn nói thô bỉ và những lời dung tục bẩn thỉu trên điện thoại ở chốn đông người không phải không có. Chính tôi cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp chẳng mấy khi đẹp mắt và hài lòng. Trong thánh đường mọi người đang tham dự thánh lễ sốt sắng thì bỗng tiếng nhạc điện thoại nghe rất kỳ quái vang lên của một cô gái. Bầu không khí linh thiêng bị phá vỡ và hàng trăm con mắt đổ về cô khi cô alô nói chuyện với bạn trai to tiếng. Cùng lúc ấy có anh bên cạnh đang ngồi nhắn tin mà cả cộng đoàn đang đọc lời đáp ca “Chúng con đang hướng về Chúa”. Tôi thắc mắc, có khi nào anh nhắn tin gởi cho Chúa cũng nên chăng?!
Một điều cũng đáng bàn tới là chuông điện thoại và nhạc chế, nhạc chờ cứ loạn cả lên. Nhà dịch vụ cung cấp loại nhạc rẻ tiền hay được tặng miễn phí với chiêu bài như nhử mồi mà nhiều người chọn cho mình loại nhạc hot, đúng gu, không đụng hàng. Tưởng chừng như chỉ kiếm lời của nhà dịch vụ, nhưng đằng sau là cả một hệ lụy khập khiễng và đầy tính phản cảm. Từ ông xã number 1 đến tiếng chim hót, chó sủa, mèo kêu, tiếng từ dưới âm ty địa ngục, tiếng eng éc của kẻ bị hãm hiếp, tiếng nước xả bồn cầu… Tiếng chuông, nhạc chế, nhạc chờ vang lên ở khán phòng, nơi chốn đông người, nơi linh thiêng như trong đền chùa, trong thánh lễ nhà thờ chỉ gây sự chú ý “quá mức cần thiết”, biểu hiện con người thiếu văn hóa, thiếu sự tôn trọng, không nghiêm túc, dạng dở hơi, lập dị. Sử dụng loại nhạc nào là tự do của mỗi người, nhưng đừng gây ra sự phản cảm, phiền hà và ảnh hưởng đến người xung quanh đó là điều cần thiết.
“Nấu cháo điện thoại”, cụm từ nghe quen quá đối với nhiều người. Cũng cần phải xác định lại: mục đích chính của điện thoại là để nghe nói, chuyển tải và đón nhận thông tin. Nên càng ngắn gọn càng tốt. Có nhiều người nói điện thoại mà không biết đến thời gian, nơi chốn, đối tượng. Người nghe muốn nói lời tạm biệt mà “dằng chẳng đứt, dứt chẳng ra”. Ta đành xếp họ vào hàng “nấu cháo điện thoại”. Nấu cháo điện thoại cũng nhiều phiền toái. Điện thoại là để liên lạc và thông tin chứ không phải là nơi tâm sự, tán gẫu, mè nheo. Khi ta nói lâu quá, người khác muốn gọi đến để thông tin cũng bị tắc nghẽn. Sự thực những câu chuyện trên điện thoại lâu giờ cũng hết sức vớ vẩn, tùm teng: “mày ăn cơm chưa? Tao đi tắm. Ngủ nhiều vào heng. Ăn hộ tao bát cơm. Con Hồng bảo mày mặc quần thủng đít…”
Có tiền để gọi điện thoại không ai cấm. Đăng ký dịch vụ để tán trên điện thoại không ai cản. Nhưng nhìn lại ta thấy lợi hại ở đâu. Thứ nhất là mất thời gian, những câu xàm xí mua vui vô bổ. Thứ hai làm ngăn trở sự liên lạc khi người khác cần thông tin, liên lạc. Thứ ba, nhà dịch vụ tung ra chiêu bài khuyến mãi, khách hàng bị mờ mắt tưởng mình được thưởng mà kỳ thực đang bỏ tiền túi để làm giầu cho nhà dịch vụ. Quan trọng hơn là lời cảnh giác của một nhà nghiên cứu tầm cỡ quốc tế dành cho người “nấu cháo điện thoại”: “cách đây không lâu, Giáo sư Salford thuộc Đại học Lund, Thuỵ Điển đã chứng minh các tia bức xạ phát ra từ điện thoại di động gây tổn thương lớp màng bảo vệ tế bào thần kinh của chuột làm cho các chất đạm, chất dinh dưỡng không thấm vào được trong tế bào não bộ. Khi lớp màng tế bào não bị hỏng, sẽ phá huỷ các neuron thần kinh. Thực nghiệm tiến hành trên hai nhóm chuột. Cho một số con chuột trưởng thành chịu tác động của máy điện thoại GSM trong hai giờ, ở những mức công suất: 0,01; 0,1 và 1W. Nhóm hai không chịu tác động của vi sóng ở cùng một môi trường. Sau 50 ngày, kiểm tra các mô tế bào não của nhóm chuột thứ nhất, thấy có 2% các tế bào não của những con chuột chịu tác động dưới công suất 0,1W; 1W đã bị chết hoặc đang chết dần. Những phần não bị huỷ hoại nặng hơn là hồi hải mã, vỏ não và thân não. Ở nhóm thứ hai, không thấy có tổn thương nào ở tế bào não. Xin lưu ý là, công suất lớn nhất của các máy điện thoại di động thường mà chúng ta đang sử dụng là 0,6W.” Có lẽ, chẳng cần đến nhà khoa học, kinh nghiệm cũng cho chúng ta biết. Nói lâu trên điện thoại tai ta bị nóng và nhức bởi sóng từ và các tia bức xạ phát ra từ điện thoại di động. Nguy hiểm!
Cuộc sống ngày càng tiến bộ, con người dần tiến tới đời sống “số hóa”, điện thoại di động cũng thế, không chỉ dừng lại ở chức năng nghe nói và truyền đạt thông tin nữa mà nó còn tiến xa hơn rất nhiều. Trước đây chỉ có nghe nói, sau thêm nhắn tin và bây giờ thì không thiếu chức năng gì. GPRS, Internet, kết nối 3G, gửi thư hay nhận Email cũng trong tích tắc. Không những vậy nó còn có các chức năng chụp hình, quay phim cực nét, online mọi lúc, nghe nhạc mọi nơi, blutooth bắn để chuyển tải tư liệu hình ảnh cũng chỉ vài phím bấm. Rất tiện nghi, rất văn minh, nhưng không thiếu những bất cập. Cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Với những phát minh tân tiến đó, hầu như cha mẹ ngày nay không thể kiểm soát được con cái, nhất là lứa tuổi teen. Gần đây, thế giới tuổi teen như bùng nổ trong sự hỗn loạn, xuất hiện hàng loạt những scandal tự tạo như hình tươi mát, lộ hàng, những đoạn phim nóng, những video clip đánh nhau, lột đồ… Đâu chỉ dừng lại ở đó, những trò chơi game 18+, chát sex…đều vượt ra khỏi tầm kiểm soát của nhà chức trách và gia đình.
Đã đến lúc phải dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với việc sử dụng điện thoại di động như thế nào để gọi là có văn hóa, có mục đích. Thực sự điện thoại di động là một vật vô tri vô giác, nó chẳng làm gì nên tội và công nghệ thông tin không có lỗi. Tự nó chẳng nói lên được điều gì là có văn hóa hay không. Có hay không có là phụ thuộc vào người sử dụng nó như thế nào. Thiết tưởng, những nhà chức trách, các bậc làm cha mẹ phải quan tâm hơn trong việc giáo dục, định hướng lại tinh thần và tâm sinh lý nơi người trẻ để người trẻ có được nhận thức đúng đắn hơn trong thời đại khoa học kỹ thuật công nghệ lên ngôi, nhất là “văn hóa điện thoại di động”. Có trình độ học vấn cao, có nhiều tiền, sở hữu những chiếc điện thoại mắc tiền, sành điệu, ăn mặc sang trọng rất ư là trí thức đấy, nhưng điều đó cũng chưa thể khẳng định là có trình độ văn hóa cao.
Điện thoại di động ai cũng có. Chuyện bình thường. Nếu 20 năm về trước, di động là món hàng quý phái, xa xỉ phẩm, chỉ dành cho các giới “đẳng cấp”, thì ngày nay nó trở nên phổ biến khắp mọi hạng – tầng. Từ giới “thượng lưu” đến giới “bần nông”. Người người có điện thoại, nhà nhà sử dụng điện thoại. Ngay như giới công nhân hạng thấp nhất cũng sở hữu 1, 2 “chú dế”. Sở hữu có thế nào cũng chẳng nói lên được điều gì, quan trọng vẫn là làm sao sử dụng nó có văn hóa và đúng mục đích. Điện thoại di động dù có thế nào cũng chỉ là công cụ để phục vụ cho nhu cầu và tiện ích trong giao tiếp và truyền tải thông tin cho con người. Không nên vì quá làm dụng mà trở thành nô lệ cho nó. Có nhiều người cưng nó hơn cưng con, thiếu vắng nó như thiếu “người tình” đến nỗi dám đánh đổi một mối tương quan hay một ơn gọi cũng chỉ vì nô lệ cho nó.
Jos. Thanh Phong