Tuyên xưng cùng một Đức Tin
Tôi sung sướng được làm người Công giáo
Tiếng chuông lành đã ru ấm hồn tôi
Ngày xưa khi mới bước vào đời
Cánh tay mẹ ấp yêu từng giây phút…[1]
Tính đến thời điểm này (tháng 04.2013), chúng ta đã cùng với Giáo hội hoàn vũ bước sang tháng thứ bảy trong hành trình của Năm Đức Tin, tái khám phá hồng ân Đức Tin mà Thiên Chúa tặng ban cho mỗi chúng ta. Năm Đức Tin là cơ hội thuận tiện, là một thời điểm long trọng để toàn thể Giáo hội chính thức và chân thành “tuyên xưng cùng một đức Tin”; là dịp để ta củng cố Đức Tin “về phương diện cá nhân cũng như tập thể.”[2] Để qua đó, “Năm Đức Tin khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng đức tin trọn vẹn, với xác tín được đổi mới, trong tín thác và hy vọng”[3] Bởi lẽ, niềm tin của người Kitô hữu chúng ta vừa là “Tôi tin”, vừa là “Chúng tôi tin”.
Một Đức Tin Duy Nhất
Chúa Giêsu, “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”[5] của Giáo hội, Ngài chỉ thiết lập một Giáo hội duy nhất trên nền tảng thánh Phêrô và các Tông đồ.[6] Trên nền tảng này, Giáo hội được Chúa Thánh Thần tác động, gìn giữ và thánh hóa. Mọi người trong Giáo hôi ấy cùng tuyên xưng một Đức Tin duy nhất đón nhận từ các tông đồ, cùng cử hành một nghi lễ phụng thờ Thiên Chúa và cùng hòa hợp trong tình huynh đệ của gia đình Thiên Chúa. Quả thế, “Từ bao thế kỷ, qua bao ngôn ngữ, bao nền Văn hóa, bao dân tộc và quốc gia, Giáo hội không ngừng tuyên xưng đức tin duy nhất, lãnh nhận từ một Chúa duy nhất, lưu truyền nhờ một Phép Rửa duy nhất, ăn sâu trong niềm xác tín rằng tất cả mọi người chỉ có một Thiên Chúa là Cha duy nhất.”[7]
Sự duy nhất của Đức Tin Công giáo được thể hiện nơi việc, tất cả các Kitô hữu đều là chi thể của một thân thể Giáo hội, đều tin vào những chân lý như nhau.[8]Đó cũng là điều mà thánh Phaolô Tông đồ khuyên bảo và mời gọi giáo đoàn Côrintô sống đồng tâm nhất trí với nhau để tránh những bất hòa, chia rẽ trong cộng đoàn.[9] Bởi lẽ, “Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép Rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.”[10]
Vì thế, người Công giáo trên khắp địa cầu, dù thuộc ngôn ngữ nào, màu gia hay chủng tộc nào, chúng ta cùng tin vào một Thiên Chúa. Dù thuộc nguồn gốc nào, chúng ta cùng một tâm tình như nhau. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Chỉ có một Đức Tin duy nhất. Ngôn ngữ nào cũng tuyên xưng một Đức Tin ấy. Sắc tộc nào cũng tôn thờ một Thiên Chúa là Cha. Tất cả các Kitô hữu được nối kết với nhau trong tình yêu Thiên Chúa và trong tình yêu đối với nhau. Nhờ Đức Tin, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống sum vầy bên nhau.”[11]
Chúa Giêsu trước khi từ giã các môn sinh yêu dấu của mình, Ngài đã ước mong cho các môn đệ được hiệp nhất trong Đức Tin, Ngài đã thiết tha khẩn cầu Chúa Cha ban cho Giáo hội được hiệp nhất trong cùng một Đức Tin ấy “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.”[12]
Tuyên xưng cách trọn vẹn
Trải dài với thời gian hơn hai ngàn năm qua từ khi Chúa Giêsu đến trần gian “khai mở và kiện toàn lòng tin”, Giáo hội không ngừng tuyên xưng một Đức Tin duy nhất ấy cách trọn vẹn. Tuyên xưng Đức Tin cách trọn vẹn chính là tuyên xưng một cách ý thức nội dung Đức Tin trong Kinh Tin Kính với niềm xác tín sâu xa vào một Thiên Chúa duy nhất.
Cùng chung tâm tình với người Cha khả ái của Giáo hội, chúng ta mong muốn rằng, Năm Đức Tin khơi dậy nơi mỗi Kitô hữu khát vọng tuyên xưng với xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng. Năm Đức Tin quả thật là một cơ hội thích hợp để tăng cường việc cử hành Đức Tin trong phụng vụ, đặc biệt là trong Thánh Thể, vốn là “tột đỉnh” mà hoạt động của Giáo Hội hướng tới và đồng thời cũng là nguồn mạch từ đó phát sinh toàn thể năng lực của Giáo Hội. Đồng thời, chúng ta mong muốn rằng cuộc sống chứng tá của các tín hữu tăng trưởng trong sự đáng tín nhiệm. Tái khám phá nội dung Đức Tin được tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện, và suy tư về chính hành động Đức Tin, đó là một sự quyết tâm mà mỗi tín hữu phải biến thành của mình, nhất là trong Năm Đức Tin này.
Không những thế, tuyên xưng Đức Tin cách trọn vẹn còn là làm cho Đức Tin của chúng ta ngày càng lớn lên trên mọi phương diện, biết chia sẻ hồng ân Đức Tin ấy cho những người khác, cùng giúp nhau thăng tiến Đức Tin, để đời sống Đức Tin của chúng ta ngày càng thêm khởi sắc và trường thành hơn, hầu có thể vượt qua những thách đố của thời đại. Đó cũng là ước mong của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khi ngài viết:“Chúng ta hãy cử hành Năm Đức tin này một cách xứng đáng và phong phú. Cần gia tăng suy tư về đức tin để giúp tất cả các tín hữu của Chúa Kitô ý thức hơn và củng cố lòng gắn bó với Tin Mừng, nhất là trong lúc có những thay đổi sâu xa mà nhân loại đang trải qua như hiện nay.”[13]
Tôi tin, chúng tôi tin
Đức Tin của người Công giáo chúng ta không chỉ là một hành vi cá nhân, mà còn được tuyên xưng trong sự hiệp thông với cộng đoàn Giáo hội. Đức Tin đó vừa có chiều kích cộng đoàn vừa có chiều kích cá nhân. Đức Tin cá nhân được cộng đoàn nuôi dưỡng và làm thành đức tin cộng đoàn. Cộng đoàn lớn lên và phát triển là nhờ đức tin cá nhân. Cộng đoàn làm cho Đức Tin cá nhân phong phú và độc đáo. Vì thế, bên cạnh việc tuyên xưng “Tôi tin”, người Kitô hữu chúng ta còn tuyên xưng “Chúng tôi tin”. “ ‘Tôi tin’; là đức tin của Giáo hội được mỗi tín hữu tuyên xưng cá nhân, nhất là trong lúc chịu phép Rửa tội. “Chúng tôi tin” là đức tin của Giáo hội được các giám mục họp nhau trong Công đồng, hoặc tổng quát hơn, được cộng đồng phụng vụ các tín hữu tuyên xưng.”[14]
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong bài huấn dụ với khách hành hương, sáng thứ Tư ngày 31.12.2012, tại quảng trường thánh Phêrô, ngài đã diễn tả rằng, “Đức Tin có tính cách cá nhân vì là một hành động riêng tư trong tận cùng thẳm con người, nhưng cũng có chiều kích cộng đoàn vì là hành động của Giáo Hội, nơi phát xuất, thông truyền và vun trồng ĐứcTin.”[15]
Sách Giáo Lý Giáo hội Công Giáo đã tổng kết trong một công thức rõ ràng như sau: “Tin” là hành vi có chiều kích Giáo hội. Ðức tin của Giáo hội đi trước, sinh ra, nâng đỡ và dưỡng nuôi đức tin của chúng ta. Giáo hội là Mẹ của mọi tín hữu. “Không thể có Thiên Chúa là Cha nếu không nhận Giáo hội là Mẹ.”[16] Quả thế, Đức Tin của mỗi chúng ta được sinh ra trong Giáo Hội, được dẫn đến Giáo hội và được sống trong Giáo hội. Bởi vậy, Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: Thiên Chúa muốn cứu rỗi và thánh hóa con người, không phải một cách cá nhân và không có liên hệ gì giữa họ, nhưng muốn thành lập giữa họ một dân, nhận biết Người trong sự thật và trung thành phục vụ Người.”[17]
Tạm kết
Đức Tin mà Giáo hội Công giáo chúng ta tuyên xưng hôm qua, hôm nay và mãi mãi là chính Đức Tin tinh tuyền do các Tông đồ truyền lại. Với sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, Giáo hội luôn trung thành gìn giữ, tuyên xưng và loan truyền Đức Tin chân chính ấy cho mọi người qua mọi thế hệ. Mọi Kitô hữu Công giáo trên khắp hoàn cầu, cùng tuyên xưng một Đức Tin duy nhất ấy. Là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống và tuyên xưng Đức Tin ấy trong đời sống hằng ngày, để có thể thông truyền Đức Tin ấy cho mọi người chúng ta gặp gỡ. Ước mong rằng, trong Năm Đức Tin này, mỗi chúng ta nhiệt tâm “tái khám phá hành trình Đức Tin”để luôn làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say mới của việc gặp gỡ Đức Kitô” đồng thời “khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và mới niềm xác tin được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng.[18]
Pet. Võ Tá Đương, OP
[1] Xc. Lm.Võ Thanh Tâm, Hạnh phúc người Công giáo
[2] Xc. ĐGH. Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta Fidei “Cánh Cửa Đức Tin”,số 04.
[3] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta Fidei “Cánh Cửa Đức Tin”,số 09.
[4] Xc. Nền tảng Đức Tin Công giáo, Ban Tông Đồ, Học Viện Đaminh, 2007, tr. 83.
[5] Hr 12, 2.
[6] Xc. Mt 16, 15 -17.
[7] Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, số 172.
[8] Xc. http://daminhvn.net/tai-lieu/nam-duc-tin/7371-bai-12.html.
[9] Xc. 1Cr 1,10.
[10] Ep 4, 5- 6.
[11] Tv 132,1.
[12] Ga 17, 20 -21.
[13] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta Fidei “Cánh Cửa Đức Tin”, số 08.
[14] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta Fidei “Cánh Cửa Đức Tin”, số 09.
[15].Xc. http://dongten.net/noidung/16610
[16] Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, số 181
[17] Vat. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 09.
[18]Xc ĐGH. Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta Fidei “Cánh Cửa Đức Tin”, số02, 09, 15.