Vai trò của thân xác trong việc cầu nguyện

207

VAI TRÒ CỦA THÂN XÁC TRONG VIỆC CẦU NGUYỆN
Thời sự Thần học – Số 5 – Tháng 8/1996

.

Nữ tu Vandana Mataji, RSCJ
Đan Trình
 chuyển ngữ

images (1)Ngày nay, Kitô hữu càng lúc càng ít suy nghĩ về con người theo nhị thức hồn-xác của Aristote. Nói cho đúng hơn, càng ngày họ càng thấy lối mô tả con người dựa trên ba yếu tố thân xác – tâm hồn – thần trí theo quan niệm thánh Phaolô là hợp lý:

“Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta quang lâm” (1Tx 5,23).

Bởi đó, và cũng do ảnh hưởng càng lúc càng mạnh của các linh đạo phương Đông, nhất là Ấn giáo và Phật giáo, trên giới Kitô giáo phương Tây, Kitô hữu khắp nơi đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của thân xác trong việc cầu nguyện. Trên lý thuyết thì nhiều thế kỷ qua chúng ta đều có biết và trích dẫn những lời trứ danh của thánh Phaolô:

“Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao ? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em và Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em… Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,19-20).

Chúng ta gặp thấy cùng một ý tưởng như vậy về việc Thiên Chúa cư ngụ bên trong thân xác trong sách Chandogya Upanishad 8.1.

“Nơi trung tâm của thành trì Brahman, tức thân xác chúng ta có một tiểu thánh điện hình đóa sen, trong đó có thể gặp một khoảng trống nhỏ. Chúng ta phải tìm gặp Đấng đang ngự ở đó và phải mong muốn được nhận biết Ngài”.

1. Học cầu nguyện với tư cách là người có thân xác

Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu xem làm cách nào để hạnh ngộ được Đấng Hiện Diện Bên Trong ngay giữa Nội cung của thân xác. Bởi lẽ chúng ta không còn nhấn mạnh tình trạng nô lệ của xác thịt nữa – coi thân xác là một cái gì xấu xa cần phải dẹp bỏ và trấn áp – nên có thể nhìn nó như một đối tượng phải học hỏi để nhìn nhận đó là một người bạn đời, để biết cách khổ luyện nó với lòng yêu thương ân cần và kính trọng. Có như vậy, thân xác sẽ trở thành một sự trợ đỡ, chứ không phải là một chướng ngại trong đời sống tâm linh.

Vì chúng ta là con người có thân xác, lẽ tất nhiên toàn thể con người, và do vậy cả thân xác phải cùng tham dự vào việc kêu cầu, khát mong, chúc tụng Thiên Chúa, hoặc cuối cùng, học biết giữ thinh lặng, vì “Hãy lặng thinh để nhận biết Ta là Thiên Chúa”. Thường thường điều tâm linh không thể nói ra thì thân xác lại có thể diễn đạt. Đúng như thầy Roger Shutz ở Taizé phát biểu: “Tôi không hiểu phải cầu nguyện ra sao nếu như không có thân xác… Một đôi lần tôi nhận ra là mình cầu nguyện bằng thân xác nhiều hơn là bằng tâm trí. Một lời cầu nguyện trải dài trên mặt đất, uốn cong đầu gối tôi, bắt tôi phủ phục, ngắm nhìn địa điểm sẽ cử hành phụng vụ, tận dụng sự thinh lặng đem lại an bình hay thậm chí những tiếng ốn ào vang dội xung quanh. Thân xác đang ở đấy, thật sự ở đấy, để lắng nghe, để cảm nhận và để sống. Thật là buồn cười nếu như nghĩ rằng chúng ta có thể làm mọi chuyện đó mà lại không có thân xác”.

2. Một số phương pháp Phật giáo và Ấn giáo

Phương pháp phương Đông có lẽ chẳng bao giờ nghĩ đến việc thực hành cầu nguyện mà không nhờ đến thân xác. Có những phương pháp tham thiền Phật giáo (một số vừa mới quay trở lại với Ấn độ, chẳng hạn phương pháp thiền định Vipassyana của Miến điện, đã được đón nhận rộng rãi) giúp cho con người ý thức đầy đủ về thân xác của mình. Chỉ cần ngồi yên, lưng thẳng, mắt nhắm, tay đặt trên đùi là nghiệm thấy những cảm giác khác nhau trong thân xác mà chẳng cần “nghĩ” gì đến thân xác hay một phần cơ thể riêng biệt nào. Nói chuẩn xác hơn, ta “nghiệm thấy” thân xác đang chuyển vận ý thức của ta từ chi thể này tới chi thể khác – đôi vai và sự cọ sát của mảnh áo trên vai, lưng, hông, đôi tay, đùi, chân – cho tới khi ta bắt đầu cảm thấy thực sự được thư giãn. Nếu không có sự thư giãn thân xác, ta không thể nào khởi sự học thiền định được.

Tại các tu viện Phật giáo, trước khi được dạy cách tham thiền, người môn sinh được truyền đạt cho biết sử dụng thân xác mình “một cách có trí tuệ”. Có những lời chỉ dẫn rõ ràng về cách ngồi, đi lại, ngủ, thở, ăn, trai giới, tắm, để luyện tập thân xác thành một người bạn, có tính uyển chuyển, dẻo dai, dễ bảo và sẵn sàng hợp lực với tinh thần. Ở Viễn đông, các “trò” như nhu đạo, không thủ đạo, hiệp khí đạo, đô vật, kiếm đạo, nghệ thuật cắm hoa, trà đạo – tất cả những hoạt động thể xác đó khởi thủy nhắm luyện tập một “thân xác chiêm niệm”.

Bên Ấn độ, Yoga là một đường hướng cố cựu của Ấn giáo nhắm tìm kiếm và hạnh ngộ, hiệp nhất với Thiên Chúa (“Yoga” từ gốc Phạn ngữ Yuj có nghĩa là hiệp nhất, hài hòa, trở thành một).

Trạng thái hài hòa đầu tiên được thực hiện bên trong con người tôi, giữa thể xác và tâm linh, trước khi ta có thể tìm thấy và an vị trong sự hòa hợp với các thụ tạo khác, với vũ trụ hay với Thiên Chúa. Nói tới Yoga, tôi không có ý ám chỉ những cử điệu thuần túy xác thể hoặc Asanas. Rất nhiều người, đặc biệt bên phương Tây, liên kết Yoga một cách giản đơn với Hatha Yoga. Asanas chỉ là một đường lối để tạo cho thân xác có khả năng chiêm niệm, do vậy khi ta “ngồi” để thiền định, thân xác cộng tác với tâm hồn và thần trí để Thánh Thần có thể cầu nguyện trong ta một cách tự do hơn. Trong hệ thống bát chi Yoga của Patanjali. Asanas thuộc về ngoại sacthana (nỗ lực tâm linh), một giai đoạn chuẩn bị, để sau cùng dẫn tới trạng thái tập trung (sharana) và suy ngắm (Dhyana) lên đến cấp sáu và bảy của Yoga, và đạt đến tột đỉnh ở samadhi (kết hiệp hoàn toàn).

Thế nhưng, dù có chọn sử dụng Asanas chút nào trong ngày để chuẩn bị thân xác cho việc nguyện ngắm hay không (nhiều người, đặc biệt bên phương Tây, ưa thực hành Asanas đều đặn cho nhiều mục tiêu khác một cách giản đơn như là các tựa sách tiết lộ: “Yoga và sức khỏe”, “Yoga thẩm mỹ”, “Yoga tính dục”… thì thân xác vẫn có thể và phải được vận dụng cho đúng mức nếu muốn nó hỗ trợ cho việc cầu nguyện của chúng ta.

3. Sử dụng thân xác cho đúng mức ở mọi thời điểm

Nói chung, cách thức chúng ta vận dụng và chăm sóc thân xác là một việc hết sức quan hệ. Hiện nay ai ai cũng đổ xô học tập các phương pháp bắt nguồn từ Ấn giáo, Lão giáo cổ xưa và văn hóa Trung-Nhật, chẳng hạn như các môn Đông y – Châm cứu, thuốc chén, các kiểu xoa bóp, tắm rửa. Việc ăn uống, ngủ nghỉ, thư giãn được coi là thành tố quan trọng trong đời sống tâm linh.

a- Thực phẩm

Ăn chay không những ảnh hưởng đến sức khỏe thân xác, mà còn chi phối cả tâm lý và tinh thần nữa, vì chúng ta tin là có sự hiệp nhất giữa thân xác và tâm linh. Bởi đó, chế độ ăn rau qua thật hữu ích và cần thiết không riêng trong lãnh vực Ahimsa (bất bạo động) hay do cảm thương sinh mạng loài vật, song còn đối với cả Guna vốn có ảnh hưởng áp đảo trên đời sống tâm linh. Một số thức ăn gây ra chứng nặng bụng (trong số đó có thịt), khiến hợp thể xác – hồn thành nặng nề, uể oải và đần độn. Một số khác làm cho con người trở nên hiếu động, gây hấn, nóng vội. Còn lại là những thức giúp ta bình thản, sống chân thực (như rau quả, sữa…). Vì lẽ đó, nên đi ngủ đêm với một chiếc dạ dày nhẹ tênh. Một bữa tiệc tối thịnh soạn sẽ ngăn ta dậy sớm (Brahona – muhrt: thời gian trước lúc mặt trời mọc rất thuận tiện cho việc chiêm niệm trong tĩnh lặng) và cầu nguyện sốt sắng.

b- Ngủ nghỉ

Giờ giấc ngủ điều độ, đặc biệt là ngủ say (sushupti: tầng thứ ba của ý thức) cũng được coi như hữu ích cho đời sống cầu nguyện. Một người thực hành sadhaka nghiêm túc không những cần thức sớm song còn phải ngủ khoảng 6 giờ mỗi đêm. Tất nhiên mỗi cơ thể đều khác nhau và nhu cầu cũng thay đổi khác nhau, nhưng lẽ thường thời lượng nói trên coi như vừa đủ, đặc biệt đối với người nguyện ngắm theo lối Yoga hoặc bất kỳ một phương pháp suy niệm vô tư lự nào, bởi vì các việc luyện tập thiền định này giúp thân thể và tâm linh thư giãn nên cũng hiệu quả như giấc ngủ vậy. Tôi không sao quên được nỗi kinh ngạc khi nghe vị tu sĩ Phật giáo – ông đang dạy tôi phương pháp thiền Soto tại một ngôi Chùa Nhật – cho biết là trong các kỳ kiết hạ hàng năm, các thầy rất khó ngủ! Các vị không cần ngủ vì tất cả các giờ thiền định đã cung cấp cho các vị sự thư giãn và giúp các vị khỏi phải mất thêm nhiều giờ ngủ nghỉ! Yoga được gọi là “hòa điệu” “chứ không phải cho kẻ ăn quá nhiều hoặc quá ít, cũng không hợp cho người ngủ quá nhiều hay quá ít” (Bhagvad Gita 6,16).

c- Thư giãn

Thư giãn không phải là một món xa xỉ nhưng là một nhu yếu phẩm, chẳng những giúp giữ gìn sức khỏe, đưa tới một cuộc sống lành mạnh, quân bình, giữa xã hội phồn hoa, gấp gáp, ồn ào, tiêu thụ và bị kỹ thuật tràn ngập của chúng ta, mà còn đặc biệt thiết yếu cho những ai muốn hết lòng với đời sống cầu nguyện của mình. Mỗi người cần tìm hiểu xem hoạt động nào hoặc cử điệu thân thể nào giúp cho mình thư giãn nhiều nhất để rồi luyện đều hằng ngày. Muốn lo cho thân xác – tâm linh mình được thư giãn như thế, thường cần phải có can đảm. Ngày nay nhiều người, ngay cả bên phương Tây, tập được lối thư giãn đó. Nhiều người nay đã quen các động tác cơ thể (shavasan) và thực hành 10 – 15 phút mỗi ngày trên một mảnh ván hoặc sàn nhà, tay chân buông thỏng, mắt nhắm, thở chậm và sâu, giữ cho tâm trí an tĩnh và tập trung nhờ việc xoay chuyển ý thức đến nhiều phần khác nhau của cơ thể. Nếu thi hành động tác ấy trong một tinh thần yêu mến phó thác bản thân cho Thiên Chúa thì đấy có thể là một kinh nghiệm chiêm niệm sâu xa vậy.

d- Thở

Thở là một hình thức thư giãn và cũng giúp đỡ đáng kể cho sức khỏe và việc suy niệm, vì nó làm dịu tâm trí và tạo thuận lợi cho việc tập trung tư tưởng. Suốt cả ngày phải làm việc, hoặc “chiêm niệm chủ động”, quả là một điều vô cùng hữu ích khi được sống trong trạng thái ý thức, sáng suốt và an tĩnh trước Thánh Nhan Ngài, và nếu như tính khí, giận hờn, bạo lực, khiêu khích đe dọa quấy phá sự an tĩnh của bạn thì việc hít thở sâu, có chủ ý sẽ đem lại hiệu quả như thần. Ai đã từng thử qua phương pháp này đều công nhận lời nói trên không ngoa chút nào.

Trong truyền thống Phật giáo, ta chỉ cần phải ý thức về động tác thở của mình có đếm hay không không đếm cũng được. Thở bằng bụng được coi như có lợi cho sức khỏe và gia tăng thêm sinh lực. Truyền thống Yoga Ấn giáo và Tây y đều tin tưởng như vậy. Nên áp dụng phương pháp này để chiêm niệm theo từng thời điểm hoặc suốt cả ngày. Ta phải tỉnh táo, bình thản và chú tâm vào một điểm bằng cách tập trung vào hơi thở, nhận thức nó nơi lỗ mũi hoặc nhìn nhịp lên xuống của vùng bụng. Có một ngạn ngữ Trung quốc nói về một nhà hiền triết hít thở “Từ những (gì?)… Ta có thể dễ dàng sử dụng phương pháp tịnh tâm này để chuẩn bị việc nguyện ngắm hoặc bất kỳ hình thức cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, cử hành phụng vụ hoặc kinh nguyện cộng đoàn nào cũng được hết.

Trong quyển “Các áng văn Phật giáo”, tác giả Conze trích một đoạn văn chỉ dẫn cách học định thần bằng việc hít thở.

“Có một tu sĩ đi vào rừng, đến một gốc cây hoặc một quãng đất trống. Ông ngồi xuống, chân bắt tréo, lưng giữ thẳng, tập trung vào sự tịnh trí đang hiện lên phía trước. Ông biết mình đang hít vào, biết mình đang thở ra. Dù hít vào một hơi dài hay ngắn, ông đều ý thức rõ mình hít dài hay ngắn. Tương tự như thế, khi thở ra, ông luôn cố gắng suy nghĩ: “Tôi sẽ hít vào, thở ra, vẫn luôn nhận thức được toàn thân một cách rõ ràng”.

4. Hơi thở theo truyền thống Ấn giáo:

Việc hít thở được vận dụng rất nhiều trong Yoga như một trợ lực để trở thành có ý thức về sinh lực (prana: khí). Pranayama, tức kiểm soát hơi thở – đây là phần cấu tạo nên 4 trong 8 chi Yoga của Patanjali – là phần tương đương với Tải khí của Trung quốc. Chỉ có điều động tác tải khí được thi hành bằng động tác chậm của toàn thân, dòng khí hay sinh lực chuyển từ đỉnh đầu đến các ngón chân, còn động tác kiểm soát thở phải ngồi mà thực hiện. Thông thường các thiền sư khuyên ta nên bắt đầu “chiêm niệm thụ động” (ngồi “cầu nguyện nghiêm túc” như kitô hữu quen gọi) bằng một ít phút thực hành pranayama.

Có nhiều bài tập và kỹ thuật luyện thở, và sau các bài sơ cấp, thường học viên được lưu ý là không bao giờ nên tập các bài pranayama khó hơn mà không có một vị hướng dẫn dày kinh nghiệm vì như thế có thể đưa đến những rối loạn về thần kinh và hô hấp. Pranayama gồm động tác hít (pooraka), thở (rachaka) và nén hơi (kumbhaka). Lúc khởi đầu, chỉ cần ngồi thẳng, nhắm mắt, ý thức trước hết về hơi thở bình thường của mình, rồi dần dần thở chậm lại. Đây là một đề tài khó – xin miễn đi vào chi tiết ở đây. Đối với hầu hết người Tây phương, chỉ cần đếm 4 cho mỗi động tác hít vào, nén hơi (không cần phải gắng sức) và thở ra là quá tốt. Trong môn Thiền, thường phải đếm đến 10. Song một số người lấy làm khó khăn quá. Một khi bạn còn nhận ra mình đang lo đếm (hay bất kỳ chuyện gì khác) đó là bạn đang bị phân tâm, chia trí. Bởi lẽ trong phương thức chiêm niệm vô lự này, điều cốt yếu là phải ngưng mọi tiến trình suy nghĩ để tiến vào – trong trường hợp này, bằng việc tập trung vào hơi thở – tận cõi lòng, cái không gian nhỏ bé trong “hang sâu của con tim”, nơi Ngài ẩn mình và chờ đợi ta đầy yêu mến. Vì như quyển “Tầng mây vô tri” nhấn mạnh: “Chỉ có thể bắt gặp và giữ Ngài lại bằng tình yêu, chứ bằng suy luận thì chẳng bao giờ” (chương 7). Như vậy sẽ không thể có một lời cầu nguyện Kitô giáo hoặc bất cứ một “lời cầu” nào, nếu như toàn bộ các kỹ thuật thư giãn cơ thể nói trên không được chủ ý kèm theo một tinh thần yêu mến và ước mong phó thác cho Thiên Chúa. Có người sẽ hỏi việc đếm số có dính dáng gì đến việc cầu nguyện không. Họ cảm thấy không được thoải mái về chuyện này. Trong thời gian giúp tĩnh tâm theo lối linh đạo Ấn độ tại các nước bên Tây, tôi hay gặp những người – đặc biệt trong số các tu sĩ – nghĩ rằng tất cả mọi chuyện hít thở, đếm và đại loại như vậy chẳng thực sự là “cầu nguyện” gì hết. Bất quá cũng chỉ giúp chuẩn bị cầu nguyện là khá rồi. Quả đúng như vậy. Đàng khác, ý thức về hơi thở như một ân ban tự thân cũng có thể là một lời cầu nguyện thực sự. Ta cũng có thể ứng dụng kỹ thuật thở này một cách hữu ích kèm theo một số công thức cầu nguyện (cũng gọi là “niệm chú”), một từ khá quen, dù chưa được sử dụng rộng rãi) chẳng hạn “Giêsu”thì hít vào, “Tình yêu” thì thở ra; hoặc “Lạy Chúa” hít vào, “Thiên Chúa của con” thở ra. Hoặc nếu bạn thở theo 4 nhịp, bạn hãy nhẩm đi nhẩm lại trong trí: “Xin đổ đầy con Bản Tính của Chúa” lúc hít vào, và “xin rút sạch hết bản ngã con đi” khi thở ra. Đây là lối liên niệm Yoga, tức lặp đi lặp lại một câu hoặc một danh xưng của Thiên Chúa.

Tôi đã bàn khá dài dòng về chuyện thở vì đó là một chức năng của cơ thể hoạt động suốt 24 giờ mỗi ngày (và cũng vì lý do này tôi gộp việc hít thở vào chung một đầu đề “Tổng quát”) và là một phương tiện thần hiệu giúp cho ta thư giãn. Chiêm niệm nghĩa là thư giãn và đồng thời cũng là minh tuệ. Nhưng minh tuệ trong trạng thái căng thẳng không phải là chiêm niệm. Thế thì các thói quen ăn và ngủ, việc hô hấp giúp thư giãn, và nỗi lực bảo tồn sức khỏe nói chung là những việc có ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện vì chúng chi phối đời sống thể lý của chúng ta. Ngược lại, như chúng ta sẽ nhận thấy, việc chiêm niệm cũng có những hiệu quả sinh lý và tâm lý.

5. Cơ thể trong những lúc chiêm niệm và cầu nguyện

Cơ thể giữ vai trò gì trong chính lúc cầu nguyện và suy gẫm ? cơ thể có giúp cho tinh thần tập trung vào Thiên Chúa không? Có lẽ ta nên xét đến từng phần cơ thể xem chúng có giúp ta cầu nguyện tốt hơn được không.

a- Lưng

Việc giữ cho lưng được thẳng đứng là một điều hệ trọng. Sách Bhagvad Gita nói rõ – nhắc lại một câu của Svetasvatara Upanishad – để trở thành một nhà Yoga thật sự (nghĩa là sống hòa hợp và hiệp nhất với Thiên Chúa) phải có một thế ngồi thư thái, không quá cao mà cũng chẳng quá thấp… tâm linh tĩnh lặng trước Ngài, cơ thể, đầu và cổ giữ cho thẳng, đứng yên, không nhúc nhích (B.G. 6.11-13). Giữ thẳng lưng và học đứng yên là bước đầu tiên – “Hãy đứng yên và hãy nhìn nhận Ta là Thiên Chúa”.

Dù có tin vào Kundalini Yoga hay không (sức mạnh của mảng xà vươn lên từ đáy cột sống, xuyên qua nhiều chakras, tức các trung tâm thần khí, lên tận vùng sahashrara trên đỉnh đầu), thì đây cũng là một vấn đề kiến thức và kinh nghiệm phổ biến cho thấy việc giữ thẳng lưng giúp cho tâm trí tỉnh táo, sáng suốt, tập trung. Còn tư thế ưỡn ẹo rốt cục chỉ làm mồi ngon cho giấc ngủ và mơ mộng dông dài.

b- Mắt

Tốt nhất nên nhắm lại khi cầu nguyện chiêm niệm như truyền thống Ấn giáo và Kitô giáo – hoặc chỉ hé mở một nửa và chú mục nhìn xuống đất như kiểu Thiền – tùy theo lối chiêm niệm đang thực hành mà chọn tư thế nào giúp tập trung tốt nhất. Nhìn một hình ảnh nào đó trước tiên bằng mắt, rồi nhắm mắt để nhìn lại ảnh ấy bằng tâm trí cũng là cách giúp tập trung tư tưởng. Truyền thống Ấn giáo Bhakti khuyến khích tín đồ làm khơi dậy niềm yêu mến trong cõi lòng lúc bắt đầu cầu nguyện bằng cách chăm chú nhìn một lúc thật trìu mến vào tấm hình vị Ishta Devta của mình (đây là vị thần hoặc một thần tính của Thiên Chúa) hoặc Đấng Tôn sư, nhờ đó hướng tâm hồn một điểm duy nhất (Ekagrata) và đến trạng thái phó thác đầy yêu mến.

c- Hai bàn tay

Có thể được coi là phương tiện rất hữu dụng giúp diễn đạt và tác động tình trạng nội tâm theo ý muốn của chúng ta, chẳng hạn tay chắp trong tư thế thờ lạy, đưa cao lên trên hay sát trước trán một lúc lâu. Có ba mức độ trong Namaste (chắp tay chào kiểu người Ấn): một là cao trên đầu, dành cho Thiên Chúa; hai là thấp xuống một chút, dành cho những bậc cao niên hơn mình hoặc vì mình muốn tỏ lòng trọng kính đặc biệt; ba là ngang tầm trái tim dành cho người ngang hàng với mình. Áp chặt đôi tay chắp lại trên trái tim có thể khơi dậy tâm tình tôn thờ Đấng đang trú ẩn ở trong nơi ấy. Một trong những trung tâm thần khí – tức anahat chakra – đó là phần tâm điểm của quả tim và đã có nhiều tác phẩm trong Ấn giáo cũng như truyền thống Kitô giáo Byzantine viết về “Lời cầu nguyện của con tim”. Hai bàn tay đặt gần tim có thể giúp cầu nguyện theo kiểu này. Hai tay xòe ra đặt trên gối bày tỏ tấm lòng cởi mở và sẵn sàng đón tiếp Thiên Chúa. “Xin cứ lấy đi của con bất cứ điều gì Ngài muốn. Xin ban cho con bất kỳ điều gì Ngài định đoạt”. Hoặc kiểu khác nữa là bàn tay đặt trên gối ngón cái và ngón trỏ giao nhau theo kiểu Jnana hay Chia mudra (Jnan là sự khôn ngoan chid là tri thức mudra là ấn tín hay chữ ký). Ngón cái tượng trưng Thiên Chúa, ngón trỏ ám chỉ chính con người. Cả hai cùng tiến đến hiệp nhất với nhau như mục đích.

Chúng tạo nên một vòng tròn – biểu tượng của hoàn bị hoặc viên mãn. Đó là một cử chỉ tượng trưng nhắc nhủ mình rằng Thiên Chúa là Viên Mãn :

“Viên Mãn ở kia (phía bên ngoài), Viên Mãn ở đây (trong lòng tôi),
Viên Mãn tuôn trào từ Viên Mãn.
Và dù Viên Mãn có xa lìa Viên Mãn.
Viên Mãn vốn còn đo.” (Isa Upanishad)

Và trong sự đầy đủ Kitô giáo đó hoặc trong puranam Ấn Giáo lại cũng là không của Phật Giáo vì đó là số không. Một vòng tròn tạo nên bởi ngón cái và ngón trỏ là số không cũng như là đầy đủ. “Cha Tôi và Tôi là một”, Chúa Giêsu nói thế bởi vì Người tiên vàn đã hủy Mình ra không – “Nhờ sự Viên Mãn của Người mà chúng ta nhận được mọi ơn”.

Có cả một ngôn ngữ ký hiệu của các tư thế (mudra) dùng trong các vũ điệu cổ điển Ấn Độ mà ta có thể dùng cho việc cầu nguyện – trừ ra việc thể loại vũ cổ điển Ấn Độ có thể, và hiện nay đã được dùng nhiều lần như một hình thức cầu nguyện, cả ở Ấn Độ và đặc biệt thể loại vũ balê ở Tây Phương nơi các Kitô hữu.

Còn có một đường lối khác mà những bàn tay có thể giúp ta cầu nguyện – đó là khi ta dùng tới Japa Yoga – phương pháp niệm mantra hay niệm Danh Thượng Đế (Nama – Japa), bất kể là dùng các ngón tay giữ lấy mala (tràng chuỗi) và để mỗi hạt trượt qua đều đặn hoặc là do việc thực hành Likhit Japa. Danh được viết đi viết lại thật chậm thật đẹp trong một cuốn sách dành riêng cho việc này. Nên biết rằng người ta thường dùng cùng một danh hoặc mantra, khi thực hành Nama – Japa, trên chuỗi hạt hay với cây viết. Việc lặp đi lặp lại giúp tập trung và tĩnh lặng. Như vậy bàn tay không những trở nên phương tiện cầu khẩn danh Thượng Đế, song còn giúp tâm trí được tập trung theo nhịp điệu.

d/ Cánh tay và cẳng chân

Tứ chi cũng có thể giúp ta cầu nguyện. Cánh tay vươn lên, giang rộng vv… để nối dài ước nguyện, van nài hoặc cầu khẩn, như người Do Thái thường dùng khi cầu nguyện : “Con vươn tay lên cùng Ngài…” như các Thánh Vịnh thường nhắc lại. Cẳng chân cũng được dùng trong lúc thả bộ trầm tư, có thể là bước rất chậm như trong thiền định Zen, chú ý từng bước ngắn, giúp cho việc định thần, hoặc là bước đi nhịp nhàng với danh (mantra) – hát hoặc đọc thành tiếng hay thầm thỉ trong lòng. Lối thứ hai một khi đã thuần thục, có thể giúp ta luôn có Thượng Đế hiện diện và “cầu nguyện liên lỉ” cả ngày – mỗi lúc ta bước từ chỗ này sang chỗ kia.

e/ Kirtans, Bhajans và vũ điệu

Những bài ca và thánh thi được hát cộng cồng – đúng theo giờ, đôi khi cả đêm như trong một số lễ hội Ấn Độ – là một minh họa sắc nét của thân thể tham gia nguyện cầu. Không chỉ miệng lưỡi hát ca, song còn vỗ tay, lắc lư thân mình, nhịp chân, và rất thường khi cả nhóm hoặc ít là một số trong nhóm trở nên sốt sắng trong lửa mến Ngài, thế là họ bắt đầu nhảy múa. Và điều này không chỉ riêng cho Ấn Độ.

Có câu truyện Hasidic về một thánh hiền Đông Phương, một Đại Sư, đi thăm một thành nhỏ. Mọi người Do Thái trở nên âu lo về vấn nạn thâm thúy mà họ sẽ đặt ra cho vị hiền sĩ. Lúc bước vào, Vị Đại Sư cảm thấy một sự căng thẳng, bèn ngồi lặng thinh một lúc; rồi ngài bắt đầu ậm ừ nhẹ một giọng Hasidic. Lập tức mọi người cũng ậm ừ theo. Đại sư bắt đầu hát một bài. Tức thì tất cả cùng hát theo. Rồi ngài bắt đầu nhảy múa và mọi người hiện diện nhất loạt nhảy múa với ngài. Sau một hồi thì tất cả đã miệt mài trong vũ điệu, mỗi người đã hòa nhập với chính mình và với người khác. Dần dà, Vị Đại Sư dừng cuộc nhảy múa và nói : “Ta tin rằng đã giải đáp mọi thắc mắc của các người.”

Một người Hồi Giáo tên gọi NikosKazantzakis : “Chúng ta chúc tụng Đức Chúa bằng nhảy múa… bởi vì nhảy múa giết chết cái tôi, và một khi cái tôi bị giết chết rồi, lúc đó sẽ không còn một trở lực ngăn cản bạn kết hiệp với Thượng Đế.”

“Qua việc thấm nhập trọn vẹn vào toàn bộ thân xác và động thái của thân xác, từng bước chậm rãi người thiền định được dẫn dụ tới chỗ thực hiện từng điều một riêng biệt. Điều này hoàn nguyên và kiện cường cơ cấu cá nhân và đồng lúc đem lại tư thế sẵn sàng cũng như là nhu cầu khai triển một con đường mới mẻ để nhận thức và đáp ứng với thực tại.Ngoài ra, lối nẻo đặc thù này hội nhập mọi phần thân thể khác biệt lại với nhau và nhất là với cả con người(5).

Đó là xét về vấn đề theo những quan điểm tâm lý và xã hội. Mọi hình thức thiền định chân chính đều có mục đích mang lại con đường mới để nhận thức và đáp ứng với thực tại. Trong truyền thống Ấn Độ, thường nhấn mạnh đến những phương diện tâm linh và huyền bí, như thấy ở Ras Leela, vũ điệu của Sri Krishna thổi sáo, với các gopis nhảy múa quanh ngài trong một tình yêu xuất thần. Krishna tượng trưng nhận thức cao độ hơn và việc thổi sáo tượng trưng cho Nada sadhana. Lắng nghe tiếng sáo của Ngài, các gopis tượng trưng các giác quan, quên đi những thực tại bên ngoài và đạt đến (THỰC TẠI DUY NHẤT) NHẤT THỂ. Vì thế Nada Yoga được ám chỉ trong Bhagvata Purana.

f/ Toàn thân phủ phục

Tình yêu dẫn đến suy phục hoàn toàn. Thể thức cao vời nhất của Bhakti Yoga (mộ mến) là Prapatti hay là suy phục. Tại Ấn Độ điều đó được diễn tả qua thân xác trong một cung cách rất thích hợp và hoàn toàn thỏa đáng. Nằm dài – úp mặt xuống đất trong Sashtang Namaskar; là cách thức gợi cảm nhất để nói với Thượng Đế “Con Thờ lạy Ngài với toàn thân con”; một lời cầu nguyện tôn thờ. Đó cũng là một trong những tư thế của Yoga trong nghi thức “Chào kính mặt trời”. Nghi thức này gọi là Surya Namaskar, mà nhiều người thực hành trước nhất khi vào các asanas (tư thế) mỗi sớm mai, tự thân là một lời nguyện cao đẹp với thân xác. Người theo Ấn Giáo niệm danh (mantra) mặt trời mỗi một loạt mười hai động tác. Một số Kitô hữu cầu nguyện cùng Mặt trời Công Chính với những câu thánh vịnh thích hợp (hoặc bằng bất cứ lời nguyện nào tự phát nơi tâm tư) ăn nhịp với cử chỉ chào kính đặc biệt này.

Đang khi người đàn ông Hindu vào đền thờ hoặc xá kính vị Guru (đối với họ là tượng trưng cho Thượng Đế) nằm dài phủ phục, thì đàn bà tại Ấn Độ thường thực hành panchang pranam; năm phần của thân thể – hai tay, hai chân và đầu – chạm đất. Đây là một cử chỉ tôn thờ và suy phục thật cao đẹp, mà càng ngày càng nhiều Kitô hữu Ấn Độ áp dụng để thờ lạy Phép Thánh Thể thay thế việc bái gối mà họ đã học từ Kitô giáo Tây Phương.

g/ Tư thế ngồi

Tư thế ngồi thường được dùng trong mọi nhà trường dạy về cầu nguyện chiêm niệm (contemplative prayer) hay về điều mà Đông Phương gọi là thiền định (meditation). Tư thế ngồi kiết già (bắt chéo chân), subhasana, siddhasana hoặc padmasan (hoa sen) thường được đề cử. Tư thế ngồi nói lên sự an nhiên tự tại (stillness and calm) mà việc thiền định vừa đòi hỏi vừa cống hiến (khởi điểm và đích điểm -ND). Vì lẽ đó, ngay trong Phụng Vụ tại Ấn Độ (ít nhất là trong những thử nghiệm với chủ đích Ấn hóa việc phụng vụ), qua phụng vụ mà chúng tôi tham dự, có nhiều phần Thánh lễ chìm lắng trong tinh thần tĩnh mịch và chiêm niệm, đừng kể khi có nhu cầu thực sự phải đứng dậy hay nhảy múa hoăc đi rước đến chỗ nào.

Một số người không quen ngồi bật xuống sàn lúc đầu sẽ lấy điều đó làm khó. Nhưng tôi luôn luôn tâm niệm rằng ngày nay nhiều người Tây Phương đã thành công với việc ngồi yên và lâu giờ, ngay cả trong tư thế hoa sen. Đó quả là sự an tại và “thư thái” (comfortableness) làm cho nó thành một asana. Quả vậy Kinh Pantajali định nghĩa asana là như vậy; “sthiram – sukham”. Nếu chịu khó thực hành người ta sẽ làm được, và nghiệm ra giá trị lớn lao của việc ngồi theo tư thế trên.

Đang khi có nhiều tư thế của thân xác được áp dụng trong lối thiền định Đông Phương, thì tư thế hoa sen lại chiếm địa vị cao nhất. Đó là một tư thế hoàn hảo với chân trái đặt trên đùi phải và bàn chân phải trên đùi trái, lưng thẳng, cằm khép, bụng dưới giữ chắc. Tư thế này đem lại sự tĩnh lặng và tập trung.

William Johnston có lý để nói rằng, đang khi ngồi theo tư thế hoa sen là một nghệ thuật và thành toàn, không thể đạt trong chỉ một ngày, đó còn hơn là vấn đề học tập tư thế cơ thể (6)

“Tọa thiền theo tư thế hoa sen còn có ý nghĩa nhiều hơn thế: nó có nghĩa rằng dòng ý thức và dòng vô thức đều ngừng chảy. Một người “tọa thiền”, nắm bắt khoảnh khắc hiện tại trong toàn thể của nó, vượt trên thời gian, thoát khỏi mọi âu lo sợ hãi về tương lai hay quá khứ. Điều này tự thân chính là huệ giác (enligh-tenment)”

“Khi tư thế thân mình là chuẩn xác, người ta đạt giác ngộ” : Đó là lý do tại sao Suzuki Shunryu có thể viết : “Một khi bạn có tư thế này rồi, thì tự nhiên có được một trạng thái đúng đắn về tâm trí, vậy nên không cần đi tìm một trạng thái đặc biệt nào nữa” (Zen Mind Beginners Mind – Weathrhill, New York, 1970, p.22)

5. Ảnh hưởng sinh lý học của Thiền Định

Chúng ta đã thấy thân xác được sử dụng thế nào trong nhiều lối cầu nguyện và có thể viết cả một sách dày về những đường lối khác nữa. Tuy nhiên, trước khi kết thúc bài này, có thể là điều bổ ích nếu ta tìm hiểu việc thiền định đến lượt mình có những hiệu quả nào trên thân xác cũng như tâm linh, dù ở đây chúng ta chú trọng đến thân xác.

Trong những năm gần đây, nhờ những thiết bị khoa học mới, ảnh hưởng thể lý của thiền định được nghiên cứu đặc biệt tại Nhật Bản và Hoa Kỳ do các hành giả Thiền tông và những nhà nghiên cứu về thiền định siêu việt. Quả thực trong lãnh vực nghiên cứu trên có rất nhiều điều đã đạt được – dù ít gây chú ý nơi các nhà Yoga chính tông tại Ấn Độ – tới độ bất cứ tường trình nào về những biến đổi sinh lý do việc thiền định đều sớm trở thành lỗi thời.

Vô vi thiền định (thoughless meditation) chủ yếu như tạo nên một trạng thái thư giãn hoàn toàn của thân xác và một trạng thái tinh thần thật cảnh giác và tỉnh táo. Ở đó hướng về việc giảm thiểu nhịp tim và tốc độ hô hấp cũng như hạ thấp quá trình trao đổi chất, nghĩa là hạ thấp mức độ tiêu thụ dưỡng khí cũng như việc sản xuất khí carbon dioxide, một kết quả hoàn toàn khác biệt so với trình trạng sinh lý gây nên bởi lo âu hay giận dữ.

Lượng axit lactic của máu giảm rõ rệt lúc thiền định, gần gấp 4 lần so với người đang sống an toàn và yên tịnh. Mức lactic trong máu liên quan đến âu lo hoặc căng thẳng và mức độ thấp tìm thấy nơi những chủ thể đang thiền định thì cũng rất tương quan với trạng thái thư giãn của những nhà thiền định (7).

Sự căng thẳng và lo âu nơi con người càng nhiều, thì phản ứng của làn da lại kém đi. Trong thiền định thì phản ứng của làn da tăng lên, đôi khi tăng gấp bốn lần. Nhịp tim thì hạ dần. Lại có những biến chuyển nơi những dao động não bộ. Thường gặp nhất là dao động Alpha chậm. Tại sao và làm thế nào cơ thể lại phản ứng như vậy đang lúc thiền định ?

Một tác nhân chắc chắn là do những khía cạnh cơ bản của thiền định, đó là chú trọng vào hoặc là làm một điều gì, tức là sự quán tưởng (singlemindedness) hoặc là “ekagrata” được dùng trong lúc làm một điều gì, làm riêng biệt và sống trọn khoảnh khắc hiện tại. Thân xác được dùng để nắm bắt vô số tín hiệu khác nhau nhưng trong lúc thiền định nó chỉ nhận một bộ tín hiệu riêng biệt mà thôi. Hiệu quả của điều này trên sinh lý học là tích cực và có một khuynh hướng để cư xử ngay cả về mặt sinh lý, trong một cung cách buông xả hơn và lành mạnh hơn. Chỉ số căng thẳng và âu lo được giảm thiểu. Vậy là tăng được sự minh mẫn lanh lợi mặt tinh thần và giảm được sự căng thẳng sinh lý (8).

Kết luận

Giờ thì rõ ràng là “chúng ta không phải là thân xác”, thân xác chỉ là một phần của ta. Bởi vì ta không làm được điều gì ngoài thân xác, nên ta cũng không thể cầu nguyện mà không cần đến thân xác. Nhiều Kitô hữu còn bối rối hoặc thường nghĩ rằng cầu nguyện và suy gẫm chỉ là những hoạt động “thiêng liêng thuần túy”, làm như chúng ta là các thiên thần không bằng, tuy nhiên dần dà cả sợ hãi cũng như hiểu lầm sẽ bớt đi. Yoga và Zen (Thiền) nắm vai trò lớn trong việc xua tan sự vô minh của ta. Ta càng ý thức tính chất linh thánh (sacredness) của thân xác và sử dụng nó trong việc cầu nguyện, thì ta càng tiến dần đến chỗ thôi tách biệt cầu nguyện với hành động, giữa điều linh thánh và điều thế tục vv… Bất cứ điều thế tục nào cũng biến thành linh thánh cho người biết nhìn hay cố học để nhìn ra Chúa trong mọi sự. Việc Nhập Thể, cũng vậy, bắt đầu mang môt ngoại ý (connotation) mới mẻ hơn, sâu sắc hơn và Kitô hữu hiểu ra thế nào là được thưa với Cha, trong Thánh Linh, cùng với và như Chúa Giêsu; “Ngài đã cho con một tấm hình hài”. Bởi vì “Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10.20).

(1) Lawrence De Shan : “How to Meditate. A guide to Self – Discovery”, Sphere Books Ltd., London P.44.
(2) William Johnston “Inner Eye of Love” Collins, London 1978, p.193.
(3) Muốn biết thêm chi tiết xin coi Wallace and Benson. “The Physiology of Meditation” (Scientific American, Fe.1972) và C. Tart. Ed. Altered States of Consciousness” (New York Double day Anchor, 1972).
(4) Lawrenco Le Shan, idem.