Từ con người sang thông tin

38
TTCT – Tương lai của Internet sẽ nằm trong tay những dịch vụ hoặc ứng dụng nào xem nội dung thông tin quan trọng hơn các cá nhân đưa thông tin đó lên mạng. Trên mạng xã hội tương lai, chỉ có thông tin là tuyệt đối quan trọng, không có gì quan trọng hơn!
680860
Bốn lý do chính người dùng từ bỏ Facebook – Nguồn: Statcounters/Eircom B&A Survey 2013. Đồ họa: M.N.

Hình ảnh “những người bạn bỏ chạy” đã được dùng để ví von cho tương lai của một số mạng xã hội đang làm mưa làm gió mấy năm qua: Facebook và Twitter.

“Những người bạn bỏ chạy”…

Đó là câu chuyện của Twitter, từng là “hiện tượng” năm 2009 khi chỉ trong vài tuần trở thành một trong những trang được truy cập nhiều nhất thế giới. Đến nay, đội quân Twitter đã lên tới hơn 300 triệu. Mỗi ngày họ tải lên 500 triệu thông tin! Có một tài khoản trên Twitter đã trở thành “chuẩn” cho những doanh nhân tên tuổi, chính khách, nhà văn, nhạc sĩ, ngôi sao Hollywood, đạo diễn. Thậm chí Vatican và đức Đạt Lai Lạt Ma cũng có tài khoản Twitter của mình! Thế rồi…

Tháng 11-2013, các nhà đầu tư hồ hởi chờ đợi Twitter niêm yết trên thị trường chứng khoán, kỳ vọng trị giá thị trường Twitter không chỉ qua mặt mạng xã hội khổng lồ Facebook, mà còn trở thành một tên tuổi IT không thua kém gì Google, Microsoft. Tuy nhiên, hi vọng không thành, vì hai lý do.

Theo chuyên gia công nghệ Mỹ Ryan Nikishima, trước nhất Twitter đã bỏ lỡ cơ hội niêm yết phù hợp nhất (lẽ ra là từ đầu năm 2013), và thứ hai là tuy số người sử dụng Twitter có tăng, nhưng cùng lúc số người từ bỏ mạng xã hội này ngày càng đông.

Danh sách những người nổi tiếng bỏ Twitter có thể kể ca sĩ Miley Cyrus, các ngôi sao Hollywood như Alec Baldwin, Megan Fox, Jennifer Love Hewitt… Vì sao? Những ngôi sao này than phiền Twitter lấy mất của họ quá nhiều thời gian, họ buộc phải trả lời quá nhiều “tweet” mỗi ngày, chưa kể hàng triệu người hâm mộ đang theo dõi họ khiến họ luôn phải “cảnh giác”.

Nhà báo Anh Matt Lewis chia sẻ việc có hàng nghìn người theo dõi nhờ có tài khoản Twitter giúp ông có nhiều lợi thế so với các đồng nghiệp. Nhưng rồi Twitter dần trở thành gánh nặng. Một trong những bài báo của Lewis được đọc nhiều nhất gần đây là “Tại sao tôi ghét Twitter” trên The Week (1), đại khái: công cụ chia sẻ thông tin này từng là một tầm nhìn, giờ nó là một nhà tù (the social sharing tool was once a vision, now it is a prison!).

Lewis mong ước Twitter giới thiệu nhiều cách thức hiệu quả để lọc thông tin của các fan gửi đến ông. “Nếu Twitter không có khả năng giữ chân cả những ngôi sao, những người hằng mong mình ngày càng nổi tiếng, thì làm sao nó có thể giữ chân những người dùng bình thường khác?” – Nikishima đặt câu hỏi (2).

Tình hình với Facebook cũng không khả quan hơn. Làn sóng chạy khỏi mạng xã hội này bắt đầu từ năm 2012 và giờ đây người ta đang nói tới điều này như một xu hướng tất yếu.

Facebook đã… già?

Tác giả một số đầu sách bestseller về quản trị truyền thông Gene Marks kể đã nhiều năm qua “Facebook chẳng khác nào một thành viên gia đình tôi, cũng như họ hàng của vợ tôi hay chú chó. Tôi thích nó nhiều hơn họ hàng của vợ tôi nhưng ít hơn chú chó trong nhà”. Thế nhưng nay thì tình hình đã khác. Con trai ông gần đây tỏ ra chuộng mạng xã hội Linkedln hơn, còn con gái đã chuyển sang sử dụng Reddit. Riêng Marks vẫn thường dùng thời gian cho mạng nghề nghiệp Linkedln.

Sự phổ biến của Facebook dường như đã qua thời đỉnh cao, và theo Marks, mối quan tâm tới Facebook của các nhà đầu tư cũng không còn như xưa, phân khúc của công nghiệp IT này đã bớt hấp dẫn.

Theo Marks, khi những vụ xìcăngđan kiểu cựu điệp viên Edward Snowden rò rỉ thông tin về việc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ nghe lén thì ý thức bảo mật của người dùng càng tăng. Mà Facebook chính là mối đe dọa tiết lộ thông tin cá nhân của họ. Mặt khác, giới trẻ vốn “nổi loạn” và không thích bị người lớn quan sát. Gene Marks nhận định: “Sự kiện hầu như người lớn nào cũng có tài khoản Facebook đã đủ đẩy bọn trẻ khỏi đó”.

Nữ sinh Ruby Karp, tác giả một bài viết từng làm mưa làm gió trên blog công nghệ uy tín Mashable tháng 8-2013: “Tôi 13 tuổi, và không ai trong bạn bè tôi dùng Facebook” (3), cho biết lý do đầu tiên lứa tuổi mình “tẩy chay” Facebook là vì sự xuất hiện những network khác: Instagram, Vine, Snapchat… Còn cô, tuy cũng còn tài khoản Facebook, nhưng “khi bạn tôi không ai vào thì tôi lên Facebook làm gì?”.

Lý do thứ hai: ngày nay hầu như người lớn nào cũng có Facebook, mà giới trẻ không thích bị trói buộc. Nguyên tắc của họ rất đơn giản: “Nếu mẹ tôi bảo tôi làm gì đó thì tôi sẽ không làm, nhưng khi bà cấm tôi làm gì đó thì tôi sẽ làm”. Và cuối cùng, vẫn theo Ruby Karp, Facebook thường bị xen lẫn với quảng cáo. “Trong khi tôi chỉ muốn biết thông tin về bạn bè thì lại phải đọc quảng cáo dầu gội đầu!”.

Từ đây có thể thấy trang xã hội này đã bớt hấp dẫn như một mảnh đất quảng cáo. Theo điều tra của Business Insider, cứ năm người dùng Facebook thì có bốn chẳng bao giờ mua hàng quảng cáo trên trang này. Vì vậy, đã có nhiều công ty từ bỏ quảng cáo trên Facebook, mà gần đây nhất có General Motors.

“Bong bóng mạng xã hội đang dần vỡ tan” là một nhận xét khác của Carmel De Amicis trên tờ Pando Daily, mặc dù khác với sự đổ vỡ của dot.com hồi cuối thập niên 1990, quá trình suy giảm của mạng xã hội hiện nay ít “lộ” hơn trong mắt công chúng.

Ứng dụng kế tiếp?

Theo giám đốc Công ty quảng cáo VaynerMedia Luke Kingma, tương lai của Internet sẽ nằm trong tay những dịch vụ hoặc ứng dụng nào xem nội dung thông tin quan trọng hơn các cá nhân đưa thông tin đó lên mạng. Hiện nay, không ít dịch vụ này đã xuất hiện.

Thí dụ, sự xuất hiện vào tháng 12-2010 ứng dụng Instagram trên điện thoại di động. Sau khi chụp ảnh bằng điện thoại di động, người dùng có thể chia sẻ ảnh lên các trang mạng Twitter, Facebook, Tumblr và Flickr với chỉ vài thao tác. Hiện nay Instagram đã có tới 100 triệu người dùng, cứ mỗi giây họ tải lên mạng 58 bức ảnh.

Câu chuyện của Instagram cho thấy để trở thành “hot”, một ứng dụng hay dịch vụ mới không cần tới nhiều năm mà có thể chỉ cần vài tháng, như Ryan Holmes, chủ tịch Công ty Hoot Suite chuyên viết phần mềm cho các mạng xã hội, nhận ra.

Sarah White, nhà bình luận của Technology Guide, thì đưa thí dụ về Vine, một dịch vụ cho phép tải lên mạng các đoạn video dài 6 giây quay bằng điện thoại thông minh. Vine đã thu hút hàng triệu người dùng chỉ trong vài tháng. Vì đối thủ cạnh tranh mới này mà Instagram phải rút bớt chức năng video. Cả hai dịch vụ này đều khác với Facebook ở tính nặc danh và khả năng xem được thông tin mà không cần phải “đăng ký theo dõi” (follow) hay phải xin kết bạn (add nick).

Luke Kingma thì giới thiệu Reddit, một dịch vụ hiện chưa phổ biến lắm nhưng có ưu điểm là tập trung vào chất lượng và tính hấp dẫn của thông tin hơn là vào người tải thông tin: bạn có thể xem được những hình ảnh đẹp, đọc được những suy ngẫm thú vị mà không cần biết ai đã đưa lên. Điều đó có nghĩa thông tin trên Reddit là tuyệt đối quan trọng, không gì quan trọng hơn.

Các chuyên gia cho rằng theo thời gian, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google + sẽ có các phiên bản khác nhằm chuyển trọng tâm sang mối quan tâm của người sử dụng hơn là cá nhân họ. (Như Facebook đã mua ứng dụng Instagram từ năm 2012, còn Twitter sở hữu Vine vào tháng 1-2013).

Tuy nhiên, kể cả khi các trang mạng này chuyển đổi chức năng của mình, theo các chuyên gia, cũng chẳng khác nào bình mới rượu cũ. Từ đó họ dự báo một biến động cách mạng hơn: đó là thay đổi cơ sở hạ tầng mạng. Hãy chờ xem!

 

“Thế hệ APP”

Christian Science Monitor đã dùng cụm từ này để gọi thế hệ sử dụng công nghệ số từ nhỏ (mà nay chỉ mới lững chững đi). Các bậc cha mẹ của “thế hệ app” (app: từ application, chỉ những ứng dụng mới trên các máy tính bảng) đang đứng trước thách thức trong việc nuôi dạy thế hệ này: chỉ trong hai năm từ 2010-2012, số người sử dụng iPad ở Mỹ đã tăng từ 11,5 triệu lên 54 triệu…

Trong khi đó, năm 2011 một cuộc điều tra của Nielsen nói hết tám trong 10 cha mẹ cho con mình sử dụng máy tính bảng khi chưa được 12 tuổi, và 39% trẻ em từ 2-4 tuổi đã sử dụng một loại thiết bị di động nào đó ở nhà: hoặc iPhone, iPod hay máy tính bảng.

Với thế hệ này, thách thức cho giới phụ huynh là ấn định “giờ màn hình”, tức thời gian tối đa mỗi ngày con cái họ được tiếp xúc với hoặc máy tính bảng hoặc truyền hình. Các chuyên gia khuyến cáo việc giới trẻ tiếp xúc quá sớm với thiết bị thông minh sẽ khiến óc sáng tạo của chúng bị ảnh hưởng.

Diane Levin, tác giả các sách về thiếu nhi, đã gọi “thế hệ app” là thế hệ có “tuổi thơ điều khiển từ xa”: chúng sẽ giỏi tương tác hơn là tưởng tượng, mà ngay khi tương tác chúng cũng làm theo cách của người lớn đã lên chương trình sẵn. Các chuyên gia giáo dục Mỹ lưu ý việc các bậc cha mẹ xem iPad như một người giữ trẻ và hướng phụ huynh vào việc luân phiên cho trẻ đọc trên iPad và đọc sách giấy. Hai phương tiện này không được loại trừ mà phải bổ trợ nhau.

Chuyên gia giáo dục Lisa Guernsey yêu cầu các bậc cha mẹ phải xác định 3C (đó là: content – nội dung, tức điều gì đang chạy trên màn hình; context – ai đang bên cạnh trẻ, những trò chơi nào khác chúng được chơi bên cạnh việc bảo đảm chúng đi ngủ đúng giờ và ăn uống lành mạnh, và child – chính đứa trẻ, như một cá thể) để biết cái giá phải trả hay lợi ích của truyền thông điện tử.

Minh Thư 
Nguồntuoitre.vn

 

(1): http://theweek.com/article/index/239379/why-i-hate-twitter
(2): http://korrespondent.net/world/1615505-korrespondent-golye-i-nesmeshnye-zakony-ssha-pytayutsya-idti-v-nogu-s-bystro-menyayushchimsya-mirom-internet
(3): http://mashable.com/2013/08/11/teens-facebook/