Một trong những biểu tượng của ngày Lễ Phục sinh là trứng phục sinh. Từ sự kiện Chúa Giêsu sống lại và bước ra từ nấm mồ, người Kitô hữu coi hình ảnh những quả trứng gắn liền với sự hồi sinh. Trứng cũng còn mang ý nghĩa sinh sôi, nảy nở như sự xuất hiện của mùa Xuân đâm chồi nảy lộc sau mùa Đông lạnh giá, khô cằn.
Theo quan niệm đã có từ lâu thì trứng tượng trưng cho nhiều đặc tính. Nó nói lên sự tái tạo, sung mãn, đổi mới và sống lại. Trứng luôn mang mầm sống. Mầm sống ấy làm sống lại cơ thể sống. Chúa Giêsu được coi như mầm sống và sau cái chết đã sống lại và hiện diện trong mỗi người chúng ta. Vì thế, ngày Phục sinh với nhiều nước châu Âu, tập tục trứng phục sinh vẫn còn được duy trì cho đến nay.
Trứng phục sinh bằng bánh, kẹo sôcôla
Thế kỷ VIII, người ta đã thấy những quả trứng phục sinh ban đầu dùng để tặng nhau nhân ngày lễ này. Trứng sau khi luộc chín, được nhuộm màu và vẽ lên những hình những hình vẽ tuỳ ý. Tuy nhiên, tục này mới xuất hiện chưa trở nên phổ biến. Từ thế kỷ XII, hầu như các nước châu Âu theo Thiên Chúa giáo (kể cả Công giáo và Chính Thống giáo) đều lấy trứng là một biểu tượng cho ngày Lễ mừng Chúa sống lại. Ngày lễ Phục sinh tại Paris vào thế kỷ thứ XIII, các linh mục và các sinh viên đại học và thanh niên nhóm họp với nhau nơi các công trường, tạo thành đoàn diễn hành có kèn có trống rồi vô nhà thờ để hát, xong họ tản mác khắp mọi nơi trên các đường phố để tìm trứng Phục sinh.
Trứng phục sinh vẽ trang trí nghệ thuật
Hiện nay, những hình thức của quả trứng đã có nhiều thay đổi. Ngoài những quả trứng thật được tô vẽ và nhuộm màu như xưa, còn có thêm những quả trứng khác như trứng sôcôla cho trẻ em. Sôcôla được làm nóng lên khoảng 50 độ rồi cho vào khuôn đúc. Sau đó lấy ra và vẽ hình tùy ý. Các hãng làm sôcôla hiện nay đã sản xuất ra trứng sôcôla với nhiều kích cỡ và nhiều màu sắc cũng như hình vẽ nhằm phục vụ khách hàng. Ngòai ra còn có thêm những trò chơi trứng. Trẻ em nhân ngày lễ Phục sinh sẽ được dẫn đến những khu vườn hoặc những khu rừng dành cho lễ hội. Trứng được giấu trong các bụi cây, dưới những đám cỏ… để cho trẻ em đi tìm. Ngoài ra còn có những quả trứng bằng nhựa dẻo, trong đó có một quà tặng như giá trị của một quyển sách, một món hàng ở siêu thị…
Trứng phục sinh được làm quà và giấu trong vườn, đám cỏ… cho trẻ em đi tìm
Những quả trứng gà sau khi luộc chín được trang trí bằng nhiều màu sắc sặc sỡ với những ý nghĩa đẹp: màu đỏ tượng trưng cho may mắn, màu xanh cho hy vọng, sự trẻ trung, trong sáng, màu vàng cho sự khôn ngoan, màu trắng cho thanh bạch, màu cam cho sức mạnh,…
Hình ảnh trứng phục sinh ngày càng đa dạng dưới nhiều kiểu mẫu khác nhau thể hiện tính sáng tạo và sự tỉ mỉ, công phu từ đơn giản có thể làm trong bếp đến cầu kỳ như một nghệ thuật truyền thống, bao gồm cả kỹ thuật khéo léo và công nghệ sản xuất.
Những hình ảnh thú vị của quả trứng phục sinh toát lên môt hình ảnh thật đẹp: con Người đã chết và đã phục sinh; cái chết của Đức Giêsu và sự Phục sinh của Người như là một lời hứa cho nhân loại: Tất cả chúng ta cũng phải chết và sẽ được sống lại như Ngài nơi Thiên Quốc.
Trứng phục sinh được bày sắp xếp đậm chất nghệ thuật
Suốt từ 1895 đến 1917, Nga hòang Alexandre III và sau đó là Nicolas II đã đặt trứng phục sinh để tặng cho hòang hậu và Nicolas còn đặt thêm một quả để tặng cho mẹ. Tổng cộng Fabergé đã chế tạo được bằng phương pháp thủ công 66 quả trứng. Mỗi quả trứng là một tuyệt tác nghệ thuật.. Một trong số đó là quả trứng Mùa đông do Nicholas II tặng cho mẹ của ông – bà Maria. Được gắn 3.000 viên kim cương, quả trứng này đã được bán với giá 5,6 triệu USD vào năm 1994 và được bán lại tám năm sau với giá 9,6 triệu USD. Quả trứng đăng quang chứa bản sao chính xác chiếc xe ngựa của Nga hoàng cùng bánh xe quay của nó. Quả trứng mô tả thu nhỏ đường xe lửa xuyên Siberia. Nó được chế tác vào năm 1900 để kỷ niệm sự kiện hoàn thành việc xây dựng tuyến đường này.
Những quả trứng phục sinh được chế tác từ vàng, bạc, sứ, đá quý,… bởi những người thợ kim hoàn tài ba, đặc biệt là Peter Carl Fabergé, đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và được lưu giữ trong các viện bảo tàng.
PTH (Sưu tầm)
gxdaminh.net