Niềm vui và sự thanh thản từ bên trong ở hiện tại là tất cả…
Tự Do hay Nô Lệ
Lửa Mới
Tự do là một điều con người mọi thời luôn khao khát. Con người khao khát tự do để được sống là chính mình và được hạnh phúc. Tuy vậy, tôi thấy “tội nghiệp” cho hai chữ “tự do”, bởi vì “tự do” thường bị hiểu lầm, hiểu sai. Tự do đúng nghĩa là gì? Tôi có thực sự tự do không, hay đang nô lệ cho điều mà tôi coi là tự do? Thực tại “Tự do đích thực” thật khó diễn tả hết, nhưng ở đây tôi chỉ muốn thẩm định lại các giá trị tự do mà tôi đang đeo đuổi hầu mong có sự giải thoát tự trong tâm hồn mình.
Trước hết, tự do là gì thì ai cũng trả lời ngay được vì đơn giản nó có nghĩa là không bị ràng buộc bởi điều gì cả! Thật vậy, chưa có thời đại nào mà con người lại muốn mình được tự do như hôm nay, đặc biệt là giới trẻ. Họ là những người muốn phá vỡ hết mọi ràng buộc để được sống là chính mình, để có thể làm những điều mình thích, thỏa chí với những gì mình mong ước và thêu dệt nên… Thế giới hiện đại kỹ thuật số cung cấp đầy đủ phương tiện nghe nhìn để ai ai cũng có thế giới tự do riêng. Mọi ràng buộc truyền thống trở nên vô hiệu trước thế lực của phương tiện truyền thông không còn biên giới. Ai ai cũng thích chí với thế giới tự do của riêng mình, có thể tung hoành mọi sự mà chẳng ai hay biết, chẳng ai có thể cản bước chân mình… Tìm kiếm niềm vui thì thật dễ dàng chỉ với một cái ‘click’ nơi ngón cái, ngón trỏ. Hết niềm vui này tôi lại kiếm niềm vui khác… Cứ vậy tôi sống! Một thế giới hiện đại với nhiều tự do và niềm vui của tôi là thế đấy!
Nếu giả thử có ai hỏi “cuộc sống tôi có nhiều niềm vui không”, chắc chắn tôi sẽ trả lời “có”. Nếu người đó hỏi thêm tôi “có thực sự vui không” thì tôi có vẻ hơi ngập ngừng: “À, thì tôi đang cười vui mà!?…”. Cười vui bên ngoài có thực sự là vui chăng? Quả vậy, thật khó để trả lời những câu hỏi từ trong thâm tâm của mình. Cuộc sống hiện tại cho tôi nhiều tự do và niềm vui nhưng tôi có vui thực không, hạnh phúc thực không, tự do thực không là cả một khoảng trời không mây đen mà vẫn u ám. Có những ngày hứng khởi với ‘cái vui’ thì tôi không chẳng quan tâm đến buồn, hay cố che lấp nỗi buồn đi. Ấy vậy, có những ngày tôi tìm kiếm niềm vui mà chẳng thấy. Thay vì được thỏa mãn mà tôi chỉ thấy toàn là đỗ vỡ, thất vọng thì quả là không chịu nổi! Nếu đếm lại, niềm vui chẳng được bao nhiêu mà chỉ thấy bực mình, khó chịu, bứt rứt không thể thoát ra được. Đến một lúc nào đó tôi cũng sẽ hát lên câu hát bâng quơ để tự an ủi, tự thương hại cho mình “…Rồi cuộc vui tàn, mọi người bước đi, một mình tôi về, nhiều lần ướt mi…” Nỗi buồn nối tiếp niềm vui là chuyện thường tình mà sao tôi lại thấy khó chấp nhận định luật này quá!
“Tự do đích thực là gì” vẫn luôn là câu hỏi chỉ được trả lời nơi tâm hồn mỗi người. Tự do là không bị ràng buộc là một định nghĩa không ai có thể phủ nhận, nhưng “tự do có phải là muốn làm gì thì làm không” là một vấn đề hoàn toàn khác. Quyền căn bản nhất của con người là quyền được tự do và hạnh phúc. Vì thế, con người hiện đại đặc biệt là giới trẻ hôm nay luôn muốn đả phá những ràng buộc bởi truyền thống và luật lệ cha ông để lại. Tôi cũng vậy, tôi thường cho rằng những ràng buộc như thế là cổ hủ, làm mất tự do con người. Những vấn đề tự do là cả một thiên tranh luận từ thời này qua thời khác; nhưng, ít khi tôi tự hỏi: mình có tự do thực không? Thật ra, tôi có thể nhân danh tự do để phá bỏ những gì luật lệ cản lối trong việc thỏa mãn những niềm vui bên ngoài của tôi. Tôi có thể là không nô lệ cho ai cả, ngay cả không nô lệ cho lề luật truyền thống cổ hủ, nhưng tôi đâu biết rằng tôi đang vướng vào điều tồi tệ hơn là nô lệ cho những nhu cầu thấp hèn của chính mình. Mà đã nô lệ thì chắc chắn không tự do và không thể hạnh phúc. Nói đến nô lệ cho chính mình thì không thể kể hết ở đây vì mỗi người sẽ vướng vào những nố khác nhau. Đó có thể là tiền bạc, vật chất, lợi lộc, danh tiếng, chức quyền, lời khen, tình dục; tự đắc về tài năng, sắc đẹp ngoại hình; đó cũng có thể là sự nóng giận, sự lười biếng…
Nếu tôi muốn được tự do để tôi được thỏa mãn chính mình trong những điều thấp hèn thì hẳn là tôi không hạnh phúc chút nào. Ngày nào tôi còn coi những đam mê trên là “idol” (thần tượng) thì ngày đó tôi còn phải quỵ lụy và khổ sở để đáp ứng những nhu cầu của đam mê đó. Tôi như những con nghiện bị xa vào tròng mà không hay biết. Không có thỏa mãn thì tôi không thể chịu nổi. Những thúc dục của bản năng làm tôi phải chạy vạy chỗ này chỗ kia để có cho bằng được điều tôi muốn, ngay cả việc đánh đổi cả nhân phẩm và mạng sống của mình… Dẫu thế, những nỗi thất vọng và chán chường, thậm chí những đau khổ ê chề thường xảy ra để nhắc nhở tôi từ bỏ lỗi sống đó, nhưng kỳ lạ là tôi vẫn vỗ ngực và tự hào về những đam mê và sự nô lệ của mình. “Đau thương vẫn là đau thương…” là như thế! Tôi như người mê mà cứ tưởng mình thức, đang bị nô lệ mà cứ tưởng mình tự do, đang buồn mà cứ tưởng mình vui, đang ê chề mà cứ tưởng mình được tất cả… Đúng là có những cái “tưởng” quả thật không thể “TƯỞNG” nổi! Tìm đâu thấy tự do và hạnh phúc đích thực đây? Đến lúc này, tôi có thể nhìn nhận rằng tự do đích thực không phải là làm gì thì làm nhưng là tôi phải biết làm chủ chính mình, làm chủ những bản năng, những ước muốn của mình; không để chúng lộng hành, trở nên “thần thánh” để tôi cứ mãi cung phụng, lệ thuộc.
Nhìn lại những “đau thương” ở trên tôi lại muốn tìm thêm nguyên do của nó. Một mặt tôi bị dục vọng của mình chi phối làm cho mất tự do đã là một cái khổ rồi mặt khác tôi lại bị “nô lệ cho cái nhìn của người khác” nữa. Quả vậy, người ta không sợ làm điều gì xấu xa cho bằng khi những điều xấu của người ta bị phanh phui giữa bàn dân thiên hạ, điều mà người ta gọi là sợ bị “xấu hổ hay nhục nhã”. Ở đời “xấu che tốt khoe” là chuyện bình thường. Bình thường đến độ nhiều lúc tôi sẵn sàng đánh đổi sự thật và con người thật của mình để che mắt thiên hạ. Sự thật thường là phủ phàng nên chẳng ai dám đối diện với những mặt trái hay khiếm khuyết của mình. Bên ngoài có vẻ đẹp đẽ, sáng sủa nhưng bên trong là những đường sâu cắn loang lổ. Nhưng cái éo le trong cuộc sống là “che bên này thì lại lòi bên kia” vì tôi không thể làm chủ được mình hoàn toàn. Cứ vậy, hết che rồi đến đậy, hết lấp chỗ này lại thấy lo vì hụt chỗ kia. Một cuộc sống mà suốt ngày phải che đậy để đẹp mắt người khác quả là không bao giờ hạnh phúc chút nào, không tự do chút nào. Vì lý do đó, tôi càng có nhiều mặc cảm thì hẳn cuộc sống tôi càng bị nô lệ nơi cái nhìn người khác. Mặc cảm về lỗi lầm quá khứ đã là một gánh nặng, lại thêm mặc cảm về gia cảnh, tài năng, học thức,… khi so sánh với người khác. Tôi như những con rối bị điều khiển bởi vô vàn dây rối vô hình từ những người chung quanh. Tại sao tôi phải tự làm khổ mình đến thế nhỉ? Sống trong những lời khen che của người đời lắm lúc làm cho tôi quá mệt mỏi, chán ngán. Hôm nay tôi tốt thì người ta nâng lên tới tận trời, ngày mai tôi xấu đi thì người ta dèm pha không biết phải tìm nơi đâu mà trốn. Dẫu biết rằng “Hay dở khen chê một trận cười” (Nguyễn Khuyến) mà sao tôi lại thấy khó vượt qua những ánh mắt khinh khi của người đời quá!
Trên đây là cách chủ động, còn theo lối tự nhiên: để dẫn đến việc chủ động có lòng khao khát thoát khỏi gông cùm như trên cũng cần một hành trình dài ngắn tùy theo mức độ mỗi người. Một phương thuốc hữu hiệu có thể rất cần thiết mà ít ai thích đó là: sự đau khổ và thất vọng. Điều này cũng tựa như việc một cậu bé đòi lấy cây dao để làm trò chơi vì cậu nghĩ đó là đồ chơi hấp dẫn. Mặc dù cha mẹ đã một mực ngăn cấm nhưng cậu ta không chịu nghe lời. Một ngày, cậu lấy dao ra chơi, ban đầu cậu thích thú với những đường múa dao như bay như lượn mà cậu học được trên phim. Không ngờ rằng cũng chính cây dao đó đã làm cho cậu hư đi một con mắt. Đau thương lại càng thêm thương đau. Câu chuyện là một minh họa có thật cho biết bao đau thương trong cuộc đời. Đau khổ là điều tôi tự chọn lấy; tôi quyến luyến cái gì thì chính cái đó gây cho tôi đau khổ. Cuộc đời sẽ có những lao nhọc khác nhau nhưng điều gây cho con người khổ sở nhất chính là những tham quyến của mình. Đau khổ chắc chắn sẽ làm tôi “đau.. đến điếng người” nhưng ngang qua đau khổ sẽ làm cho tôi thức tỉnh. Ít nhất sau những lầm lỡ và đau đớn, dù có phải đui chột một con mắt nhưng con mắt linh hồn tôi sẽ được mở ra cho tỏ để nhìn sự thật về điều tôi đang đeo đuổi. Có những điều là hay là đẹp thật, ban đầu nó đối xử với tôi rất tốt, rất chu đáo. Nhưng một khi tôi đã nô lệ cho nó thì nó đối xử lại vô cùng thậm tệ, đòi tôi phải trả nợ cho những gì tôi nếm hưởng cho đến kiệt cùng mạng sống. Quyến luyến, đam mê sự vật và cuộc đời là như vậy đó! Ít ai thấy rằng đằng sau một lần đau khổ và thất vọng là một lần được thức tỉnh khỏi cơn mê, một lần để tìm lại chính mình, trở về với tự do và hạnh phúc đích thực. Đau khổ để thất vọng với sự đời như thế chẳng phải là một ơn huệ vô cùng lớn lao sao!
Hơn nữa, tự do đích thực là một điều rất tế nhị và vô biên. Nói là tế nhị là vì lằn ranh giữa tự do và nô lệ thật mong manh, tôi chỉ có thể cảm nhận tự do nơi mức độ thanh thản của tâm hồn. Sự thanh thản của tâm hồn thể hiện nơi những buồn vui trong cuộc sống. Một tâm hồn có tự do thật phải là tâm hồn hạnh phúc và tràn đầy niềm vui. Chắc chắn “niềm vui tâm hồn” thì khác xa với niềm vui bên ngoài. Niềm vui này chỉ có thể cảm nếm được khi một người có được “tự do nội tâm”. Một niềm vui mà làm cho anh có thể VUI trong trong những niềm vui và cũng có thể VUI trong những nỗi buồn. Vì thế, những lo âu và buồn phiền là những nhắc nhở rất khéo cho tôi vì tôi đang tham quyến về điều gì đó. Cứ truy nguồn nỗi buồn của mình sẽ biết ngay những điều tôi đang bám víu…
Thêm vào đó, tự do vốn tự nó là vô biên. Nói là vô biên vì tự do không bị giới hạn vào một điều gì cả. Bởi vì còn lệ thuộc vào điều gì giới hạn thì sẽ không có vô biên nữa và cũng không có tự do. Luật lệ và truyền thống có thể là những hạn mức thấp nhất nhưng rất cần thiết để tôi không phải đau khổ chứ chưa hẳn là tự do và hạnh phúc thật. Sống theo luật sẽ gìn giữ tôi rất nhiều nhưng vì luật mà sống thì tôi trở nên thô cứng; vì tôi không biết rằng tôi đang nô lệ cho luật lệ, mặc dù nó tốt. Chỉ áp đặt luật mà không có tinh thần luật thì con người chỉ làm khổ nhau, làm khó nhau, tự ràng buộc lẫn nhau mà không thoát ra được. Từ đây, tình trạng sống hình thức để che mắt thiên hạ là điều không thể tránh khỏi. Nói như vậy, không hẳn là tôi không cần luật lệ và truyền thống nhưng tinh thần vượt qua luật lệ chỉ được áp dụng khi tôi đã vượt qua chính mình nơi những quyến luyến lệch lạc cơ bản. Hơn thế nữa, tự do vừa có tính tế nhị lại vừa vô biên lạ lùng đến nỗi khi ta cố gắng để đạt cho bằng được tự do thì lại không còn tự do nữa. Tự do là điều gì đó buông ra chứ không phải đạt được. Chỉ khi buông ra đủ thì tự khắc tự do sẽ đến. Tự do vì thế là chết đi cho những sự sống giả nơi những đam mê của chính mình thì mới có sự sống và hạnh phúc thật; là chấp nhận mất đi những phần có vẻ là quan trọng để được lại những phần quan trọng hơn… Tự do đích thực là một mầu nhiệm là như thế!
Tóm lại, đã là con người thì ai cũng được Ông Trời ban cho có tự do. Nói rõ rằng, tự do ở đây theo tôi không hẳn là tôi thích làm gì thì làm nhưng tự do đích thực là khả năng làm chủ chính mình, làm chủ vạn vật. Tôi sống thật sự là chính tôi chứ không phải ai khác trong mắt người khác… Hơn nữa, tự do là một ơn ban lớn lao, tôi chỉ có được sự tự do lớn nhất và dễ dàng nhất khi tôi quy hướng mọi sự về Đấng là Nguồn của sự Tự Do đích thực. Tùy thuộc chính đáng vào Đấng là Nguồn Tự Do Thật thì không còn là một sự nô lệ nữa nhưng là được tự do hơn, hạnh phúc hơn mà thôi!
Tôi đang sống trong một thế giới có vẻ tự do, nhưng chỉ ao ước có được những tự do bên ngoài thì chỉ thắt thêm ràng buộc cho chính mình, chỉ thêm gánh mặng, âu lo, khắc khoải… Nhận ra những dây xích, có thể xích bằng vàng đang trói buộc mình thì thật quan trọng. Những phút giây lặng và lắng bên dòng đời giúp tôi nhiều trong việc nhận diện và phản tỉnh. Vì tôi biết rằng tôi không thể trốn tránh hay bịt tai trước tiếng lương tâm mình mãi được.
Xin cho tôi đừng quá luyến tiếc quá khứ nơi những những dằn vặt nội tâm, xin cho tôi đừng quá ước vọng xa vời để khỏi lạc vào ảo tưởng và vô vọng. Niềm vui và sự thanh thản từ bên trong ở hiện tại là tất cả.
Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. (Ga 14,27)
Chỉ mong…
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)