VATICAN: Sứ điệp Phục Sinh là trở về Galilea, nguồn gốc ơn gọi của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu và lộ trình đức tin. Về Galilea có nghĩa là tái khám phá ra bí tích Rửa Tội của chúng ta như suối nguồn sống động, kín múc nghị lực mới từ cội nguồn đức tin và niềm hy vọng kitô của chúng ta. Trở lại Galilea trước hết có nghĩa là trở về điểm nóng bỏng, nơi hồng ân của Thiên Chúa đã đánh động chúng ta ở đầu lộ trình đức tin.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ vọng Phục Sinh do ngài cử hành lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 19-4-2014. Trong thánh ngài đã ban bí tích Rửa tội cho 10 tân tòng trong đó có một người đàn ông Việt Nam.
Tham dự Thánh lễ có 10.000 tín hữu và du khách hành hương. Thánh lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép và rước nến Phục Sinh. Tiếp đến là phần phụng vụ Lời Chúa với ba bài đọc Thánh Kinh Cựu Ước liên quan tới việc tạo dựng con người, biến cố ông Môshê dẫn dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ và sự kiện Thiên Chúa sẽ đổ Thần Khí của Ngài xuống và ban cho dân Do thái một con tim mới. Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma nói về phép rửa và cuộc sống mới Chúa Kitô ban cho tín hữu, sau khi con người cũ đã chết và được mai táng với Chúa Kitô. Phúc Âm kể lại biến cố các phụ nữ ra mồ viếng xác Chúa, thấy mồ trống, gặp thiên thần loan báo Chúa đã sống lại và các bà vội vã về báo tin cho các môn đệ.
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói: Sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, các niềm hy vọng tắt ngúm. Nhưng giờ đây tin các phụ nữ báo cho họ, tuy không tin được, nhưng đã như một tia sáng chiếu trong bóng tối. Chúa đã sống lại như Người đã báo trước. Và hai lần lệnh truyền đi Galilea gặp Người. Galilea là nơi họ được kêu gọi và mọi sự bắt đầu. Trên bờ hồ Galilea Chúa Giêsu đã đi qua và kêu gọi họ, khi họ đang vá lưới. Và họ đã bỏ tất cả đều theo Người (X, Mt 4,18-22). Trở về Galilea có nghĩa là đọc lại tất cả từ thập giá và vinh quang. Đọc lại tất cả: sự giảng dậy, các phép lạ, cộng đoàn mới, các hăng say và vào ngũ cho tới sự phản bội. Đọc lại tất cả từ cuối là một khởi đầu từ cử chỉ tình yêu tột đỉnh ấy của Chúa.
Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: đối với từng người chúng ta cũng có một ”Galilea” ở nguồn gốc lộ trình với Chúa Giêsu. Về Galilea có nghĩa là tái khám phá ra bí tích Rửa Tội của chúng ta như suối nguồn sống động, kín múc nghị lực mới từ cội nguồn đức tin và niềm hy vọng kitô của chúng ta. Trở lại Galilea trước hết có nghĩa là trở về điểm nóng bỏng, nơi hồng ân của Thiên Chúa đã đánh động chúng ta ở đầu lộ trình đức tin. Chính từ tia lửa đó tôi có thể thắp lên ngọn lửa ngày nay, để mỗi ngày đem hơi ấm và ánh sáng tới cho các anh chị em khác. Từ tia sáng đó chúng ta thắp lên một niềm vui khiêm tốn, một niềm vui không xúc phạm đến sự đau khổ và tuyệt vọng, một niềm vui tốt lành và hiền dịu.
Trong cuộc sống kitô sau bí tích Rửa Tội, cũng có một ”Galilea” hiện sinh hơn: đó là kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã gọi tôi theo Người và tham dự vào sứ mệnh của Người. Trong nghĩa đó trở lại Galilea có nghĩa là giữ gìn trong tim ký ức sống động của lời kêu gọi ấy, khi Chúa Giêsu đi ngang qua con đường đời sống của tôi, đã nhìn tôi với lòng thương xót và đã xin tôi đi theo Người; có nghĩa là thu hồi ký ức thời điểm trong đó đôi mắt Người gặp gỡ đôi mắt của tôi, thời điểm trong đó Người đã làm cho tôi cảm nhận được rằng Người yêu tôi. Hôm nay trong đêm thánh này mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi: Galilea của tôi là gì, ở đâu, tôi có nhớ không hay tôi đã quên nó rồi? Tôi đã đi theo các con đường khiến tôi quên nó. Lậy Chúa, xin giúp con: hãy nói cho con biết đâu là Galilea của con; Chúa biết không, con muốn trở lại đó để gặp Chúa và để cho lòng thương xót của Chúa ôm con. Tin Mừng Phục Sinh thật rõ ràng: cần trở lại đó để trông thấy Chúa Giêsu phục sinh, và trở thành chứng nhân sự sống lại của Người. Đây không phải là một việc trở lại đàng sau, không phải là sự nuối tiếc. Nó là việc trở lại tình yêu ban đầu để nhận lấy ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã thắp lên trên thế giới và đem đến cho tất cả mọi người, cho tới tận cùng bờ cõi trái đất, ”Galilea của dân ngoại” (Mt 4,15; Is 8,23): chân trời của Chúa Phục Sinh, chân trời của Giáo Hội; ước mong gặp gỡ mãnh liệt… Chúng ta hãy lên đường!” (SD 19-4-2014)
Linh Tiến Khải
R.Vatican