Tu Là Cõi Phúc, Tình Là Dây Oan?

119

Thánh Teresa Hai dong Giesu“Trải qua trăm cuộc bể dâu”, thi hào Nguyễn Du không khỏi đau đớn xót xa trước “những điều trông thấy”, như được gột tả cách ý nhị và sâu sắc ngang qua thân phận nàng Kiều; và qua lời nhân vật, tác giả Truyện Kiều đã phải thốt lên: “Tu là cõi phúc tình là dây oan”. Nhận định trên là đúng hay sai, và đúng-sai đến mức nào? Chắc phải đặt mình vào hoàn cảnh của tác giả để tìm hiểu trước đã.

Đừng quên câu nói trên phát xuất từ một kiếp đời dạt trôi phiêu bạt, có thể nói, “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Đừng quên câu nói ấy cũng khởi đi từ một phận người tài hoa bạc mệnh, “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Thế nên khi đặt trong hoàn cảnh của tác giả, người ta hoàn toàn có thể thấu cảm cho lời nhận định trên, nhất là những ai đã từng kinh qua một cuộc đời “sóng sau xô sóng trước”như thế.

Ấy vậy, khi tách rời khỏi bối cảnh rất cụ thể ấy mà nói “Tu là cõi phúc tình là dây oan”, e rằng người nói quá chủ quan, vội vàng và hàm hồ.

Chủ quan thì dễ hiểu rồi, vì kinh nghiệm về cuộc đời mỗi người mỗi khác. Giả như đời tu quả là cõi phúc thật cho hết thảy mọi người, hoặc giả như chuyện tình ở đời cứ mãi là mối dây ràng oan trái, sao người ta không rủ nhau đi tu hết cho rồi? Mà thực tế là càng ngày càng ít ỏi thay những người chọn sống đời tu, chưa kể những lời than vãn nhạo báng đại loại: “chẳng đặng đừng mới phải đi tu”, “hết đời rồi em ơi”, hay đơn giản hơn, “khùng hả?”… Còn nữa, rành rành trước mắt là bao người cứ muốn vấn vít sợi dây tình ái kia dẫu biết rằng vướng vào thì đâu dễ gỡ. Vậy nếu có ai đó dám khẳng định “Tu là cõi phúc tình là dây oan” như một chân lý bất biến và phổ quát, xem ra người ấy chỉ mới tu và yêu trong “cõi riêng mình” mà thôi!

Vội vàng là bởi lẽ phải hiểu chữ “tu” và chữ “tình” cho đúng, cho đủ, cho hợp và cho sâu trước khi đưa ra lời nhận xét. Vội vàng kéo theo hàm hồ đấy thôi.

Thật vậy, chữ “tu” có quá nhiều cách hiểu, tuỳ mỗi tôn giáo, và thậm chí, tuỳ từng linh đạo trong cùng một tôn giáo. “Tu” nói chung chung nghĩa là “sửa”: đi tu là để sửa mình. Chắc hẳn, Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Ki-tô giáo… hiểu và sống chữ “tu” rất khác nhau. Ở đây, trong chừng mực nào đó, chúng ta chỉ bàn về đời tu dưới nhãn quan Ki-tô giáo, vì có muốn bàn hết cũng không thể bàn đến nơi đến chốn. Theo đó, “tu” là sống với Chúa, vì Chúa, cho Chúa và tha nhân. Đời tu sẽ là cõi phúc nếu tu nhân có tự do để đáp trả và dấn thân trước lời mời gọi yêu thương của Chúa – Đấng mà người ấy tôn thờ, yêu mến và bước theo. Hay nói khác đi, cái phúc ở đời tu hệ ở chỗ: tu nhân có tìm thấy trong thâm tâm mình một sự bình an đích thực – bình an không nhất thiết phải là bình-yên-vô-sự theo cách hiểu của người đời. Bình an ở đây là giữ cho mình được bình tâm – một thái độ “bất thiên” – trước sự đời: đến nỗi tu nhân không ước muốn sức khoẻ hơn bệnh tật, sự giàu sang hơn cảnh bần hàn, danh vọng hơn lời phỉ báng, thọ mệnh hay đoản mệnh, và tương tự như thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn điều giúp bản thân và tha nhân đạt tới mục đích tối hậu của cuộc đời. Hơn nữa, tu nhân chỉ có thể đạt cứu cánh đời mình khi biết sống trao hiến như chính Chúa Giêsu đã đi bước trước trên con đường thập giá. Có thế, tu nhân mới tìm được niềm an ủi thiêng liêng nơi tâm hồn mình. Thập giá tuy nặng nề thật đấy, nhưng khi tu nhân biết vác cùng Chúa, thập giá ắt nở hoa và trở thành Thánh giá. Thánh giá của đời tu khi ấy là phúc chứ đâu phải hoạ!

Còn nếu đời tu chỉ là một lối rẽ bù trừ, thì quả là dây oan, là đại hoạ cho tu nhân. Người bước vào đời tu với một động cơ chẳng mấy tronghạnh phúc lứa đôi sáng, không phải vì mục đích cao thượng, không muốn sống hiến thân nhưng chỉ mong tiến thân, mưu cầu lợi lộc và danh vọng…, hay chỉ để trốn đời tìm chốn an thân, thì chỉ tự làm khổ mình trong bể khổ mà thôi. Giả như có “nín thở qua sông”, người ấy cũng chỉ sống đời tu với một thái độ gắng gượng, gò bó, “bắt cá hai tay”, “chân trong chân ngoài”, căn tu bất nhất rồi dẫn đến khủng hoảng căn tính, sớm muộn gì cũng buông xuôi trong ê chề thất vọng. Đời tu khi ấy có níu kéo cũng đâm ra trống trải, vô nghĩa và bất hạnh, đó là chưa kể đến nguy cơ tục hoá cõi tu.

Chữ “tình” cũng lắm thứ tình, “đố ai định nghĩa được chữ yêu” (Xuân Diệu). Tâm lý gia C. S. Lewis mượn chữ Hy Lạp để phân biệt bốn thứ tình: tình ái (eros), tình một nhà (storge), tình bằng hữu (philia) và tình trao hiến (agape). Eros là “yêu đương” – tình ái, là sức tình hấp dẫn gái với trai, là dục năng mê mải: cần lắm chứ, nhưng chưa đủ, vì chỉ yêu bằng eros thôi thì sặc mùi chiếm hữu, ghen tuông. Tình yêu thuần tuý eros sẽ là sợi dây ràng nghiệt ngã trói chặt cuộc đời những kẻ yêu chỉ để thoả mãn bản tính ích kỷ và những đòi hỏi thấp hèn của dục vọng. Có khối kẻ thất tình thì đành lòng giết cả tình nhân cách dã man, rồi tự kết liễu đời mình luôn. Storge và philia là “mến thương” – tình nghĩa, giúp người ta kết thân và gắn bó với nhau trong gia đình và xã hội. Nhưng ngộ nhỡ “thương không phải cách, yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người” (Xuân Diệu), hay rơi vào quyến luyến lệch lạc, người ta đâm khổ. Có những người sống tình bác ái mà thiếu đi sự nhận định, bạ ai cũng kết thân, bạ đâu cũng sinh lòng trắc ẩn và thương hại kẻ khác mà chẳng rõ thương” hay là “hại” – hại người, hại mình, vì không biết lượng sức. Có những kẽ mải lo công tác xã hội hay việc từ thiện mà bỏ bê gia đình. Có những chàng trai vì quá yêu mẹ mà suốt đời chẳng dám lấy ai làm vợ!

Nhưng yêu sẽ là cõi phúc khi agape chiếm trọn mấy thứ tình kia. Đó là tình yêu của sự trao hiến trọn vẹn vì người mình yêu, một tình yêu chân thành và sẵn sàng cho đi cái có lẫn cái là. Có những người dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu, và như Kinh Thánh cho hay, “không có tình yêu nào cao cả hơn”. Ở đời mà sống được thứ tình này, chí ít là trong ước muốn, quả là đang sống trong “thiên đàng tại thế”. 
Chính nơi tình trao hiến, đời tu và đường tình gặp gỡ và giao thoa: tu nhân cũng nên biết sống chữ “tình” trong đời tu, và nam thanh nữ tú cũng nên biết sống chữ “tu” trong đường tình của họ. Khi đó, dù sống đời tu, dù sống đời thường, người ta cũng nhận ra “trong oan có phúc”. Thế thì đâu chỉ có tu mới là thoát khổ, đâu chỉ có tình mới là oan khiên. Cõi phúc hay dây oan ở chính nơi mỗi người – trong từng lối nhìn, lối nghĩ và lối sống, trong từng quyết định và chọn lựa.

Huynh An, S.J.

dongten.net