Nhiều người trong chúng ta cảm thấy vui khi được nhận những tờ bạc 500.000 đồng hay những tờ bạc 100 đôla, và càng vui hơn khi đó là những thẻ vàng miếng SJC 1 lượng, hoặc sổ đỏ hay sổ hồng…. Chúng ta cảm thấy vui khi được chạm đến và sở hữu những giá trị vật chất này. Những giá trị vật chất đó, là nhu cầu cần thiết cho cuộc sống nơi trần gian, cho nên hầu như ai cũng cầu xin và mong ước cho mình có được càng nhiều càng tốt.
Thế nhưng thi sĩ Hàn Mạc Tử lại không cầu xin cho được nhiều tiền lắm của, mà nhà thơ lại luôn ngâm nga một câu ca huyền bí, và niềm vui là được nắm một nạm hào quang chứ không phải được ôm một túi tiền hay một túi vàng. Thi nhân đã diễn tả niềm vui đó như thế này:
“Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một nạm hào quang
Tôi no rồi ơn võ lộ hoà chan…”
(Hàn Mặc Tử – Thánh nữ đồng trinh Maria)
Trong truyện cổ tích ‘Nghìn lẻ một đêm’ của vương quốc Ba Tư (Iran), có hai câu truyện giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa những câu thơ này của Hàn Mặc Tử. Đó là truyện ‘Alibaba với 40 tên cướp’ và truyện ‘Aladdin với cây đèn thần’.
1. Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Trong câu chuyện cổ tích ‘Ali Baba và 40 tên cướp’, Ali Baba đã tình cờ nghe được câu thần chú để mở cửa hang, nơi cất dấu kho tàng của 40 tên cướp, ‘Vừng ơi hãy mở ra’. Chính nhờ câu thần chú này mà Ali Baba đã may mắn chiếm hữu được một số vàng bạc châu báu của bọn cướp.
Vì muốn chiếm hữu kho tàng quyền lực, kho tàng danh vọng, kho tàng giàu sang, kho tàng… nên nhiều người đã chạy tìm hết ông thần này đến bà thánh nọ, để dâng cúng, cầu khẩn bằng đủ mọi câu thần chú hầu mong mở được cửa kho tàng mà họ mong được chiếm hữu. Nhưng một khi mở được cửa kho tàng, vì quá tham lam, như Casim, người anh của Ali Baba, họ lại quên mất câu thần chú để đóng cửa lại. Thế là họ bị mắc nạn vì sự ham muốn không chính đáng.
Nếu Ali Baba nhớ được câu thần chú mà anh ta nghe lóm được từ bọn cướp để mở cửa kho tàng, rồi chiếm hữu một số của cải đủ để bảo đảm cho cuộc sống nơi trần gian chóng qua và vô cùng vắn vỏi này. Thì Hàn Mạc Tử lại ngậm trong miệng một câu ca huyền bí có quyền năng huyền nhiệm để mở cửa Thiên đàng, hầu chiếm hữu một kho tàng vô giá bảo đảm cho cả đời sống vĩnh cửu. Kho tàng đó chính là Nước Trời, Nước Thiên Chúa, Vương quốc của tình yêu, bình an và hạnh phúc đời đời.
Vậy câu thần chú mà thi sĩ họ Hàn luôn ngâm nga suốt ngày, ‘Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí’, bao gồm những lời gì, ý nghĩa như thế nào mà lại có sức mạnh toàn năng để mở cửa Thiên đàng?
Theo cảm nhận cá nhân, ‘Câu ca huyền bí’ không chỉ riêng Hàn Mạc Tử đọc đi đọc lại hằng ngày, mà hầu hết những tín hữu Công giáo đều thầm thĩ đọc ‘Câu ca huyền bí’ đó mỗi ngày trong suốt đời sống của mình nơi dương thế. Người nghèo khổ cũng như người giàu có, người có địa vị cũng như kẻ thứ dân, người học cao cũng như kẻ ít học… Họ đọc khi vui cũng như lúc buồn, khi khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu, khi cô đơn lẻ bóng cũng như khi hiệp nhất trong gia đình, trên đường đến nơi làm việc cũng như khi chờ đợi tàu xe, khi nghỉ giải lao giữa giờ cũng như khi ngồi chờ công đợi việc … nghĩa là bất cứ khi nào họ nhớ đến và yêu mến người Mẹ thánh thiêng của mình.
Ví như anh chạy xe ôm trong tấm hình dưới đây. Sau khi chở khách, anh ngồi nghỉ mệt để lấy sức mà tiếp tục công việc. Thay vì rút trong túi ra gói thuốc phì phà vài điếu, hít vài hơi thư giãn, hoặc lấy chiếc máy điện thoại di động mở ra nghe nhạc hay xem tin mục mà anh ưa thích… thế nhưng, những điều này không phải là niềm vui của anh. Thay vào đó, anh lấy trong túi ra một tràng chuỗi Mân Côi để thì thầm với người Mẹ kính yêu của mình, ‘Kính mừng Maria đầy ơn phước…’ với một niềm tin sâu lắng.
Niềm tin đó giúp anh vững vàng hơn trong cuộc sống, bớt đi những lo lắng và sợ hãi, cũng như những đau buồn và chán nản, như lời một nhà thơ cổ viết, “Thiên thần Niềm Tin đi vào căn phòng lòng tôi; vừa đi, vừa hát, vừa thổi sáo. Những vị khách lần lượt ra đi. Sợ Hãi và Lo Lắng, Đau Buồn và Ảm Đạm lao vào màn đêm! Tôi tự hỏi, làm sao có thể có được hoà bình như vậy? Thiên thần thì thầm, ‘Bạn không thấy sao? Các nhân vật đó thực sự không thể cùng tôi chung sống!’”.
Câu ca huyền bí’ đó chính là kinh Kính Mừng, lời kinh có một quyền năng huyền nhiệm không những mở được kho tàng Nước Trời, mà còn khiến ma quỷ phải khiếp sợ. Vậy ‘Câu ca huyền bí Kính Mừng’ bao gồm những lời gì và đâu là ý nghĩa của những lời kinh đó?
1.1. Lời kinh Kính Mừng
Kính mừng Maria đầy ơn phúc
Đức Chúa Trời ở cùng Bà,
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ
và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.
Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời,
cầu cho chúng con là kẻ có tội,
khi này và trong giờ lâm tử. Amen.
Kinh Kính Mừng là lời chào thánh thiện gồm 3 nguồn gốc sau:
– Lời Thiên thần Gabriel khi Truyền Tin cho Ðức Mẹ: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà.
– Lời bà Isave khen ngợi, khi Ðức Mẹ viếng thăm bà: “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ và Giêsu Con lòng Em được chúc phúc”.
– Lời Hội thánh dạy kêu cầu: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay (bây giờ) và trong giờ lâm tử (giờ chết), Amen.
1.2. Ý nghĩa lời kinh Kính Mừng
Trong cuốn sách “Maria, Mẹ của tất cả mọi người”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích cho chúng ta biết ý nghĩa của những lời kinh rất quan trọng này.
Bà đầy ân sủng
Sứ thần Gabriel gọi Đức Maria “đầy ân sủng” (Lc 1, 28): Đức Thánh Cha nói: nơi Mẹ “không có chỗ cho tội lỗi, vì từ đời đời Thiên Chúa đã chọn Mẹ của Chúa Giêsu và gìn giữ mẹ khỏi nguyên tội”.
“Và Ngôi lời đã trở thành xác phàm trong cung lòng Mẹ. Chúng ta cũng được kêu gọi lắng nghe Chúa nói với chúng ta và đón nhận ý muốn của Ngài. Thiên Chúa luôn luôn nói chuyện với chúng ta”.
Thiên Chúa ở cùng bà
Đức Thánh Cha nói: điều đã xảy ra nơi Đức Mẹ Đồng Trinh theo cách độc đáo thì “cũng xảy ra nơi chúng ta trong mức độ tâm linh khi chúng ta tiếp đón Lời Chúa bằng con tim vui vẻ và chân thành và biết đem ra thực hành”. Điều đó xảy ra như thể Thiên Chúa chiếm hữu thân xác chúng ta, Ngài đến và ở trong chúng ta, vì Ngài cư ngụ nơi những ai yêu mến và tuân giữ lời Ngài. Thật không dễ để hiểu được điều này, nhưng có thể dễ dàng cảm nhận được nó trong tâm hồn”.
“Chúng ta nghĩ rằng việc nhập thể của Chúa Giêsu chỉ là một hành động của quá khứ chứ không liên quan gì đến đời sống cá nhân của chúng ta sao? Tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là hiến dâng cho Ngài thân xác của chúng ta, bằng sự khiêm tốn và can đảm của Đức Maria.
Bà có phước lạ ơn mọi người nữ
Đức Maria đã sống đức tin này thế nào? – ĐTC trả lời: “Mẹ đã sống giản dị giữa trăm nghìn công việc và lo lắng của một người mẹ mỗi ngày, chẳng hạn như cung cấp thức ăn, quần áo, chăm sóc nhà cửa… Cuộc sống đời thường của bà mẹ này ở trần gian là nơi diễn ra mối tương quan cá nhân và đối thoại sâu xa giữa Mẹ với Thiên Chúa, giữa Mẹ với Con của mình”.
Và Giêsu con lòng Bà gồm phước lạ
Đức Maria dễ tiếp thu nhưng không thụ động.
“Ở mức độ tự nhiên, Mẹ đón nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần rồi dâng hiến máu thịt mình cho Con Thiên Chúa để Ngài được hình thành nơi Mẹ, về mặt thiêng liêng, Mẹ đón nhận ân sủng và đáp lại điều đó bằng đức tin của mình”. Về điều này thánh Augustinô giải thích rằng :
Đức Trinh Nữ “trước hết đã thụ thai trong tâm hồn và sau là trong cung lòng Mẹ. Mẹ đã thụ thai trước là đức tin và sau là Thiên Chúa”.
Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời
ĐTC giải thích: Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, “đi trước chúng ta và liên tục củng cố chúng ta trong đức tin, ơn gọi và sứ vụ. Với mẫu gương khiêm nhường và sẵn sàng làm theo ý Chúa, Mẹ giúp chúng ta chuyển đổi niềm tin của mình thành lời loan báo Tin Mừng và không biên giới”.
Cầu cho chúng con là kẻ có tội
Để giải thích ý nghĩa của đoạn kinh này, ĐTC kể lại một câu chuyện:
“Tôi nhớ có một lần ở đền thánh Luján, tôi ngồi trong tòa giải tội và trước tôi là một hàng dài những tội nhân. Có một cậu bé ăn mặc rất hiện đại, đeo bông tai, xăm trổ cùng mình… Cậu ấy đã đến kể cho tôi những gì đã xảy ra với cậu ấy. Đó là những vấn đề nghiêm trọng, khó khăn. Và cậu ấy nói với tôi: con cũng kể tất cả mọi thứ cho mẹ của con, và mẹ khuyên con hãy chạy đến với Đức Mẹ, Mẹ sẽ cho con biết con sẽ phải làm gì. Vậy đó, một người phụ nữ có món quà là lời khuyên. Bà ta không biết làm sao để thoát khỏi vấn đề của con trai mình, nhưng đã chỉ ra một con đường đúng đắn: hãy đến với Đức Mẹ, Mẹ sẽ chỉ cho con. Món quà ở đây là lời khuyên. Bà mẹ đó khiêm tốn, đơn sơ, đã cho con mình lời khuyên rất đúng. Đúng thế, cậu bé này đã nói với tôi: Con đã trông lên Đức Mẹ và con đã cảm thấy con phải làm điều này, điều kia… Món quà ở đây là lời khuyên. Các bà mẹ có món quà này, hãy cầu xin nó cho con cái của mình. Món quà khuyên dạy con cái là ơn của Thiên Chúa”.
Khi này và trong giờ lâm tử
Chúng ta hãy phó thác cho Đức Maria “bởi vì Mẹ là mẹ của người anh đầu lòng, là Chúa Giêsu; xin Mẹ dạy cho chúng ta có được như Mẹ, tinh thần mẫu tử đối với con cái của mình, với khả năng chân thành đón nhận, tha thứ, gia tăng sức mạnh và truyền dẫn niềm tin và hy vọng. Đó là tất cả những gì làm nên một người mẹ”.
Hành trình tiến về quê Trời của Đức Maria đã bắt đầu “từ tiếng thưa “vâng” ở Nazareth, khi đáp lại lời của Sứ giả nước trời, người đã loan báo cho Mẹ biết ý muốn của Thiên Chúa. Và thực sự là như thế, mỗi khi chúng ta thưa “xin vâng” theo ý Thiên Chúa là chúng ta tiến một bước về quê Trời, tiến về cuộc sống vĩnh cửu”.[1]
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài giao phó tất cả cho Mẹ Thiên Chúa, “để Mẹ có thể đồng hành bằng tình mẫu tử trên hành trình của anh chị em và là niềm an ủi cho anh chị em trong những thử thách cuộc đời.”
Ngài nguyện xin Mẹ Maria sẽ “là người hướng dẫn chúng ta trên con đường không ngừng hoán cải và sám hối, để chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Kitô, Mặt Trời Công Chính. Nguyện xin ánh sáng của Mẹ giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ và xua tan bóng tối của thế giới này”.
Ngài nói, “Bằng cách này, anh chị em sẽ có thể gặp được Đức Mẹ Đồng Trinh mỗi ngày, có thể học hỏi từ Mẹ để cộng tác trọn vẹn với chương trình cứu độ mà Thiên Chúa dành cho từng người trong anh chị em. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và những người thân yêu của anh chị em.”[2]
2. Và trong tay nắm một nạm hào quang
Đọc truyện cổ tích ‘Aladdin và cây đèn thần’, chúng ta thấy vị thần đèn sẽ làm bất cứ điều gì khi Aladdin chạm vào đèn và nói lên ước muốn của mình. Nhưng có lẽ vị thần đèn chỉ có thể giúp Aladdin thoả mãn những ước mơ nơi trần thế chứ không thể thực hiện được ước mơ nước trời, nếu Aladdin yêu cầu: Hãy cho tôi sự sống đời đời trong Thiên Đàng Tình Yêu của Thiên Chúa.
Hàn Mạc Tử không có cây đèn thần, nhưng lại có ‘Chuỗi thần’. Đó là tràng chuỗi Mân Côi mà thi nhân trân trọng gọi bằng một mỹ từ rất cao sang – một nạm hào quang. Một cây đèn thần làm sao so sánh với ‘Chuỗi thần’, vì đó là cả một nạm hào quang. Bởi khi lần chuỗi Mân Côi, là Hàn Mạc Tử chạm vào từng hạt hào quang vô cùng linh diệu và vị nữ thần đầy quyền năng của chuỗi Mân Côi với tước hiệu ‘Đức Bà có tài có phép’ sẽ đưa thi nhân lên Nước Trời, vào Vương quốc Tình Yêu Thiên Chúa mà không một thế lực sự dữ nào có thể cản ngăn.
Đã no nê đã bưa rồi thế hệ
Của phường trai mê mẩn khí thánh cao
Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao
Và ánh sáng không còn khiêm nhượng nữa.
(Hàn Mạc Tử – Đêm xuân cầu nguyện)
Chắc hẳn Hàn Mạc Tử đã cảm nhận được điều gì đó vô cùng huyền nhiệm khi chạm vào từng hạt của tràng chuỗi Mân Côi. Phải chăng khi lần hạt và suy ngắm các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương và Mừng, thi nhân đã cảm được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đã ban cho mình và cho cả nhân loại.
Bởi lẽ, lần hạt Mân Côi là tiếp rước Mẹ Maria và hôn chuỗi Mân Côi là hôn Mẹ[3]
Khi lần hạt Mân Côi là chúng ta tiếp rước Mẹ Maria vào trong tâm hồn nghèo nàn của chúng ta và để cho Mẹ ở trong đó. Chúng ta tất cả phải trong sạch và nồng cháy như thánh sử Gioan, vị tông đồ đồng trinh được Chúa Giêsu biệt ái, là người đã “tiếp rước Mẹ Maria vào nhà mình” (Ga 19,27).
Chúng ta hãy nghĩ tới con tim trong trắng và lòng tín thác con thảo mà các thánh có, khi lần hạt Mân Côi như: thánh nữ Maria Goretti và thánh Dominico Savio, hay thánh nữ Bernadette, hoặc thánh Giáo Hoàng Pio X, thánh Gabriele của Đức Mẹ Sầu Bi, thánh nữ Gemma Galgani, thánh Gerardo và thánh nữ Maria Bertilla… Đức Mẹ đã được an ủi biết bao, khi nghe tiếng các vị thánh này lần hạt Mân Côi, và khi Mẹ bước vào trong con tim trong trắng và sốt mến như vậy của các ngài!
Cha thánh Jean Maria Vianney, cha sở họ Ars, mỗi khi đi đâu đều dồn tràng chuỗi Mân Côi đầy hai túi áo dòng, nhưng khi nào về thì túi cũng trống trơn không còn cỗ nào. Cử chỉ cuối cùng mà thành nhân còn làm được trên gường chết là tặng tràng chuỗi cuối cùng cho một tín hữu. Ngài có lòng kính mến Đức Mẹ đặc biệt cho đến nỗi Ngài đã nói một câu bất hủ: “Thiên Chúa có thể tạo dựng được một vũ trụ khác đẹp hơn vũ trụ này. Nhưng Chúa không thể tạo dựng được một phụ nữ nào khác, cao quý hơn Đức Trinh Nữ Maria”.
Các Thánh có một đặc thái rất thông thường: đó là thường xuyên cầm chuỗi Mân Côi trên tay, hay đeo trên cổ, hoặc cột vào cổ tay. Chẳng hạn chỉ cần nhớ đến các bức chân dung của thánh nữ Bernadette, thánh Jean Berchmans, thánh Ignazio thành Laconi, thánh Antonio M. Claret, chân phước Stefano Bellesini, chân phước Sulpizio và nhiều vị khác nữa.
Các Thánh không bao giờ muốn xa rời vòng hoa thiên quốc này, là sự ủi an và trợ giúp của các ngài. Có vị không rao giảng được, khi không có tràng chuỗi trong tay. Cha Giacomo Alberione nói: “Không có chuỗi Mân Côi trong tay, tôi không có khả năng nói lên dù là một lời khích lệ.”
Vị thánh trẻ gương mẫu Jean Berchmans đã noi gương thánh lập dòng là Ignazio thành Loyola, yêu thích đeo chuỗi Mân Côi trên cổ, và người ta thường nghe thánh nhân vui mừng lập lại: “Tôi không thể trốn chạy tình yêu của Mẹ Maria được nữa…, Mẹ đã trói buộc tôi nơi cổ”. Thật, các Thánh biết thiêng liêng hóa mọi sự biết bao!
Ban đêm thánh nữ Bernadette nhắn nhủ chúng ta bí mật này, chị nói: “Ban chiều khi các bạn đi ngủ, hãy cầm lấy tràng hạt Mân Côi; hãy ngủ khi lần hạt Mân Côi; hãy làm như các trẻ em ngủ nhưng vẫn gọi với tiếng nói ngày càng yếu ớt: Má, Má…”. Các thánh thật là tuyệt vời!
Chúng ta cũng hãy luôn đem theo chuỗi Mân Côi trong người. Trong tràng hạt có một quyền năng nhiệm mầu của ơn thánh cột buộc chúng ta với Thiên Chúa, có một quyền lực mầu nhiệm đẩy lui kẻ thù. Các Thánh không chỉ đeo tràng hạt trong người, mà còn tặng tràng hạt cho người khác nữa. Các ngài quảng đại và mau lẹ tặng và phân phát nhiều tràng hạt cho người khác. Các vị tông đồ sốt mến của Đức Maria đã phân phát biết bao nhiêu tràng hạt như: thánh Alfonso Maria de Liguori, thánh Vinh Sơn Palotti, thánh Gaspare Del Bufalo, thánh Antonio Maria Claret vv… và cho đến chân phước Bartolo Longo, và cha thánh Pio thành Pietrelcina.
Một lần kia, khi cho một ông nọ một tràng chuỗi Mân Côi cha Pio nói: “Con hãy luôn đem chuỗi theo trong túi; trong những lúc cần thiết, hãy nắm chặt lấy tràng chuỗi này trong tay, và khi giặt quần áo, hãy quên lấy ví tiền ra, nhưng đừng quên lấy tràng hạt ra nhé!”
Tràng chuỗi Mân Côi là một kho tàng, một báu vật trang sức của Thiên Đàng, mà Đức Mẹ đem từ trời xuống, khi Mẹ hiện ra với chị Bernadette tại Lộ Đức, để bảo đảm với chúng ta giá trị vô song của nó.[4]
3. Tôi no rồi ơn võ lộ hoà chan…
Theo Nguyễn Bá Tín, người em của Hàn Mạc Tử thuật lại: Đức Mẹ Maria đã ra tay nhân từ cứu vớt anh khi bị đuối nước ở bờ biển Qui Nhơn! Biến cố ghi đậm nét suốt đời anh, và biến đổi anh: “Anh Trí đuối sức bị ngất đi phải nằm ngửa cho sóng đẩy vào bờ. Trông anh sợ hãi khác thường, thần sắc ngơ ngác như không trông thấy gì nữa. Anh lẩm bẩm nghe như Đức Mẹ, Đức Mẹ… Tôi tưởng anh cầu nguyện. Trông anh khác lạ đi, nhìn anh tôi càng hoảng sợ… Từ ngày đó, anh không tắm biển nữa, sợ nước, ít hoạt động, nói năng nhỏ nhẹ như có ai nghe. Anh thu mình lại, sống nội tâm, trầm mặc xa vắng”
“Hàn Mạc Tử đã thấy gì hôm đó? Trong “Ánh Sáng Biến Đổi” bác sĩ Morse thuật lại một truyện xảy ra của Jim cũng suýt chết đuối ở bờ biển California y như trường hợp Hàn Mạc Tử, mà ông gọi là “fear death” (chết vì quá sợ ):
“Khi thấy càng bị đẩy xa bờ hơn, tôi quá sợ hãi, và càng đạp mạnh hơn. Bỗng tôi thấy mình bay lên trên không khí nhìn xuống tôi đang bơi, giống như có hai cặp mắt cùng nối vào một óc… Rồi tôi được tràn ngập bởi một nguồn sáng, như mây bao phủ quanh tôi. Tôi thấy thích thú… Bỗng tôi trở lại thân xác tôi. Tôi nghĩ rằng tất cả cảm nghiệm này kéo dài khoảng một phút”.[5]
Ánh sáng cứu Hàn Mạc Tử khi bị đuối nước ở bờ biển Quy Nhơn phải chăng chính là chính Đức Trinh nữ Maria, Bởi lẽ trong thi phẩm bất hủ ‘Thánh Nữ Đồng Trinh Maria’, Hàn Mặc Tử đã tạ ơn Đức Mẹ đã cứu thi nhân vượt qua tai nạn đuối nước. Đó là ‘ơn võ lộ hoà chan’ mà thi nhân cảm nhận được nhờ ơn Đức Mẹ, bởi vì tước hiệu của Mẹ là ‘Đức Bà phù hộ các giáo hữu’.
Lạy Bà là Đấng trinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi.
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm luỵ vừa trải qua dưới thế.
Nhưng không chỉ riêng một mình Hàn Mặc Tử cảm nhận được ‘ơn võ lộ hoà chan’ mà còn biết bao nhiêu người cũng đã cảm nhận được Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
3.1. Cuộc thoát chết kỳ lạ của ĐTC Gioan Phao lô II[6]
Vào ngày 13/5/1981, tên khủng bố Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ, đã cố ý giết chết Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng ba phát súng lục trong một cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma. Mãi cho đến hôm nay nguyên nhân vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II của Ali Agca vẫn chưa được giải thích một cách rõ ràng.
Đức Gioan Phaolô II chỉ bị trọng thương qua vụ ám sát. Và việc ngài sống sót là cà một phép lạ. Dĩ nhiên, sức khỏe vốn cường tráng trước kia của ngài đã bị ảnh hưởng rất nặng bởi vụ ám sát, khiến ngài phải chịu đau đớn thường xuyên, kéo dài mãi cho tới lúc ngài băng hà năm 2005.
ĐHY Stanislaw Dziwisz tường thuật lại là trong cuộc gặp gỡ và nói chuyện này tại nhà tù, Ali Agca chỉ lặp đi lặp lại với Đức Thánh Cha một câu hỏi duy nhất: “Tại sao Ngài lại không chết? – Tôi biết chắc chắn là tôi đã nhắm rất trúng đích. Tôi cũng biết rằng phát đạn tôi bắn ra có hiệu quả tàn phá và gây tử thương một cách chắc chắn. Nhưng tại sao Ngài lại không chết?”
(Ảnh: Mẹ Thiên Chúa ôm Đức Gioan-Phaolô II trong tay Mẹ)
Về phần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì hoàn toàn xác tín rằng chính nhờ bàn tay hiền mẫu của Đức Mẹ Fatima che chở nên ngài mới có thể thoát chết một cách lạ lùng như thế. Bởi vì, ngày ngài bị ám sát tại Rôma – ngày 13 tháng 5 (1981) – cũng chính là ngày Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên năm xưa tại Fatima, ngày 13 tháng 5 (1917). Hơn nữa, theo Đức Gioan Phaolô II, thì vị Giám Mục mặc áo trắng phải chịu đau khổ nhiều mà Đức Mẹ đã cho ba trẻ trông thấy trong một thị kiến khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, chính là ngài.
Do đó, đúng một năm sau vụ ám sát (1982), Đức Gioan Phaolô II đã đích thân đi hành hương Fatima để tạ ơn cứu sống của Đức Mẹ và trong dịp này ngài cũng mang theo một trong các đầu đạn mà Mehmet Ali Agca đã bắn vào ngài để dâng kính Đức Mẹ. Và kìa một sự lạ lùng đã làm chính Đức Gioan Phaolô II và tất những người chứng kiến không khỏi sửng sốt và kinh ngạc, là đầu viên đạn mà ngài mang theo kia khi được gắn vào một lỗ hổng duy nhất còn sót lại ở mão triều thiên trên đầu tượng Đức Mẹ Fatima, mà các đoàn thể phụ nữ Bồ Đào Nha đã dâng cúng cho Đức Mẹ vào năm 1946, thì hoàn toàn vừa vặn như thể người ta đã cốt ý làm cái lỗ hổng đó sẵn cho viên đạn vậy.
3.2. Tìm được niềm vui [7]
Chị Nguyễn Thị Ngọc kể lại:
Trong những ngày cuối tháng 4/1975, trong cuộc chạy loạn, vợ chồng chị lạc mất 2 đứa con trai, một đứa chỉ vừa hơn 6 tuổi, một đứa chưa tròn 4 tuổi. Nghe đâu chúng là những trẻ em được cho phép di tản khỏi Việt Nam theo Chương trình Di tản Trẻ em (Operation Babylift).
Sau gần 15 năm nổ lực tìm kiếm thất bại, đau khổ ngày càng tăng gấp bội, chị Ngọc đã muốn buông xuôi vì đã chạy hết cửa, nay chẳng còn biết bám vào đâu và cậy nhờ ai.
Năm 1989, nghe tin Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đang ở tại Toà Giám Mục Hà Nội. Được biết Sơ Mélanie – Minh Loan, là chị ruột, có dịp ra thăm Đức Cha, chị Ngọc vội viết thư nhờ ngài giúp đỡ. Thư chị viết chỉ vỏn vẹn mấy chữ: “Xin Đức Cha cầu nguyện cho chúng con và nếu Đức Cha thương, có cách gì hay, xin giúp chúng con tìm hai đứa con trai bị thất lạc từ 26/4/1975. Chúng con hết lòng tri ân Đức Cha”.
Đọc thư xong, ngài vào phòng đánh máy giấy chứng nhận bằng tiếng Anh, giới thiệu hoàn cảnh chúng tôi. Ngài ký tên, đóng dấu hẳn hoi. Con dấu tròn mang huy hiệu Giám Mục của ngài với hàng chữ ‘FRANCISCUS NGUYEN VAN THUAN, ARCHIEPISCOPUS VADESITANUS’ quanh viền con dấu.
Cùng với giấy giới thiệu, Đức Cha không quên gửi kèm hai tràng chuỗi Mân Côi cùng lời nhắn: “Hai con hãy hằng ngày chịu khó tìm kiếm con mình trong từng hạt của tràng chuỗi này. Tràng hạt Mân Côi – thay vì mảnh giấy giới thiệu – sẽ hãy nhớ tìm kiếm con của các con trong từng hạt của những tràng chuỗi này. Hãy trông cậy vào Đức Mẹ, Đấng phù hộ các giáo hữu”.
Tôi vừa mừng, vừa cảm động, ấp tràng chuỗi vào ngực thổn thức, cứ tưởng mình đang mơ. Thật quá sức tưởng tượng của tôi. Ngài làm sống lại đức tin trong tôi, làm sống lại niềm hy vọng trong lòng chúng tôi. Hai tràng chuỗi của ngài thôi thúc chúng tôi siêng năng lần hạt và cầu nguyện nhiều hơn. Tràng chuỗi trở thành chỗ dựa vững chắc nhất của chúng tôi trên đường tìm con.
Lời an ủi và khuyên bảo của vị Tổng Giám Mục là một ân huệ ngoài sự tưởng tượng của tôi. Bậc thầy của Niềm tin và Hy vọng dạy cho tôi vững tin và hy vọng vào Chúa nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi. Tôi không còn bận tâm về những lời đàm tiếu của người chung quanh.
Mặc kệ ai mỉa mai tôi mò kim đáy biển, tôi vẫn vâng lời Đức cha Thuận tìm kiếm con tôi ‘trong từng hạt của tràng chuỗi Mân Côi’ mà ngài đã thương tặng cho tôi.
Không ngờ, vào một ngày đầu xuân 1990, chúng tôi nhận được tin và hình ảnh đứa con trai thứ nhất bị thất lạc của chúng tôi từ Mỹ gửi về. Rồi sau đó tròn một năm (3/1991), chúng tôi lại nhận được hình ảnh đứa con trai thứ hai. Đến tháng 12/1991, gai đình chúng tôi được đi đoàn tụ với hai cậu con trai sau hơn 16 năm bặt vô âm tín.
Nếu Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận từ chối giúp đỡ thì điều gì sẽ xảy ra cho tôi và gia đình tôi nếu không là sự thất vọng ê chề?
Nếu Đức Mẹ không ra tay phù trợ, làm sao tôi có thể nhanh chóng nhận được tin con mình và nhanh chóng được đoàn tụ cùng hai con?
Giờ đây trong tâm trí tôi vẫn còn vang vọng lời nhắn nhủ của Đức Hồng y: “Hãy luôn trông cậy vào Đức Mẹ”. Chúng tôi luôn luôn mang theo bên mình tràng chuỗi của Đức Hồng y thương tặng như là bảo vật thiêng liêng mà chúng tôi hằng trân quý.
Chạm vào được niềm vui
Là chạm vào chuỗi hạt
Kính Mừng là thần nhạc
A-ve Ma-ri-a.’
Lễ Đức Mẹ Fatima 13/05/2024
Bình Nhật Nguyên
——————————-
[1] Nguồn: https://gpquinhon.org/q/giao-ly/ban-co-biet-y-nghia-cua-kinh-kinh-mung-khong-1910.html
[2] Nguồn: http://giaophanthanhhoa.net/duc-maria/nhan-ngay-hien-ra-cuoi-cung-o-fatima-duc-giao-hoang-noi-ve-cach-gap-go-duc-me-moi-ngay-38985.html
[3] Thánh mẫu học bài 372, Nguồn: https://www.songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&id=3659
[4] Linh Tiến Khải, Thánh Mẫu học bài số 372
[5] Nguyễn Thị Tuyệt, Hàn Mạc Tử: Đời và Thơ, Nguồn: https://www.daobinh.com/tu-sach-tai-lieu/van-hoa-xa-hoi/han-mac-tu-doi-va-tho.htm
[6] Vụ ám sát Cố Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II và Bức ảnh mới được công bố, Nguồn: https://phapluatvanhoa.com.vn/xa-hoi/vu-am-sat-co-thanh-giao-hoang-gioan-phaolo-ii-va-buc-anh-moi-duoc-cong-bo/
[7] Nguồn: Chứng từ 10. Gia đình tôi thọ ơn ngài