Tuyên ngôn chung của Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Kirill

60

2LA HABANA. Trong Tuyên ngôn chung, ĐTC và Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga kêu gọi chấm dứt bách hại Kitô đồng thời hứa dấn thân cộng tác với nhau.

 Tuyên ngôn được hai vị Giáo Chủ Công Giáo và Chính Thống Nga ký và công bố dài 5 trang và gồm 30 đoạn, nhấn mạnh đến những điểm chung của hai Giáo Hội, rồi đề cập đến tình hình ở Trung Đông và Bắc Phi, nơi mà nhiều gia đình, làng mạc và thành thị của anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô bị hoàn toàn tiêu hủy. Các vị cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cấp thiết hành động để ngăn ngừa, đừng để những cuộc trục xuất các tín hữu xảy ra nữa, chấm dứt bạo lực và khủng bố, đảm bảo cho cứu trợ nhân đạo đầy đủ được đưa tới cho các nạn nhân. Hai vị gọi những tín hữu Kitô bị giết là những vị tử đạo thời nay”, giúp hiệp nhất các Giáo Hội với nhau qua sự chia sẻ đau khổ. Ngoài ra cần cảnh giác chống lại sự hội nhập Âu Châu không còn tôn trọng các căn tính tôn giáo nữa. Tuyên ngôn cũng nói về tình trạng nghèo đói cùng cực, hàng triệu người di dân đang gõ cửa các nước giàu có.

 Về vấn đề luân lý, tuyên ngôn nói đến những vấn đề như phá thai, làm cho chết êm dịu, những kỹ thuật mới về việc sinh sản, và những đe dọa chống lại lập trường của các Giáo Hội về hôn nhân.

 Chi tiết Tuyên Ngôn

 Đi vào chi tiết hơn, Tuyên ngôn chung mở đầu với câu trích từ thư thứ 2 của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu thành Corinto: ”Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr 13,13).

 ”Bởi ý Chúa Cha Đấng là nguồn mạch mọi hồng ân, nhân danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và với ơn phù trợ của Chúa Thánh Linh, Đấng An Ủi, chúng tôi, Giáo Hoàng Phanxicô và Kirill, Thượng Phụ Mascơva và toàn nước Nga, đã gặp nhau hôm nay tại La Habana. Chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa, được tôn vinh trong Ba Ngôi, vì cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ đầu tiên trong lịch sử. Chúng tôi vui mừng gặp gỡ nhau như anh em trong đức tin Kitô để ”nói bằng tiếng nói sinh động” (2 Ga 12), lòng với lòng, và thảo luận về những quan hệ hỗ tương giữa hai Giáo Hội, về những vấn đề thiết yếu của đức tin chúng ta và những viễn tượng phát triển nền văn minh của nhân loại.”

 Đau buồn vì mất hiệp nhất

 Hai vị Giáo Chủ lên án ”sự đánh mất tình hiệp nhất, hậu quả của sự yếu đuối con người và tội lỗi”, với ý thức về sự ”tồn đọng của nhiều chướng ngại”, đồng thời cầu mong rằng cuộc gặp gỡ này ”có thể góp phần vào việc tái lập sự hiệp nhất” như Thiên Chúa mong muốn. Mục đích là để cùng nhau ”đáp ứng những thách đố thời nay. Tín hữu Công Giáo và Chính Thống phải học cách làm chứng tá hòa hợp cho chân lý trong những lãnh vực có thể và cần phải thực hiện”.

 Lên án bách hại Kitô

  Về cuộc bách hại các tín hữu Kitô và chiến tranh ở Siria, Irak, Tuyên ngôn khẳng định rằng: ”Cái nhìn của chúng tôi trước tiên hướng về những miền trên thế giới, nơi mà các tín hữu Kitô đang bị bách hại”, chứng nhân về sự hiệp nhất trong đau khổ và tử đạo. ”Tại nhiều nước ở Trung Đông và Bắc Phi, các anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô bị tiêu diệt cả gia đình, làng mạc và thành phố. Thánh đường của họ bị tàn phá và cướp bóc dã man, các đồ vật thánh bị xúc phạm, các đền đài bị phá hủy. Tại Siria, Irak và tại các nước khác ở Trung Đông, chúng tôi đau lòng nhận thấy sự xuất cư ồ ạt của các tín hữu Kitô và của các cộng đoàn tôn giáo khác. Chúng tôi xin Cộng đồng quốc tế hãy cấp thiết hành động để phòng ngừa, không để xảy ra thêm những cuộc trục xuất các tín hữu Kitô ra khỏi Trung Đông, và chấm dứt nạn bạo lực và khủng bố, đồng thời đảm bảo một cuộc cứu trợ nhân đạo ở bình diện rộng lớn cho dân chúng đang chịu đau thương và cho bao nhiêu người tị nạn ở các nước láng giềng. Hai vị cũng kêu gọi giải thoát những người bị bắt cóc.

 Đối thoại liên tôn

 Về vấn đề đối thoại liên tôn, Tuyên ngôn của hai vị Giáo Chủ viết: ”Trong thời đại âu lo này, đối thoại liên tôn là điều không thể thiếu được, và các vị lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm đặc biệt trong việc giáo dục các tín đồ của mình hãy tôn trọng các tín ngưỡng khác: ”Thật là điều tuyệt đối không thể chấp nhận được những toan tính biện minh cho những hành động gian ác với những khẩu hiệu tôn giáo. Không tội ác nào có thể phạm nhân danh Thiên Chúa”.

 Tự do tôn giáo

 Về tự do tôn giáo ngày càng bị đe dọa, Đức Phanxicô và Đức Kirill bày tỏ lo âu vì tình trạng tại nhiều quốc gia trong đó các tín hữu Kitô ngày càng bị giới hạn tự do tôn giáo, quyền được làm chứng về các xác tín của mình và không được sống phù hợp với các xác tín ấy. ”Sự biến đổi của một số nước thành những xã hội tục hóa, xa lạ với mọi tham chiếu về Thiên Chúa và chân lý của Ngài, tạo nên một đe dọa trầm trọng cho tự do tôn giáo. Đối với chúng tôi, sự giới hại các quyền của Kitô hữu là một nguồn mạch lo âu, thậm chí họ còn bị kỳ thị khi một số lực lượng chính trị, do ý thức hệ duy thế tục hướng dẫn, nhiều khi rất cực đoan, tìm cách gạt các Kitô hữu ra ngoài lề đời sống công cộng”. Trước tình cảnh đó, hai vị Giáo Chủ Công Giáo và Chính Thống Nga kêu gọi hãy cảnh giác chống lại sự hội nhập Âu Châu không tôn trọng các căn tính tôn giáo, vì các vị xác tín rằng Âu Châu phải trung thành với các căn cội Kitô của mình”.

 Liên đới với người nghèo và di dân

 Đề cập tới sự liên đới với người nghèo và những người di dân, Tuyên ngôn kêu gọi đừng dửng dưng lãnh đạm trước số phận của hàng triệu người di dân và tị nạn đang gõ cửa các nước giàu có. Sự tiêu thụ vô độ, như người ta thấy ở một số nước phát triển cao, đang dần dần làm cạn tài nguyên của trái đất chúng ta. Sự chênh lệch gia tăng trong việc phân phối các tài nguyên trái đất gia tăng cảm thức về sự bất công đối với các hệ thống quan hệ quốc tế. Các Giáo Hội Kitô được kêu gọi bênh vực những đòi hỏi của công lý, tôn trọng các truyền thống của các dân tộc và một tình liên đới đích thực với tất cả những người đang chịu đau khổ.

 Gia đình, sự sống và trợ tử

 Về gia đình, sự sống và việc làm cho chết êm dịu, hai vị Giáo Chủ bày tỏ lo âu vì cuộc khủng hoảng gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. ”Chúng tôi lấy làm tiếc vì một số hình thức sống chung nay đang được đặt ngang hàng với sự kết hiệp của hôn nhân, trong khi ý niệm về việc làm cha làm mẹ .. bị loại ra ngoài ý thức công cộng”. Chúng tôi xin tất cả mọi người hãy tôn trọng quyền sống bất khả nhượng. Hàng triệu trẻ em bị tước đoạt mất quyền được sinh ra trên thế giới. Tiếng kêu của máu các hài nhi không được sinh ra đang kêu thấu tới Thiên Chúa” (Xc St 4,10). Hai vị Giáo Chủ cũng lo âu vì sự lan tràn nạn làm cho chết êm dịu và các kỹ thuật sinh sản nhờ y khoa. Các vị kêu gọi những người trẻ Kitô đàng sợ đi ngược dòng khi bảo vệ chân lý của Thiên Chúa”.

 Chống chiêu dụ tín đồ

 Tiếp tục tuyên ngôn chung ký kết tại La Habana, ĐTC Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill chống lại chủ trương chiêu dụ tín đồ và kiến tạo sự hiệp nhất Kitô bằng cách đưa các tín hữu Chính Thống hiệp nhất với Tòa Thánh. Hai vị cầu mong rằng cuộc gặp gỡ này có thể góp phần vào sự hòa giải, tại những vẫn còn sự căng thẳng giữa các tín hữu Công Giáo nghi lễ Đông phương và Chính Thống. Loại trừ mọi hình thức chiêu dụ tín đồ. ”Ngày nay điều rõ ràng là: phương pháp đưa các tín hữu Chính Thống về hiệp nhất với Tòa Thánh, hiểu như một sự kết hiệp một cộng đoàn này vào một cộng đoàn khác, tách rời khỏi Giáo Hội của họ, không phải là phương pháp giúp tái lập sự hiệp nhất. Nhưng các cộng đoàn Giáo Hội đã xuất hiện trong những hoàn cảnh lịch sử như thế có quyền hiện hữu và làm tất cả những gì cần thiết để thoả mãn những đòi hỏi tinh thần của các tín hữu thuộc quyền, đồng thời tìm cách sống an bình với những người láng giềng. Các tín hữu Chính Thống và Công Giáo nghi lễ đông phương cần hòa giải với nhau và tìm ra những hình thức sống chúng hai bên có thể chấp nhận.

 Ucraina

 Về nền hòa bình ở Cộng hòa Ucraina, Tuyên ngôn kêu gọi chấm dứt bạo lực tại nước này, đã gây ra nhiều nạn nhân, xô đẩy xã hội vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và nhân đạo. Hai vị lãnh đạo cũng cầu mong rằng ”sự ly giáo giữa các tín hữu Chính Thống ở Ucraina có thể được vượt thắng dựa trên căn bản giáo luật Chính Thống hiện hành.. Tất cả các tín hữu Chính Thống ở Ucraina được sống trong an bình và hòa hợp, và các cộng đồng tôn giáo tại nước này, góp phần vào điều này, làm sao để cho người ta ngày càng thấy rõ tình huynh đệ Kitô của chúng ta.

 Hai vị lãnh đạo kết luận rằng ”Chúng ta không phải là những người cạnh tranh với nhau nhưng là anh em, và ý niệm này phải hướng dẫn tất cả các hoạt động của chúng ta đối với nhau và đối với thế giới bên ngoài. Chúng tôi nhắn nhủ các tín hữu Công Giáo và Chính Thống ở mọi nước hãy học cách sống chung với nhau trong an bình và yêu thương”.

 G. Trần Đức Anh OP