VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN TÔN GIÁO Vai trò của thiên thần bản mệnh

Vai trò của thiên thần bản mệnh

SAU BÍ TÍCH THÁNH TẨY

Hoạt động của các thiên thần đồng hành với cả cuộc sống của con người. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu mọi người hay chỉ các Kitô hữu mới có thiên thần bản mệnh? Nói cách khác, thiên thần bản mệnh được ban cho ngày khi mới sinh hay khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy? Origen đã quen với cả hai ý kiến và cho thấy rằng mỗi ý kiến đều có thẩm quyền theo Kinh Thánh.

Thánh Tôma Aquinô dành một bài viết về điều đó trong Tổng Luận Thần Học, ngài có trích dẫn đoạn văn của giáo phụ Origen. Hơn nữa, kết luận mà Thánh Tôma đạt được là theo truyền thống dựa vào: con người nhận được thiên thần bản mệnh khi mới sinh, nhưng thiên thần này giữ vai trò hoàn toàn mới sau Bí tích Thánh Tẩy. Sự tương đồng với các thiên thần của các quốc gia trước đó khiến Origen có xu hướng hướng tới giải pháp này.

Thực sự thiên thần đã được ban cho mỗi người khi sinh ra. Đó là một học thuyết có từ lâu đời. Nhưng về mặt khác, ngay từ ngày đầu tiên trong đời, đứa bé đã trở thành “con mồi” của ma quỷ, cho dù điều này là do quyền của Satan đối với chủng tộc của Adam hay đứa trẻ đã được hiến cho nó qua việc thờ ngẫu tượng. Kết quả là thiên thần bản mệnh gần như bất lực trước ma quỷ, cũng như đối với các quốc gia.

Đó là lý do tại sao các thiên thần bản mệnh mong chờ sự giúp đỡ đến với họ từ Thiên Chúa. Sự xuất hiện của Đức Kitô làm đảo ngược tình thế. Bạn cũng là một hoàng tử nào đó. Sau đó, Chúa Giêsu đến và giành lấy bạn khỏi quyền lực gian tà. Thật vậy, mỗi chúng ta đều có kẻ thù tìm cách lôi kéo chúng ta vào hàng ngũ của người lãnh đạo của chính mình. Nhưng bây giờ, nhờ có Chúa Kitô, các thiên thần tốt lành mạnh mẽ hơn, có thể bảo vệ đứa trẻ, như đã được Chúa Kitô giao phó.

Quả thật, Chúa Kitô giao phó những người mới được rửa tội cho các thiên thần của họ theo cách rất đặc biệt. Như chúng ta đã biết, vai trò của người hướng dẫn bắt đầu từ việc phân loại và tiếp tục sau khi rửa tội. Hermas nhấn mạnh về vai trò của thiên thần trong số các tân tòng. Thiên thần nhìn thấy nhiều tảng đá được đặt vào vị trí trong tòa nhà của Giáo Hội, Origen giải thích: “Những viên đá được đặt vào vị trí của chúng khi xây dựng Tháp… là những người mới trong đức tin, nhưng kiên trì. Chúng được tạo nên bởi các thiên thần khi làm điều tốt, bởi vì không có sự gian ác nào được tìm thấy trong chúng.” Origen cho biết: “Khi một người đã lãnh nhận đức tin, Đức Kitô là Đấng đã cứu chuộc người đó bằng bửu huyết của Ngài khỏi những chủ nhân độc ác, Ngài giao phó người đó cho một thiên thần thánh khiết, vì sự trong sạch tuyệt vời của thiên thần và luôn nhìn thấy Tôn Nhan Chúa Cha.”

THIÊN THẦN HÒA BÌNH

Trong số các tín hữu, những người có chức vụ cao hơn trong Giáo Hội là đối tượng cần được bảo vệ rất đặc biệt. Nếu các thiên thần đã được Thiên Chúa giao cho những người chỉ có cuộc sống riêng họ để điều chỉnh và không làm gì cho lợi ích chung, thì họ sẽ chẳng còn làm được bao nhiêu nữa cho những người mà cả trái đất được giao cho! Các nhân đức của Thiên Đàng luôn ở bên những người được giao trọng trách như vậy.

Trong số các chức năng mà các thiên thần bản mệnh thực hiện cho những người được giao phó, có một số chức năng đã được đề cập. Đặc biệt là vai trò hướng dẫn như vậy, nhờ đó họ là những sứ giả truyền cảm hứng cho các linh hồn. Họ bắt đầu sứ mệnh này giữa những người ngoại giáo được giao phó cho họ để dẫn họ đến với đức tin. Họ tiếp tục điều đó giữa những người mới học đạo, sau đó là giữa các tân tòng, và trong suốt quá trình tâm linh lên đến ngưỡng kết hợp với Thiên Chúa.

Nhưng có nhiều chức năng khác được các giáo phụ gán cho các thiên thần: bảo vệ linh hồn khỏi những rắc rối từ bên trong và bên ngoài, khiển trách và trừng phạt linh hồn quay lưng lại với đường ngay nẻo chính, trợ giúp khi cầu nguyện và chuyển cầu lên Thiên Chúa. Ba chức năng này được các giáo phụ chỉ định dưới ba tước vị ban cho thiên thần bản mệnh: thiên thần hòa bình (giáo phụ Gioan Kim Khẩu), thiên thần sám hối (giáo phụ Hermas), và thiên thần cầu nguyện (giáo phụ Tertullian).

Trong số các danh xưng dành cho thiên thần bản mệnh, danh xưng “thiên thần hòa bình” rất được kính trọng. Cách diễn tả này xuất hiện trong văn chương khải huyền của người Do Thái, nơi thiên thần hòa bình là người đồng hành với Enoch và giải thích ý nghĩa của những mặc khải của ông. Cách diễn đạt đó đã đi vào phụng vụ, như có thể thấy từ một đoạn văn của Thánh Gioan Kim Khẩu: “Hãy biết rằng có các thiên thần hòa bình. Hãy lắng nghe các trợ tế, những người thường xuyên lặp lại câu ‘Hãy cầu nguyện với thiên thần hòa bình’ trong lời cầu nguyện của họ.”

THIÊN THẦN CẦU NGUYỆN

Một danh xưng khác của thiên thần bản mệnh là “thiên thần cầu nguyện.” Trong sách Khải Huyền, các thiên thần trình bày lời cầu nguyện của các thánh với Chúa. Điều này không chỉ đúng đối với việc cầu nguyện theo phụng vụ, mà còn đúng với việc cầu nguyện riêng. Học thuyết này được tìm thấy trong Cựu Ước, nơi mà Tổng Thần Raphael là một trong “bảy thiên thần thánh thiện,” là những người dâng lời cầu nguyện của các vị thánh.

Sự tham gia của thiên thần bản mệnh trong việc cầu nguyện, sự kết hợp của thiên thần với sự khẩn cầu của chúng ta, xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm của Origen. Các tín nhân không có gì phải sợ ma quỷ, bởi vì “thiên sứ của Chúa sẽ vây quanh những kẻ kính sợ Ngài và Ngài sẽ giải cứu họ; và thiên thần của Người, Đấng luôn nhìn thấy Tôn Nhan Cha trên trời, luôn dâng lời cầu nguyện của mình qua Vị Thượng Tế duy nhất lên Thiên Chúa của mọi loài. Thật vậy, chính thiên thần cũng tham gia việc cầu nguyện của người được giao cho ngài chăm sóc.”

Như vậy, thiên thần luân chuyển giữa linh hồn và thiên đàng. Chúng ta sẵn sàng thừa nhận… rằng họ vươn lên mang theo lời cầu nguyện của loài người… và trở lại để mang đến cho mỗi người những gì mình muốn về những thứ Thiên Chúa đã chỉ định để họ quản lý các đối tượng của lòng nhân từ.

Một điểm nổi bật trong truyền thống sơ khai là lời dạy rằng con người có một thiên thần và một ác quỷ trong mình, giống như các quốc gia có thiên thần và ác quỷ của họ. Đó là lời dạy của Pseudo-Barnabas, người liên hệ điều đó với giáo lý về hai con đường – thiện và ác.

Thiên thần lôi kéo linh hồn về hướng điều thiện, ác quỷ lôi kéo linh hồn về hướng điều ác. Đây là học thuyết về việc nhận thức các thần linh từ dạng gốc. Hermas nhấn mạnh nhiều hơn về điểm này:

Có hai thiên thần cho mỗi người – một của công lý và một của sự gian ác… Tinh thần công lý ôn hòa, dè dặt, nhu mì, bình an. Khi đi vào tâm hồn bạn, ngay lập tức thiên thần nói với bạn về sự công bằng, sự khiêm tốn và sự tiết độ, lòng nhân từ và lòng tha thứ, tình yêu bác ái và phụ tử. Khi các suy nghĩ này nảy sinh trong bạn thường xuyên, hãy biết rằng tinh thần công lý luôn ở bên bạn… Hãy tìm hiểu công việc của ác thần. Trước hết, ác thần cáu kỉnh, cay nghiệt, hấp tấp, với những việc xấu xa… Khi bạn nhận ra công việc của ác thần, hãy rời xa ngay.

Vì vậy, con người thấy mình đang ở trong cuộc chiến tâm linh giữa sức mạnh của ánh sáng và sức mạnh của bóng tối. Đó là chủ đề lớn mà Thánh Inhaxiô muốn khai triển khi suy ngẫm về hai tiêu chuẩn, đã có trong tác phẩm của Origen. Thánh Athanasiô dành một phần đáng kể trong “Cuộc Đời của Thánh Antôn” cho điều đó. Grêgôriô Nyssa giải thích điều đó rõ ràng, liên kết với ý tưởng về thiên thần bản mệnh:

Sau khi bản chất của chúng ta đã phạm tội, chúng ta KHÔNG bị Chúa bỏ rơi trong sự sa ngã của mình, nhưng một thiên thần vô hình đã được sai đến trợ giúp cuộc đời mỗi chúng ta. Lúc đó, kẻ hủy diệt bản chất của chúng ta cũng làm như vậy bằng cách gửi đến mỗi chúng ta một ác thần để làm hại bản chất tốt của con người. Bây giờ tùy thuộc con người, thấy mình ở giữa hai vị thần, mỗi thần tìm cách dẫn dắt con người theo cách khác nhau, muốn làm cho bên này thắng bên kia. Thiên thần tốt lành trình bày tinh thần của mình với thành quả nhân đức, mọi thứ mà những người tốt thấy trong niềm hy vọng. Còn ác thần bày ra trước mặt con người những thú vui trần gian, những thú vui không có hy vọng cho tương lai, những thú vui có thể làm say đắm tâm trí của những kẻ khờ dại khi họ được tận hưởng trong hiện tại.

Do đó, con người sống ở giữa một thế giới siêu nhiên, một cảnh tượng, như Thánh Phaolô nói, cho cả con người và thiên thần. Đó là điều khiến Thánh Hilariô đã nói:

Mọi thứ có vẻ trống rỗng đều được khỏa lấp bằng các thiên thần của Thiên Chúa, không có nơi nào không phải là nơi sinh sống của họ khi làm sứ vụ của mình… Sợ ai đó có thể bất ngờ ập đến với mình thường khiến người đó không phạm tội đã dự tính, các Kitô hữu nên hành động như thế nào khi nhận ra rằng mình là nơi ở của một của các thần linh như vậy? Khi chúng ta bị khuất phục bởi ý chí xấu xa nào đó, chúng ta có nên không run sợ trước sự hiện diện của cơ binh thiên thần vây quanh chúng ta? Thật vậy, nếu các thiên thần của trẻ nhỏ nhìn thấy Tôn Nhan Chúa Cha hằng ngày, chắc chắn chúng ta phải kính sợ lời chứng của họ, biết rằng họ vừa ở bên chúng ta vừa hiện diện trước mặt Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta cũng phải sợ ma quỷ và các chứng gian của chúng, những chứng cớ khiến chúng xuất hiện ngay lập tức khắp nơi trên trái đất.

Sự hiện diện của thiên thần bản mệnh không chỉ giúp con người không phạm tội, mà còn làm cho con người hướng tới điều tốt lành. Chúng ta biết rằng toàn bộ cuộc sống của mình được thể hiện trong tầm nhìn đầy đủ của các thiên thần, và chúng ta muốn làm hài lòng các ngài bằng cách chiêm ngưỡng thực tại tâm linh.

Lạy Thiên Thần Bản Mệnh của con, xin tạ ơn ngài và xin lỗi ngài, xin tiếp tục giúp con hoàn thiện theo đúng Thánh Ý Thiên Chúa.

JEAN DANIELOU

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Exit mobile version