Trời đã vào xuân, người trẻ thì hân hoan đón nhận tuổi mới; người già lại thấy mình già đi một tuổi. Thân phận đời người, nhất là những người sống đời dâng hiến được sánh ví như cây nến lòng chiều, có toả sáng có sưởi ấm nhưng phải chấp nhận hao mòn.
Thân nến hình hài đang sám hối,
Thiêu cùng nếp cũ tháng ngày qua.
Đời lên lửa mới, vui chờ đợi
Tạ lễ hy sinh mấy chẳng vừa.
(Giêrêmi Trương Đình Hoè, OFM)
Đã nhiều lần dự lễ của các cha mới, tôi thấy ở đâu cũng tổ chức long trọng, tưng bừng với màu sắc âm thanh. Rồi đến một ngày được dâng lễ với các cha hưu vào một buổi chiều nhạt nắng. Tôi thấy khung cảnh trầm trầm khác lạ. Đoàn đồng tế, người thì ngồi xe lăn, đấng ngồi ở hàng ghế dưới, đấng đứng trên bàn thờ, ai cũng mệt mỏi. Phải, cái mệt mỏi di chứng của một đời phục vụ tận tuỵ với đoàn chiên, tận tuỵ đến hao mòn cả thân xác. Đúng là một buổi chiều đáng nhớ trong trầm lắng và bình an. Và tôi chợt nghĩ đến lễ dâng cuối đời thật tinh ròng và cao quí làm sao.
Người ta nói tre già măng mọc. Nhưng nếu không có tre thì chẳng có măng. Tiền đồ Hội Dòng cũng như Tỉnh Dòng có được như ngày hôm nay thì cũng là công ơn đóng góp của anh chị tiền bối và các lớp kế thừa. Một đời vất vả, long đong, lận đận, miệt mài đến quên thân mình… mới có một cơ ngơi cả về nhân sự lẫn vật chất (như có ngày hôm nay).
I. NHỮNG THÁCH ĐỐ TRONG TUỔI GIÀ
1. Tình trạng sức khoẻ yếu kém và ốm đau, bệnh tật
Trong công nghị Hồng y đoàn ngày 11/02/2013, ĐGH Bênêdictô XVI đã lên tiếng xin từ nhiệm: “Sức lực của tôi vì tuổi cao không còn thích hợp, để thi hành sứ vụ thánh Phêrô một cách thích đáng.” Ngài xin rút lui về hưu, hứa sẽ cầu nguyện cho Giáo hội và cho vị kế nhiệm cũng như hứa tuân phục ngài.
Thách đố đầu tiên đối với người cao tuổi là tình trạng bệnh tật: tim mạch, thấp khớp, áp huyết cao, rối loạn tiền đình, nhũng não, tiểu đường, mắt mờ chân chậm… Tiếc là trí khôn bây giờ không còn tinh anh nữa, mà có nghĩ được cũng không làm được. Đó là chưa kể tình trạng trí nhớ trở thành trí quên. Vừa nói đó đã quên ngay. Có khi vừa hỏi tên người này chỉ một tí thôi lại hỏi lại: “Em tên gì?” Linh hồn để ngoài da nên để đâu quên đó. Mức độ tập trung càng lúc càng kém đi, nên khả năng tiếp thu chậm.
Tới giai đoạn này, cái parabol của cuộc đời di chuyển sang đường vòng: xưa nay mình vẫn đi thẳng lên giờ đây chuyển động biến dạng sang đường cong để rồi từ từ đi xuống.
Cái phải đối mặt đầu tiên là sức lực yếu kém. Điều tôi muốn làm mà không làm được và tất nhiên phải nhờ đến người khác. Nhờ đến người khác mà chẳng ai tha thiết với mình. Điều đó dẫn đến mặc cảm già cả, mặc cảm bị mọi người coi thường, mặc cảm là gánh nặng cho cộng đoàn.
Những biến chứng về sinh lý sớm muộn gì cũng lôi theo những di chứng về tâm lý. Rất tội nghiệp, nhiều khi mình tự làm khổ mình. Bệnh yên trí. Mặc cảm ốm đau bệnh tật, nghi ngờ cộng đoàn xử tệ với mình. Quả thực, mình sống trong tình trạng hụt hẫng vì mình cảm thấy nhân tình thế thái đã khác xưa. Khi mình có chức có quyền, người này săn đón, người kia mời chào…bây giờ thì cứ lủi thủi một mình. Câu chuyện Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình khi nằm bệnh viện 115.
2. Những căn bệnh vô duyên
Tuy già không phải là bệnh, nhưng người già thường có bệnh. Bệnh thì có bệnh nặng bệnh nhẹ, bệnh có duyên và bệnh vô duyên, nghĩa là bệnh không đáng có mà có mới giận chứ. Ai cũng biết thầy thuốc là người học hành cẩn thận để giúp ta chữa trị bệnh tật. Vậy mà thầy thuốc cũng có thể gây ra bệnh cho ta dù là ngoài ý muốn.
Những bệnh vô duyên cũng còn có thể do chính bản thân mình. Người cao tuổi dễ tin người khác bày vẽ, ai mách gì cũng nghe, gây tương tác thuốc lung tung, rất dễ gây ra nhiều bệnh…vô duyên, đáng tiếc. Câu chuyện uống nước mát.
Những căn bệnh vô duyên do dùng thuốc bừa bãi. Đối với người già, tác dụng thuốc rất chậm mà đào thải cũng chậm. Tác dụng phụ của thuốc lại thiên hình vạn trạng, tuỳ người và tuỳ lúc. Có thuốc người này dùng thì tốt mà bày cho người khác không xong, uống vào phản ứng ngay. Cho nên, dùng thuốc ở người già phải dò dẫm tuỳ trường hợp, giảm liều giảm lượng, đắn đo tính toán trước sau. Thuốc chữa được bệnh này nhưng không gây ra bệnh khác!
Một số người cao tuổi được chăm sóc, bao bọc quá đáng, được làm xét nghiệm thăm dò, theo dõi liên tục, chọc, hút, bơm tiêm, thụt tháo… không phải là không có nguy cơ. Dĩ nhiên nếu có bệnh thì cần phải làm xét nghiệm để chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
Còn một thứ nguyên nhân khác gây ra các chứng bệnh vô duyên, không phải thủ thuật gì cả mà vẫn có thể gây ra bệnh vô duyên, đó là lời nói. Có những lời nói gây hoang mang, lo lắng, làm mất ăn mất ngủ, gây kiêng cử quá đáng làm cho tình trạng suy kiệt, khó phục hồi. Chẳng hạn có những người không có chuyên môn, không đủ cơ sở khoa học chắc chắn mà dám “phán”: mình nghĩ bạn bị ung thư, rất có thể đây là tình trạng lớn tim, gan nhiễm mỡ, mỡ trong máu, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn tiền đình… ảnh hưởng tai hại không nhỏ cho các cụ già.
3. Mang thân phận của những người nghèo
Cha Chifflot, O.P giám đốc nhà xuất bản Con Nai (Edit. du Cerf) một tuần trước khi chết, ngài đã chia sẻ với các anh em: các bệnh nhân là những người nghèo. Dù họ là những người quyền thế, giàu sang tài sản kếch sù… bây giờ tất cả những thứ đó đều vô hiệu. Khi cơn bệnh trầm trọng, họ là những sống trong lo âu, căng thẳng và họ là người hơn ai khác cảm nghiệm cái khốn cùng của những người nghèo. Anh bị lệ thuộc hoàn toàn nơi người khác. Anh phải lệ thuộc chế độ điều trị đặc biệt: nhất cử nhất động của anh đều tuỳ thuộc bác sĩ chăm sóc và người tá viên điều dưỡng, hướng dẫn anh. Thân phận của anh là thân phận người nghèo lúc này anh phải hoàn toàn tín thác vào tình thương Chúa.
II. SỐNG THỌ LÀ HỒNG PHÚC CHÚA BAN
1. Sống thọ là một mối phúc
Tuổi cao là phúc lộc trời cho, nhờ phúc ấm tổ tiên. Người có tuổi và gia đình có người cao tuổi là gia đình diễm phúc. Nhờ có phúc mới được sống lâu, mới có con cháu đề huề. Mừng thọ cũng chính là mừng cái phúc ấy.
Gia đình nào có các cụ cao niên cũng coi đó là phúc đức. Vì các cụ cao niên có cả một kho kinh nghiệm để lưu truyền lại. Sự hiện diện của các cụ làm cho gia đình được ấm cúng, trên dưới đề huề.
2. Kairos, thời điểm của ân sủng
Sách giảng viên đã viết: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: Một thời để chào đời. Một thời để lìa thế. Một thời để khóc lóc. Một thời để vui cười.” (Gv 3,1-2.4)
Kairos nói về đơn vị thời gian, nhưng không mang ý nghĩa của nhịp nhàng tích tắc phút giây, tuần tự của thời khắc. Kairos là thời gian xoay vòng của chuyển biến và khám phá, thách đố và kiếm tìm, gặp gỡ và kết giao. Thời điểm này là giai đoạn dừng chân với nhiều suy nghĩ và cảm nghiệm.
Hành trình đời người dài ngắn không quan trọng, làm được nhiều hay ít cũng không quan trọng. Quan trọng là khám phá chính mình. Cảm nghiệm được tình yêu thương quan phòng của Chúa qua từng hơi thở, từng nhịp đập của con tim. Chỉ xin cho mình “khiêm tốn đủ để nhận lãnh, quảng đại đủ để trao tặng.”
Nhìn lại chặng đường đã qua, có những lúc lòng mình reo vui sung sướng, nước mắt hạnh phúc dâng trào. Lạ quá, mình có là chi mà Chúa thương yêu. Mình chẳng là gì mà được Chúa gọi tên đi theo Ngài. Không phải là thời gian vài ngày nhưng là cả một hành trình dài của một đời người. Sao thấy mình quá nhỏ bé mà được trao gửi những “phận sự” quá lớn lao. Hạnh phúc vì nhìn quanh đâu cũng thấy yêu thương và trìu mến.
Ngày hôm nay, nhìn lại đời mình thấy quá đẹp. Quả thật, có nếp nhăn nheo của làn da, những vết chân chim ở khoé mắt thấy tình trạng già nua của tuổi tác, bệnh tật của thân xác… âu cũng là “dấu tàn phá của thời gian”. Nhìn thực tế chóng qua của dòng thời gian, thánh vịnh 90 mời gọi con người phải biết hướng về Thiên Chúa là chủ thời gian để cầu xin với niềm tin tưởng lạc quan:
“Xin dạy con đếm những tháng ngày mình sống
Ngỏ hầu tâm trí được khôn ngoan.”
“Từ buổi mai xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
Để ngày ngày được hớn hở vui ca.” (Tv 90,12.14)
3. Sống tuổi già hạnh phúc
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã viết trong cuốn Già ơi…chào bạn, ông đã đặt vấn đề: làm sao sống tuổi già hạnh phúc? Ông khẳng định: muốn có tuổi già hạnh phúc cần phải can đảm đón nhận nó.
Năm tháng không có nghĩa lý gì. Nó chỉ là yếu tố phụ. Có những người già lúc 20 tuổi vì không niềm tin, không hy vọng và có những người ngoài 80 vẫn còn trẻ vì đầy ấp niềm tin và hy vọng, vẫn còn có những kế hoạch cho tương lai. Như thế tâm hồn không bao giờ già, nó trẻ vĩnh viễn. Tuổi tác là chuyện cái tâm nếu ta không thèm quan tâm chả có vấn đề tuổi tác (chơi chữ: cái tâm và không thèm quan tâm).
Già ơi: chào bạn. Vậy thì thà chấp nhận có một tuổi già, chủ động tích cực chờ đón nó và tìm hiểu nó. Không gì đẹp bằng một người già minh mẫn, hiền từ, khoẻ mạnh, ôn tồn và gần gũi với các anh em, chị em.
André Maurois cũng viết: “Sau 50, 60, 70, 80 năm nếm trải những thành công, thất bại, hỏi ai còn giữ được những điều sung mãn thời trẻ. Đi vào hoàng hôn cuộc đời như đi vào ánh sáng đã điều hoà, ít chói chang hơn, mắt khỏi bị loá bởi những mầu sắc rực rỡ của bao ham muốn. Người ta nhìn mọi vật đúng với thực chất của nó.”
4. Sống linh đạo tuổi già
Ông Nguyễn Công Trứ khi về già đã từ quan đi về ở ẩn, ông đã có câu nói thời danh: “Tri túc tiện túc hà thời túc. Chi nhàn tiện nhàn hà thời nhàn.(Biết đủ cho là đủ, thì nó là đủ. Biết nhàn cho là nhàn, thì nó là nhàn).”
Như vậy, điều quan trọng cho định hướng cho đời mình: cần có lòng nhân ái, cần sự đóng góp với Hội Dòng, với Tỉnh Dòng bằng lời cầu nguyện, hy sinh. Chính những hy sinh âm thầm, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn trong điều kiện vật chất còn giới hạn, đời sống của các vị trở thành CỘT THU LÔI kéo ơn Chúa xuống cho cộng đoàn. Nếu HẢI ĐĂNG cần thiết cho tàu bè ban đêm thì đối với cộng đoàn cũng vậy, nhờ các gương sáng của anh chị lớn tuổi sẽ giúp cho cộng đoàn được đi đúng hướng của đời thánh hiến. Đó là cách thế đóng góp tốt nhất cho Hội Dòng, Tỉnh Dòng. Do đó ngày nào ta còn sống có ích dù chỉ là một lời cầu nguyện, một hy sinh nhỏ bé thì ta đang sống hạnh phúc, an vui.
Trong sứ điệp gửi những người già và các bệnh nhân, các nghị phụ công đồng Vatican II đã nhắn gửi: “Anh chị em lớn tuổi, nhất là những anh chị em trong tình trạng ốm đau bệnh tật, các bạn là những chứng nhân đau khổ của Chúa Kitô khổ nạn, nếu các bạn muốn các bạn sẽ là những người đồng cứu chuộc với Chúa Kitô.” (08/12/1965)
Cả lúc con già nua da mồi tóc bạc,
Lạy Thiên Chúa xin đừng bỏ rơi con,
Để con tường thuật quyền năng của Chúa
Cho thế hệ này được rõ
Và dũng lực của Ngài, cho thế hệ mai sau. (Tv 71,18)
Kết luận : Ôi cát bụi tuyệt vời
Bước vào tuổi cao niên, chúng ta đã có một phần đóng góp với đời, với Dòng, cũng như đã trải nghiệm qua nhiều tình huống hỷ, nộ, ái, ố. Cuộc đời muôn vẻ sẽ được tô đậm thêm nên nếu chúng ta vui vẻ chào đón giai đoạn tuổi già của mình.
Tâm tình thích hợp nhất lúc này vẫn là tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Chúa, tạ ơn đời. Tạ ơn về hồng ân thánh hiến. Tạ ơn về cả những khuyết điểm của mình nữa. Ngày chúng ta khấn Dòng, mình đã xin lòng thương xót Chúa và cộng đoàn.
Chúng ta tin tưởng rằng tình yêu của Chúa mạnh hơn sự mỏng dòn yếu đuối của chúng ta, lòng trung tín của Ngài mạnh hơn sự bất trung của ta.
Mỗi tối, trước khi đi ngủ, chúng ta hát kinh Salve Regina: Kính chào Mẹ là niềm cậy trông của chúng con (Spes nostra, salve). Kế đó chúng ta bắt sang bài ca kính Thánh Đaminh: “Ôi niềm hy vọng lạ lùng…” (O spem miram). Xin hai vị cầu bầu cho chúng ta biết luôn nuôi dưỡng niềm hy vọng và biết thông chia niềm hy vọng cho người khác.
Lm.Dom. Đinh Viết Tiên, OP.
nguồn : www.daminhvn.net