Tuổi Già Thật Đẹp Biết Bao!

49

Tuổi Già Thật Đẹp Biết Bao!

Sáng ngày 12 tháng 11 năm 2012, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã viếng thăm những người cao tuổi tại Mái Ấm Gia Đình “Hoan Hô Người Cao tuổi” do Cộng đồng thánh Egidio thành lập tại khu vực Trastevere ở Roma. Nhà này được khánh thành hồi Tháng Giêng năm 2009 và hiện có 28 người già cư ngụ. Họ sống trong các căn hộ riêng, nhưng có liên hệ thường xuyên với các nhân viên giúp đỡ. Trong cuộc gặp này, ĐTC Biển Đức 16 khích lệ người cao tuổi hãy vui sống và đồng thời đề cao giá trị của họ trong xã hội và Giáo Hội. Sau đây là bài nói chuyện của Đức Thánh Cha.

Tôi đến với quý vị với tư cách là Giám Mục Rôma nhưng cũng trong tư cách là một người cao tuổi thăm những người bạn đồng trang lứa. Tôi biết rõ những khó khăn, những vần đề và giới hạn của lứa tuổi này. Tôi cũng ý thức rằng, nhiều người gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn vì cuộc khủng hoảng kinh tế. Đôi lúc vào lứa tuổi này, tự nhiên chúng ta thích quay về với quá khứ, để rồi chúng ta hối tiếc về tuổi thanh xuân, về những năm tháng tràn đầy nhựa sống và những kế hoạch cho tương lai. Nhìn lại như thế, đôi lúc ta thấy mình bị bao phủ bởi nỗi buồn, xem giai đoạn này của cuộc đời là thời gian của tuổi xế chiều. Buổi sáng nay là thời gian lý tưởng để hướng về những người cao tuổi, cho dầu vẫn ý thức về những khó khăn mà tuổi chúng ta phải gánh chịu, nhưng tôi vẫn muốn nói cho quý vị một niềm xác tín sâu sắc rằng: tuổi già thật đẹp biết bao! Trong mỗi lứa tuổi, chúng ta cần khám phá sự hiện diện và ân sủng của Thiên Chúa và sự phong phú của lứa tuổi ấy. Đừng bao giờ để mình bị cầm tù trong nỗi buồn! Hãy đón nhận món quà của cuộc sống trường thọ. Ngay cả ở trong độ tuổi của chúng ta, cuộc sống vẫn đẹp biết bao cho dẫu giữa những bệnh tật và giới hạn; Nơi gương mặt chúng ta vẫn ngời sáng lên một niềm vui vì cảm nhận được Chúa yêu thương mình.

Trong Kinh Thánh, sống lâu được xem là một phúc lành của Thiên Chúa, hôm nay phúc lành này cần được chiếu sáng và cần được nhìn nhận như là một quà tặng rất đáng giá và trổi vượt. Vì xã hội ngày nay thường đề cao tính hiệu quả và lợi nhuận nên đôi lúc không còn nhận ra điều này; thậm chí đôi lúc còn khước từ, xem những người cao tuổi như là những người không còn khả năng lao động hay vô dụng. Không ít lần tôi đã nghe về những nỗi đau của những con người bị gạt ra bên lề xã hội, họ phải sống xa cách với gia đình, trong tình trạng cô độc. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa, phải dấn thân hơn nữa, khởi đi từ gia đình đến các thể chế công cộng, để làm sao người cao tuổi có thể ở lại chính mái ấm của mình. Tôi muốn nói rằng, phẩm chất của một xã hội được đánh giá dựa trên cách mà xã hội đó đối xử với người cao tuổi và vị trí mà họ dành cho người già trong đời sống chung. Ai biết dành một chỗ cho người già, người đó đang dành chỗ cho sự sống. Ai đón nhận người già, người đó đang đón nhận sự sống.

Hôm nay, vào giây phút này, tôi cũng xác nhận giá trị của người cao tuổi đối với xã hội và đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ. Không ai trong chúng ta có thể trưởng thành đích thực về mặt nhân bản và giáo dục nếu không tương quan với người cao tuổi, bởi vì đời sống của họ tựa như một cuốn sách luôn mở ra để các thế hệ trẻ có thể tìm ra những chỉ dẫn quý giá cho hành trình cuộc đời của mình.

Ở lứa tuổi này, chúng ta cũng đang kinh nghiệm về sự giúp đỡ của người khác. Ngay cả bản thân Đức Thánh Cha cũng vậy. Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã nói với Thánh Phê-rô rằng: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21,18). Ở đây, Đức Giê-su đang đề cập đến cách thức mà vị Thánh Tông Đồ này phải làm chứng cho đức tin của mình khi lãnh nhận hồng phúc tử đạo, nhưng câu nói này cũng giúp chúng ta phản tỉnh về nhu cầu cần sự giúp đỡ vốn là thân phận của người cao tuổi. Tôi muốn mời gọi quý vị nhìn điều này như là một quà tặng của Thiên Chúa, bởi vì được giúp đỡ và được đồng hành quả là một ân huệ, và qua đó ta cũng nhận ra được tình yêu thương của người khác!

Điều này quan trọng trong mọi giai đoạn của đời sống, không ai có thể sống một mình và không cần đến sự giúp đỡ của người khác; vì con người là một hữu thể tương quan. Chính trong ngôi nhà này mà tôi nhìn thấy biết bao nhiêu người đang giúp đỡ và những sự trợ giúp này đang hình thành nên một gia đình duy nhất, một gia đình được nuôi dưỡng bởi nhựa sống của tình yêu.

Đôi lúc, vào lứa tuổi này, với nhiều khó khăn và thách đố, cuộc sống thường ngày dường như lê thê và trống rỗng; không còn sự bận bịu, không còn những cuộc gặp gỡ, nhưng dầu sao quý vị đừng bao giờ chán nản: quý vị chính là sự phong phú của xã hội, ngay cả trong đau khổ và bệnh tật. Giai đoạn này trong cuộc đời chính là một món quà giúp chúng ta đào sâu mối tương quan với Thiên Chúa. Mẫu gương của chân Phước Gioan Phaolo II đã và đang trở nên sáng ngời cho tất cả chúng ta. Đừng quên rằng giữa những nguồn lực quý giá, quý vị có điều thiết yếu nhất đó chính là đời sống cầu nguyện: trở nên những người trung gian bên cạnh Thiên Chúa, cầu nguyện với đức tin và sự bền bỉ. Quý vị hãy cầu nguyện cho Giáo hội, cho bản thân tôi, những người nghèo và cho những nhu cầu của thế giới, một thế giới vẫn còn đó biết bao nhiêu bạo lực. Lời cầu nguyện của người lớn tuổi có thể bảo vệ thế giới trong một cách thức sâu xa hơn để xua tan mọi lắng lo. Tôi muốn giao phó sự an bình của thế giới và sự thịnh vượng của Giáo hội cho lời cầu nguyện của quý vị. Đức Thánh Cha yêu mến và trông mong ở quý vị. Quý vị hãy lắng nghe tình yêu của Thiên Chúa và hãy mang vào trong xã hội này một tia sáng của tình yêu Thiên Chúa, một xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa cá nhân và hiệu quả. Thiên Chúa sẽ luôn ở với quý vị, và với những ai nâng đỡ quý vị với tình yêu và với sự trợ giúp.

Chúng ta phó thác tất cả vào sự chuyển cầu mẫu tử của Đức Trinh Nữ Maria. Với tình yêu mẫu tử, Mẹ luôn đồng hành với quý vị. Và tôi cũng rất sẵn lòng để chúc lành cho từng người một trong quý vị.

 

Chuyển ngữ: Nguyễn Minh Triệu sj