Tuyên xưng Chúa Ba Ngôi
(Lễ Chúa Ba Ngôi, năm C)
Tam giác đều là loại tam giác luôn có các cạnh, góc, đường cao, trung tuyến,… đều hoàn toàn bằng nhau. Thật lạ lùng quá! Dù chỉ là hình học nhưng nó đã cho chúng ta thấy “cái lạ” trong loại tam giác đặc biệt đó.
Không có thần linh nào như Thiên Chúa của chúng ta tôn thờ. Chỉ một Chúa mà lại có ba Ngôi Vị. Một mà ba, ba mà một. Trí tuệ của nhân loại không thể nào có thể suy luận và chứng minh bất kỳ bằng cách nào, ngay cả trí tuệ các thiên thần cũng không thể hiểu. Tam Vị Nhất Thể chỉ có thể hiểu được bằng Đức Tin.
Chính Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể đó là Đấng đã tác tạo nên mọi sự. Đức Khôn Ngoan đã ca tụng: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra. Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra, khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ” (Cn 8:22-26).
Chúng ta nghe như một cuộc sáng tạo mới. Thật lạ, nhưng thú vị. Đức Khôn Ngoan tiếp tục ca tụng: “Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm, khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất. Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người” (Cn 8:31).
Công trình sáng tạo, cả thiên nhiên và tâm linh, của Chúa Ba Ngôi vô cùng kỳ diệu! Chúng ta chỉ còn biết cúi đầu cảm tạ và tuyên xưng Ngài không ngừng theo mức độ khả dĩ của chúng ta mà thôi.
Vì thế, sau khi nhìn ngắm thiên nhiên và nhìn lại chính mình, tác giả Thánh Vịnh đã cảm nhận và tự nhủ: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8:4-5). Ngài không chỉ “cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy”, mà lại còn “ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên”, và “”cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8:8). Muôn loài đó là gì? Là “chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương” (Tv 8:9). Thật diễm phúc cho loài người chúng ta! Người Việt cũng ngầm tôn vinh Chúa Ba Ngôi khi công nhận: “Trời sinh voi, sinh cỏ”.
Đó là tâm linh, là hữu thần chứ không vô thần, dù bề ngoài người ta không muốn công nhận. Đó cũng là tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi vậy!
Quả thật, Đức Tin vô cùng quan trọng trong cuộc sống – dù đời thường hoặc tâm linh. Được nên công chính là nhờ đức tin. Thánh Phaolô nói: “Một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 5:1-2).
Có tin mới kính sợ Chúa, nhưng kính sợ như thế nào? Tác giả sách Châm Ngôn định nghĩa: “Kính sợ Đức Chúa là gớm ghét điều dữ” (Cn 8:13). Rất ngắn gọn mà súc tích. Tin khi vui mừng, khi may mắn, đó là chuyện bình thường. Tin khi gian nan khốn khổ mới đáng kể, mới là đức tin đích thực.
Như Thánh Phaolô đã xác nhận: “Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5:3-5). Một loạt các động thái liên quan với nhau thật lô-gích! Cũng nhờ tin tưởng mà hy vọng, hy vọng vì yêu mến, và nhờ yêu mến mà được đầy tràn Thánh Thần. Kỳ diệu biết bao!
Chúa Giêsu đã có lần nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16:12). Ngài biết bản tính nhân loại quá yếu đuối, không đủ sức chịu nổi cú “sốc” mạnh.
Chúa Giêsu chưa nói điều bí ẩn ra chứ không phải Ngài không nói. Thật vậy, Ngài hứa: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16:13). Rồi Ngài xác nhận điều liên quan Chúa Ba Ngôi: “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:15).
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ chuyện kể về Thánh Augustinô là người giỏi giang, thông minh xuất chúng, đã từng suy nghĩ và lý luận về Chúa Ba Ngôi mà không thể hiểu thấu, đành phải “bó tay” và đầu hàng vô điều kiện. Chuyện kể rằng Thánh Augustinô cố gắng giải thích Tam Vị Nhất Thể thì gặp một em bé ngồi múc nước biển đổ vào cái hang, thấy lạ nên ngài hỏi: “Cháu làm gì thế?”. Em bé trả lời: “Cháu tát nước biển”. Thánh Augustinô nói: “Làm sao cháu tát cạn được biển?”. Đứa bé vô tư nói: “Việc cháu làm đây còn dễ hơn việc ông đang suy nghĩ”. Thánh Augustinô giật mình và tỉnh ngộ!
Có nhiều cách tuyên xưng Chúa Ba Ngôi, một trong các cách đó là làm dấu: Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Rất đơn giản nhưng lại rất quan trọng. Đúng vậy, LÀM DẤU chứ đừng LÀM GIẤU!
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin thêm đức tin cho chúng con và giúp chúng con khiêm nhường sống tín thác vào Ngài. Xin thương xót và tha thứ cho chúng con vì những tội lỗi do cứng lòng hoặc yếu đuối. Giờ đây, chúng con biết chắc rằng chúng con sẽ chẳng làm được gì nếu không có Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.