Bài huấn từ của Đức Thánh Cha vào sáng Chúa nhật 19 Thường niên, 09/08/2020, tại đền thờ thánh Phêrô.
Anh chị em thân mến!
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật này (x. Mt 14, 22-33) kể về việc Chúa Giêsu đi trên mặt hồ trong giông bão. Sau khi cho đám đông ăn no nê với năm chiếc bánh và hai con cá – như chúng ta đã thấy ở Chúa nhật tuần trước – Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ lên thuyền và trở lại bờ bên kia. Ngài giải tán đám đông và sau đó một mình lên núi để cầu nguyện. Ngài đắm chìm trong sự kết hiệp với Chúa Cha.
Trong suốt hành trình trên biển bồ, các môn đệ bị sóng đánh vì ngược gió. Đây là chuyện xảy ra thường xuyên trên biển hồ. Ngay lúc đó họ nhìn thấy có ai đó đi trên mặt nước tiến về phía họ. Họ hoảng hốt vì tưởng là ma và hét lên vì sợ hãi. Chúa Giêsu trấn an họ: “Can đảm lên, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Sau đó thánh Phêrô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Một thử thách. Và Chúa Giêsu trả lời : “Hãy đến đây!”. Phêrô nhảy khỏi thuyền và đi vài bước. Ngay sau đó gió và sóng nổi lên làm ông khiếp sợ và bắt đầu chìm. “Lạy Chúa, xin cứu con!”, ông la lên. Chúa Giêsu nắm lấy tay ông và nói : “Người sao mà kém tin thế, sao lại nghi ngờ?”
Trình thuật này là một lời mời gọi biết từ bỏ chính mình để đặt niềm tin vào Thiên Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời, đặc biệt là trong những lúc thử thách và hỗn loạn. Khi chúng ta cảm thấy nghi ngờ và quá sợ hãi, chúng ta cảm thấy dường như bị chìm xuống, trong những khoảnh khắc khó khăn của cuộc sống, ở nơi mà mọi thứ đều trở nên tăm tối, chúng ta đừng xấu hổ để kêu lên như Phêrô: Lạy Chúa, xin cứu con! (c.30). Hãy gõ cửa trái tim Chúa, trái tim của Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin cứu con!”. Đó là lời cầu nguyện tuyệt vời. Chúng ta có thể lặp lại lời cầu nguyện đó nhiều lần: “Lạy Chúa, xin cứu con!”. Và hành động của Chúa Giêsu, ngay lập tức đưa tay ra nắm lấy người bạn của mình, phải được suy ngắm thật lâu: Chúa Giêsu là như thế đó, Chúa làm điều này, Chúa Giêsu là đôi tay của Cha, Đấng không bao giờ rời bỏ chúng ta; đôi tay mạnh mẽ và trung tín của Chúa luôn muốn và chỉ muốn tốt cho chúng ta. Thiên Chúa không phải là tiếng ồn, không phải là cuồng phong, không phải là ngọn lửa, cũng không phải là trận động đất – như câu chuyện về tiên tri Êlia hôm nay -; Thiên Chúa là làn gió nhẹ – nói theo nghĩa đen : đó là “sợi chỉ thinh lặng dịu êm” – không áp đặt nhưng đòi phải lắng nghe (x. 1V 19,11-13).
Người có đức tin nghĩa là, giữa giông tố, luôn giữ con tim hướng về Thiên Chúa, về tình yêu của Ngài, về sự hiền dịu của Cha. Chúa Giêsu muốn dạy điều này cho Phêrô, cho các môn đệ và cho cả chúng ta hôm nay. Trong những thời khắc tăm tối, trong những lúc buồn sầu, Ngài biết rất rõ rằng niềm tin của chúng ta rất nghèo nàn – tất cả chúng ta đều là dân kém tin, và cả tôi nữa – con đường của chúng ta đi có thể gặp khó khăn, cản trở bởi sức mạnh thù địch. Nhưng Chúa là Đấng Phục sinh. Anh chị em đừng quên điều này: Chúa là Thiên Chúa, là Đấng đã trải qua cái chết để đưa chúng ta đến ơn cứu rỗi. Trước khi chúng ta bắt đầu tìm kiếm Ngài thì Ngài đã ở cạnh chúng ta. Ngài vực dậy chúng ta sau những lần vấp ngã, khiến chúng ta trưởng thành trong đức tin. Có lẽ trong tăm tối chúng ta kêu lên: “Lạy Chúa, lạy Chúa!”, vì nghĩ rằng Ngài ở xa. Và Ngài nói: “Thầy đây!”. Thì ra Ngài ở với tôi! Thiên Chúa là như thế đó.
Con thuyền chông chênh trong giông bão là hình ảnh của Giáo hội, mà trong mọi thời đại đều gặp phải sóng gió ngược dòng, đôi khi lại là những thử thách rất khắc nghiệt. Chúng ta hãy nghĩ đến những cuộc bách hại lâu dài và kịch liệt ở những thế kỷ trước, và ngay cả hôm nay, ở một số nơi. Những lúc như vậy, Giáo hội có thể bị cám dỗ nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi mình. Nhưng thực ra trong những lúc như vậy, chứng từ của niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng nên rực sáng. Đó là sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh giữa Giáo hội của Ngài, đem lại ơn làm chứng cho đến mức tử đạo, từ đó các kitô hữu mới và hoa trái của sự hòa giải, bình an được đâm chồi nảy lộc trên toàn thế giới.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria giúp chúng ta luôn kiên trì trong đức tin, trong tình mến huynh đệ, khi tối tăm và giông bão của cuộc đời làm suy giảm lòng tin cậy của chúng ta vào Thiên Chúa.
Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến,
Ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945, cách đây 75 năm, hai vụ ném bom nguyên tử thảm khốc đã xảy ra ở Hiroshima và Nagasaki. Tôi nhớ lại với niềm xúc động và biết ơn về chuyến viếng thăm của tôi ở những nơi đó vào năm ngoái. Tôi tiếp tục kêu mời cầu nguyện và cam kết với một thế giới hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân.
Những ngày này, tôi thường nghĩ đến Li băng. Thảm họa hôm thứ Ba tuần trước kêu gọi tất cả mọi người, bắt đầu từ người Li băng, hãy cộng tác vì lợi ích chung của đất nước thân yêu này.
Li băng có một bản sắc đặc biệt, là kết quả của sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa khác nhau, đã nổi lên theo thời gian như một hình mẫu chung sống.
Rõ ràng việc chung sống này giờ đây rất mong manh, chúng ta đều biết điều đó, nhưng tôi cầu nguyện, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và sự tham gia trung thành của tất cả mọi người, đất nước này có thể được tái sinh tự do và mạnh mẽ.
Tôi kêu mời Giáo hội Li băng hãy gần gũi với mọi người nơi đồi canvê, như họ đang làm trong những ngày này, với tình đoàn kết và trắc ẩn, với trái tim và bàn tay rộng mở để chia sẻ. Tôi tiếp tục kêu gọi sự giúp đỡ quảng đại từ cộng đồng quốc tế. Và tôi xin các giám mục, linh mục, tu sĩ Li băng hãy gần gũi dân chúng và sống một lối sống được ghi dấu bởi nghèo khó phúc âm, không xa xỉ, bởi vì dân tộc của bạn đang đau khổ, và chịu đựng rất nhiều.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ