Vài năm trước tôi đi công tác tại một vùng phía nam để xem xét vấn đề phúc lợi xã hội. Tôi muốn cho mọi người thấy rằng mỗi người đều có khả năng tự làm việc, tự thích nghi và chúng ta chỉ cần kích hoạt khả năng đó. Tôi đề nghị chọn ra một nhóm người đang nhận phúc lợi xã hội, thuộc những sắc tộc khác nhau, những nhóm gia đình khác nhau và gặp họ vào 3 giờ vào thứ 6 hàng tuần. Tôi cũng yêu cầu một ít tiền cần để thực hiện công việc.
Sau khi bắt tay mọi người, tôi hỏi ngay “ Các bạn mơ ước gì?” Mọi người nhìn tôi như một người điên:
Mơ ước? Chúng tôi chẳng có mơ ước nào cả.
À, thế còn hồi bé thì sao? Các bạn muốn làm gì nào?
Một bà bảo:
Tôi chẳng biết mơ để làm gì. Lũ chuột cứ cắn bọn trẻ nhà tôi.
Ra thế – tôi nói – Thật kinh khủng. Đúng là không thể mơ ước trong lúc bà con phải lo lắng về lũ chuột và bọn trẻ. Thế làm sao mới giải quyết được?
À, tôi cần một tấm cửa lưới vì tấm cũ đã thủng mấy lỗ rồi.
Thế có ai ở đây biết sửa cửa không? – tôi hỏi.
Trong nhóm có người đàn ông lên tiếng:
Tôi thường làm những việc như thế lâu lắm rồi, nhưng giờ lưng tôi tệ quá. Dù sao cũng để tôi thử xem.
Tôi đưa tiền để ông ra cửa tiệm mua ít lưới và sửa tấm cửa cho người phụ nữ kia.
Tuần sau khi cả nhóm đã yên vị, tôi hỏi người phụ nữ:
Thế nào, cửa của bà đã sửa xong chưa?
Rồi ạ, – bà đáp.
Vậy thì chúng ta bắt đầu ước mơ được rồi chứ?
Bà khẽ cười. Tôi hỏi người đàn ông sửa cửa:
Ông cảm thấy thế nào?
À, thật buồn cười, tôi cảm thấy có ích hơn rất nhiều.
Điều đó giúp mọi người ước mơ. Những thành công nho nhỏ như vậy đã cho cả nhóm thấy ước mơ không phải điều khùng điên. Từng bước, ước mơ không phải là khùng điên. Từng bước, mọi người trông thấy và cảm nhận được có những điều có thể thực hiện được.
Tôi bắt đầu hỏi những người khác về ước mơ của họ. Một phụ nữ tâm sự rằng bà luôn muốn trở thành thư ký. Tôi hỏi:
Thế điều gì đã cản trở bà? – Tôi hỏi tiếp:
Tôi có sáu đứa con và chẳng ai trông chúng khi tôi ra ngoài.
Chúng ta thử tìm xem – Tôi nói – Có ai trong nhóm có thể giữ hộ sáu đứa trẻ mỗi tuần để bà đây ra học trường đại học cộng đồng không nhỉ?
Tôi cũng có con – một bà nói – nhưng tôi có thể trông giúp.
Vậy nhé – Tôi nói.
Thế là một kế hoạch được hình thành và người phụ nữ kia rảnh rang đến trường.
Mỗi người đều tìm thấy một điều gì đó. Người đàn ông sửa tấm cửa lưới trở thành một người thợ. Người phụ nữ giúp chăm sóc bọn trẻ trở thành người trông trẻ được cấp giấy phép. Trong vòng 12 tuần tôi đã làm cho tất cả mọi người không cần nhận phúc lợi xã hội. Tôi không chỉ làm việc có một lần. Tôi làm rất nhiều lần.
Ước mơ không bao giờ là quá lớn lao đối với bất kỳ ai; đó có thể chỉ là những điều bình thường luôn gắn với chúng ta hàng ngày. Vấn đề là chúng ta phải làm như thế nào để biến nó thành sự thực. Và lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời thật đẹp và chúng ta đã sống có ý nghĩa.
Sưu tầm