Truyền giáo theo gương Đức Cha Lambert

451

Tháng 10 năm nay được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn là Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường, nhân dịp kỷ niệm Bách chu niên Tông thư “Sứ mạng Truyền bá Đức tin trên thế giới”, để làm sống lại sự ý thức và dấn thân truyền giáo trong thế giới hôm nay.

Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha, chúng ta cùng nhau nhìn lại gương truyền giáo của Đức Cha Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, thể hiện qua việc cầu nguyện, hoán cải thường xuyên để sống chứng nhân, ra đi với một lòng tin yêu phó thác nơi Chúa, sẵn sàng hy sinh vì tình yêu, và sẵn lòng đón nhận sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần để có những sáng kiến trong việc truyền giáo.

Trong tháng 10, chúng ta kính nhớ nhiều vị thánh. Mặc dù đời sống của các ngài khác nhau, nhưng có một sự tương hợp lạ lùng giữa những vị thánh này với tinh thần truyền giáo của Đức Cha Lambert:

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: truyền giáo bằng lời cầu nguyện, bằng lòng tin yêu phó thác nơi Chúa, và nhất là tinh thần “chết vì tình yêu”.

Thánh Phanxicô Assisi: thanh thoát với mọi giá trị trần thế, yêu thương mọi người và muôn vật muôn loài.

Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII: mở cửa đón nhận luồng gió mới của Chúa Thánh Thần nhằm canh tân Giáo Hội.

Thánh Têrêxa Avila: mời gọi mọi người đi sâu vào đời sống nội tâm kết hiệp mật thiết với Chúa, và tích cực sửa đổi đời sống bản thân cũng như cải tổ đời sống của Dòng.

Thánh Inhaxiô Antiôkia: vui lòng chịu sư tử nghiền nát, tử đạo vì tình yêu.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: ra đi tới vùng ngoại biên, gần gũi với  mọi người, sáng kiến đưa thêm Năm Sự Sáng vào kinh Mân Côi.

Ngoài ra, trong tháng này Giáo Hội còn mời gọi mọi tín hữu noi theo gương truyền giáo của Đức Cha Jean Cassaigne, thành viên của Hội Thừa Sai Ba Lê mà Đức Cha Lambert đồng sáng lập, tiếp bước Đức Cha Lambert và các thừa sai khác đi đến Việt Nam truyền giáo, lập ra giáo điểm và trại phong Di Linh, sống và chết giữa những anh chị em bệnh phong.

Tháng 10 cũng là tháng Mân Côi, chúng ta noi gương Đức Cha Lambert yêu mến Đức Mẹ và tràng chuỗi Mân Côi, dùng chính chuỗi Mân Côi để làm việc truyền giáo, đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, thực thi việc truyền giáo cùng với Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, mời gọi mọi người thực thi mệnh lệnh Fatima: tôn sùng Trái Tim Mẹ, ăn năn hoán cải, và siêng năng lần hạt Mân Côi, trao tặng chuỗi Mân Côi và giúp mọi người hiểu các Mầu nhiệm trong kinh Mân Côi cùng đọc kinh Mân Côi sốt sắng. Một cách thức truyền giáo thích hợp cho mọi thời là sống chứng nhân, qua việc sống kinh Mân Côi, đón nhận và thực hành những ơn mà chúng ta cầu xin trong kinh Mân Côi. Thật vậy, nếu mọi Kitô hữu đều sống khiêm nhường, yêu người, khó nghèo, vâng lời, giữ nghĩa cùng Chúa, sống xứng đáng là con cái Chúa, vững tin vào quyền năng của Ngài, hoán cải và đón nhận Tin Mừng, lắng nghe và thực hành Lời Chúa, năng kết hiệp với Chúa  Giêsu Thánh Thể, ăn năn tội nên, hãm mình chịu khó bằng lòng, chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng, vác Thánh Giá theo chân Chúa, đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa… thì chúng ta sẽ là những chứng nhân cho tình yêu Chúa một cách cụ thể trong đời sống hàng ngày, nhờ đó mọi người nhận biết Chúa.

Vì thế trong tháng Mân Côi này, ước mong chúng ta cùng đọc và suy niệm Kinh Mân Côi thật sốt sắng, dâng kinh Mân Côi để cầu nguyện cho công việc truyền giáo, và nhất là sống những ơn của kinh Mân Côi mà chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa và Mẹ, để tiếp nối công cuộc cứu độ của Thiên Chúa trong xã hội hôm nay, theo gương Đức Cha Lambert, cầu nguyện và dấn thân vào việc truyền giáo với nhiều sáng kiến tình yêu, bằng chính đời sống chứng nhân trong cuộc sống hàng ngày.

                                                                        Sr. Anna Vân Nga

Tổng Phụ trách, MTG.Thủ Đức