Tu là cõi phúc

157

Mây vội vã cuốn mưa đi mất, để lại vạt nắng cuối chiều khẽ len lén đổ từng vệt dài trên vùng đất lạnh. Có ai để ý thấy nét đẹp của nơi được mệnh danh “thành phố buồn” này chăng! Cái đẹp đến từ vẻ đơn sắc của nó. Anh đứng đó, xoay lưng về phía mặt trời, bàn tay đưa ra như muốn nắm lấy cái bóng của mình đang loang loáng trên ngôi mộ mới xây. “Hãy theo Thầy!” (Ga 21, 19), dòng chữ khắc sâu trên nấm mồ lưu lại câu châm ngôn sống đã từng là kim chỉ nam cho cả một đời người. Nằm sâu dưới lớp đất lạnh kia là vị linh mục già, người từng vẽ lối ước mơ cho anh. “Tu là cõi phúc”, câu nói ấy anh chỉ nghe cha nói một lần mà sao nó cứ mãi vọng về, êm êm như lời ru cho anh suốt những năm đầu đời tu. Lúc này đây, lời cha nói lại có dịp sống lại, khơi gợi bao thao thức trong anh.

“Tu là cõi phúc”, cái phúc mà cha muốn nói tới là gì? Anh chưa bao giờ mở lời để hỏi, chỉ biết rằng khi nhìn đời sống của cha, anh tìm được câu trả lời cho riêng mình. Vào đời như con thuyền ra khơi, thuyền ấy sẽ về đâu nếu đời ta không định hướng! Với cha, định hướng ấy rất rõ ràng, hướng đi cha đã chọn là hướng đường Chân – Thiện – Mỹ, cùng đích cha tìm về là chính Thiên Chúa Tình Yêu, có khác chăng là cha chọn lối ít người đi: đường đi một mình.

Nói cách khác, “phúc” là khi con người nhận biết cùng đích đời mình là chính Thiên Chúa và “tu” là cách thức để họ được Thiên Chúa đụng chạm. Nếu hiểu như thế thì phàm là người, đạo đời gì cũng không ngoài một chữ “tu”. Tuy nhiên, cái “tu” của người sống đời thánh hiến đặc trưng bởi lẽ họ thiết lập tương quan mật thiết với Thiên Chúa mà không qua trung gian nào khác. Thế nên “tu là cõi phúc” bởi người tu chỉ tập chú vào đối tượng duy nhất là Thiên Chúa của mình nên họ có cơ hội nhìn cuộc đời sâu sắc hơn, nhạy bén với những giới hạn của cuộc sống hơn, nhờ đó họ không lạc xa cùng đích đời mình. Lý thuyết là thế nhưng không phải ai đi tu cũng hạnh phúc vì mỗi người mỗi ơn gọi, như vậy “tu là cõi phúc” chỉ đúng nghĩa khi người sống đời thánh hiến can đảm nhận ra và bước đi trên con đường Chúa mời họ dấn thân, hầu hướng về cùng đích đời người là chính Ngài, nếu không đó chỉ là sự lỡ dở nhân duyên, ép mình để cuối cùng nhận lấy biết bao buồn khổ.

Mặt khác, “tu là cõi phúc” khi và chỉ khi người tu biết vét rỗng chính mình và để Thiên Chúa lấp đầy, là dám hiến trao cái mong manh của phận người để Đấng Toàn Năng hoạt động. Thật vậy, với những ai dành thời gian để học cho biết thế nào là giới hạn của kiếp người thì việc bỏ mình như thế có một giá trị thật lớn lao, bởi người ấy ý thức được mình chỉ có một đời để sống, một “tôi” duy nhất xuất hiện trên cuộc đời này và không ai có thể thay thế chỗ “tôi” trong trái tim Thiên Chúa. “Tôi” có giá trước mặt Chúa nên “tôi” phải sống sao cho đáng!

Đang miên man suy nghĩ, bất thần, cơn gió cuối đông từ đâu ùa đến, phả vào mặt anh như muốn xoa dịu đi những vết hằn của tháng năm. Anh nghe văng vẳng bên tai tiếng người cha kính yêu: “Tu là cõi phúc”. Nét mặt anh giãn ra, khác hẳn cái vẻ đăm chiêu lúc trước. Anh nhận ra rằng với người đang nằm dưới nấm mồ này thì “tu là cõi phúc” bởi người ấy đã tìm thấy cùng đích đời mình là chính Chúa, đã dám say mê Thiên Chúa với tất cả con người mình và đã hết lòng với tha nhân mà Chúa gửi đến.

Nắng tắt. Anh để lại nơi mộ bia kia tiếng thì thầm của lòng biết ơn và quay gót về với con đường mà ngày ngày anh vẫn đi qua. Anh sẽ xây đời tu của mình bằng chọn lựa mỗi ngày, chọn sao để “tu là cõi phúc”. Rồi đây, anh sẽ là linh mục của Chúa, tương lai ấy rất gần nhưng người đã nằm xuống sẽ không thể hiện diện trong ngày hồng phúc đó bằng xương bằng thịt nữa rồi. Dù thế, anh tin chắc cha vẫn luôn bên anh, vẫn luôn nhìn anh với ánh mắt trìu mến như ngày đầu tiên cha con gặp nhau trong một buổi chiều tà, ngày cha nói với anh: “Tu là cõi phúc, con ạ!”.

Sr. Hồng Nhung, MTG.Thủ Đức