Vấn đề Đức Ái
Đọc 1 Cr 13:1–7 mà “giật mình” vì thấy Đức Ái được nói một cách chi tiết. Quả thật, không dễ thực hiện đúng theo “tiêu chuẩn” Thánh Phaolô đã đưa ra: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.
Mỗi lần xét mình chi tiết từng điểm nhỏ trong “định nghĩa đức ái” của Thánh Phaolô, tôi vẫn thấy “giật mình” vì chưa áp dụng và sống đức ái được bao nhiêu. Tôi cũng muốn bắt chước Thánh Don Bosco: “Xin cho con các linh hồn, còn các thứ khác cứ lấy hết đi”.
Có lần ĐGM G.B. Bùi Tuần viết: “Đã hẳn lo cho Hội Thánh địa phương có một cơ chế với những phân công thích hợp là điều tốt. Nhưng quan tâm đó không được lấn lướt quan tâm về đời sống đức ái. Nhất là khi cơ chế lại theo phong trào, phát sinh ra nhiều thứ ban bệ, nhiều thứ tổ chức. Nếu thiếu tỉnh thức, đời sống cơ chế như thế sẽ dễ trở nên ồn ào, hình thức, đụng chạm. Khi nhiều người nhập vai các vị đạo đức một cách vụng về và trần tục thì coi rất tội nghiệp. Lúc đó Hội Thánh địa phương sẽ vô tình tự tố cáo mình là thiếu những nhân chứng đáng tin cậy. Và đó là một tổn thất lớn tự mình gây nên. Đề cập đến đức ái, người ta không thể không nghĩ tới bổn phận chúng ta đối với những người nghèo”.
Chúa Giêsu là người luôn quan tâm và gần gũi với người nghèo, ngài tự nhận mình là bạn của những người cùng đinh: “Mỗi lần quý vị làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Tôi, là quý vị đã làm cho chính Tôi vậy” (Mt 25:41). Thế nhưng trong thực tế, người nghèo luôn bị người ta khinh rẻ!
Đức Kitô yêu thương những con người bé mọn, khiêm nhu, bị bỏ rơi, tội lỗi, kém cỏi,… vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Chính Ngài đã dạy: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22:37–39). Chúng ta đong đấu nào cho người khác thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho chúng ta (x. Mc 4:24). Không thể biện hộ!
Về Đức Ái hay Bác Ái, có những mức độ khác nhau: Bố thí, công bằng, bác ái. Cho ai điều gì chỉ vì không muốn bị quấy rầy chứ không vì yêu thương, đó là bố thí (Lc 11:5–8); cho ai điều gì vì mình có dư, không xài đến, đó là công bằng; cho ai chính những gì mình có, đó là bác ái (như bà góa nghèo, Lc 21:1–4). Đa số chúng ta thường ở mức bố thí và công bằng chứ chưa hẳn bác ái. Chúng ta chỉ cho người khác những gì mình thừa hoặc không ngon chứ chưa thật lòng cho người khác những gì do mình hy sinh. Vì chẳng ai muốn “khó” đến mình. Gương người Samari nhân hậu (Lc 10:29–37) là minh chứng minh nhiên vậy. Nói quá dễ, làm quá khó!
Không chỉ vậy, Chúa còn đòi hỏi nghiêm khắc hơn về đức ái: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ” (Lc 6:27–32).
Và khi phán xét, Thiên Chúa sẽ xét xử chúng ta một cách tỉ mỉ và nghiêm ngặt về mức độ bác ái.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương đúng Ý Ngài. Xin Ngài thương nâng đỡ những người thiếu thốn và đau khổ về tinh thần và thể xác để họ khả dĩ là nhân chứng sống động của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
KHA ĐÔNG ANH