VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN TÔN GIÁO Truyền thống kế vị Tông Đồ

Truyền thống kế vị Tông Đồ

Truyền thống kế vị Tông Đồ

Nhân biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm và các Hồng Y dưới 80 tuổi sắp họp Mật Nghị (Conclave) để bầu Giáo Hoàng mới cho Giáo Hội, xin được nói qua về Truyền Thống Kế Vị Tông Đồ (Apostolic Succession), một Truyền Thống mà chỉ có Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) thừa hưởng để tuyển chọn các giám mục, đặc biệt là chọn Giám Mục Rôma cho Giáo Hội Công Giáo, tức Người kế vị Thánh Phêrô trong chức năng và vai trò Giáo Hoàng là Thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.

Các anh em Chính Thống Đông Phương vẫn còn bất đồng với Giáo Hội Công Giáo về vai trò Đại Diện (Vicar) Chúa Kitô của Đức Thánh Cha, nên vẫn chưa thể hiệp nhất được với Giáo Hội Công Giáo mặc dù họ có chung Truyền thống Tông Đồ và có các bí tích hữu hiệu như Công Giáo.

Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nói như sau về Truyền thống kế vị Tông Đồ: “Cũng như Chúa Kitô đã được Chúa Cha sai đi, thì Ngài cũng sai các Tông Đồ của mình, đầy ơn Chúa Thánh Thần, để các ông giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật… Như vậy. Chúa Kitô phục sinh đã ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ và trao cho các ông quyền năng thánh hóa của Ngài. Các ông đã trở thành những dấu hiệu bí tích của Chúa Kitô.

Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần , các ông trao uy quyền này lại cho những người kế vị các ông. Sự kế vị Tông Đồ này là cơ cấu của toàn bộ sinh hoạt Phụng vụ của Giáo Hội. Nó có tính bí tích và được truyền lại qua bí tích Truyền Chức Thánh.” (x . SGLGHCG số 1086-87)

Lời dạy trên đây của Giáo Hội bắt nguyền từ chính lời Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ xưa, khi Người hiện ra với các ông sau khi từ cõi chết sống lại: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20: 22)

Chúa đã chọn và sai các Tông Đồ tiên khởi đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và làm phép rửa cho muôn dân cho đến tận cùng trái đất và cho đến ngày hết thời gian. Dĩ nhiên các Tông Đồ tiên khởi đó không thể sống mãi để thi hành sứ vụ được nhận lãnh, nên chắc chắn các ngài đã phải chọn người kế vị để tiếp tục sứ vụ mà Chúa Kitô đã trao phó cho các ngài, như Thánh PhaoLô đã nói rõ như sau: “Vậy hỡi anh (Timôthê) người con của tôi, anh hãy nên mạnh mẽ trong ân sủng của Đức Kitô Giêsu. Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng, thì anh hãy trao lại cho những người tin cẩn, những người sẽ có khả năng dạy cho người khác.” (2 Tm 2: 1-2)

Các Tông Đồ đã truyền chức cho những người kế vị được chọn qua việc đặt tay:
Vì lý do đó, tôi nhắc anh (Timôthê) phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng mà anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.” (2 Tm 1: 6)

Nơi khác, Thánh Phaolô cũng ân cần nhắc thêm cho Ti-mô-thê về ơn được chọn làm Tông Đồ : “Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh.” (1 Tm 4: 14)

Hàng “Kỳ mục” (Overseers) mà Thánh Phaolô nói trên đây chính là các Giám mục đã được chọn và các ngài đã truyền chức lại cho những người kế vị để tiếp tục Sứ Vụ của Chúa Kitô trong Giáo Hội sơ khai thời đó.

Sách Công Vụ Tông Đồ của Thánh Luca cũng thuật rõ việc các Tông Đồ, sau khi Chúa Kitô về trời, đã hội họp, cầu nguyện và rút thăm để chọn người thay thế cho Giuđa phản bội đã treo cổ chết, và “ông Matthia trúng thăm. Ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ.” (Cv 1: 23-26).

Như thế đủ cho thấy là ngay từ đầu, các Tông Đồ, trước hết, đã chọn người thay thế cho đủ con số 12 Tông Đồ tiên khởi mà Chúa Giêsu đã tuyển chọn để tham gia vào Sứ Vụ rao giảng Tin mừng Cứu độ của Chúa.

Từ đó đến nay, trải dài trên 20 thế kỷ, Giáo Hội vẫn theo truyền thống trên để truyền các chức thánh Phó Tế, Linh mục và Giáo mục qua việc cầu xin ơn Chúa Thánh Thần và đặt tay trên các ứng viên được tuyển chọn, đặc biệt nhất là tuyển chọn Giám Mục Rôma, tức Đức Thánh Cha mà các Hồng Y dưới 80 tuổi sắp họp Mật Nghị để bầu Tân Giáo Hoàng, kế vị Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nghỉ hưu từ ngày 28 tháng 2 vừa qua vì lý do sức khỏe.

Chúng ta tin chắc Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hướng dẫn Giáo Hội để việc chọn lựa này được diễn ra đúng theo Kế hoăch của Thiên Chúa, chứ không do thế lực trần gian nào muốn áp đặt hay ảnh hưởng đến.

Có như vậy thì Hội Thánh của Chúa Kitô mới thực là Thánh thiện , Công giáo và Tông truyền.

Liên quan đến việc chọn người kế vị, Thánh Phaolô cũng cẩn thận nhắc cho môn đệ thân tín của ngài phải hết sức thận trọng trong việc rất can hệ này để người được chọn phải là người Chúa muốn đặt lên để coi sóc và dạy dỗ dân của Người:
Anh đừng vội đặt tay trên ai, đừng cộng tác vào tội lỗi của người khác. Hãy giữ mình trong sạch.” (1Tm 5: 22)

Đừng vội đặt tay trên ai có nghĩa là đừng chọn và truyền chức cho ai vì thân quen, gửi gấm, mua chuộc hay vì áp lực nào của các phe nhóm bên ngoài Giáo Hội, như đã từng xẩy ra trong quá khứ xa xưa, là thời kỳ đen tối khi thần quyền (divine power) còn dính bén đến thế quyền (secular or worldly power).

Mặt khác, trong thư gửi cho Ti Tô, một môn đệ khác của ngài, Thánh Phaolô cũng trao cho môn đệ này trách nhiệm chọn lựa các giám mục như sau : “Tôi để anh ở lại đảo Kê-ta chính là để anh hoàn thành công việc tổ chức , và đặt các kỳ mục trong mỗi thành như tôi đã truyền cho anh…. Giám quản (tức giám mục) phải là người không chê trách được, không ngạo mạn,… không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mục, công chính, thánh thiện, biết tự chủ. Người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối.” (Tt 1: 5-9)

Ngoài ra, để nhận mạnh thêm về bản chất chức năng và tư cách của người được tuyển chọn để thi hành sứ vụ rao giảng và coi sóc dân Chúa, Thánh Phaolô cũng nói với các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca như sau: “Không bao giờ chúng tôi tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh, dù là anh em hay người khác, trong khi chúng tôi có thể đòi anh em phải trọng đãi, với tư cách là Tông Đồ của Đức Kitô.” (1 Tx 2 : 6-7)

Nghĩa là các Tông Đồ xưa và nay–khi thi hành Sứ Vụ- phải noi gương Chúa Kitô, “Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho muôn người.” (Mt 20: 28).

Đây là sứ mệnh thiêng liêng cao cả mà Chúa Cứu Thế Giêsu đã trao cho các Tông Đồ tiên khởi thuộc Nhóm Mười Hai để tiếp tục Sứ Vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa cho đến thời viên mãn. Như thế, tất cả những ai được ơn gọi làm Tông Đồ cho Chúa Kitô, phải hết sức theo gương sống và phục vụ của Chúa để không dính bén vào mọi hình thức làm tay sai cho thế quyền nào để trục lợi cá nhân, phương hại đến Sứ vụ và uy tín của Giáo Hội, là Cơ Chế có mặt và hoạt động trong trần gian hoàn toàn vì mục đích siêu nhiên cứu độ mà thôi.

Lại nữa, nếu người Tông Đồ mà không có tinh thần nghèo khó để chạy theo tiền bạc và danh lợi phù phiếm, thì không thể giảng Phúc Âm hữu hiệu cho ai và làm nhân chứng đích thực cho Chúa Kitô , “Đấng vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em để lấy cài nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có.” (2 Cr 8: 9).

Tóm lại, qua Truyền Thống Kế Vị Tông Đồ, và nhất là nhờ ơn soi sáng chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tiếp tục tuyển chọn các tông đồ đảm trách các chức năng Phó, tế, Linh mục, Giám mục và Hồng Y, đặc biệt nhất là chức Giám Mục Rôma, tức Đức Thánh Cha là vị Đại diện (Vicar) duy nhất của Chúa Giêsu trong vai trò và chức năng lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ với sự hiệp thông, cộng tác và vâng phục trọn vẹn của Giám mục Đoàn, (College of Bishops) là những người kế vị các Thánh Tông Đồ xưa.

Chúng ta cùng tha thiết cầu nguyện cho Giáo Hội sớm có Tân Giáo Hoàng để tiếp tục công việc tốt đẹp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong hoàn cảnh khó khăn của thế giới hiện nay.

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

 

Exit mobile version