Truyện ngắn: Giao thừa

72

Truyện ngắn: Giao thừa

01Hôm nay đã là 29 tháng Chạp, nhà chị Tâm vẫn chưa có hương vị ngày tết. Một nách 3 đứa con, chị phải tảo tần từng ngày. Hương, đứa con lớn của chị, muốn có chiếc áo mới mặc tết mà cũng chưa mua được. Ngọc phải dùng lại áo của Hương. Chị Tâm mới mua cho Thuận một bộ, chỉ là hàng may sẵn, rẻ tiền. Chồng chị Tâm mất, một tháng qua gia đình lâm vào cảnh khó khăn hơn. Hằng ngày mấy mẹ con sống nhờ vào gánh cháo, rau cháo qua ngày.

Thi thoảng, tiếng nhạc xuân vang lên từ xa vọng lại. Chợ búa, phố xá nhộn nhịp hẳn lên. Xe cộ như nêm. Xuân rộn ràng khắp chốn. Hương ngồi buồn so, lứa tuổi khoe áo quần mà chẳng có được manh áo mới. Có mấy cái, mới lắm cũng đã cả nửa năm nay. Nhà chưa một miếng mứt hay chút hạt dưa để gọi là tết. Thậm chí nhà cửa vẫn bám đầy bụi bặm. Mọi vật còn nằm nguyên vị trí. Nhìn lên di ảnh ba, Hương thấy ánh mắt ba thật tha thiết. Hương vội đứng dậy cầm chổi quét lại căn nhà chật hẹp như để tránh ánh mắt ba. Nhưng Hương đi đâu ba cũng nhìn theo. Ánh mắt ba quyện nỗi buồn nhưng tỏa lan tình thương bao la trời biển. Hương thấy cay cay nơi sống mũi, rồi Hương bỏ chạy xuống bếp. Hương biết ba vẫn nhìn theo mình.

Cơm vừa cạn nước. Lớp bọt trào ra còn đọng lại quanh miệng nồi trắng xóa như những ước mơ rạo rực trong lòng. Hương khuấy nhẹ vài vòng cho đều gạo. Vài chiếc bong bóng cuối cùng phồng to lên rồi vỡ toang. Hương nghĩ đến hoàn cảnh gia đình và sợ rằng ước mơ cũng vỡ òa như bong bóng nước. Ngày ba còn sống, tuy cũng cực khổ nhưng không đến nỗi. Dẫu sao vẫn còn ba chung vai gánh vác với má. Giờ này chỉ mình má chạy bữa, mọi thứ đè nặng đôi vai má. Mới một tháng qua mà trông má tiều tụy nhiều. Hương hiểu hoàn cảnh gia đình nhưng chưa thể làm gì để giúp má. Ngày ngày một buổi đến trường, một buổi về nhà làm việc vặt vãnh trong nhà. Hương thấy mình còn được đi học là còn may mắn hơn nhiều bạn khác.

Bộp. Một thanh củi rớt xuống. Hương cúi người nhặt thanh củi lên cho lại vào lò. Nghĩ đến gia đình nghèo mà vẫn ấm áp tình yêu thương, Hương mỉm cười và thấy vui vui, rồi ngâm nga: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”. Hương vừa quay ra thì thấy Má.

– Má về trễ vậy?

– Bữa nay bán chậm quá. Nấu cơm xong chưa con?

– Dạ, xong rồi má à.

– Dẹp đồ cho má rồi ăn cơm nghe con.

– Dạ, má để con làm cho. Má nghỉ chút đi.

– Ừ.

Cuộc sống tảo tần nên dù mới 40 tuổi đời mà trông chị già hẳn đi. Những vết nhăn thoáng hiện nơi khóe mắt và mái tóc điểm những sợi mang màu thời gian. Sáng bán cháo, chiều về chị nhận hàng may gia công. Tuy chẳng được bao nhiêu tiền nhưng biết sao hơn, chị vẫn phải cặm cụi từng ngày để kiếm tiền nuôi các con. Năm nay Hương học lớp 12, thành con gái rồi. Gần tết, chị thấy buồn vì con gái chưa có được những gì đơn giản nhất. Một chiếc áo có là bao mà đối với hoàn cảnh gia đình chị lại cần nhiều hy sinh. Được cái Hương cũng ngoan và không đòi hỏi nhiều, chị cũng thấy nhẹ lòng. Dù gia cảnh khó khăn nhưng tối nào chị cũng lần chuỗi Mân Côi và chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, và chị muốn tập các con có thói quen cầu nguyện và sống đạo hạnh.

– Con mời má xuống ăn cơm.

Chị Tâm uể oải đứng dậy, nói:

– Gọi các em về ăn cơm đi con.

– Dạ.

Hương thoăn thoắt đi ra cổng. Ngọc và Thuận cũng đang về tới. Hai chị em giành nhau ôm lấy má. Chị Tâm ôn tồn:

– Trưa rồi sao các con không về ăn cơm?

Ngọc nhanh nhảu:

– Con đợi má về mà.

– Chị ba xạo đó má. Con nói về mà chỉ hổng chịu đó má.

Chị Tâm cười, vừa cầm tay con trai vừa nói:

– Sao con trai má không về trước? Thôi, vô ăn cơm đi các con.

Bữa cơm đạm bạc. Lòng chị Tâm se lại khi thấy các con thiếu thốn. Thuận chồm tới:

– Má cho con con cá lớn nha.

– Đồ Bát Giới. – Ngọc vừa nói vừa nhìn Thuận.

Chị Tâm kéo tay Thuận lại:

– Ăn vừa phải thôi. Giành cả cho mình như vậy là ích kỷ, xấu lắm nghe con. Ccon phải biết nghĩ tới người khác nữa. Cô giáo dạy con thế nào?

Thuận phụng phịu:

– Chị ba nói con là Bát Giới kìa!

– Con đừng giành ăn nhiều thì chị ba sẽ hết nói con là Bát Giới. Má gỡ xương cho con nha. Con làm dấu trước rồi mới được ăn.

Rồi chị nói tiếp:

– Các con đi học giáo lý, Chúa dạy phải yêu thương thì các con phải vâng lời Chúa, không được tranh giành và thù hằn nhau nghe chưa?

– Dạ.

Chị Tâm không dám ăn nhiều đồ ăn, chị muốn dành cả cho các con. Tấm lòng người mẹ bao la đến nỗi đâu ai hiểu thấu. Tình Mẹ là huyền-thoại-có-thật. Hương mới chỉ có thể hiểu một phần nhỏ. Cảnh khổ tôi luyện con người nên khôn. Cái khó ló cái khôn, nhưng đôi khi cái khó lại “bó” cái khôn. Hương nhìn má không chớp mắt. Chị Tâm nhắc:

– Hôm nay má tính mua cho con chiếc áo mà không đủ tiền.

Dù thương má nhưng Hương chưa đủ hiểu sâu, vì dù sao Hương vẫn còn trẻ người non dạ. Nhất là con gái mới lớn khó tránh được những mơ ước về trang sức. Hương thấp giọng:

– Áo con cái nào cũng cũ rồi.

– Má biết con buồn. Đâu phải má không muốn con bằng chúng bạn. Nhưng mỗi bữa bán có lời được bao nhiêu. Thôi được, chiều nay má ra chợ mua cho con. Con thích màu gì? Má nghĩ màu trắng là đẹp và hợp nhất với tuổi học sinh.

– Nhưng… nhưng… tiền đâu má mua?

– Má hỏi bác Thụy rồi.

Hương nghe niềm vui reo trong lòng khi có chiếc áo mới, nhưng lại không khỏi buồn vì biết má phải vay mượn số tiền đó. Mượn thì có khác gì ăn xin? Hương thương má vô cùng. Rồi má lại phải vất vả hơn. Hương cảm thấy hối hận. Mắt Hương nhòa đi. Má ơi!

o0o

Chiều 30 tết. Chị Tâm vừa gói xong ít bánh tét gọi là cho các con có tết. Chị đứng dậy và gọi con gái:

– Hương ơi, dọn dẹp bàn thờ xong chưa con?

– Dạ, sắp xong rồi má.

– Xon rồi con bỏ bánh vào nồi luộc nghe.

– Dạ.

Ngọc vẫn ngồi chăm chú xem ti-vi. Thuận chạy vào đòi mặc quần áo mới. Hương nói với em:

– Để ngày mai mặc chứ em. Hôm nay chưa tết mà.

– Ngày mai dẫn em đi chơi nghe chị hai.

Hương mỉm cười, vừa nựng cằm em vừa nói:

– Ừa.

Thấy má loay hoay dọn dẹp, Hương tới gần:

– Má để đó con dẹp cho. Má nghỉ đi.

– Con bỏ bánh vào nồi luộc cho sớm. Má dọn chút là xong mà.

Chị Tâm thu dọn nhanh để kịp ra chợ. Vừa bỏ bánh vào nồi Hương vừa nói với má:

– Má nè, tối nay cho con lên nhỏ Phượng chơi nghe má.

– Ừ, lên chút rồi về nghe con. Đừng có chơi khuya. Đêm nay giao thừa đó.

– Dạ.

Trời mỗi lúc càng vào xuân. Hương thấy rạo rực trong lòng. Một nữ sinh lớp 12 hẳn là tràn đầy mơ ước tươi hồng. Nhánh mai nở những cánh hoa vàng ươm. Nhưng sao nổi buồn vẫn lan tỏa vì tết này thiếu vắng ba. Nghĩ mà thương ba biết bao! Vì thương má mà ba bị bên nội làm ngơ. Nhà ngoại nghèo nên cũng không giúp gì được. Ba má phải tự lực cánh sinh từ bàn tay trắng. Đạp xích lô hoài, đi sớm về khuya nên ba ngã bệnh. Không đủ tiền chạy chữa, ba đã phải đầu hàng số phận. Còn lại mấy má con quấn quýt hủ hỉ bên nhau. Ngoại đã nghèo lại ở xa, tuổi cao sức yếu thì làm gì được cho con cháu. Thi thoảng ngoại vẫn gởi cho ít mắm, ít gạo. Mỗi lần nhắc đến ngoại, má thường rươm rướm nước mắt. Ngoại sống với dì Năm ở quê, dì cũng không khá gì cho lắm. Số nghèo đeo đẳng mãi như bóng ma ám ảnh con người, không chịu buông tha. Chỉ vì đồng tiền mà người ta đánh mất tình người, thậm chí cả tình thâm gia đình. Nó vô tri mà có sức mạnh và sức quyến rũ kỳ lạ. Hương cố gắng học mong mai sau làm được điều gì đó hữu ích cho gia đình, cho xã hội, và vượt lên khỏi số phận nghiệt ngã của cuộc đời hôm nay. Ít ra ngoại và má sẽ hài lòng. Ước mơ của Hương là trở thành nhà văn để viết về ngoại, về má, và những số phận bất hạnh.

o0o

Đã 9 giờ tối. Tối như đêm 30. Từ nhà Phượng về, Hương phải đi qua chợ. Vài người còn lại đang thu dọn hàng để về nhà đón giao thừa. Ở một góc tối, một cô bé nhỏ con hơn Hương chừng vài tuổi ngồi bâng quơ nhìn người qua lại. Ai cũng có vẻ vội vã. Ngày xưa ba thường gọi đêm nay là đêm trừ tịch. Nghe cũng hay hay và có vẻ văn chương nên Hương thích vậy thôi chứ Hương chưa hiểu gì. Ba nói Hương có khiếu văn chương nên luôn quan tâm những điều có liên quan lĩnh vực này. Tuy nhà nghèo nhưng Hương còn có má là nguồn vui vô tận. Cô bé kia chắc là không có nơi nương tựa nên giờ này mới còn ở đây. Hương lại gần:

– Sao em ngồi đây?

– Em buồn quá.

Hương nắm tay cô bé, nhẹ giọng:

– Sao em buồn? Nói chị nghe nào!

Cô bé cúi thấp và lắc đầu. Hương động viên:

– Nói chị nghe đi, biết đâu chị giúp em được gì chăng?

Như được truyền thêm sinh khí, cô bé tự tin và đều giọng:

– Ba mất, má em lấy chồng khác. Hằng ngày em phải đi bán vé số. Em xin chiếc áo mới mặc tết mà má và dượng không cho, còn nói này nói nọ. Em thấy tủi thân quá!

Hương chợt nghĩ đến chiếc áo mới má vừa mua cho. Cô bé này còn giúp ích cho gia đình mà không được hưởng chút công lao, dù nhỏ thôi. Tuy mấy chiếc áo của Hương không còn mới nhưng vẫn tươm tất, sạch sẽ và tương đối. Ba đã dạy, và má cũng vẫn thường nói: “Giá trị con người không tùy thuộc vào vật chất hoặc bề ngoài, mà chính tâm hồn và nhân cách mới làm nên con người”. Một danh nhân nào đó còn nói: “Trang sức bề ngoài lòe loẹt chứng tỏ một tâm hồn nghèo nàn và bệnh hoạn”. Hương tự thấy mình dù sao cũng còn hạnh phúc hơn cô bé này.

– Em tên gì? Còn đi học không?

– Em tên Giáng Hương. Em phải nghỉ học từ hồi mới học hết lớp Bảy.

Hương tươi cười:

– Chị là Thiên Hương. Vậy là chị em mình trùng tên rồi.

– Chị đi đâu tối vậy?

– Chị mới ở nhà người bạn về. Nhà em ở đâu?

– Ở cuối con đường này. – Giáng Hương vừa nói vừa đưa tay chỉ về phía tay phải.

– Em về nhà chị chơi nhé. Gần đây thôi.

Giáng Hương ngập ngừng:

– Em… em ngại lắm.

– Có gì mà ngại. Nhà chị cũng nghèo lắm. Đi em!

Giáng Hương nhẹ gật đầu và đứng dậy đi theo Thiên Hương. Thế là hai cô bé trở thành đôi bạn, chuyện trò vui vẻ như đã quen lâu rồi. Tiếng nhạc xuân réo rắt vang lên phả ra đầy ắp không gian. Mùi bánh kẹo, mứt và bánh chưng theo gió du xuân khiến khứu giác mọi người thỏa mãn.

Má đang sửa soạn bàn thờ ba. Thiên Hương nói lớn:

– Thưa má, con mới về.

Chị Tâm quay ra. Giáng Hương khẽ thưa:

– Chào bác.

– Chào cháu.

Quay sang con gái, chị Tâm hỏi:

– Ai vậy con?

Thiên Hương kể cho má nghe hoàn cảnh của Giáng Hương và xin phép má tặng bạn chiếc áo. Chị Tâm xúc động đến rơi lệ khi nghe con gái nói. Những giọt nước mắt đầm ấm niềm vui. Đôi khi người ta cũng cần khóc. Khóc cho trôi bớt nỗi buồn. Khóc cho nhẹ bớt tân toan. Khóc cho nồng nàn thương yêu. Chị khóc vì mừng khi thấy con gái mình bắt đầu lớn, biết nghĩ đến người khác, biết yêu thương và chia sẻ với người khác. Chị thầm tạ ơn Chúa luôn đồng hành với chị và các con. Đưa tay lau mắt, chị Tâm ôn tồn:

– Được rồi. Con tự do quyết định. Còn Giáng Hương, con ở lại đây ăn tết với bác, với Thiên Hương và các em nha.

Nghe vậy, Giáng Hương cũng rưng rưng. Mọi người đều xúc động. Họ không muốn ngăn lại những giọt yêu thương đang chảy trào… Năm mới đã khởi đầu, khởi đầu từ tình thương, khởi đầu từ Tình yêu Thiên Chúa và Lòng Chúa Thương Xót.

Không có tiếng pháo trừ tịch như ngày xưa nhưng nhà chị Tâm lại có những tiếng cầu nguyện thánh thiện, và những tiếng cười rộn ràng bên đĩa bánh chưng nóng hổi. Căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng ấm áp một mùa xuân mới. Hạnh phúc đâu phải là những gì cao xa, lạ kỳ ở nơi nào khác, mà hạnh phúc luôn hiện diện quanh đây, rất gần, rất bình thường. Hạnh phúc sẽ ùa vào ngay khi cõi lòng mở ra với niềm yêu thương chân thành. Tình yêu thương là một phép mầu giữa đời thường, luôn cần thiết. Thiên Chúa thực sự đang hiện diện giữa họ…

TRẦM THIÊN THU