Truyền Giáo : Đem “Lời” Vào Đời.

133

Sáng nay, khi tham dự thánh lễ, cha chủ tế nhắc : “Hôm nay chúa nhật 29, Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo, …” Tôi ngẫm nghĩ thời gian trôi đi thật nhanh, chẳng bao lâu nữa một năm Phụng vụ lại trôi qua. Sau thánh lễ, tôi tự hỏi: “Vai trò truyền giáo của mình lúc này là gì nhỉ? Đối tượng tôi truyền giáo là ai? Phải chăng, tôi cần đi chỗ này, đến chỗ kia nói về Chúa cho mọi người để họ cũng được nhận biết Chúa như tôi? … “Nếu điều đó hằng ngày tôi thực hiện được thì đó là một ân phúc !

Truyền giáo là gì ? Nếu không phải là nói về Chúa cho những người mà hằng ngày tôi gặp gỡ? Cho ai? Người tôi quen biết hay người chưa nhận biết Chúa? Bằng cách nào? Phải chăng, mỗi ngày tôi phải phát loa đi khắp mọi nơi để nói về đoạn Tin Mừng tôi nhận được trong thánh lễ?…

Câu Kinh thánh của thánh Phao-lô luôn nhắc nhở tôi: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16). Lặng lại, tôi nghiệm ra một điều: Chính khi tôi muốn nói về Chúa cho người khác, thì hằng ngày tôi đã nhận biết bao thông điệp Tin Mừng từ chị em tôi. Một ánh mắt cảm thông, một lời nói dịu dàng động viên khích lệ, một câu an ủi, một chút sẻ chia vật chất cũng như tinh thần,… tất cả những điều ấy tuy rất nhỏ, rất thường trong cuộc sống, lại là một lời rao giảng thật sống động và hùng hồn nhất. “Những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta.” (Mt 25, 40)

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để truyền giáo. Đức cha Lambert de la Motte, Đấng Sáng lập rất kính yêu của chị em chúng ta nói trong Bức Tâm thư : “Các con không còn thuộc về mình nữa, nhưng hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu-Kitô, vì các con đã dâng mình trọn vẹn cho Người, để từ nay chỉ chuyên chú tìm sự hiểu biết và yêu mến Người-bằng cách suy gẫm và noi theo cuộc đời đau khổ của Người- bằng cách thực thi các nghĩa vụ của Tu hội các con và hãy trung thành với các nghĩa vụ ấy, nhờ đó các con và toàn thể Giáo hội sẽ lãnh nhận lợi ích lớn lao.” (Btt 4-6) Hằng ngày, trong cuộc sống mỗi chị em chúng ta đều được Hội dòng trao phó một sứ vụ nào đó. Chị lớn tuổi, không còn nhiều sức khỏe, sứ vụ mỗi ngày của chị là dâng lên Thiên Chúa những lời kinh nguyện thiết tha, kết hiệp với của lễ hy sinh là những bệnh tật nơi thân xác. Em nhỏ hơn thi hành sứ vụ của mình là: chăm chỉ, cần mẫn trong việc học hành hoặc chu toàn vui tươi các sứ vụ đang đảm trách. Mỗi chị em khi trung tín với sứ vụ mình được trao bằng tất cả lòng yêu mến, thì đó là một cơ hội truyền giáo mỗi ngày. Qua mọi hy sinh của từng chị em trong Hội dòng, Chúa tiếp tục dùng mỗi chị em như những trung gian hữu hình để Người tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của mình cho đến tận thế. (x. Btt 9)

Ước mong sao mỗi chị em chúng ta xác tín một điều: Khi ta yêu Chúa thì không thể không yêu sứ mạng của Chúa.  “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Hoặc khi ấy chúng ta có thể nói : “Bản chất của Giáo hội là truyền giáo không xa lạ gì với tôi”. Qua các sứ vụ đời thường mà hằng ngày mỗi chị em vẫn thực hành sẽ trở nên chút muối ướp mặn cho đời (x. Mt 5,13). Một chút ánh sáng chiếu soi trần gian (x. Mt 5, 14). Một tình yêu chân thành, cụ thể của chị em dành cho nhau ngay trong cộng đoàn mình đang sống sẽ có sức lan tỏa hơi ấm cho những tâm hồn giá lạnh. Một chút ánh sáng dịu dàng qua nụ cười tươi tắn, hoặc sự quan tâm nho nhỏ, cũng được tỏa sáng trong các môi trường chị em hoạt động,… và khi ấy Tin Mừng của Chúa được loan truyền không còn giới hạn bằng lời nữa, mà Tin Mừng ấy đã trở nên sống động và đang ở giữa chúng ta. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1, 14)

Nt. Maria Thùy Linh – HD.MTG Thủ Đức