Tu sĩ và nỗi lo gia đình

101

Thằng Bi ho cả tháng nay vẫn chưa khỏi con ạ ! mẹ tôi nói với tôi về sức khỏe của đứa cháu. Bỗng trong tôi xuất hiện một nỗi lo âu, một nỗi bâng khuâng tôi không sao hiểu nổi, nó đến, ở đó, rồi thi thoảng lại hiện lên mỗi khi tôi nghĩ về người thân – những người đã từng ở gần tôi, những người đã từng là tất cả đối với tôi. Đi tu, mối tương quan ấy dường như chẳng hề mất đi và những cảm xúc xuất phát từ ràng buộc vô hình này có khi vô tâm dẫn tôi vào những xung đột nội tâm âm ỉ mà không có hồi kết. Đến khi nào nó buông tha cho tôi?

Gia đình dường như chiếm một vai trò không thể hoán vị với những điều khác trong tôi, một kẻ mà phần lớn tuổi thơ được nuôi nấng trong bầu khí gia đình. Trước khi bước vào hành trình tu sĩ, tôi đã phải băn khoăn câu hỏi về gia đình một thời gian dài : liệu tôi có thể sống xa nhà ? Liệu nỗi nhớ nhà có biến tôi thành một tu sĩ hoài niệm và chia cắt? liệu tôi có yêu Chúa hơn những đối tượng khác như anh, chị, bố, mẹ, và cả những đứa cháu hay không ? Suy nghĩ một thời gian, giữa chọn lựa và phân vân, giữa ra đi và ở lại, giữa Chúa và phần còn lại, giữa quê hương và nơi chốn tâm linh còn chưa định hình, tôi đã lấy hết can đảm để nói với mẹ tôi một điều mà tôi tưởng chẳng bao giờ tôi có thể làm với mẹ, một điều mà lúc tôi bắt đầu được sinh ra nó chẳng hiện diện trong số nhiều kỳ vọng của mẹ về tôi, tôi nói với mẹ: có lẽ con sẽ vào Sài Gòn đi tu !

Trong khoảnh khắc đó, tôi đã chẳng quan tâm đến sức nặng sẽ đè lên đôi vai chính tôi, nhưng nghĩ về gánh nặng của mẹ tôi. Chắc hẳn là một nỗi buồn, không phải chỉ vì mẹ cảm được nỗi chia cắt về thể lý, nhưng phần nào mẹ cảm được những gian nan ở miền đất xa xôi mà con phải đối diện, có bố mẹ nào lại không sợ những đứa con mình đi xa “chùm khế ngọt”, bởi những đứa con đó có thể phải nếm trải những “chua chát” nơi phương xa.

Hồi còn là tập sinh, một tập sinh khác dưới lớp tôi trong buổi chia sẻ thiêng liêng đã ngập ngừng chút ít khi chia sẻ về bố của mình, rồi anh khóc thành giọt, giọt nước mắt đàn ông. Một không gian im lặng bao trùm. Chúng tôi cũng im lặng. Không ai có thể nói lên một lời an ủi, hoặc là người đó quá can đảm. Chúng tôi hiểu rằng, tình cảm đó , những giọt nước mắt đó không có tội, chúng diễn tả một sự thật : đi tu thì người tu sĩ vẫn mang trong mình nỗi nhớ gia đình, có lúc không thể kiềm chế. Mọi lý tưởng, mọi phương pháp tâm lý hay cả những bài tập thiêng liêng có khi cũng không thể đụng chạm nổi tới hiện sinh này của con người. Dĩ nhiên tôi không có ý nhấn mạnh đến những thập giá của đời tu với hy vọng cho thấy nó đáng giá hơn, đó cũng chính là màu sắc mà ngày nay nhiều người muốn tô vẽ lên thập giá tu sĩ làm nó lỗng lẫy và bắt mắt hơn. Tu hay không tu, là người thì không thể trốn chạy nỗi của sự đeo đẳng cảm xúc về gia đình. Có điều, đi tu, nói day dứt ấy nhiều khi kêu cầu một lời đáp trả mà nó chỉ nghe thấy âm thanh im lặng, của nghẹn ngào, của những hàng rào mà người tu sĩ thiết lập cho mình.

Nhưng tôi sẽ không tìm một giải pháp cho suy tư nhỏ của mình, tôi cũng không muốn nói với những người đang đọc bài đọc này một bí mật để vượt lên cái xung đột, vốn là một phần của con người, mà nếu giải quyết được có khi chúng ta lại “kém người“ hơn. Tôi không muốn nói rằng : hỡi tu sĩ, nhớ nhà là chuyện thường hay nói ngược lại, nếu nhớ nhà, bạn hãy suy nghĩ lại ơn gọi của mình. Cả hai đều là những câu nói vô tác dụng của những người linh hướng không có đôi tai nhạy bén nhưng lại quá nhanh đưa ra câu trả lời. Tôi cũng chán ngán với những giải pháp thông thường, dù nhiều khi cũng hiệu quả như : hãy cầu nguyện, hãy chia sẻ với anh em, chị em trong cộng đoàn hay hãy tập trung vào sứ vụ của mình hay mọi thứ rồi sẽ qua. Mọi cách như thế chỉ là cách  mà con người có thế nghĩ ra để giúp con người tìm lại cân bằng rồi lại tiếp tục vui vẻ với sứ vụ. Mục đích của những người đưa ra giải pháp là giúp những người đang trong một cảm xúc hỗn tạp tìm lại được bình an chứ không phải là đi sâu vào tảng băng chìm của những cảm xúc. Họ nghĩ rằng đi tu phải cân bằng, phải làm chủ được cảm xúc và phần đa họ biến nhiều người trở nên vô cảm, xa lạ với những cảm xúc của mình. Là một đứa ngông nghiêng, tôi tự nhủ : cảm xúc, tôi có thể  giẫm đạp lên nó, hành hạ nó để chọn điều một tu sĩ mẫu mực nên làm, cảm xúc về gia đình tôi phải diệt đi vì còn bao nhiêu điều lớn lao cần làm. Nhưng sau khi làm được rồi, thực hiện được những sứ vụ to lớn rồi, tôi sẽ là ai ? Cũng chỉ là một đứa con nhỏ của mẹ tôi. Khi tôi không còn mỗi nỗi nhớ nhung với những con người mà trong quá khứ, họ với tôi đã từng là một, thì làm sao tôi có thể yêu thương những người tôi đang phục vụ cách hết mình như thể họ với tôi cũng chỉ là một. Không thể nào ! đó là ý kiến của cả nhân tôi.

Tôi không đủ thiêng liêng để nhìn lên thập giá và tìm kiếm mọi giải pháp cho cuộc sống của tôi. Tôi nghĩ rằng nếu Con Người trên thập giá nếu đã tìm ra được bí mật để vượt ra khỏi cái xung đột này, thì hẳn ngài đã ít chia sẻ với “phận người” của loài người hơn. Con Người ấy rốt cuộc cũng giằng xé cho tới cuối đời. Khi Ngài nói: ai không dứt bỏ cha mẹ thì không xứng đáng với Thầy, thì tôi hiểu, trong thâm tâm, Con Người đó cũng đã kinh nghiệm được sự giằng co giữa nỗi nhớ gia đình và sứ vụ. Khi Con Người ấy nói, họ ở trong thế  gian, còn Con, Con đến cùng Cha, thì tôi hiểu, Con Người ấy cũng nhớ người Cha của mình. Khi Ngài nói, Đây là mẹ con trong giây phút Ngài sắp về với Cha, thì tôi hiểu, Người Con vẫn còn muốn người mẹ trần thế của mình được bình yên khi mình không còn gần mẹ như trước nữa, người Con ấy phải chọn lựa giữa ‘mẹ’ và “Cha”. Làm thế nào một người luôn khắc khoải về cha, về ,mẹ, về quê hương trần thế, cũng như quê hương trên trời lại khao khát những người môn đệ của mình phải nghiền nát nỗi nhớ gia đình bằng sứ vụ, vốn cũng là phương tiện để hướng con người về Quê Hương. Thật tàn nhẫn. “Sứ vụ” có phải bao giờ cũng thù địch với “nỗi nhớ nhà” ?

Thi thoảng, tôi hỏi : Lạy Chúa, Ngài có từng nhớ mẹ ? Những nhà Ki-tô học có lẽ sẽ nhanh nhẹn trả lời, vì là con người nên Ngài cũng nhớ mẹ, nhưng vì là Thiên Chúa, nên Ngài nhớ Cha và sứ mạng của Cha hơn. Những câu trả lời luôn đúng nhưng chẳng tác động được với khát khao của những người ngóng trông. Nhưng tôi thì chỉ nghe thấy một câu trả lời duy nhất, gần gũi, nhưng bế tắc: ta đã từng nhớ và ta cũng đã từng giằng xé. Đó là niềm hy vọng duy nhất của tôi, niềm hy vọng đó không chỉ đến từ cộng đoàn gồm những ngưỡi cũng ít nhiều chia sẽ nỗi nhớ như tôi, cũng không phải từ sứ vụ vốn là cái mà nhiều người nghĩ sẽ giúp người tu sĩ quên bãng chuyện nhớ nhà vặt vãnh, nhưng niềm hy vọng đó đến từ niềm xác tín của tôi vào nỗi nhớ của Con Người, Đấng gọi tôi ra khỏi gia đình nhưng lại quên lấy mất cảm xúc về gia đình của tôi. Ngài cố tình quên hay chỉ là vô tình. Tôi hy vọng là ngài cố tình quên để tôi có cơ hội giống Ngài hơn.

Trúc Thanh