Xưng tội bây giờ là vấn đề đáng quan tâm, một phần vi nhiều người ít hiểu nên ngại, một phần vì tội lỗi lan tràn khắp nơi, khiến cho người ta mất ý thức về tội, ít nghĩ đến tội, không còn sợ tội để mà xa lánh. Có nhiều căn cớ gây nên tình trạng này, như lương tâm bị chai lỳ không còn nhậy cảm với tội, như ít đi xưng tội nên cũng chẳng mấy khi nghĩ đến tội. Thêm vào đó là trào lưu tục hóa và khuynh hướng tương đối hóa của người thời nay.
Vậy, thiết tưởng nên bàn về vấn đề xưng tội để hiểu cho đúng ý nghĩa, và tránh cảm nghĩ đó là một công việc nặng nhọc gần giống như một thứ khổ dịch.
Như giáo lý dạy, xưng tội là thành phần của bí tích giải tội. Ngày nay người ta còn dùng nhiều từ khác để chỉ bí tích này như hòa giải, giao hòa, sám hối nhưng từ giải tội và xưng tội vẫn thông dụng và dễ hiểu hơn, nghĩa là có tội thì đi xưng, xung thì được tha. Chúng ta có tội xúc phạm đến Chúa, bây giờ xưng tội thì Chúa tha cho. Bởi vậy, từ giải tội vẫn gần gũi và thiết thực hơn. Nói chung một cách vắn tắt, xưng tội là xưng thú các tội xúc phạm đến Chúa và người khác với người đại diện của Chúa là cha giải tội một cách chân thành. Xưng tội là mong kết nối lại mối dây ân tình giữa mình với Chúa đã bị phá vỡ vì tội lỗi. Nay đi xưng tội là để tăng thêm tình nghĩa với Người, nếu chỉ có những lỗi phạm nhẹ ; và khôi phục lại tình nghĩa cha con, nếu như đã trót có những lỗi phạm nặng, vì khi đó là xóa bỏ ơn nghĩa, làm mất ơn thánh sủng khiến linh hồn ra đen tối. Vì thế, phải xưng tội để mỗi ngày được thêm ơn phúc và lấy lại tình trạng ơn nghĩa, nếu như đã đánh mất vì các tội trọng. Muốn xưng tội cho có kết quả tốt, cần làm những việc sau đây :
1. Xét mình
Nghĩa là xét xem trong thời gian từ lần xưng tôi trước cho đến bây giờ, mình đã phạm những tội nào trong mười điều răn của Chúa. Có thể xét mình dựa vào mười điều răn như vẫn thường làm xưa nay. Lại cũng có thể dựa vào các mối liên lạc của mình với Chúa, với người khác và với chình mình. Đối với Chúa, thử xét xem mình có đầy đủ bổn phận với Người không ? Bổn phận ở đây là bổn phận của thọ tạo đối với Đấng Hóa Công. Thọ tạo phải tôn thờ và biết ơn Đấng đã tạo dựng nên mình. Vậy, các việc thờ phượng, kinh lễ đối với Chúa thế nào. Các điều răn Hội thánh truyền dạy về việc tôn vinh thờ phượng Chúa, mình giữ ra sao ?
Đó là nói chung về việc thờ phượng kinh lễ. Còn đối với người ta, thử xét xem mình có giữ đức công bình, bác ái với ngưới ta không ? Có vay mượn mà không trả hay làm thiệt hại của cải vật chất hay danh thơm tiếng tốt của người ta không ? Có ganh ghen tìm cách gièm pha nói xấu hay đối xử gay gắt bất công không ?
Đối với bản thân, mình có lo giữ điều độ trong việc ăn uống, ngủ nghỉ và mọi sinh hoạt khác không ? Có lười biếng trong công việc bổn phận và sống vô tổ chức, vô kỷ luật không ? Cuối cùng xét xem nết xấu nào ngăn cản mình sống thân tình với Chúa.
2. Xưng tội
Xưng tội là cáo các tội mình đã xúc phạm đến Chúa và các người có liên hệ. Phải có lòng tin và đức khiêm nhường mới làm công việc này được. Tin để bảo mình rằng khi xưng tội là cáo tội với Chúa qua trung gian cha giải tội, và khiêm nhường để nhận mình là kẻ có tội mà sẵn sàng hạ mình xuống, không nề hà địa vị của mình trong xã hội. Thường người ta ngại xưng tội cũng vì không vượt qua được sự ngại ngùng này, khi phải xưng thú tội với một người phàm, nhưng lại được Chúa ban cho quyền cầm buộc và tháo cởi. Ngoài ra, cũng đừng quên là cha giải tội bị buộc ngăt không được tiết lộ bất cứ tội nào nghe cáo ở trong tòa. Vì thế, đừng sợ người khác biết tội mình và khi giải tội xong, cha giải tội phải đối xử với người đã xưng tội với mình, như không có chuyện gì đã xẩy ra giữa đôi bên. Vậy, cứ việc bình tĩnh cáo tội một cách chân thành và rõ rệt, nghĩa là cáo hết các tội mình đã xét và nhớ được, không giấu tội nào nhất là tội trọng, vì giấu thứ tội này là làm hư phép giải tội, là phạm sư thánh. Khi xưng tội nên xưng vắn tắt nhưng rõ ràng, để cha giải tội biết các tình tiết mà xét định là tội trọng hay tội nhẹ hầu ra viếc đền tội và lựa lời khuyên bảo cho thích hợp. Cũng nên nhớ là đừng kể tội người khác. Còn tội trọng hay nhẹ là tùy điều mình lỗi phạm thuộc loại nặng hay nhẹ. Khi biết rõ là nặng mà còn cứ phạm hay ưng thì đó là tội. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây câu định nghĩa của thánh Âu-tinh về tội để giúp dễ xét mình : “Tội là nói, muốn hay làm điều trái với luật Chúa và lương tâm.” (dictum, velitum, vel factum contra legem Dei et conscientiam).
3. Ăn năn tội
Xụt xùi hay khóc lóc sau khi xưng tội ở trong tòa không phải là điều cần thiết hay là dấu tỏ lòng ăn năn tội thật. Ăn năn tội thật là nhận rằng mình đã xúc phạm đến Chúa, đã lỗi nghĩa cùng Người, nên bây giờ lấy làm hối hận vì sự xúc phạm đó và quyết tâm sửa lại, như lời kinh ăn năn tội vẫn thường đọc : “Tôi đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa thì tôi lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội tôi trên hết mọi sự, tôi dốc lòng chừa cải và nhờ ơn Chúa thì tôi sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng.” Hay là tự mình nói thầm những ý tưởng và tâm tình giống như vậy. Bây giờ theo nghi thức giải tội mới nên giục lòng ăn năn tội trước khi vào xưng tội, còn ở trong tòa thì lắng nghe cha giải tội đọc công thức giải tội như sau : “Thiên Chúa là cha nhân từ đã nhờ cái chết và sự sống lại của Con Mình mà hòa giải với Mình. Xin Chúa dùng thừa tác vụ của Hội thánh mà tha thứ và ban cho con được bằng an. Và cha tội cho con nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” rồi thưa Amen.
4. Đền tội
Sau khi khuyên bảo, cha giải tội ra việc đền tội. Việc này thường là đọc mấy kinh hay làm một vài công việc nào đó, để đền những tội đã phạm. Thực ra, những kinh hay những việc làm kia không đền bù và khỏa lấp được các tội đâu. Chính công ơn cứu chuộc của Chúa Ki-tô mới có sức đền tội. Những kinh và những việc kia chỉ là một sự nhắc nhở phải bày tỏ lòng hối tiếc và noi gương Chúa đã tự nguyện chấp nhận cái chết đau thương khổ cực để cứu chuộc chúng ta.
5. Dốc lòng chừa
Dốc lòng chừa là quyết chí từ bỏ đường tà để làm cho mình nên tốt hơn. Nếu cha giải tội không nói thì hỏi xem nên chọn điểm nào để sửa mình, một điểm cụ thể, ví dụ thời gian này nên chú ý đọc kinh tối trước khi đi ngủ, cố dậy sớm cho khỏi nhỡ công việc, chịu khó sửa soạn trước công việc phải làm, không tiêu xài phung phí v.v…
6. Xưng tội đều đặn với một cha giải tội
Người thợ máy phải xem máy móc thường xuyên mới giữ cho mày tốt và tránh được những sửa chữa quá phí tổn. Người năng xưng tôi đều đặn cũng ví được như thế. Ngoài ra là xưng với cùng một cha giải tội, vì nhờ đó cha giải tội biết rõ linh hồn mình hơn, để có thể giúp mình cách hữu hiệu. Sau khi đã chọn được cha giải tội thì nên tiếp tục xưng tội với cha ấy.
Kết luận
Những điều trên đây về bí tích giải tội là những điều thông thường. Nhưng vì hoàn cảnh, có thể nhiều người đã quên nên cần nhắc lại để mọi người đỡ ngại đến với bí tích này, hầu được đổi mới và luôn sống trong vòng ân tình với Chúa, mà thờ phượng Người trong niềm hoan hỉ :
Phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ
vào trước thánh nhan Người với tiếng hò reo.
(Tv 99,2)
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.