Trường đời
1- Trường học
Một khi đã bước vào cõi nhân sinh, chẳng có ai ngay từ ban đầu đã là người hoàn hảo. Cuộc sống đời này là một cuộc phấn đấu không ngừng để vượt lên mọi khó khăn. Cắp sách đến trường là một việc khó nhọc ngại ngùng đối với mọi lứa tuổi. Những ngày đầu tới trường quả là một cực hình đối với những cô bé cậu bé phải xa cha mẹ để bước vào môi trường xa lạ. Với thời gian, các em được học hành những kiến thức cần thiết để thành người. Tuổi học trò là một giai đoạn đẹp của cuộc sống. Đây là thời điểm nhân cách của các em được từng bước hình thành. Trong xã hội hiện đại hôm nay, vẫn tồn tại những “cậu ấm, cô chiêu” con nhà giàu, ỷ thế cậy quyền cha mẹ, chẳng chịu học hành. Vì thế mới xuất hiện những tấm bằng mua. Đây không phải là bằng giả mà là bằng thật hẳn hoi. Chỉ có kiến thức là giả mà thôi. Đối với những người có kiến thức giả thì tương lai và sự nghiệp của họ cũng chỉ là hão huyền, vô thực. Bên cạnh một số ít con nhà giàu cậy quyền cha mẹ, có rất nhiều học sinh, sinh viên đã can đảm vượt khó, phấn đấu học hành. Có những người cha người mẹ đáng khâm phục, suốt đời một nắng hai sương, long đong tần tảo, nhưng vẫn đầu tư cho con học đại học, đem lại sự thành đạt và một tương lai vững vàng cho con cái.
Thế rồi giai đoạn học đường cũng đến hồi kết thúc. Các em học sinh chia tay vào mùa hoa phượng, trong sự lưu luyến của tình bạn và âu lo về sự nghiệp tương lai. Nhiều bạn trẻ luyến tiếc tuổi học trò, nhưng không thể níu kéo thời gian. Họ chỉ còn giữ lại những kỷ niệm tốt đẹp của một thời vô tư đã qua. Kết thúc trường học, các em phải lo bước vào trường đời.
Môi trường giáo dục lành mạnh, những thày cô giáo tâm huyết trong sự nghiệp “trồng người”, sự cộng tác của các bậc phụ huynh, đó là những yếu tố căn bản làm nên nhân cách con người của xã hội tương lai. Đã có nhiều tác giả lên tiếng về một nền giáo dục bất cập. Đã có nhiều vụ việc liên quan đến tư cách của nhà giáo, điển hình như vụ hiệu trưởng trường Phổ thông Trung học Việt Lâm (tỉnh Hà Giang) Sầm Đức Xương đã có hành động đồi bại với nữ sinh. Chúng ta ước mong và cùng cộng tác để những thế hệ tương lai được hưởng một nền giáo dục lành mạnh, đặt nền trên huấn luyện lương tâm đạo đức con người, “Tiên học lễ, hậu học văn”.
2- Trường đời
Nếu ai lười biếng khi còn ở trường học, thì sẽ phải trả giá khi bước vào trường đời, vì trường đời rất khắt khe và nghiệt ngã. Ngôn ngữ bình dân gọi những thất bại trong cuộc sống là “học phí”. Một người thiếu kinh nghiệm kinh doanh mà liều lĩnh bước vào thương trường, sẽ phải trả “học phí” là thua lỗ nhiều khi đến khuynh gia bại sản. Một người thiếu năng lực mà dám đứng ở cương vị lãnh đạo, sẽ phải trả “học phí” là sự thất bại và mất hết uy tín. Như thế, một khi muốn thành đạt ở đời, chẳng có ai thoát khỏi việc học vấn, điều khác biệt chỉ là nơi chốn hay tên gọi của trường học mà thôi. Sự khắt khe đúng mức của cha mẹ đối với con cái là nhân tố quan trọng để đứa trẻ nên người. Sự nghiệt ngã của trường đời cũng là điều kiện thiết yếu để con người được tôi luyện. Như những học sinh khi ngồi ghế nhà trường luôn cần mẫn chuyên chăm học hỏi để trau dồi những kiến thức trước khi vào đời, mỗi người sống trong trường đời cũng phải thiện chí tiếp thu kinh nghiệm từ những người khôn ngoan, để có thể thêm nghị lực sống. “Thắng lợi không kiêu, thất bại không nản”, đó là bí quyết giúp ta thành công. “Học, hỏi, hiểu, hành”, đó là nấc thang giúp ta thăng tiến. “Nước chảy mãi mà không thôi thì lâu ngày thành sông lớn, người học mãi mà không thôi thì thành bậc hiền tài” (Sách Tính Lý). Sự kiên trì trong học hành là chìa khoá của thành đạt. Bằng lòng với mình trong say men chiến thắng làm con người mất chí khí vươn cao. Đừng quên rằng, nếu tôi chiến thắng hôm nay, tôi cũng có thể sẽ thất bại ngày mai. Như người lính ở chiến trường phải luôn thận trọng cảnh giác, con người sống giữa trần gian luôn phải tỉnh thức canh chừng. Thiếu cảnh giác sẽ dễ dàng thất bại, thiếu tỉnh thức sẽ chìm trong u mê. Người ta giỏi mấy cũng vẫn phải học, làm thày trong lãnh vực này, nhưng lại phải làm trò trong lãnh vực kia. Không ai là toàn năng, trừ một mình Thiên Chúa. Chính vì thế, khi được “ném” vào lòng đời, con người bắt đầu cuộc-đời-học-vấn. Chỉ khi nào nhắm mắt xuôi tay thì họ mới thực sự “tốt nghiệp” trường đời. Tấm bằng cấp “tốt nghiệp trường đời” không phải do con người mà là chính Thiên Chúa phong tặng.
Trong trường đời mênh mông rộng lớn, ta có thể tìm thấy ở mọi nơi mọi lúc những người thày dạy chúng ta. Alfred de Vigny đã viết: “Tôi chưa bao giờ gặp một người nào mà tôi không tìm thấy ở họ một cái gì đáng cho tôi học hỏi”. Những kinh nghiệm của người già, những câu hỏi đơn sơ của người trẻ, những biến cố sự kiện xảy đến xung quanh chúng ta, xem ra như vô tình, mà lại dạy chúng ta những bài học rất thiết thực để giúp ta “thành người”.
Trường đời cũng dạy cho chúng ta sự mạnh dạn can đảm, vì lửa thử vàng, gian nan thử đức. Nếu không thử, làm sao biết sức mình. Một tác giả đã viết: “Có người suốt đời sợ hãi không dám bước ra ngoài vì sợ gãy chân, nhưng nếu còn hai chân mà chỉ ngồi trong nhà, thì có khác gì người có đôi chân đã gãy?” Cũng có người lý luận: người không bao giờ thất bại là người chẳng bao giờ làm gì cả. Nhưng không làm được điều gì ích lợi cho đời, lại chẳng phải là một thất bại thê thảm đó sao? Nhiều người đã thành đạt vì họ dám nghĩ, dám làm, mặc dù nhiều khó khăn thử thách, họ vẫn cố gắng vươn lên.
Trong tiếng hát ru con trên đây, người mẹ thấy rõ cuộc đời long đong lận đận, nhưng bà không nản chí: “Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học mẹ đi trường đời”. Người mẹ đã can đảm bước vào đời, dẫu biết rằng những khó khăn thử thách đang chờ phía trước. Giữa cuộc đời đầy bon chen ấy, bà còn luôn đồng hành với con trên đường đi học, vì biết rằng, con của bà phải vào trường học trước khi vào trường đời.
3- Trường Giêsu
Đức Giêsu đã đón nhận đau khổ trong sự tín thác vào Chúa Cha. Đối diện với biến cố thập giá đang đến gần, người cảm thấy lo sợ. Lời cầu nguyện của Người đã diễn tả sự lo sợ ấy: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này”. Trong tâm trạng lo buồn sợ hãi, Đức Giêsu tin chắc Chúa Cha ở luôn với Người. Người dành sự ưu tiên cho Chúa Cha, coi thánh ý của Chúa Cha là đích điểm tối thượng của đời Người. Chính sự xác tín này đã dẫn Người đến phần tiếp theo của lời cầu nguyện: “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Đức Giêsu đã đón nhận thập giá, để biến đổi thập giá thành phương tiện cứu rỗi muôn dân.
Tác giả thư Do Thái nói về Đức Giêsu như một “Học trò” xuất sắc của “trường đời”: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục…” (Dt 5,8). Chính trong đau khổ mà Đức Giêsu thấy giá trị của vâng phục. Nói cách khác, Người đã muốn dùng đau khổ để thể hiện sự tuân phục của Người đối với Chúa Cha.
Kinh nghiệm của Đức Giêsu không phải là vô nghĩa. Tác giả thư Do Thái viết tiếp: “Và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,9). Đức Giêsu đã khởi đi từ kinh nghiệm trường đời để rồi chính Người trở nên trường học cho tất cả những ai muốn nên hoàn thiện: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Những ai học nơi mái trường Giêsu sẽ lĩnh hội được những kiến thức căn bản để làm người và làm con Chúa, vì tất cả mọi đức tính tốt lành đều đến từ sự khiêm nhường: “Khiêm nhường là mẹ của các nhân đức”. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta về sự khiêm nhường tự hạ của Đức Giêsu: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Những tín hữu Kitô đang là những học trò trong mái trường Giêsu. Chính Người là Thày dạy chúng ta. Đức Giêsu không chỉ dạy chúng ta bằng lời, nhưng chính bằng cả cuộc đời của Người. Người cũng không chỉ dạy chúng ta trong những giờ “lên lớp” ở giảng đường, nhưng Người luôn giáo huấn chúng ta mỗi phút giây của cuộc sống, nhờ đó, dù thức hay ngủ, dù làm việc hay vui chơi, cuộc đời chúng ta luôn thấm đượm tinh thần của Tin Mừng, vì “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Vâng, chính trong mái trường Giêsu mà Bạn và tôi đang học hỏi và phấn đấu mỗi ngày. Xin cho chúng ta chuyên tâm học với Thày Giêsu, vì nơi Người chúng ta tìm được những Lời ban sự sống đời đời (x. Ga 7,68).