Từ khi trăng là nguyệt

94

“Từ khi trăng là nguyệt”,

“đèn thắp sáng trong tôi,

từ khi trăng là nguyệt,

em mang tim bối rối…”

(Trịnh Công Công Sơn – Nguyệt Ca)

 

(1P 4: 7-8)

Trăng là nguyệt, hay nguyệt là trăng. Là chị Hằng, đều là một nỗi. Nỗi và niềm, có trăng luôn thắp sáng hoặc có nguyệt làm bối rối tim em mỗi tháng hay mỗi ngày vào nguyệt tận? Tức, tháng ngày chỉ leo lét ánh sáng đâu đó, cứ tưởng chị Hằng ghé thăm, thì cũng lầm. Lầm, như đêm 30 lại nghe có niềm vui đến từ lời ca của nghệ sĩ, một thời từng hát:

“Từ khi trăng là nguyệt

tôi như từng cánh diều vui,

Từ khi em là nguyệt,

trong tôi có những mặt trời.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Chỉ mới hát, “Khi em là nguyệt” thôi, mà người nghệ sĩ đã như “có những mặt trời”. À thì ra, người người ở mọi thời, vẫn cần đến ánh sáng của nguyệt là trăng/trăng là nguyệt như của mặt trời, khiến chị Hằng thấy nguội lạnh, cần thắp sáng bằng ơn trên.

Bởi thế nên, dù có là ánh sáng của Ơn Trên, hay là mặt trời/mặt trăng rất chị Hằng như câu chuyện Mẹ Têrêsa thành Calcutta từng nhắc đến như sau:

“Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã thuật lại một sự kiện như sau:

Ở Úc, có thổ dân nọ giống giòng Aborigines từng sống trong hoàn cảnh thật đáng thương. Ông là đấng bậc cao niên, nhưng vẫn sống trong túp lều xiêu vẹo. Bắt đầu chuyện vãn với ông, tôi có nói:

-Để tôi dọn dẹp nhà cửa và sửa soạn giường chiếu cho ông.

Ông trả lời cách hững hờ:

-Tôi quen sống vậy rồi, Bà đừng phiền.

-Nhưng tôi nghĩ, ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu nhà mình sạch sẽ, ngăn nắp, chứ?

Sau cùng, ông bằng lòng để tôi dọn dẹp lại cho ông. Khi quét dọn, tôi phát hiện ra cây đèn cũ tuy rất đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm bồ hóng. Tôi mới hỏi:

-Có khi nào ông thắp cây đèn này lên không?

Ông trả lời rất cộc lốc:

-Thắp đèn để làm gì, nào ai thấy! Có ai bước vào nhà này bao giờ đâu mà thắp nó. Đã lâu, tôi vẫn quen sống như thế cũng chẳng cần thấy mặt mũi của người nào.

Tôi hỏi tiếp:

-Nếu nữ tu của tôi thường xuyên đến thăm ông, ông có vui lòng để họ thắp đèn không?

-Dĩ nhiên rồi. Ai mà chả vui lòng đón tiếp nhìn mặt các chị ấy chứ…

Từ ngày đó, các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé thăm nhà ông. Và cũng từ đó, ông bắt đầu thắp đèn lên và dọn dẹp nhà cửa trông sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa, mới qua đời. Trước khi chết, ông có nhờ các nữ tu về nhắn với tôi rằng: Xin nhắn với Mẹ Têrêxa, người bạn quý của tôi rằng: ngọn đèn mà Bà thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng đấy. Đó chỉ là một việc rất nhỏ Bà làm, nhưng trong bóng cô đơn đời tôi, ánh sáng hy vọng đã loé sáng đời của tôi, vào giờ cuối. Và nó sẽ còn tiếp tục loé sáng mãi, với mọi người.”

Với vị nữ tu Bề Trên là Đấng thánh lập dòng, thì như thế. Với nghệ sĩ ở đời, thì như sau:

“Từ đêm khuya, khi nắng sớm trong những cơn mưa,

Từ bao la, em đã đến xua tan những nghi ngờ,

Từ trăng xưa là nguyệt, lòng tôi có đôi khi,

Tựa bông hoa vừa mọc, hân hoan giây xuống thế.

Từ khi trăng là nguyệt, tôi nghe đời gõ nhịp ca,

Từ khi em là nguyệt, cho tôi bóng mát thật là.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Tựa “nắng sớm trong những cơn mưa”, “em đã xua tan những nghi ngờ.” Tựa “bông hoa vừa mọc”, em “cho bóng mát thật là”. Bông hoa ấy. Bóng mát nọ. Có là nguyệt? Là trăng? Để rồi, tôi và em sẽ lại hát thêm:

 

“Từ khi trăng là nguyệt, vườn xưa lá xanh tươi,

Đàn chim non lần hạt, cho câu kinh bước tới.

Từ khi trăng là nguyệt, tôi nghe đời vỗ về tôi.

Từ khi em là nguyệt, câu kinh đã bước vào đời.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

 

Chim non hôm nay, chưa kịp lọt lòng mẹ để “lần hạt”, “cho câu kinh bước tới”, lại cũng đã bị đời người và người đời tìm khai thác bóp nghẹt cả sự sống, từ trứng nước. Quả là ngày nay, người đời và đời người vẫn cứ bóp nghẹt và bóp chẹt sự sống của con người bằng nhiều cách. Có những cách vẫn nhân danh Khoa học và Sự sống, như lời hỏi của dân thường ở huyện Sydney, sau đây:

“Tôi có người bạn cũng là bà mẹ trẻ như tôi, vừa đưa ra câu hỏi về một vấn đề khá hóc búa. Bạn hỏi rằng: có hợp đạo lý chăng, khi con người tự hào là văn minh hôm nay lại đang khai thác các tế bào phôi nhi rút ra từ bào thai bị nạo phá để làm thuốc chủng ngừa các bệnh tật ở trẻ em. Phải chăng con người đang mạo danh khoa học để làm những việc tày trời, phản đạo đức? Điều này quá mới mẻ, đối với tôi. Vậy xin hỏi linh mục: giáo huấn của Hội thánh có đả động gì đến vấn đề này hay không? (Một người mẹ đang có thắc mắc rất thực xin ghi ơn)

Cũng chẳng biết, câu hỏi có thật của bà mẹ trẻ ở Sydney hay không? Nhưng thôi, cứ có hỏi là tốt rồi. Bởi, hỏi hay không, đấng bậc nhà Đạo ở Sydney nay lại cũng làm cái công việc rất bình thường của nhà luân lý rất Đạo, để trả lời. Như sau:

 

“Cũng như chị, có nhiều bạn hiện vẫn không biết là trên thực tế, lâu nay một số thuốc chủng được chế biến từ các giây tế bào sống lấy từ mô động vật ở thai nhi bị nạo phá. Điều này chắc chắn dấy lên nhiều thắc mắc vấn nạn hỏi rằng việc sử dụng các thuốc chủng để chữa bệnh cho trẻ em có hợp đạo lý không?

Thật ra thì, Hội thánh lâu nay cũng đối đầu với nhiều thắc mắc cho rằng ta có thể sử dụng một cách hợp pháp các thuốc chủng như thế với một số điều kiện nào đó. Qui định về những gì được phép hoặc trái phép đã được Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đề cập đến trong một số vấn đề về đạo đức sinh lý có liên quan đến Phẩm giá Con người, ban hành vào ngày 8/9/2008.

Giáo huấn của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin đã phân định rõ thế nào là sử dụng “chất liệu sinh lý” lấy gốc từ các bào thai bị nạo phá được nghiên cứu gia và bậc cha mẹ dùng mà chủng ngừa cho trẻ em .

Theo tiêu chuẩn mà Thánh Bộ dùng để giáo huấn dân con trong Đạo có nhấn mạnh đến “bổn phận phải làm sao tránh hợp tác với ác thần sự dữ cũng như các hành động gây tai tiếng”(#32). Về hợp tác với ác thần/sự dữ, trường hợp này là sự dữ rất nghiêm trọng liên quan đến chuyện nạo phá thai nhi, tức có nối kếp hoặc hợp tác trực tiếp với sự dữ ngay lúc ấy. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu chỉ sử dụng các chất liệu sinh lý lấy từ việc nạo phá thai nhi, cũng có thể là hợp tác hợp lực, nhưng ở mức độ rất nhỏ.

Dù sao đi nữa, các nhà nghiên cứu tuy không không dính phần trực tiếp vào chuyện nạo phá thai nhi, họ cũng không hưởng được lợi lộc gì từ việc sử dụng chất liệu lấy từ đó, mà chỉ ngầm hiểu là họ chấp thuận hành động nạo phá thái nhi, thôi. Giáo huấn của Thánh Bộ cũng dạy rằng “điều này “kéo theo mâu thuẫn trong thái độ của người từng quyết đoán là mình không dính dự gì đến chuyện chấp thuận việc bất chính do người khác làm. Nhưng, cùng lúc chấp thuận để cho công việc của chính mình được thành công nhận sử dụng “chất liệu sinh lý” mà người khác đạt được từ phương tiện bất chính như thế”. (#34)

Điều này xem ra, ngay từ đầu, đã bác bỏ việc các nhà nghiên cứu được phép sử dụng các chất liệu này để sản xuất thuốc chủng ngừa. Tuy nhiên, theo Lm John Flemming, trong cuốn “Giải thích Phẩm giá Con người” (Connor Court 2010) ông có viết rằng: “Trong trường hợp các mô được trữ lạnh một thời gian nào đó từ các lần nạo phá thai nhi trong quá khứ, thì cũng có thể được phép sử dụng chất liệu ấy vì tính cách nhỏ nhoi rất xa vời mà các nhà nghiên cứu dính dự vào hành động nạo phá thai nhi bất chính.” (tr. 70-71). Thật thế, các giây tế bào sử dụng để làm thuốc chủng ngừa, đặc biệt để ngừa bệnh đậu mùa, là lấy từ thai nhi bị nạo phá hơn 40 năm trước.

Thế, còn các bậc cha mẹ nào sử dụng thuốc chủng ngừa lấy từ chất liệu này, thì sao? Rõ ràng là, việc cha mẹ hợp tác vào việc nạo phá thai nhi như thế cũng rất nhỏ nhoi/xa vời, với điều kiện là các bậc cha mẹ phải chống đối lại tính cách vô luân của nạo phá thai. Do đó, theo tiêu chuẩn thông thường về chuyện hợp tác với ác thần sự dữ, nếu như việc hợp tác là nhỏ nhoi/xa vời và đương sự chống đối sự dữ ngay tận gốc –tức, việc hợp tác chỉ mang tính chất liệu chứ không công khai- các vị này có thể hợp lực với điều kiện có lý do thật xứng hợp để biện minh.

Trường hợp này, có nghĩa là: nhu cầu chủng ngừa cho con trẻ khỏi bị các bệnh có tiềm năng gây nguy cơ cho tính mạng của các em, thì có thể biện minh cho việc sử dụng thuốc chủng làm từ các thai nhi bị nạo phá, nếu như không có sẵn thuốc chủng nào khác hiệu nghiệm. Theo ngôn từ của giáo huấn do Thánh Bộ đưa ra, thì: ”Các lý do nghiêm túc khả dĩ tương xứng về luân lý đạo đức có thể biện minh cho việc sử dụng các “chất liệu sinh lý” như thế. Thành ra, lấy ví dụ như: vì có nguy hiểm đến tính mạng của trẻ bé, thì có thể cho phép bậc cha mẹ sử dụng thuốc chủng ngừa được phát huy từ các giây tế bào có nguồn gốc trái phép, nhưng vẫn phải luôn phải giữ trong đầu để hiểu rõ là ai cũng có bổn phận phải tỏ cho mọi người biết là mình đả phá chuyện nạo thai và cũng đã yêu cầu hệ thống ytế sản xuất các loại thuốc chủng nào khác để sử dụng cho công minh chính trực.” (#34)

Dù mình có thể sử dụng các loại thuốc chủng như thế, các bậc cha mẹ cũng phải nói cho bác sĩ hoặc hãng bảo hiểm y tế của mình biết là mình những muốn chọn thuốc chủng nào không lấy từ thai nhi bị nạo phá trước đó.

Cha mẹ nào không để cho con cái mình được chủng ngừa vì lý do luân lý/đạo đức như thế hoặc vì sợ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ do chính thuốc chủng ấy tạo ra, thì các vị này cũng nên biết rằng nguy cơ tử vong về sau do không chủng ngừa, có thể còn cao hơn là không cho chủng. Chí ít, là con em mình có thể tạo lây lan bệnh ngặt nghèo qua các trẻ em hoặc người lớn khác vì quyết định không cho con mình chủng ngừa, cũng rất lớn.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly, 8/5/2011, tr. 12)

Nói như đấng bậc nhà Đạo ở trên, là như ngồi trên cao mà nói xuống. Tức, nói về giáo huấn của nhà Đạo xuống cho người khác biết thi hành, cho đúng luật. Hay còn gọi, là nói theo cách lý luận về luận lý cũng như luân lý, và giáo luật. Rất khó hiểu. Với dân gian. Nói như dân gian ngoài đời, có thơ và có nhạc, như người nghệ sĩ trích dẫn ở trên có lần cũng có nói bằng tiếng hát, rất như sau:

“Từ trăng thôi là nguyệt, là trăng với bao la.

Từ trăng kia vừa mọc, trong tôi không trí nhớ.

Từ trăng thôi là nguyệt, hôm nao chợt có lời thưa,

Rằng em thôi là nguyệt, tôi như đứa bé dại khờ.”

(Trịng Công Sơn – bđd)

Như bé dại khờ, cũng có thể vì tôi đây bần đạo là người “đi” Đạo, nhưng rất “bần cùng”. Bần thần. Bần đạo, tựa như “bé dại khờ”, nên chẳng dám “có lời thưa” hôm nào khi chợt thấy “trăng thôi là nguyệt”. Thấy, “trăng kia vừa mọc”, đã khiến “trong tôi không trí nhớ”. Nên rất hay quên. Hay quên, đến độ chỉ nhớ đôi truyện kể của em nhỏ, như truyện dưới:

Truyện rằng,

Bé em vì dại khờ, nên hay thắc mắc. Thắc mắc, cả chuyện rắc rối sau đây:

-Mẹ à, Dì Tám “nhiều chuyện” nói với con rằng: sở dĩ Ba mẹ sanh ra con là do “ắc-xi-đăng”, muốn đi bệnh viện để tống khứ, nhưng sợ tội. Thế nên, sau này con lớn khôn có làm gì cũng phải cẩn thận… Dì còn nói nhiều chuyện lắm, nhưng “ắc-xi-đăng” là gì hả mẹ?

-Là, “đụng chuyện” dễ vỡ bể.

-Đụng chuyện là đụng thế nào? Và, vỡ bể là vỡ cái gì vậy mẹ?

-Là vỡ kế hoạch nên đành chịu. Cũng như người bị “ắc-xi-đăng”, lỡ bể đồ rồi đành chịu thôi.

-À thì ra, tại vì ba mẹ “đụng chuyện” nên nay con mới bị rầy là hay “nhiều chuyện”, có phải vậy không?…

Chưa hẳn là như vậy. Nhiều lúc, thiên hạ dù vẫn “đụng chuyện”, toàn những chuyện không chắc là do “ắc-xi-đăng” gây “vỡ bể”, cũng đâu thành “nhiều chuyện”. Đôi lúc, do có “nhiều chuyện” nên mới thành chuyện. Thành câu chuyện, nên người người mới chịu tìm để hiểu, và nghĩ suy. Nghĩ và suy, như suy về lời khuyên của thánh nhân xưa được coi như Lời của Chúa. Lời ấy, dẫy đầy trong Kinh Sách. Nay, trích dẫn đôi lời để rồi “thành chuyện” ta đề cập, làm kết cục bài phiếm khô khan. Cô đọng. Gây nhức nhối:

“Tiên vàn mọi sự,

hãy có lòng yêu mến nhau khắng khít,

vì đức mến phủ lấp vô vàn tội lỗi…

Mỗi người tuỳ theo ân lộc đã được,

hãy lợi dụng mà phục vụ nhau,

như người quản lý giỏi giang về ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa.

Ai nói, (hãy nói) như Lời của Thiên Chúa;

ai phục vụ (hãy phục vụ) như do mãnh lực Thiên Chúa cấp cho,

ngõ hầu trong mọi sự, Thiên Chúa được tôn vinh, nhờ Đức Yêsu Kitô.”

(1P 4: 8-11)

Cuối cùng, chuyện sống Đạo ở đời, không chỉ để phiếm mà thôi. Nhưng còn để, nhân lúc phiếm, bạn và tôi, ta nhớ mà sống cho đúng tinh thần yêu thương và phục vụ, của Hội thánh.

 

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn thường tự kỷ ám thị

những lập trường

ra như thế.