GÓC TÂM TÌNH 1. Thanh Tuyển viện Trưởng thành tương quan với Chúa

Trưởng thành tương quan với Chúa

Hạnh phúc lớn nhất của người tu sĩ là gì? Là thành công trong sứ vụ, chu toàn bổn phận hàng ngày, dẫn lối người lạc giáo trở về, hay là gì khác hơn ? Trên hết mọi điều, hạnh phúc lớn nhất của người tu sĩ là được gắn kết mật thiết với Đức Giêsu Kitô.

Cuộc sống của người tu sĩ thì đa chiều. Vui có. Buồn có. Lắm lúc thành công nhưng đôi khi lại khốn đốn. Điểm giao của tất cả biến cố trong đời họ là luôn cần gắn kết với Đức Kitô. Thế nhưng, không phải lúc nào đến với Chúa cũng nhận lại hoan lạc, bình an. Lắm lúc, cuộc gặp gỡ bắt đầu và kết thúc với xác thân mệt mỏi, tâm hồn quạnh hiu. Khó khăn kết nối với Thiên Chúa làm người tu sĩ chán chường. Họ muốn rời khỏi sự thinh lặng nội tâm để tiếp tục vùi mình vào sự náo nhiệt của cuộc sống. Người tu sĩ ý thức rất rõ bản thân cần Chúa. Nhưng họ lại thấy lòng mình chai đá vì giờ cầu nguyện thì khô khan, trong khi đó có quá nhiều thứ khác đòi hỏi họ phải làm. Đứng trước ngã ba thần thánh, người tu sĩ buộc phải chọn lựa hoặc tiếp tục ở lại với Thiên Chúa trong sự tẻ nhạt khô khan hoặc đi làm việc bổn phận trong khoảng thời gian có vẻ vô ích này. Chọn lựa là thế, nhưng họ biết cái cần thiết hơn vẫn là ở lại với Chúa.

Người tu sĩ cố gắng tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm sự an ủi tinh thần bù lại cho đức tin còn non yếu. Trạng thái khô khan vẫn không vì thế mà tuân phục rời đi. Giằng co với khô khan nội tâm, nhiều tu sĩ của Chúa vẫn quyết tâm ở lại với Thầy Giêsu. Ở lại với sự vô nghĩa mà lý trí liên tục phản hồi. Một ngày, hai ngày, rồi ba tháng, sáu tháng hay có khi là mấy năm… Chúa chẳng cất đi cái cảm giác tẻ nhạt trong các cuộc hò hẹn với mối tình Giêsu. Cho tới một lúc nào đó không còn khả năng chịu đựng, người tu sĩ đánh mất hy vọng, nghi ngờ sự tồn tại của Thiên Chúa. Phải chăng bao nhiêu năm qua niềm tin vào Thiên Chúa chỉ là ảo vọng, do chính mình tạo ra? Nếu không thì Thiên Chúa ở đâu suốt quãng thời gian vừa qua? Dù ta đã cố gắng để gặp, bỏ thời gian, bỏ công việc để gặp gỡ Chúa nhưng Chúa vẫn làm thinh. Hơn thế nữa, lòng ta chỉ thấy khô khan, trống rỗng?

Để trưởng thành trong mối tương quan với Thiên Chúa, người tu sĩ phải chiến đấu nội tâm xem ra khốc liệt. Nếu cứ kéo dài sự nguội lạnh, có thể họ sẽ một mất một còn với ơn gọi Dâng hiến. Tuy nhiên, một ngày không hẹn mà tới. Ngày ấy có thể đến ngay lúc người tu sĩ như không còn hy vọng gì với tình trạng của mình. Chính lúc đó, Chúa cất đi mọi gánh nặng của sự chán chường. Chúa lại đến chan hòa ân tình như thuở ban đầu. Thử thách qua đi, tình yêu Thiên Chúa còn mãi và không thể nào mất đi.  Người tu sĩ vỡ òa cảm xúc vì nhận ra những tháng ngày tẻ nhạt không phải là mối nguy hại nếu họ tiếp tục kiên trì tìm kiếm Chúa. Sau bao tháng ngày lần mò trong đêm tối nội tâm, người tu sĩ sẽ nhận ra bản thân cần Chúa biết dường bao, yêu Chúa biết nhường nào. Họ hiểu ra rằng, tương quan với Thiên Chúa khác mọi tương quan trần tục. Với Thiên Chúa, càng yêu thì càng phải rèn luyện trong đau khổ và nước mắt. Người tu sĩ không còn hiểu biết như trẻ con, đòi hỏi như trẻ con. Nhưng biết đón nhận mọi biến cố, mọi cảm xúc tương quan với Thiên Chúa bằng sự sẵn sàng, xin vâng và trưởng thành.

Lạy Chúa! Khô khan nội tâm là điều chẳng ai mong muốn. Nhưng đứng trước bối cảnh ấy, phản ứng của mỗi người mỗi khác. Xin cho con sung sướng nhận lấy món quà đầy tràn ân sủng trong tương quan với Chúa thế nào thì cũng biết sẵn sàng nhận lãnh món quà khô khan nguội lạnh thế ấy. Vì lạy Chúa! Sự sung mãn làm con hạnh phúc, nhưng gian nan mới giúp con trưởng thành.

Maria Việt Trinh, Thanh Tuyển Sinh MTG. Thủ Đức.

Exit mobile version