Các lễ nghi phụng vụ sẽ nên cao trọng khi được cử hành kèm theo ca hát. Tuy nhiên trong thực tế nhiều người vẫn chưa nắm rõ những ưu tiên của việc hát lễ. Thông thường chúng ta chỉ chú trọng đến ca đoàn, cộng đoàn bằng những bài ca nhập lễ, đáp ca, dâng lễ, hiệp lễ hay kết lễ… mà bỏ sót những phần quan trọng hơn.
Huấn thị về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ số 27 và Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma số 40 viết như sau: “Khi cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, nhất là những ngày Chúa nhật và ngày lễ, nên hết sức coi trọng hình thức hát lễ hơn, dù cử hành nhiều lần trong cùng một ngày”. Tuy nhiên, “khi chọn những phần để hát, thì phải dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn, nhất là những phần do linh mục, hoặc phó tế hay độc viên hát, có cộng đoàn đáp; hoặc những phần mà cả linh mục và cộng đoàn cùng hát”.
Số 28 của huấn thị đề cập: “Phải phân biệt lễ trọng, lễ hát và lễ đọc[1], như đã ấn định trong Huấn thị năm 1958 (số 3), chiếu theo các luật phụng vụ hiện hành. Tuy nhiên vì lý do lợi ích mục vụ, có thể đề ra những cấp bậc tham gia lễ hát, ngõ hầu từ này về sau, mỗi cộng đoàn, tùy phương tiện sẵn có, dễ dàng cử hành thánh lễ trọng thể hơn nhờ ca hát. Cách sử dụng các cấp bậc tham gia được qui định như sau : Bậc nhất có thể dùng riêng một mình, bậc hai và ba chỉ được dùng tất cả hay một phần chung với bậc nhất. Như vậy, các tín hữu sẽ luôn luôn được khuyến khích dự phần ca hát một cách đầy đủ”.
Thứ tự các bậc lễ như sau:
1. Bậc nhất gồm:
a/ Trong nghi thức nhập lễ:
– Lời chào của linh mục và lời đáp của giáo dân.
– Lời nguyện.
b/ Trong phần phụng vụ Lời Chúa:
– Các câu tung hô Tin Mừng.
c/ Trong phần phụng vụ Thánh Thể:
– Lời nguyện tiến lễ.
– Kinh tiền tụng, với những câu đối đáp và kinh “Thánh, Thánh, Thánh”.
– Lời tụng ca kết thúc Kinh tạ ơn.
– Kinh Lạy Cha, với lời nhắn nhủ và lời cầu nguyện tiếp.
– Lời chúc bình an.
– Lời nguyện hiệp lễ.
– Những công thức kết lễ.
2. Bậc hai gồm:
– Kinh Xin Chúa thương xót, Vinh danh và Lạy Chiên Thiên Chúa.
– Kinh Tin Kính.
– Lời nguyện giáo dân.
3. Bậc ba gồm:
– Những bài hát lúc nhập lễ và rước lễ.
– Bài hát sau bài đọc hoặc thánh thư. [Ca tiến cấp hoặc đáp ca]
– Alleluia trước khi đọc Tin Mừng.
– Bài hát tiến lễ.
– Các bài đọc sách thánh, trừ khi thấy nên đọc hơn hát.
Từ đây có thể thấy rằng, chúng ta thường hát những phần được liệt kê ở bậc hai và ba trong khi bỏ qua lời chào, lời nguyện, các câu tung hô…. của chủ tế ở bậc một, được gọi là cung chủ tế.
Tại Việt Nam, Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề cập đến “Cung hát Chủ tế” này trong Ðại hội Thánh nhạc lần thứ 47. Thực ra cung chủ tế đã được phổ biến từ lâu. Cụ thể như các Cung Ðọc của cha Tiến Dũng đã được HÐGMVN chấp nhận cho dùng thử trong Phụng vụ từ ngày 20.10.1966; Cung Chủ tế của Ðức cố Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa và Nghi thức Thánh lễ (phần ca hát) của cha Kim Long. Chắc chắn có nhiều Giám mục, Linh mục và Phó tế của chúng ta không có khả năng ca hát. Dù vậy, để nghi lễ phụng vụ thêm phần sinh động và sốt sắng, đặc biệt trong các ngày Lễ trọng và Chúa nhật, Giáo hội luôn khích lệ các vị chủ tế nên hát những phần được trù liệu cho mình khi cử hành phụng vụ.
——————
[1] Lễ hát là lễ Linh mục chủ tế hát những phần nghi thức dự liệu phải hát. Ngoài ra là lễ đọc.
G. Võ Tá Hoàng