GÓC SUY TƯ GIA ĐÌNH Vai trò người chồng

Vai trò người chồng

Phần 1

Lẽ thường, người ta sinh ra, lớn lên, đến tuổi trưởng thành khó ai thoát được “Lưới Tình” :

Đã mang lấy một chữ tình,

Khư khư mình lại buộc mình vào trong.

Yêu nhau dẫn đến việc lập gia đình là chuyện tự nhiên (normal)

  • Không lấy vợ ư ?

Người ta chồng trước vợ sau,

Anh kia không vợ như cau không buồng.

  • Chẳng lấy chồng chăng? ? ?

Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi,

Không chồng buồn lắm chị em ơi!

  • Góa bụa, mồ côi, cũng than trách!

Người ta như đũa có đôi,

Tôi nay đi biển mồ côi một mình!

            Và cuộc sống lứa đôi phải hiểu là một thời gian lâu dài, cần sinh con đẻ cái, rồi giáo dục con nên người hữu ích cho đời :

Sinh con mới ra thân người,

Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.

Các bạn thân mến,

            Các bạn sẽ lập gia đình, và mong muốn có tổ ấm hạnh phúc, một số vấn nạn được đặt ra : Lấy vợ lấy chồng dễ hay khó ? Khó khăn và thử thách là do đâu ? ? Những đam mê nào nên tránh xa ? Nền tảng đạo đức nào là ắt có và đủ để tổ uyên ương được xây đắp tốt. Cụ thể là người chồng phải làm gì để hạnh phúc lứa đôi bền lâu ?

  1. Lấy vợ chồng dễ hay khó ?

            Muốn làm một người chồng thật đơn giản vì : lấy nhau là bản năng sinh tồn của mọi loài trên trái đất từ xưa và chỉ cần hai người đưa nhau lên tòa thị chính làm giá thú, hợp thức hóa trước luật pháp “Hôn nhân”.

            Nhưng tại sao có “những cặp nam nữ”, sau một thời gian chung sống lại xảy ra lục đục, cãi cọ, thậm chí đánh lộn, rồi có ngày bão tố lớn nổi dậy, vợ chồng đành não lòng nấc lên bản biệt ly :

Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi,

Tình nghĩa đôi ta có thế thôi!!

            Lại nữa, trong cuộc sống thường nhật, các bạn còn gặp thấy nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc đầy tràn, con cái đông ngoan, cùng tổ chức mừng 25 năm, 50 năm cưới nhau.

            Qua 3 cái nhìn trên, chúng ta thấy có thể tạo dựng được một tổ ấm hạnh phúc bền chặt vì gia đình được đặt nền móng trên ba trụ cột vững chắc “như kiềng ba chân” là :

            Nền luân lý cổ truyền khổng mạnh Á đông : theo đó, người con gái phải trau dồi Công Dung Ngôn Hạnh, chàng trai cần học lấy các đức tính Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, và cả hai phải biết hòa mình vào xã hội theo định chế Tam Cương – Tam Tòng!

            Hai là được đảm bảo bởi dân luật Pháp quốc “một vợ một chồng”. Nhất là được tôn giáo bảo vệ theo “Hôn nhân Công giáo với đặc tính một vợ một chồng không thể phân ly” (Le sacrement).

            Nhưng hạnh phúc gia đình có thể bị lung lay đổ vỡ bởi một trong những đam mê sau : (đổ một trong bốn vách của một căn nhà y tứ đổ tường) là nhà sập.

            Đam mê cờ bạc sẽ làm tan cửa nát nhà. Vì “Tiền bạc đen đỏ” này nếu kiếm được (ăn bạc) là của phù vân, tiêu xài phung phí, không là mồ hôi nước mắt nên không xót xa. Ngược lại khi bị thua bạc là phải gỡ gạc, nhưng cái vòng lẩn quẩn ấy không bao giờ có lối thoát ra được mà còn lậm sâu vô :

Cờ bạc là bác thằng bần,

Cửa nhà bán hết chôn chân vào cùm.

            Đam mê trai gái, trai gái lén lút là xác thịt luôn chống đối với lẽ phải của thần trí, là cái “bùa mê” cái bả “rủ rê vào con đường xa gia đình”. Chả thế mà người ta thường nói đến chuyện “bỏ nhà theo trai”, hoặc dí dỏm nhắc “bồ cũ không rủ cũng lại”.

            Đam mê hút sách : thuốc lào, thuốc lá rồi xì ke ma túy để tìm cảm giác lâng lâng sảng khoái (phi – hallucinations). Lâu ngày thành nghiện ngập mà sự cai thuốc (Sevrage) thường đem đến cơn đau đớn, châm chích hành hạ thân xác, nhất là không chừa bỏ được :

            Nhớ ai như nhớ thuốc lào,

            Hết chôn điếu xuống, lại đào điếu lên!

            Đam mê rượu chè : để quên đời, quên người, tìm sảng khoái đi mây về gió, uống rượu nhiều thì phải nói nhiều để thải bớt nồng độ rượu trong máu như một phản ứng sinh lý học tự nhiên – “rượu vào lời ra” không tự kiềm chế được, nói nhiều không kịp suy nghĩ thành ra nói bậy, gây mất lòng. Vấn đề cai rượu cũng cần một thiện chí lớn lao, một encadrement đặc biệt (milieu spécialisé) gây khổ cực thể xác, tinh thần, oái oăm thay!

Những lúc say sưa cũng muốn chừa,

Muốn chừa nhưng tỉnh lại hay ưa,

Hay ưa nên nỗi không chừa được.

Chừa được nhưng mà vẫn chẳng chừa!

            Muốn cho tổ ấm gia đình khỏi đổ vỡ, ngoài việc tránh xa các đam mê XÁC THỊT, các bạn cần tìm hiểu, học hỏi và tạo cho mình một căn bản đạo đức, để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân sau này (CBHN – GXVN khóa 9). Như một chất xúc tác cho phản ứng hóa học được thành tựu, như một động lực chủ yếu (đàn ông : phái mạnh) kéo con thuyền lênh đênh trên biển đời, người CHỒNG cũng đóng vai trò chủ động trong việc bảo toàn hạnh phúc lứa đôi bằng 3 điểm chính sau : VỢ CHỒNG.

            a. Cần phải biết dung hòa những khác biệt giữa nam nữ trong cuộc chung sống (cohabitation) để có hòa thuận.

            Vợ chồng là nghĩa tào khang

            Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui.

            b. Phải biết yêu nhau bằng một tình yêu chân thành (Tình yêu chân thành)

            c. Và biến tình yêu ấy thành 4 hành động cụ thể (c’est l’acte qui compte) qua việc chăm sóc (prendre soin) – Chia sẻ (partager – communication) – Chịu đựng (supporter) – Thủy chung (fidélité).

  1. KHÁC BIỆT:

            Thật vậy, có nhiều khác biệt giữa nam nữ về thể xác, về sinh lý từ đó người nam và nữ cũng rất khác biệt về tính tình, cách suy luận và hành sự, nhất là về bản chất và tâm lý của nhau.

            Đàn ông khỏe mạnh hơn, sống bằng suy luận, thích lãnh đạo, chinh phục, ngược lại phái yếu (femme) sống bằng con tim, tình cảm, thích được yên ổn, được che chở hơn là “đứng mũi chịu sào” – Tính tình các ông nóng nảy, dễ thay đổi năng động, mấy bà thì thích sự hiền hòa, êm dịu, âm ỉ, nhưng nhẹ dạ. Trong tình yêu, các anh “yêu” kẻ yếu đuối, cần được che chở, có sắc đẹp (trai tài, gái sắc); đổi lại các chị mến phục kẻ hào hiệp, anh hùng tính. Tình cảm của phái nữ là kín đáo, chậm đến và chậm đi, còn phái nam thì dễ giận, mau nguôi, mau phai nhạt. Khác biệt nhất là trong đời sống công việc :

            Các bà sống vì tình cảm, chỉ biết một chuyện khi được yêu là được săn sóc và được chiều chuộng nhất.

            Các đấng nam nhi, ngoài việc yêu đương họ còn mải mê với 5 chuyện khác nữa là : danh vọng + sự nghiệp + tiền tài + giải trí + ước vọng!

            Vấn đề được đặt ra là vợ chồng phải tìm học hỏi biết kiên nhẫn chấp nhận khác biệt của nhau, để đi đến “hòa đồng” hợp nhất :

            “Mình với ta tuy hai mà một” – là một tình yêu (Amour fidèle) một cuộc sống, một hạnh phúc và một trách nhiệm.

Mà vẫn tôn trọng cái khác biệt của nhau (droit de différence). “Ta với mình tuy một mà hai”.

Câu chuyện 1 :

            Khác biệt nam nữ – Hai vợ chồng nọ được mời đi ăn đám cưới ở Chinagora lúc 19h30. Từ 17h chiều, chị vợ đã chễm chệ ngồi trước bàn đánh phấn, tô son, sơn móng tay, chải đầu tóc, rồi mặc thử, ngắm nghía và thay đổi nhiều bộ áo quần. Đức ông chồng thì ngồi chờ nhấp nhỏm, lâu lâu ngó đồng hồ đeo tay. Nóng ruột chờ đợi và quá bực dọc chịu hết nổi, bèn gắt um lên : “19h30 khai mạc, mà 20h chưa ra khỏi cửa, bôi gì mà bôi lắm thế!” Thế là “Bão nổi lên rồi”! bên tiếng sắt, bên tiếng chì, không ai nhịn ai! Kết quả là tới nhà hàng vừa trễ tiệc vừa mặt người nào người ấy hết còn tươi tỉnh mà méo xẹo như đưa đám!

            Trang điểm và làm đẹp là nghề của nàng

            “Là Hoa cho người ta hái

            Làm Gái cho người ta nhìn”.

            Nhưng bắt chồng đợi 4 tiếng đồng hồ dài đăng đẳng thì thật quá!

            Nóng nảy là tính tình của chàng, nhưng nên kiềm bớt lại, với cái thời gian tâm lý dài chờ chực ấy anh nên đọc sách hoặc xem tivi thì đỡ sốt ruột biết bao!

Câu chuyện 2 :

            Khác về địa vị xã hội – vì ham tiền.

            Anh Nam hiền như bụt, không có bằng cấp địa vị, nhưng biết làm ăn, là chủ tiệm, tiền vào hàng tháng nhiều hơn lương một kỹ sư chính ngạch, anh lấy được cô Hoa dược sĩ, nhìn thật đẹp đôi! Nhưng chỉ ít tháng sau đã thấy mỗi người một ngã! Chàng tự thấy mình thua kém vợ, không được trọng vọng thành ra mặc cảm sinh ra mặt cau mày có, hay kiếm chuyện “vợ nói ngay cũng bẻ ra queo”. Còn nàng thì thơm như múi mít, ăn mặc thời trang đi đâu cũng được kẻ đón người đưa, bạn bè tâng bốc, chị mặc cảm chồng mình ngu dốt và mình ham tiền.

            Ham giàu mà lấy đứa ngu,

            Của ăn thì hết đứa ngu còn hoài.

            Thêm vào đó, người chồng phải chân thành yêu mến vợ mình.

.

Phần 2:

.

A. TÌNH YÊU CHÂN THÀNH

Nhớ lại, ai đã yêu mà chả đi qua 4 giai đoạn tiệm tiến sau đây nhỉ ? mới đầu chỉ là thương thương, thế rồi tình yêu trở nên đậm đà hơn khi muốn chia sẻ vui buồn có nhau, rồi đến lúc đam mê nhau thật như là “phải lòng”. Sau cùng là muốn giấc mơ tình yêu được thể hiện thành hành động lấy nhau.

Tình yêu chân thành là một tình yêu sáng suốt, sự sáng suốt chỉ có được khi cả vợ lẫn chồng đều trưởng thành về sinh lý thể xác cũng như tư tưởng suy nghĩ . Tình yêu chân thành là tình yêu không bị ép buộc “ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên”, hoặc

“Xưa kia ai ép duyên bà,

Bây giờ bà già bà ép duyên tôi!”

Tình yêu chân thành không thụ động như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”! mà phải cợ sự suy xét, đắn đo, bàn luận, lựa chọn :

“Lấy chồng cho đáng tấm chồng,

Bõ công trang điểm má hồng răng đen.”

Cần phải theo gương người xưa đi “kén vợ”

“Cái Nết đánh chết cái đẹp

Tốt người hơn tốt nước sơn

Có đức mặc sức mà ăn”

Nhưng đừng quá kén chọn kẻo bị “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” hoặc

“Chê đây lấy đấy sao đành,

Tưởng chê cam sành lại gặp quít hôi!”

Tình yêu chân thành không được mù quáng, thể hiện qua các lời như lấy tưới hạt sen, chụp rụp lấy đại, hoặc

“Đánh liều nhắm mắt đưa chân,

Thử xem con tạo xoay vần ra sao!”

Tình yêu chân thành không được tính toán : lấy nhau vì tiền tài (chưa chắc được gì) .

“Ham giàu có được giàu chưa

Vừa ăn vừa khóc như mưa cả ngày!”

Tình yêu chân thành là không yêu nhau vì danh vọng, lấy vợ chồng để trả thù đời! (Em đã sang ngang rồi)

Tình yêu chân thành là biết TÔN TRỌNG nhau (Respecter) kính trọng nhau (Vénérer). Tình yêu là một kết hợp thể xác và tâm hồn. Bảo đảm tinh thần cho việc tôn trọng nhau là “BÍ TÍCH HÔN PHỐI” lúc trao nhẫn cưới, trước mặt linh mục bà con cộng đoàn hai họ. Người chồng hoặc vợ đã chẳng lớn tiếng tuyên hứa : “Anh Châu hứa yêu Ngọc và tôn trọng em suốt đời” sao ? ? ?

Nhất nữa là phải duy trì và phát triển tình yêu trong đời sống hôn nhân, cũng như một cây ăn trái “cần được tưới bón thường xuyên” bao nhiêu mới tươi tốt và sinh hoa kết quả, thì lời cầu nguyện thường xuyên cũng giúp phát triển tình yêu hôn nhân như một cây ăn trái cần chăm lo “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để phát triển. Sau cùng, người chồng phải biết biến tình yêu chân thành với vợ qua bốn hành đồng cụ thể :

B) THỰC HÀNH

1) CHĂM SÓC

Muốn chăm sóc vợ một cách ân cần, âu yếm và kính trọng thì điều cần nhất là “có thì giờ RIÊNG TƯ” cho nhau để khỏi bị Cô Đơn.

Câu chuyện 3 :

Cô Hương, con nhà giầu, cựu hoa khôi một trường trung học, lấy chồng bác sĩ, đẹp trai “cao ráo” nhưng hai năm sau ngày cưới thì rẽ đám, lý do : vì nghề nghiệp và công ăn việc làm, bác sĩ hết làm phòng mạch tư, lại còn phải đi trực gác nhà thương, đầu tắt mặt tối nên còn rất ít thì giờ cho riêng vợ. Vợ thì nghĩ rằng mình có đầy đủ vật chất rồi, nhưng thấy vẫn thiếu thốn, hoang vắng, vì thiếu sự chăm sóc của chồng, thiếu được chiều chuộng vỗ về khi “đã yêu”, bà vợ ra đi vì cô đơn.

Chăm sóc cần được thể hiện qua các cử chỉ thường nhật : mở cửa, móc áo, rót nước trên bàn ăn, kéo ghế cho vợ v.v…

Nên hỏi thăm, hôn vợ nhất là gặp lúc ốm đau, mệt mỏi, thai nghén. Chăm sóc không có nghĩa là tội nghiệp, là thương hại (vì nghĩ rằng vợ tôi khờ quá, đù đờ, chậm chạp v.v…) sẽ làm cho vợ tủi thân, hoặc có mặc cảm thua kém.

Chăm sóc còn có nghĩa là từ bỏ ý riêng mình (hy sinh sở thích cá nhân) để đừng gây phiền hà cho vợ.

Người chồng nên biểu lộ sự tôn trọng vợ bằng cách nghe vợ nói, chứ không phải vợ mới mở miệng ra “hót” là đã ngắt lời ngay và còn thêm câu “Đàn bà thì biết gì”. Như vậy là làm mất mặt người yêu. Vợ sẽ nổi tự ái! Phải biết tôn trọng các ý tưởng của vợ và tin vào khả năng của vợ mình qua việc trao phó cho một số trách nhiệm, để cho vợ nghĩ rằng luôn hữu ích cho gia đình chứ không phải là “vô tích sự”

2) CHIA SẺ

Thêm vào đó, người chồng cần biết “chia ngọt xẻ bùi” với vợ. Thời điểm thuận lợi nhất là bữa cơm chiều mỗi ngày, để phần thì thưởng thức tài nấu bếp với các món ăn quốc hồn quốc túy, phần khác là được cảm thông (comunication) với các vấn đề công ăn, việc làm trong ngày.

Câu chuyện 4 :

Trong một gia đình công chức nọ, ông Tám đi làm về, là tức khắc lên bộ salon, ngồi vểnh râu lên, hết đọc báo lại coi tivi, mặc kệ cho vợ mình đảm đương lấy các việc linh tinh : nào làm bếp, quét dọn, giặt giũ, may vá v.v…

Bình luận :

Đức ông chồng làm như vậy là không phải, vì nghĩ rằng mình đã đi làm vất vả kiếm được tiền rồi là đủ. Phần còn lại là của bả. Nhưng vợ chồng còn phải cùng chung sức lo cho gia đình nữa bằng phụ một tay và chia sẻ công việc với nhau. Có biết chăng rằng việc loay hoay hoài trong 4 bức tường “gà nhà ăn quẩn cối xay” với mãi một số công việc lặt vặt ấy của bà nội trợ cũng rất là nhàm chán và lẩm cẩm, căng thẳng chứ! Có những ông chồng, đi làm về là quát vợ mắng con, thậm chí đến trách vợ không chịu đi làm thêm, tìm “áp phe” phụ trội giúp gia đình mà chỉ “ru rú như dán ngày” trong xó bếp. Thế là thiếu sự thông cảm và chia xẻ. Hoặc giả có những bà vợ đi làm về là ôm chầm lấy điện thoại liên lạc khắp thiên hạ hay lại dán mắt vào màn ảnh nhỏ tivi coi phim chưởng, còn bỏ mặc chồng lo việc cơm nước, lo việc tề gia nội tướng!

Kết : 
Nếu biết vợ chồng cùng có quyền lợi đồng đều, nên cũng có trách nhiệm đồng đều sẽ biết chia sẻ với nhau công việc thì dù có bận rộn đến đâu chăng nữa, mọi chuyện cũng được êm thắm.

3) Vợ chồng còn phải biết chịu đựng nhau.

CHỊU ĐỰNG : Câu chuyện : Một đôi vợ chồng 60 tuổi, con cái lớn khôn cả, lại đã có con gái gả chồng, thế mà chẳng hiểu “cơm không lành, canh không ngọt ra sao”, đến nỗi lôi nhau ra tòa “ly dị”.

Số là ông chồng muốn mua cho vợ một xe hơi (dĩ nhiên là một xe occasions thôi, cần bền không cần đẹp!). Bà vợ thì muốn xe màu tươi đẹp đẽ có thể đi chơi riêng le lói cơ – Kết quả là nhà có thêm một chiếc xe Fort “Sell” khá to và choán chỗ. Và đây là tranh luận. Bà vợ thì bảo rằng : chồng gì mà độc tài không chịu được, mua xe mà chẳng chịu hỏi vợ thích màu gì, kiểu nào ? mới mở miệng góp ý là ông gạt phắt đi, và chửi như tát nước vào mặt!! Chồng thì tố vợ dùng xe ăn mảnh với “bồ nhí” vì cho rằng lộ trình lái xe từ sở về nhà là nửa giờ, thế mà sở tan 16h, trong khi bà vợ về nhà lúc 18h. Rồi ông to tiếng : Đi với đứa nào hả ? Cái giống đàn bà thúi!!

Từ những bất hòa, vợ chồng lại tiếp tục “moi móc” nhau, đại khái cũng chỉ những chuyện lãng xẹt “bới nhà ra rác” những chuyện vụn vặt không đâu ra đâu. Rồi đi đến bỏ nhau.

Biết chịu đựng nhau là khi chồng nóng thì vợ nhịn, đừng đổ thêm dầu vào lửa :

“Chồng giận thì vợ làm lành

Miệng cười đon đả rằng anh giận gì ?

Thưa anh, anh giận em chi ?”

Sự chịu đựng, đòi hỏi nhiều khoan dung (indulgence-clémence) chịu đựng là một thử thách (Epreuve) lớn lao như có người nói : “thương nhau 3 tháng, cãi nhau 3 năm, NHỊN NHAU ba mươi năm”. Ở với nhau càng lâu, càng khám phá ra những khuyết điểm của nhau. Người chồng có thể thổ lộ : Hồi đó bà đâu có khó chịu, hay cằn nhằn, bắt khoan bắt nhặt như bây giờ, đến mức thành bực dọc, rồi lời qua tiếng lại, muốn tìm lối thoát ly. Đức ông chồng khi thấy vợ mình có nhầm lẫn, có tật xấu, thì cũng nên bình tĩnh, tự xét mình xem. Tại sao vợ mình thay đổi ? Và trước khi muốn trách người, hay tự trách mình trước. Vì phàm ở đời, không ai là người hoàn toàn cả, nhân vô thập toàn. Chịu đựng còn có nghĩa là tha thứ, không phải tha gấp 7 lần hơn mà là 70 lần 7, như Phúc âm nhắc nhở. Cũng không nên cho rằng tha thứ là đồng nghĩa với sợ vợ, vì mang mặc cảm “sợ vợ” bị vợ ăn hiếp, sẽ dẫn người chồng đến chỗ buông xuôi, dần dà xa tránh tổ ấm gia đình. Chịu đựng có nghĩa là nhường nhịn nhau “Một sự nhịn, chín sự lành”, nghĩ rằng nhường nhịn nhau là làm mất “thế giá” đi cũng không đúng.

4) Hành động cụ thể sau cùng là thủy chung trong tư tưởng, lời nói và việc làm (acte)

Vợ chồng mất thủy chung vì không hợp nhau trong vấn đề chăn gối. Việc gối chăn phải được coi như là một quyền lợi hỗ tương, chứ không phải là một ân huệ để có thể bắt bí, hất hủi, hoặc từ chối nhau. Như trong thư 1 gởi tín hữu Corintô, Thánh Phaolô đã viết : “Chồng phải làm tròn bổn phận đó với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau” (1Cr 7,32). Thủy chung thì đi đâu cũng phải trở về nhà mình, yêu vợ thì trung thành cho trọn, không nên quá đào hoa phong nhã nghệ sĩ (mối tình nghệ sĩ như giấc mơ, yêu nhau chớp nhoáng, ba bảy ham mốt ngày rồi rã đám). Đừng bay bướm, đứng núi này trông núi nọ, để bị chê cười :

“Đàn ông năm bảy lá gan

Lá thì cùng vợ, lá toan cùng người.”

Thủy chung còn là một đặc tính của “Bí Tích Hôn Nhân” – “một vợ một chồng bất phân ly” là tôn trọng nhau suốt đời. “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly” và người đàn ông có vợ mà ăn ở với người đàn bà khác, hoặc ngược lại là phạm tội ngoại tình.

Về phương diện y khoa, phải biết rằng đời sống sinh lý là một việc cao cả tốt đẹp, và cần thiết để đền bù sự cực nhọc, nỗi vất vả, các hy sinh trong việc truyền sinh, cần thiết để gia tăng tình yêu vợ chồng và là “linh dược” để hàn gắn những cải vã sứt mẻ, bất đồng ý kiến trong cuộc sống, và nhất là cần thiết (indispensable) để phát triển sinh lực và gia tăng tuổi thọ. Cũng cần thêm rằng hai mục đích của hôn nhân là đem lại hạnh phúc lứa đôi, cũng như phải sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường, dòng giống, góp phần tạo thêm hạnh phúc gia đình (thí dụ : việc cầu tự, xin con nuôi, mère porteuse etc…) và an cư tuổi già.

Hạnh phúc trong hôn nhân là một cái gì mông lung, man mác, êm đềm, một trạng thái sung sướng trong tâm hồn, với một lương tâm thoải mái, tạo nên do hai vợ chồng hòa thuận :

“Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”

Ngoài sự hòa thuận, vợ chồng cần thương nhau chân thật, như thánh Phaolô đã nói “Người chồng phải yêu vợ như Chúa Kitô yêu Giáo hội và hiến mình cho Giáo hội, phải yêu vợ như yêu bản thân mình. Không ai ghét bản thân mình bao giờ, trái lại phải chăm sóc và bồi dưỡng bản thân… (Ep 5,25 và 28).

Vì thế, chỉ có thể sống trọn bổn phần làm chồng “Vai trò người chồng” nếu mỗi ngày biết cầu nguyện cho vợ, cho tình yêu vợ chồng. CẦU NGUYỆN chính là duy trì và phát triển tình yêu lứa đôi bằng cách nhắm mắt lại, suy nghĩ về “vai trò của mình để tìm lấy một giải pháp tốt đẹp”. Tất cả những gì anh em cầu nguyện và xin, anh em cứ tin là mình được rồi, thì sẽ được như ý (Mc 11,24).

Chúc các bạn thành công trong đời sống hôn nhân.

Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Đĩnh, Paris

Exit mobile version