Khi nói đến tử đạo, nhiều người dân ngoại và kể cả chính quyền, họ có cái nhìn về việc tử đạo giống như những anh em Hồi Giáo. Đối với người Hồi Giáo cực đoan, một trong những hành động được coi là tử đạo đó là đánh bom liều chết, mà thế giới ngày nay gọi là khủng bố. Những người này được dạy rằng khi ôm bom đi giết người vì lòng yêu mến Đức Ala và bảo vệ quyền lợi của người Hồi Giáo, thì được coi là tử vì đạo và được lên Thiên Đàng. Họ cũng coi là tử đạo khi cuộc chiến tranh được tuyên bố là thánh chiến, thì những chiến binh nào càng bắn chết nhiều người càng được vinh quang, và những ai chết trong những trận chiến đó thì được coi là tử vì đạo. Chắc chắn nếu Đức Ala là một vị Thiên Chúa thật và tràn đầy tình yêu, thì Ngài không thể chấp nhận và để cho con cái của Ngài gieo sợ hãi và chết chóc cho nhân loại như thế, và người ta cũng không thể nhân danh Đức Ala để làm điều ác như vậy.
Chữ Tín hay còn gọi là tin, là nét đẹp được thể hiện nới các vị tử đạo. Ngay từ ngày đầu khi Tin Mừng vào Việt Nam, thì cha ông chúng ta đã mở rộng tâm hồn để đón nhận hạt giống đức tin, và với một tấm lòng đơn sơ chân thành hoàn toàn tin tưởng và phó thác, tâm hồn các ngài đã trở nên như mảnh đất màu mỡ cho hạt giống đức tin nảy mầm và sinh hoa kết quả. Dù chưa được học biết nhiều về giáo lý của Chúa, nhưng với một đức tin chân thành, tin vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng tạo dựng và điều khiền vũ trụ, an bài và xếp đặt mọi sự, Đấng thấu suốt tâm hồn mọi người và Ngài sẽ trả lại cho mỗi người cuộc sống hạnh phúc đích thực, mà tổ tiên của chúng ta đã kiên trì sống với niềm tin ấy và dám chết vì niềm tin ấy.
Niềm tin đơn sơ cũa cha ông chúng ta cũng giống như câu chuyện thuật lại trong sách Macabê. Lúc bấy giờ người Hy lạp cai trị đất Do Thái, họ đem theo nhiều tập tục lối sống nghịch với lề luật của cha ông và nhất là họ đem vào đất Do Thái nhiều thứ thần linh và đòi buộc người Do Thái phải cúng tế các thần linh này. Trong khi có nhiều người Do Thái đã gục ngã trước một lối sống mới, thì ngược lại cũng có nhiều người can đảm từ chối lối sống đó để được trung thành với giới răn của Thiên Chúa dù có phải chết. Câu chuyện cho thấy, một bà mẹ đã can đảm giáo dục con cái trung thành với Chúa và chấp nhận mọi cực hình. Bà chứng kiến cái chết của bảy người con, mà không một chút xiêu lòng. Trái lại bà vẫn dùng những lời lẽ khôn ngoan để chỉ cho con cái biết chọn lựa Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc thật, thay vì chọn lựa lối sống xa lạ vô luân của người Hy lạp. Cuối cùng tất cả họ đã chấp nhận cái chết. Cũng vậy trong số những người tín hữu Việt nam, bị bắt bớ lúc bấy giờ, cũng đã có không ít người ham sống sợ chết, thích sống dễ dãi hơn là khó khăn, thích những lời hứa hẹn tiền của danh vọng mà vua quan đưa ra, để rồi họ chà đạp lên thập giá Chúa. Nhưng ngược lại có cả hàng trăm ngàn người đã chấp nhận sự thiệt thòi và cái chết đau đớn về phần mình để bảo vệ nguyên vẹn gia tài đức tin, và lối sống của người Công giáo. Những người này đã thực sự là những vị anh hùng, có những người chết nơi pháp trường, có những người chết nơi tù ngục vì đòn roi, và có biết bao người chết vì phải trốn nơi rừng thêng nước độc để chỉ vì giữ trọn chữ tín, chữ trung.
Các ngài đã giữ trọn chữ trung, nhưng trước hết là trung thành với Chúa và sau đó là trung thành với vua, với đất nước. Có một thời, người ta ghép cho những người theo đạo là những người phản bội đất nước, bất trung với vua, với chính quyền. Thế nhưng không phải như thế, các vị tử đạo và người Công giáo không hề phản bội tổ quốc không hề chống đối chính quyền, trái lại giữa Thiên Chúa và con người, giữa hạnh phúc Nước Trời và hạnh phúc thế gian, các vị ấy đã chọn trung thành với Thiên Chúa trước hết. Trung thành với Thiên Chúa, không phải là quay lưng lại với quyền lợi tổ quốc, mà trung thành với Thiên Chúa là chấp nhận bước vào con đường của Chúa Giêsu, con đường thập giá. Chính Chúa Giêsu đã mới gọi: Ai muốn theo tôi, thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi. Vậy trung thành với Đức Kitô, là trung thành với con đường thập giá, không ham sống sợ chết, không ngại khó khăn gian khổ, không ngại cực hình, mà dám vác thập giá mình để theo Ngài. Các vị tử đạo và người Công giáo không đi tìm đau khổ, nhưng trong đau khổ khó khăn thường ngày, họ nhận ra đó là thập giá cuộc đời của mình, và họ can đảm vui vẻ chấp nhận thập giá, và cuối đường thập giá là cái chết và phục sinh. Song khác với cái chết của các tên tử tội, cái chết của các vị tử đạo đã gây ra không biết bao kinh ngạc cho những người chứng kiến, vì họ thấy các ngài đón nhận cái chết trong vui vẻ và hân hoan, vì họ dám đánh liều đổi mạng sống minh để được Đức Giêsu, như Chúa Giêsu đã hứa: Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất và ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
Các ngài trung thành với tổ quốc, với chính quyền nhà vua. Trước mặt các vua quan, nhiều vị thánh đã công khai nói lên điều đó: Tôi không chống lại nhà vua, tôi không phản bội tổ quốc, nhưng tôi cam lòng chịu chết vì tôi trung thành với Chúa Kitô là Chúa của tôi (Thánh Phaolo Khoan). Trung thành với tổ quốc với nhà vua, là làm cho cuộc sống của mọi người và của đất nước thêm tốt đẹp, cuộc sống của dân chúng thêm an vui. Tuy nhiên do sự nghi ngờ, các vua quan chính quyền đã không nhận ra sự thiện chí của các tín hữu, họ nghi ngờ khi thấy người tín hữu tụ tập đọc kinh cầu nguyện, họ ghen tỵ khi thấy những người tín hữu dám xả thân vì bác ái, họ khó chịu khi những người Công giáo loan truyền một giáo lý về tình yêu thương tha thứ. Các vua quan và nhà cầm quyền không tin vào lòng nhiệt thành với đất nước của người Công Giáo, vì nghĩ rằng họ sẽ làm ảnh hưởng và thiệt hại đến quyền lợi và địa vị của nhà cầm quyền. Trong khi đó, người Công Giáo được mời gọi tham gia và mọi hoạt động của xã hội để đem tinh thần yêu thương tha thứ vào trong xã hội, đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Khi sống trọn hai chữ Tín-Trung với Chúa và với đất nước như thế, các ngài trở thành những vị anh hùng, dám mạnh dạn nói và làm chứng về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho đồng bào và cho cả vua quan chính quyền. Theo gương của Đức Kitô, các ngài đã chấp nhận cái chết về phần mình, chấp nhận trở nên hạt lúa gieo vào lòng đất, để ngày hôm nay, Hội Thánh Việt nam thu lượm được mùa lúa dồi dào; hạt giống đức tin được tưới gội từ dòng máu của các vị tử đạo đang ngày càng bám rễ sâu và lớn mạnh trên quê hương Việt Nam này. Tuy nhiên với thời đại mới với làn sóng mới của các lối sống mới đang tràn vào Việt Nam, nó đang làm xói mòn mảnh đất đức tin trong tâm hồn nhiều người, và nó đang là một thứ sâu bệnh nguy hiểm đang hủy hoại đời sống đức tin của nhiều tín hữu.
Cơn sóng mới nó đang xô đẩy nhiều gia đình, biến gia đình trở thành những ngôi nhà sang trọng nhưng lại không có Chúa, không có tiếng cười. Nó biến các mối quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo và dẫn đến mội lối sống hờ hững với gia đình biến bầu khí gia đình trở nên lạnh lẽo. Lối sống của xã hội còn đang khiến cho nhiều cha mẹ nhắm mắt bước qua lề luật giới răn của Thiên Chúa và Hội Thánh, không chỉ qua cách sống và cách làm ăn gian dối, chạy theo lợi nhuận, mà nó còn biến nhiều gia đình trở thành một cái lò giết người, giết chết những đứa con trong dạ của mình và đầu độc con cái bằng lối sống dễ dãi của chính cha mẹ.
Cơn sóng mới này đang xô đẩy tất cả mọi người không trừ một ai, từ người tu hành đến người dân thường, từ người lớn đến trẻ nhỏ, nó đang tạo ra những lối sống dễ dãi thoải mái để rồi dẫn đến việc không làm chủ được bản thân, rơi vào lối sống hưởng thụ; nhiều người ngày nay đã không ngại ngần dẫm đạp lên thập giá của Chúa Kitô và giới răn lề luật của Ngài vì một một chút danh vọng địa vị, vì sức hút của bằng cấp, vì mãnh lực của đồng tiền, hoặc là sẵn sàng bỏ đức tin và lòng Tín-Trung với Chúa để chạy theo những khuynh hướng của xã hội hôm nay.
Xin Chúa cho chúng ta biết noi gương các vị Tử Đạo Việt Nam, để nhờ sự bầu cử của các ngài, chúng ta dám lội ngược dòng, dám làm chứng cho đức tin và trung tín với Chúa giữa dòng đời hôm nay. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP Xuân Lộc