Nhân loại đã trải qua một thời của chế độ phong kiến, cảnh con người làm nô lệ cho con người. Đó là thời của nhân phẩm bị coi thường và giá trị con người được mua bằng cấp bậc trong xã hội. Ngày nay xem ra con người có nhiều tự do để sống với những hoài bão của mình. Tuy nhiên, với phong trào “hippie” của thập niên 60-70 vào cuối thế kỷ XX, đã khẳng định giá trị con người một cách quá đáng; người ta để tóc dài, đi xe phân khối lớn, hành xử theo kiểu mạnh được yếu thua, nói năng phá cách…Những hình thức ấy, dường như đẩy con người vào một xu hướng nộ lệ khác: nộ lệ cho chính mình. Dù dưới hình thức nộ lệ nào, nó đều dẫn đến việc con người đánh mất đi sự tự do đích thực để có thể sống như là chính mình.
Từ tinh thần tục hóa đến duy thế tục
Một trong những đặc nét biểu hiện tâm thế tự do của con người là sự phát triển của trào lưu thế tục. Thật vậy, có thời người ta yêu cầu phá gỡ mọi biểu tượng tôn giáo ra khỏi nơi công cộng. Họ cho rằng tự do tôn giáo hoàn toàn mang tính cá nhân và đồng nghĩa với việc mọi biểu tượng tôn giáo – chẳng hạn như thánh giá – phải được gỡ bỏ tại những nơi công cộng. Mặc dù, việc phản đối này chỉ do một vài cá nhân hay một vài nhóm lẻ tẻ nhưng cũng tạo nên một làn sóng “khử thiêng” về mọi phương diện trong đời sống con người. Chính Công đồng Vaticanô II cũng đã cảnh báo cho lối sống này: tư tưởng duy thế tục, một chủ trương mà trong đó người ta đòi loại trừ Thiên Chúa ra khỏi xã hội và đòi hỏi một sự độc lập tuyệt đối cho con người trước định mệnh của mình trong mọi công cuộc xây dựng trần thế và mọi giá trị tự nhiên.
Chúng ta biết rằng Kitô giáo một thời là quốc giáo ở các nước phát triển, và những biểu tượng tôn giáo đã trở thành những nét đẹp tiêu biểu trong nền văn hóa Tây Phương. Có thể nói, những biểu tượng tôn giáo không chỉ truyền tải sứ điệp nào đó trong Tin mừng mà nó còn gợi nhắc một nền luân lý lành mạnh hướng dẫn con người tìm về tính siêu việt của đời sống hằng ngày. Nghĩa là giúp con người sống tốt hơn với mọi chiều kích tương quan của đời sống: thiên nhiên, tha nhân và Thiên Chúa. Có thế, đời sống tâm linh của con người ngày thêm mạnh mẽ hầu đứng vững trước mọi chiều gió đạo lý. Thế mà, một khi con người công khai chống đối việc treo cao biểu tượng tôn giáo, cách nào đó, họ phủ nhận chiều kích siêu nhiên trong đời sống con người. Đối lại, họ đề cao tự do đến mức quá đáng, rằng con người có quyền tự do tuyệt đối và tự quyết hoàn toàn đối với vận mạng của mình. Họ coi mình là luật; điều gì lợi ích cho bản thân thì họ coi là lành là thánh. Điều này phản ánh một lối sống luân lý tùy tiện lấy con người làm thước đo vạn vật.
Với chủ trương của triết gia Albert Camus: con người nên thánh không cần Thiên Chúa, một số người đi tìm một đời sống tâm linh không có Thiên Chúa. Với những kinh nghiệm thần bí khép kín trong bản thân mình, họ tự thỏa mãn trong tính nội tại của chính mình và nói như Đức Phanxicô: họ chỉ quan tâm đến một kinh nghiệm cụ thể nào đó hoặc một loạt các lý luận và kiến thức được coi là an ủi và ánh sáng, trong khi đối tượng vẫn đang bị giam kín trong tính nội tại của những lý luận và cảm xúc riêng của mình. Điều này kéo theo một lối sống hình thức chuộng vẻ bên ngoài, vì hoàn toàn cậy dựa vào sức mình, họ gượng ép uốn nắn bản thân theo những tiêu chuẩn “thời thượng” nào đó. Họ tưởng thế là sống tự do nhưng kỳ thực, họ lệ thuộc vào bản tính hay thay đổi của mình.
Tưởng cũng cần nhắc lại, vào thời khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay khi con người đề cao khả năng lý trí của mình rằng có thể giải quyết mọi vấn đề của đời sống và bảo đảm cho nhân loại một sự tiến bộ ngày càng lớn mạnh mà không cần phải nhờ tới tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo. Chính tinh thần duy thế tục này đã làm giãn nở giới hạn của lý trí và đức tin đến mức đối lập và cự tuyệt lẫn nhau.
Ở mức độ nào đó, tiến trình tục hóa được coi là cần thiết khi đưa tới việc nhìn nhận một sự độc lập đúng đắn của các thực tại trần thế và nhân bản, nghĩa là sự độc lập của nhà nước: văn hoá, chính trị, đời sống xã hội. Công Đồng cũng khẳng định rằng thế giới tức là thực tại thế tục có giá trị và những qui luật riêng biệt của nó; vì thế việc đòi hỏi một sự độc lập của các thực tại thế tục bao hàm các thụ tạo và các xã hội là điều hoàn toàn chính đáng và hợp với ý muốn Đấng Tạo Hóa. Nhưng khi một số người giải thích sự kiện này đến mức thái quá theo lập trường duy thế tục, nghĩa là coi các thực tại nhân bản hoàn toàn tuyệt đối độc lập khỏi Thiên Chúa và các luật luân lý tự nhiên, vốn là cốt lõi của luân lý Kitô giáo, thì Giáo Hội không ngừng lên án chủ trương này. Nói như thế, không có nghĩa Giáo Hội muốn dành độc quyền giải thích chân lý này, nhưng khuynh hướng duy thế tục làm băng hoại đời sống con người nói chung, cách riêng các kitô hữu cũng không loại trừ bị miễn nhiễm.
Điều này chúng ta có thể kiểm chứng về cách sống của con người thời đại khi lạm dụng tự do mà sống theo tính xác thịt. Một khi loại trừ Thiên Chúa, hiện hữu con người chỉ là ngẫu nhiên. Thay vì giải thích con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, họ coi đó là một tiến trình tiến hóa của một nhánh con người siêu đẳng. Từ đây, phẩm giá con người bị giản lược đến mức tối đa. Và một khi hiện hữu con người không còn hữu ích cho xã hội, họ cũng toàn quyền tìm đến cái chết, và nếu bản thân không còn khả năng tự quyết vì bất tỉnh, người khác cũng được quyền cướp đi mạng sống của đương sự nhân danh lòng thương xót, nghĩa là kết thúc sự đau đớn thể lý của người khác bằng cái chết êm dịu (an tử). Trái lại, khi giải thích con người mang hình ảnh Thiên Chúa và sự sống con người vốn thánh thiêng vì phát xuất từ Ngài, thì đòi buộc con người phải tôn trọng sự sống từ khi thụ thai đến lúc chết tự nhiên. Và khi ấy, sự sống bào thai được thành hình trong dạ mẹ phải được tôn trọng như một nhân vị “tuyệt đối”, nghĩa là không bất cứ một ai có quyền giết hại một thai nhi kể cả người mẹ, vì mọi hiện hữu đến từ Thiên Chúa.
Và còn nhiều vấn đề liên quan đến đời sống luân lý của con người nhưng không thuộc giới hạn bài viết này. Ở đây, người viết chỉ muốn nêu bật tầm ảnh hưởng của tinh thần duy thế tục lên tâm thức và tự do của con người thời đại.
Chủ nghĩa tự do
Chúng ta cần nhìn nhận vài điểm mạnh từ trào lưu này khi họ nhân danh tự do mà đề cao chủ thể tự quyết và tính độc đáo của nhân vị. Thật vậy, xét trên bình diện hiện hữu, tự do của con người mang tính tự quyết và chủ thể hoàn toàn chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Điều này là một điểm tích cực nếu được hiểu biết và áp dụng trong đời sống cộng đồng. Thêm nữa, họ còn đề cao tính độc đáo và duy nhất, hoàn toàn độc lập, giữ vai trò quyết định và phải được ưu tiên trên hết so với cộng đồng, tập thể, xã hội. Họ tin rằng bản thân có đủ lý trí và năng lực sáng tạo trong mọi hành động giúp xây dựng con người toàn diện. Đây cũng là một điều đáng trân trọng vì hơn bao giờ hết, con người ngày nay bị giản lược và xếp ngang hàng với sự vật nhằm phục vụ cho những dự phóng của kẻ có quyền thống trị và thao túng người khác.
Tuy nhiên, cũng từ những điểm tích cực ấy một khi vượt quá mức giới hạn của bản thân, sẽ biến thành trở lực thay vì trợ lực giúp cá nhân hoàn thành định mệnh đời mình. Thật vậy, John Stuart Mill (1806-1873), trong tác phẩm “On Liberty” (Về tự do) công bố năm 1859, đại diện cho những người chủ trương lập trương này để đưa ra nguyên tắc “không làm hại” (harm principle), theo đó mọi người đều được tự do làm những điều mình muốn, kể cả điều có thể làm hại chính mình, miễn là hành vi của người này không làm tổn hại đến người khác và xã hội. Ông lập luận rằng nếu hành vi của cá nhân liên quan đến một mình anh ta thì anh ta được tự do tuyệt đối, cá nhân có toàn quyền đối với cơ thể và tinh thần của anh ta. Và cứ theo quan điểm này, con người dần dà trở thành một tên khát máu chính mình. Họ có thể hủy hoại một phần thân thể của mình để mua lấy một chút danh dự ảo, một sự trọng vọng nơi người khác. Đến một mức độ nào đó, họ tưởng rằng mình có quyền sinh sát chính mình. Đây là một lập trường với hình thức khước từ Thiên Chúa, Chủ Tể của sự sống muôn loài. Như thế, thay vì tự do giúp con người sống cởi mở và triển nở với mọi tương quan, lại khiến con người co cụm trong chính mình để duy trì một thứ tự do tuyệt đối nào đó. Chung cục, họ phá bỏ những chiếc cầu rồi xây tường đắp lũy để hưởng thụ và thỏa mãn chính mình. Đó là một thứ hành động điên rồ của kẻ tự do phóng túng dẫn đến tù túng.
Lập trường này còn dẫn đến một cuộc phủ nhận hoàn toàn và tuyệt đối với Thiên Chúa. Họ buộc phải tuyên bố “Thiên Chúa đã chết” để có thể tự do đạt đến đỉnh cao của tri thức nhân loại và hành động bất chấp mọi qui luật cuộc sống. Tất nhiên, họ trở thành luật cho chính mình. Mới sinh ra, tôi chưa là gì cả nhưng nhờ tự do, tôi khả dĩ hoàn thành sứ mạng đời mình. Mọi sự có ý nghĩa và hữu dụng ra sao là tùy thuộc vào tự do định đoạt của tôi. Tắt một lời, tôi thay quyền Thượng Đế.
Xét về mặt lý luận, họ không thể nào chứng minh không có Thiên Chúa, thay vào đó, họ vô hiệu hóa tầm ảnh hưởng của Ngài trên nhân loại. Rằng: Thiên Chúa hiện diện đó nhưng chẳng ảnh hưởng gì trên quyết định và đời sống của tôi. Từ đó, họ ém nhẹm tiếng nói lương tâm nhường chỗ cho mệnh lệnh của kẻ có quyền và có tiền.
Nghĩ rằng người có quyền và có tiền mới đáng mọi người tôn trọng, phẩm giá mới được nâng cao, họ nhắm mắt, bịt tai lao vào một cuộc chinh phục vô định không hồi kết thúc của quyền lực và tiền tài. Họ dùng quyền mà tự do sai khiến người khác, còn người kia được “tự do” mà phục quyền họ. Thế mà, họ vẫn cao rao: nhân phẩm thì bằng nhau nhưng đẳng cấp thì khác nhau. Còn tiền, họ dùng như cán cân xoay chuyển cả một thời đại. Quả thật, mọi sự đều được mua bằng tiền, còn thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Tiền là tiên là phật, là sức bật của lò xo; hơn nữa, là đòn bẩy đẩy tôi lên đỉnh cao của danh vọng.
Chủ nghĩa tự do không dừng lại ở đó, họ còn lao vào một cuộc hưởng thụ khoái lạc. Họ dùng tiền làm phương tiện giúp cuộc sống sung túc, điều này thật chính đáng, nhưng một khi dùng tiền để mua chuộc những tâm hồn “đói khát” nhằm kéo dài đời sống xa hoa trên mô hôi nước mắt của người khác, đó là một sự băng hoại từ bên trong. Bên cạnh đó, khoái lạc cũng là một cơn cám dỗ vô cùng tinh xảo. Thật vậy, tiền giúp họ mua vui qua đêm, “ăn bánh trả tiền” người ta còn tưởng mình là vị ân nhân của những ả buôn hoa bán phấn vì giúp họ tăng thêm thu nhập cho cuộc sống. Nhưng kỳ thực, những hạng người như thế đã khiến tăng thêm tính trầm trọng của tệ nạn xã hội.
Hệ lụy của một tâm thức nhân loại quá đà về tự do như thế đã để lại nhiều vết thương cho cá nhân và tập thể. Dẫu đã nhận ra và chứng nghiệm cụ thể, nhưng không vì thế, con người thời đại khả dĩ vượt qua những cám dỗ này. Thiết tưởng, con người cần làm mới tâm thức mình từ sự nhận thức về giá trị của bản thân như: nhân phẩm, lòng tự trọng…và yêu thương bản thân cách đúng đắn. Thật vậy, con người không thể tôn trọng phẩm giá của mình và người khác, nếu không ý thức con người mang hình ảnh Thiên Chúa, hoặc con người không thể yêu thương mình thực sự nếu không khám phá ra kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa dành cho mỗi nhân vị độc đáo và duy nhất.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.