Truyền giáo là ơn gọi của Giáo Hội ngay cả trong thời đại ngày nay

77

Truyền giáo là ơn gọi của Giáo Hội ngay cả trong thời đại ngày nay

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ca ngợi vai trò của truyền giáo qua các thế kỷ cho đến nay, nêu mẫu gương của Mẹ Têrêsa Calcutta và Đức Gioan Phaolô II”, một nhà truyền giáo vĩ đại”. “Bất cứ nơi đâu Tin Mừng đến, cuộc sống khởi sắc, như vùng đất khô cằn, được mưa tuôn tuới, lên màu xanh tươi”. Đức Giáo Hoàng cũng loan báo Đức Hồng y Wyszynski, người Ba Lan sẽ sớm được tuyên chân phước.

Vatican City (AsiaNews) – Trong buổi đọc Kinh Nữ Vương Thiên Đàng hôm 29/05/2011 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chú trọng đến niềm vui và tầm quan trọng của việc rao giảng Kitô giáo: “Ngay cả ngày nay, ơn gọi của Giáo Hội là truyền giáo, hướng đến những người chưa được tuôn tưới bởi nước sự sống là Tin Mừng, cũng như những người dù có cội rễ Kitô giáo cổ xưa của mình, cần nhựa sống mới để sinh quả mới và tái khám phá vẻ đẹp và niềm vui của đức tin”. Để giải thích cho tầm quan trọng của truyền giáo, Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng “Đức Chân Phước Gioan Phaolô II là một nhà truyền giáo vĩ đại, như được minh chứng bằng tài liệu bởi cuộc triển lãm đang được trưng bày tại Rôma. Ngài đã làm hồi sinh sứ mạng đến với muôn dân (ad gentes) và đồng thời thúc đẩy công cuộc Tân Phúc Âm Hóa”.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đưa ra gợi ý từ bài đọc Công Vụ Tông Đồ, nhất là đoạn mô tả sau cuộc đàn áp bạo lực ở Giêrusalem, “Philipphê, một trong những phó tế, đi xuống một thành thuộc xứ Samaria, rao giảng Đức Kitô Phục Sinh cho họ, và lời rao giảng đi với nhiều việc chữa lành để có kết thúc đoạn văn thật ý nghĩa ‘cả thành được vui mừng khôn tả’”.

Với ý nghĩa này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho hay: “Diễn tả này gây ấn tượng cho chúng ta mỗi lần đọc. Trong bản chất tự nhiên thiết yếu, nó thông truyền cho chúng ta một cảm giác hy vọng, như thể nó nói rằng ‘Đó là điều có thể! Nó có thể cho nhân loại biết niềm vui đích thực, vì bất cứ nơi đâu Tin Mừng đến, cuộc sống khởi sắc, như vùng đất khô cằn, được mưa tuôn tuới, lên màu xanh tươi’”

Từ điều này, Đức Thánh Cha tiếp tục xem xét các thế kỷ sau đó cho đến thời đại của chúng ta, nhìn chúng trên quan điểm của truyền giáo. “Đọc đoạn này, sẽ trở nên tự nhiên khi nghĩ về quyền năng chữa lành của Tin Mừng, mà trong nhiều thế kỷ ‘đã tuôn tưới’, như một dòng sông ân huệ, cho rất nhiều người. Một số vị thánh vĩ đại đã mang lại hy vọng và bình an cho toàn thể các thành phố, như Thánh Charles Borromeo đã đến Milan vào thời của bệnh dịch hạch, và Mẹ Têrêsa ở Calcutta, cũng như nhiều nhà truyền giáo, mà tên tuổi được biết đến nhờ Thiên Chúa, những người dâng đời sống để công bố Chúa Kitô và đem lại niềm vui sâu sắc ở giữa con người. Trong khi các thế lực hùng mạnh cố gắng chinh phục những vùng đất mới vì các lý do chính trị và kinh tế, thì các sứ giả của Chúa Kitô đã đi bất cứ nơi đâu nhằm mục đích mang Chúa Kitô cho mọi người, để biết rằng chỉ mình ngài mới có thể mang lại tự do đích thực và sự sống đời đời”.

Khi kết thúc buổi đọc Kinh Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã chào đón người hành hương bằng các ngôn ngữ khác nhau. Ngài cũng nhắc những người đến từ Ba Lan rằng ngày 28/05 là ngày kỷ niệm 30 năm Đức Hồng y Wyszynski qua đời: “Gợi lên món quà tuyên chân phước ngài, chúng ta hãy học từ ngài là hoàn toàn dâng cho Mẹ Thiên Chúa. Hãy để cho niềm tín thác của ngài được thể hiện qua câu ‘Tôi đặt mọi thứ vào Đức Maria’ là mẫu gương đặc biệt của chúng ta”.

Lã Thụ Nhân