Trong đau khổ, Thiên Chúa ở đâu ?

123
indexCó thể nói, chứng lý mạnh nhất mà những người chủ trương vô thần dựa vào đó để phủ nhận hiện hữu của Thiên Chúa, là đau khổ và sự dữ. Họ dựa vào hai phẩm tính của Thiên Chúa: Toàn năng và yêu thương, mà “lên án tử” cho Ngài. Thật vậy, một Thiên Chúa toàn năng không thể để cho đau khổ và sự dữ tồn tại trên trần gian. Lại nữa, một Thiên Chúa yêu thương không thể dửng dưng với số phận nghiệt ngã của con người…Những luận chứng như thế càng làm con người xa rời Đạo giáo và không giúp con người lớn lên và được giải thoát. Chúng ta không đi sâu vào những cuộc tranh luận về mặt trí thức vì như thế không dẫn đến đức tin. Nhưng chính khi chấp nhận đảm nhiệm cuộc sống mình cách tích cực và tinh thần đức tin, chúng ta dễ dàng khám phá ra trong từng khoảnh khắc sướng khổ của phận người có sự hiện diện sống động và tràn đầy của Thiên Chúa.

Toàn năng

Có nhiều người cho rằng: Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự. Nếu hiểu như thế, Thiên Chúa không toàn năng. Vì Ngài chỉ có thể hành động phù hợp theo bản tính Thiện của mình. Như thế, Ngài không thể là nguyên nhân của sự dữ. Và sự dữ đến từ một nguồn khác, mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta câu trả lời: kẻ chủ mưu chính là Satan.

Vấn đề đặt ra: Một Thiên Chúa toàn năng sao không ngăn chặn mưu đồ làm điều ác ? Có chứ ! Tùy trường hợp. Chúng ta có thể nhận ra sự can thiệp của Ngài trong cú ngã ngựa của thánh Phaolô. Chúng ta thử tưởng tượng khi được chứng thư của các nhà lãnh đạo Do thái, ông hầm hầm sát khí, lên đường tìm các Kitô hữu để bách hại, bắt tù…tắt một lời, ông gây đau khổ, bấn loạn cho các kitô hữu. Mưu ác không thành. Ông bị Chúa quật ngã xuống đất… và sau đó, ông nhận được một sứ vụ mới.

Một điều hết sức kỳ diệu là: qua cú ngã ngựa ấy, Chúa không cướp đi sự tự do của ông. Nhưng đây chỉ là “cú phanh” kịp thời giúp ông phản tỉnh lại về những mưu tính của mình không đẹp ý Thiên Chúa (mà sau này trong một lá thư, ông thú nhận là lúc đó bản thân hành động vì thiếu hiểu biết). Nếu trước kia, ông nhiệt tình bảo vệ Đạo Giáo đến nỗi bách hại những ai đi ngược với truyền thống cha ông thì bây giờ, ông lại nhiệt thành gấp bội để loán báo Tin Mừng về Đức Kitô chịu chết và phục sinh đem lại ơn cứu độ cho mọi người. Phân tích cụ thể và minh bạch như thế không ngoài mục đích giúp chúng ta nhận ra vai trò của Thiên Chúa trong lịch sử loài người, đó là Ngài tác động trực tiếp và gián tiếp đến đời sống con người, nhất là bảo vệ con người khỏi tai họa, khổ đau. Đây chỉ là một trong những minh chứng được Kinh Thánh tường thuật; còn biết bao điều lạ lùng kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thi thố trong cuộc đời của các chứng nhân hy vọng. Sau những đau thương của cuộc đời, chúng ta phải xác tín chân lý này, Thiên Chúa làm chủ lịch sử; Ngài quan phòng cho mọi sự đạt đến cứu cánh tốt đẹp nhất. Chúng ta dễ bị cám dỗ mà nghĩ rằng: sao Thiên Chúa không can thiệp vào những đau thương của cuộc đời tôi ? Ngẫm nghĩ trong từng khoảnh khắc cuộc sống, chúng ta có thể nhận ra “ánh sáng” ở cuối con đường. Rằng: Thiên Chúa vẫn có đó khi tôi tưởng chừng mình đang cô đơn.

Tôi cũng nghĩ đến các thánh cũng như những người đạo đức được diễm phúc in 5 dấu thánh. Đọc nhật ký của họ viết, họ phải trải qua những cơn đau đớn khủng khiếp, đồng thời, những khổ tâm do những hiểu lầm của người đời…họ là một người “đau khổ”. Bạn thử hỏi 5 dấu thánh ấy đến từ đâu ? Khoa học không thể lý giải những trường hợp ngoại thường này. Do đức tin và lòng đạo đức, chúng ta bảo rằng Thiên Chúa thưởng công và ghi dấu ấn tình yêu trên những người thánh thiện. Như thế, đau khổ hay phần thưởng chỉ là do cái nhìn chủ quan của con người. Vấn đề là chúng ta cần khám phá ra sự hiện diện yêu thương của Ngài trong từng biến cố của cuộc đời. Và luôn xác tín như thánh Augustinô: Thiên Chúa rút từ sự dữ ra sự lành. Thiết tưởng, đó mới là dấu chứng của Thiên Chúa toàn năng.

Tình yêu

Có thể nói, ý chí tự do là một trong những nét đẹp được nhiều người dùng để giải thích về chân lý này: con người dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thật vậy, nhờ tự do, con người có thể chọn Thiên Chúa để sống thân mật với Ngài như một mối liên hệ quan trọng nhất trong đời; cũng nhờ tự do, con người có thể sống dấn thân với tất cả tình yêu hầu đi đến với Thiên Chúa là tình yêu. Thiết tưởng, đó là ý định tốt lành của Thiên Chúa; đó là cứu cánh của tự do con người. Nhưng thực tế cho thấy, phần lớn con người đã lạm dụng tự do để sống buông thả, hưởng thụ quá độ, chà đạp nhân phẩm, xúc phạm nhân quyền…tắt một lời, con người tự do làm khổ nhau. Với sự toàn năng của Thiên Chúa, chắc hẳn, Người biết và lường trước những hệ lụy con người gây ra cho nhau. Như thế, Ngài có chịu trách nhiệm phần nào trong những việc này chăng ?

Nếu xét về mặt luân lý, Ngài chẳng làm điều gì ác nên tội để phải chịu trách nhiệm về nó. Hơn nữa, Thiên Chúa không chịu chi phối bởi luật luân lý dưới bất cứ hình thức nào. Bởi đó, Ngài hoàn toàn không chịu trách nhiệm trong tội ác của con người tạo nên. Còn nếu xét trong tương quan giữa Đấng Tạo Hóa và các tạo vật, Thiên Chúa chịu “trách nhiệm” gián tiếp trong khi ban cho con người tự do và biết trước rằng con người có thể lạm dụng tự do và làm điều xấu. Trong khi Thiên Chúa ban tự do cho con người như việc Ngài cho con người thông chia tính toàn năng của Thiên Chúa thì họ lại làm dụng đi ngược với ý định của Ngài. Thế rồi, Thiên Chúa đã chịu trách nhiệm trong tình liên đới với tội lỗi con người. Điều này đã được thánh Phaolô diễn tả tuyệt vời qua câu nói: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21). Chính khi Đức Giêsu chết vì tội lỗi chúng ta mà Người đã chịu trách nhiệm và chữa lành những vết thương do con người lạm dụng tự do gây nên. Như thế, việc một số người cho rằng Thiên Chúa đã dửng dưng trước đau khổ của con người là một sai lầm. Thiên Chúa không can thiệp vào lịch sử nhân loại theo ý muốn của con người. Đức Giêsu chẳng xuống thập giá vì một lời thách thức của con người. Dần dà, chúng ta sẽ nhận ra cách hành động của Thiên Chúa: thay vì Ngài rút lại hay ngăn chặn hành động tự do của con người, thì Ngài lại hóa giải từ sự dữ ra sự lành. Thiết tưởng, đó là cách tốt nhất để Thiên Chúa mặc khải Ngài là Đấng toàn năng đầy yêu thương.

Người đồng hành

Chúng ta đã từng nghe câu chuyện về giấc mơ của một chàng thanh niên. Mỗi ngày chàng đi dạo bộ với Chúa Giêsu trên bãi biển rất êm ả và bình yên. Chàng thích thú vì những dấu chân song hành như hai người bạn. Đến một ngày sóng to gió lớn, chàng lại chỉ thấy có một dấu chân. Trong hoảng hốt và sợ hãi, chàng hỏi Chúa đi đâu lúc cuộc đời đầy biến động. Chúa trả lời: “Chính những lúc ấy Ta đang bồng bế con trên tay”. Kinh nghiệm của chàng thanh niên này là một bài học khích lệ chúng ta tin tưởng và phó thác vào tình thương Chúa. Quả thật, Người vẫn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống.

Trong những lúc chúng ta bị hiểu lầm, chối từ, cô lập…thiết tưởng, việc đồng hóa mình vào những nhân vật trong các sách Tin Mừng sẽ là một lợi khí giúp ta dễ dàng vượt qua những đêm tối. Một Madalena bị xã hội lên án, ruồng bỏ…lại được tiếp chuyện với Chúa. Một Giakêu bị xếp vào hàng người bất chính, lại được Chúa đồng bàn ăn uống…Những mảnh đời đau khổ luôn tìm được nguồn nâng đỡ nơi Chúa Giêsu. Đôi khi, chúng ta chỉ cần một câu lời Chúa như lời hứa về một tương lai bất định, làm ánh sáng hướng dẫn bước ta đi. Những lúc chúng ta bị hiểu lầm, đặt điều, bôi nhọ, thì lời hứa: sự thật sẽ giải phóng các con, sẽ là một cái neo bám chặt vào lòng Chúa yêu thương. Điều quan trọng là tránh nổi giận, la lối thóa mạ, vì theo lời thánh Gioan Vianney: “Đau khổ trong an bình, sẽ chẳng còn đau khổ nữa”. Có thể nói, sự bình an trong tâm hồn là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa cơn biến động. Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến là thế !

Xét cho cùng, chỉ trong cơn khốn khó, người ta mới nhận ra đâu là “vàng thật”; chỉ những người xác tín sự hiện diện của Chúa trong đời và chọn Chúa làm ý nghĩa của cuộc sống, mới khả dĩ vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc đời.

Nạn nhân

Một người phụ nữ kia đang đau lòng vì vừa mất đứa con 8 tuổi duy nhất của bà. Cái chết bất ngờ của người con này đã làm tăng nỗi cô đơn trong bà. Trong nỗi tức giận, mê sảng, bà tìm đến Cha xứ, bà hỏi: “Tại sao tôi có một đứa con duy nhất mà Chúa cũng cướp đi ?” Thấy người đàn bà này quá bị kích động, vị linh mục liền nghĩ ra một cách giúp bà giải tỏa, ngài đề nghị: “Đây, tôi gởi bà một cuốn tập, bà hãy tưởng tượng ra Chúa đang có mặt ở đây trước mặt bà và hãy viết những gì bà cần nói”. Và rồi, như một cơ hội bà trút hết sự tức giận lên một vị Thiên Chúa tưởng tượng. Nỗi đau quá lớn khiến bà trở thành một kẻ khát máu; bà không chỉ phỉ nhổ, chưởi rủa Ngài mà còn muốn treo Ngài lên cao giữa trời và đất…Lát sau, bà đã thấm mệt và thiếp đi lúc nào không biết. Vị linh mục vào, bà liền tỉnh dậy và trao lại cuốn tập đã viết với những dòng chữ đầy “máu và lửa”. Đọc xong, vị linh mục nói: “Thế là bà đã giết Thiên Chúa một lần nữa. Phần Ngài, Ngài nói với bà điều gì, bà biết không ?” Bà đáp: “Thưa, không”. Vị linh mục nói: “Chúa bảo rằng xin Cha tha cho bà vì bà không biết việc bà làm”.

Tha cho kẻ muốn giết mình đó là cách thể hiện tình yêu của Thiên Chúa. Chết thay và cứu chuộc cho kẻ giết mình là cách thể hiện tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Chúng ta có thể hỏi Ngài ở đâu trong lúc tôi gặp đau khổ. Ngài là nạn nhân trong kẻ xấu số là bạn. Ngài trở nên bất lực với người bất lực nhưng không tuyệt vọng. Ngài đã chấp nhận để bạn treo Ngài lên thập giá vì tôn trọng tự do của bạn. Chúa muốn bạn dùng tự do để yêu mến Ngài nhưng bạn đã dùng tự do để giết Chúa. Ngài toàn năng nhưng không rút lại tự do của bạn. Ngài không hối hận khi ban tự do cho bạn. Ngài đợi chờ bạn chính nơi bạn đã giết Ngài. Núi Sọ phải trở thành điểm hẹn thường xuyên của bạn khi đang đối diện với những đau khổ hay bất công đời này. Không ai đau khổ hơn Ngài vì bị người yêu phản bội. Không ai chịu bất công như Ngài dù vốn là người vô tội. Bạn có sẵn sàng chấp nhận khổ giá cùng với Đức Kitô để được phục sinh với Người không ? Đó là thách đố và đồng thời là một hồng ân trong cuộc biến đổi. Chúng ta chỉ thực sự biến đổi và trưởng thành trong đau thương. Chúng ta chỉ trở nên vững mạnh sau những lần gục ngã thảm thương. Sau những lần như thế, bạn sẽ ngộ ra thân phận bất lực của con người khi đứng trước đau khổ. Đồng thời, sống phó thác vào Đấng rút từ sự dữ ra sự lành cho những ai yêu mến Ngài.

Tóm lại, chúng ta đã trình bày Thiên Chúa toàn năng và Tình Yêu như một minh giải cho vấn đề đau khổ mà những người vô thần đã dùng để khước từ và phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi đó, việc suy tư và đào sâu trong lãnh vực này sẽ giúp chúng ta có một hướng nhìn đúng đắn và thích hợp theo nhãn quan Kitô giáo. Chúng ta cần tái khẳng định rằng đau khổ là một huyền nhiệm, nó gắn liền với cuộc hiện sinh của con người. Thế nên, chúng ta sẽ không có một câu trả lời thỏa đáng mà chỉ là những kinh nghiệm bản thân hết sức chủ quan. Xét cho cùng, chỉ có đau khổ của Đức Kitô mới đích thực là mô phạm của mọi người. Vì khi chiêm ngắm Người trên Thánh Giá, chúng ta nhận ra hình ảnh bản thân. Dần dà, chúng ta nhận ra Người là Đấng rất gần gũi, đang đồng hành và là nạn nhân cùng chịu đau khổ với ta; và nói như thi sĩ Paul Claudel: “Đức Kitô đến không phải để hủy bỏ cũng không phải để giải thích đau khổ, nhưng làm cho đau khổ đầy tràn hiện hữu của Người”.

Cuối cùng, Đức Giêsu đã là ý nghĩa cuộc đời tôi khi Người hiện diện với tôi trong mọi khoảnh khắc cuộc đời, nhất là trong lúc đau khổ, tưởng chừng như bế tắt và buông xuôi. Người là hy vọng duy nhất cuộc đời tôi.

EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.