Ngày 1-10, đối với xã hội thì đó là ngày Quốc Tế Người Cao Tuổi – tức là “người già”; còn đối với Công giáo thì đó là ngày lễ Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu, đặc biệt là ngày đầu Tháng Đức Mẹ Mai Côi.
Trẻ – Già – Chết. Đó là quy trình của mọi loài thụ tạo. Không có gì bền vững. Không có ai bất tử. Ca dao Việt Nam thắc mắc:
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non
Việt ngữ thật là độc đáo quá chừng! Thảo nào người ta nói: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Chắc hẳn người ngoại quốc có thể muốn “phát khùng” khi họ học tiếng Việt mất thôi!
Cuộc đời có bốn cái khổ: Sinh, lão, bệnh, tử! Già là một trong “tứ khổ”, như vậy già thì khổ. Khổ đủ thứ. Chắc chắn là thế. Nhưng tại sao người ta lại chúc nhau “sống thọ”, tức là sống già. Không lẽ người ta chúc nhau khổ? Sống thọ là sống lâu. Muốn sống lâu thì phải già, già là sướng chứ đâu có khổ, thế mà sao ai cũng than khổ?
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương quan niệm: “Chơi xuân kẻo hết xuân đi. Cái già sồng sộc nó thì theo sau”. Có lẽ lúc đó bà ở độ tuổi mà người ta gọi là “trung niên” – khoảng trong ngoài 40, cái tuổi “chưa già” nhưng cũng “không còn trẻ”.
Ai cũng sợ già, vì già không chỉ xấu xí mà còn chờ đón vị khách không mời mà đến: Tử Thần. Sợ già nên người ta muốn trẻ hóa chính mình bằng cách nhuộm tóc, trồng răng. Phụ nữ thì bơm chỗ này, đắp chỗ nọ, và dùng đủ thứ mỹ phẩm để “che mắt thế gian”. Sợ già nên người ta tự khôi hài, tự an ủi, và cũng là tự “đánh lừa” chính mình:
Bốn lăm chưa phải là già
Năm mươi là tuổi vừa qua dậy thì
Năm lăm hết tuổi thiếu nhi
Sáu mươi là tuổi mới đi vào đời
Sáu lăm là tuổi ăn chơi
Bảy mươi là tuổi yêu đời, yêu hoa
Bảy lăm mới bắt đầu già
Tám lăm, chín chục, ráng (cho) vừa… trăm năm!
Nói gì thì nói, làm gì thì làm, chẳng ai níu kéo được thời gian. Chúng ta hoàn toàn bất lực, vì chúng ta “không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được” (Mt 5:36) kia mà. Thật vậy, tóc trên đầu chúng ta cũng được Thiên Chúa đếm cả rồi (Mt 10:30).
Đối với đau khổ, chúng ta không thể “điều khiển” nó. Muốn thoát nó thì chỉ còn cách “đi xuyên qua” đau khổ, như Chúa Giêsu bảo chúng ta phải “vác thập giá hằng ngày” (Mt 10:38; Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23; Lc 14:27), tức là chấp nhận đau khổ đấy thôi. Tương tự, muốn thoát cái khổ của tuổi già thì cứ “quên” nó đi, cứ “vô tư” mà sống, cứ thanh thản mà sống.
Bạn còn nhớ ông Chu Dung Cơ (tiếng Hán: 朱镕基; bính âm: Zhū Róngjì), cựu Thủ tướng của Trung Quốc? Ông đã có một bài tổng kết rất sâu sắc về cuộc đời, đặc biệt là ông nêu lên quan điểm sống của tuổi già rất độc đáo và chí lý. Là người từng trải – cả đời thường và chính trường, ông đã chiêm nghiệm được nhiều điều trong cuộc sống, tư tưởng của ông đáng để chúng ta suy ngẫm. Đây là một phần trong bài viết của ông Chu Dung Cơ, theo bản dịch của TS Lê Thanh Dũng:
Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu cuộc đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái. Qua một ngày, mất một ngày. Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày lãi một ngày…
Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng…
Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng có coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng ai mang nó đến, khi chết chẳng ai mang nó theo… Ốm đau trông cậy vào ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu “cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử”. Trông vào bạn đời ư? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách đấy. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình dấu chấm hết thật TRÒN.
Cuộc đời không nên tính theo chiều dài (sống thọ, sống lâu), mà nên tính theo chiều rộng và chiều sâu (cách sống). Chết yểu hay sống thọ cũng không thành vấn đề. Sống thọ mà chẳng làm nên trò trống gì thì có lợi gì, hay chỉ thêm tội? Chết trẻ mà sinh lợi nhiều thì cũng nên chết. Điển hình là Thánh Teresa Hài Đồng, chỉ 24 tuổi đời với 9 năm sống trong bốn bức tường Dòng Kín mà nên vị đại thánh. Thánh “nhí” Savio sống quá ngắn, thế nhưng lại sống sâu xa khác người. Tác giả sách Khôn Ngoan cho biết: “Người công chính dù có chết non, cũng vẫn được an nghỉ” (Kn 4:7).
Tại sao? Chính tác giả sách Khôn Ngoan giải thích: “Vì tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi” (Kn 4:8). Rõ ràng người già đáng kính không phải vì tuổi tác mà là cách sống. Đừng tưởng già rồi muốn làm gì thì làm!
Về cái gọi là “tuổi thọ”, tác giả sách Khôn Ngoan cho biết: “Đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ” (Kn 4:9). Khôn ngoan là một nhân đức thực sự cần thiết trong cuộc sống, cả xã hội và tâm linh. Không hiểu sao theo sách bài đọc thường dùng thì câu này được “chuyển” thành: “Người đầu bạc thì khôn ngoan và tuổi già là một cuộc đời thanh sạch”.
Có trẻ thì có già. Có sinh thì có tử. Sinh ký, tử quy mà!
Tháng Mười, nhân ngày Quốc Tế Người Cao Tuổi, dù trẻ hay già, chúng ta cùng nhau noi gương tác giả Thánh Vịnh mà chân thành cầu nguyện: “Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài. Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc, lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con, để con tường thuật quyền năng của Chúa cho thế hệ này được rõ, và dũng lực của Ngài cho thế hệ mai sau.” (Tv 71:17-18).
Xin Đức Mẹ Mai Côi nguyện giúp cầu thay và dẫn chúng con đến gặp Đức Giêsu Kitô, Thánh Tử Yêu Dấu của Mẹ. Xin Thánh Teresa nguyện giúp cầu thay để chúng con luôn biết sống đơn sơ và bé nhỏ. Amen.
TRẦM THIÊN THU