Theo tông huấn Vita Consecrata, đời sống thánh hiến là một “cuộc biến hình” để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua những linh đạo và đặc sủng khác nhau. Khi sống linh đạo và đặc sủng Mến Thánh Giá, chúng ta, Người Nữ Tu Mến Thánh Giá cũng đang trong cuộc biến hình để trở một với Đức Giêsu Kitô bằng việc chuyên chú suy niệm, tưởng nhớ và noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người[1]. Đây là một hành trình tiệm tiến, được lặp đi lặp lại hằng ngày qua hành động của lý trí, trái tim và đôi tay.
- Hành động của lý trí
Trước hết, chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô bằng hành động của lý trí, tức là hiểu biết hơn về Ngài. Tuy nhiên, sự hiểu biết về Đức Kitô không chỉ là sự hiểu biết của trí óc, mà “Biết Thiên Chúa” đồng nghĩa là đi vào tương quan mật thiết Thiên Chúa, để Thiên Chúa làm chủ cuộc sống, thi hành giao ước của Thiên Chúa[2].
Mỗi ngày, chúng ta cất cao lời kinh: “Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con”. Tuy nhiên, chúng ta phải tự hỏi: Trong tương quan với Đức Giêsu Kitô, Tôi đang dừng ở mức độ nào? Mức độ hiểu biết qua những thông tin, những kiến thức giáo lý, hay chỉ nghe người khác nói? Hay tôi đang dừng ở mức độ suy luận, suy nghĩ về Thiên Chúa? Có khi nào tôi có kinh nghiệm đi sâu vào trong tương quan nên một với Thiên Chúa để chiêm ngắm, để hiểu biết về Người chưa?
Thật vậy, chúng ta không thể hiểu biết nếu chúng ta không đến gặp Người trong việc lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, trong sự hiệp thông vào đời sống thần linh được thông ban cho ta nơi các bí tích, cách riêng nơi bí tích Thánh Thể. Bên cạnh đó, cuộc gặp gỡ cá nhân trong giờ cầu nguyện riêng hết sức quan trọng và cần thiết vì“Lời mời gọi gặp gỡ Thiên Chúa không thể thiếu cầu nguyện, đặc biệt là trong sự thinh lặng của con tim. Ở đó, mỗi người có thể trải nghiệm sự hiện diện thân mật của Chúa”[3]. Vì thế, người nữ tu Mến Thánh Giá khao khát liên tục tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm Đức Giêsu, tìm kiếm thánh ý Người nơi các biến cố và nơi con người, thì cần để cho mình chìm đắm trong Lời Chúa qua các giờ cầu nguyện và suy niệm, qua thánh lễ và các Bí Tích.
- Hành động của con tim
Tiếp đến, người nữ tu Mến Thánh Giá trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua hành động của con tim với lời cam kết dành trọn trái tim không bị phân chia cho Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh[4].
Lời cam kết này xuất phát từ kinh nghiệm được yêu qua việc cảm nếm tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, tình yêu của Ngôi Lời nhập thể; tình yêu này “đã được đổ vào lòng mỗi người chúng ta nhờ Thánh Thần”.[5]
Một câu được đặt ra là làm sao biết chúng ta đã yêu Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Thánh Gioan khẳng định: “Nếu ai nói: ‘tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối.” (1Ga 4, 20). Tình yêu này phải được thực hiện qua những công việc cụ thể hằng ngày dành cho tha nhân. Đức Thánh cha Phanxicô chia sẻ: Nếu một người nói: “Để lúc nào cũng sạch sẽ, tôi chỉ uống nước cất thôi”: người ấy sẽ chết! Bởi vì chỉ uống nước cất thì không giúp sống được. Tình yêu đích thực không phải là nước cất: đó phải là thứ nước hàng ngày, với những vấn đề, với cảm xúc, với tình yêu và với thù hận, nhưng nó là thế. Tình yêu cần phải cụ thể: nó không phải là thứ tình yêu trong phòng thí nghiệm[6]. Để nên giống Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh và bày tỏ tình yêu dành cho Người, chúng ta cần thực hiện những hành động cụ thể dành cho những người chị em đang sống bên cạnh chúng ta, những người chúng ta gặp gỡ và phục vụ.
Tuy nhiên, với thân phận mỏng dòn yếu đuối của con người cùng những cám dỗ ngọt ngào của thế gian, chúng ta có thể bị lôi kéo làm cho lời cam kết dành trọn trái tim không bị phân chia cho Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh bị nhạt nhòa. Có một phương thế giúp chúng ta trung tín với lời cam kết là tưởng nhớ. Theo văn kiện Hồng Ân Trung Tín và Niềm Vui Kiên Trì, sự kiên trì chỉ có thể được giữ vững nhờ vào Memoria Dei -tưởng nhớ Thiên Chúa,…nhận biết và nhớ lại hành động của Thiên Chúa. Nó là một ký ức lôi cuốn trái tim, chỗ đứng của tâm trí và ước muốn của con người. Một ký ức luôn luôn được đổi mới về lòng trung tín của Thiên Chúa là điều có thể gợi lên và duy trì lòng trung tín của các tín hữu. Đồng thời, tình yêu của chúng ta dành cho Chúa sẽ càng thêm sâu đậm khi chúng ta luôn nhớ lại tình yêu thuở ban đầu dành cho Chúa.
- Hành động của đôi tay
Cuối cùng, người nữ tu Mến Thánh Giá trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô khi hiến thân trọn vẹn cho Người bằng cách noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người. Điều này thể hiện qua hình ảnh người nữ tu Mến Thánh Giá là trung gian và là cánh tay hữu hình của Chúa Giêsu Kitô.[7]
Đức cha Lambert nhắn nhủ người nữ tu Mến Thánh Giá: “các con phải thực hành mọi việc thay cho Đức Giêsu Kitô, Người muốn đích thân làm những việc đó mà không thể được, nên dùng một số người do Người tuyển chọn và ban đầy tinh thần của Người là tinh thần trung gian, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và hy sinh của Người cho đến tận thế”[8]. Mọi việc được cụ thể hóa qua từng công việc trong ngày sống. Khi tôi dạy trẻ, chính là Chúa Giêsu đang dạy; khi tôi chăm sóc bệnh nhân, chính là Chúa Giêsu đang chăm sóc; khi tôi học tập chính là Chúa Giêsu đang học; khi tôi quét nhà, chính là Chúa Giêsu đang thực hiện,… Nhưng chúng ta đã cảm nhận và ý thức về hành động của Chúa Giêsu đang thực hiện trong ta không? Chúng ta có trở nên cánh tay hữu hình của Chúa để chia sẻ, thoa dịu nỗi khổ đau của tha nhân? Đôi bàn tay của chúng ta có dâng lên Chúa những lễ phẩm hy sinh, biết bao vất vả, nỗi thống khổ của tha nhân?
Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, khi môi miệng chúng con tuyên xưng Người là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, trong tâm hồn chúng con lại vang lên câu hỏi: “Con có đang trở nên đồng hình đồng dạng với Ta hay không?” Xin Chúa tiếp tục lôi kéo chúng con vào trong tương quan tình yêu với Người để chúng con thêm hiểu biết thì thêm yêu mến; càng yêu mến càng dấn thân trọn vẹn cho Chúa hơn; khi dấn thân lại thêm hiểu biết,… và chu trình này được lặp lại mỗi ngày trong suốt cả cuộc đời dâng hiến của chúng con. Amen.
Maria Phạm Anh, Học viện
[1] Hiến chương Bảy Hội dòng Mến Thánh Giá Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Điều 3
[2] Nguyễn Thanh Sơn, Tài liệu Giảng Dạy Thần học Ba Ngôi, Học viện Liên dòng Mến Thánh Giá
[3] Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 3
[4] x. Hiến chương Bảy Hội dòng Mến Thánh Giá Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Điều 13
[5] Tông huấn Vita Consecrata, 25/03/1996, số 21
[6]https://www.vaticannews.va/vi/pope-francis/mass-casa-santa-marta/2020-01/santamarta-100120-noi-yeu-chua-ma-khong-yeu-tha-nhan-la-noi-doi.html truy cập ngày 02/01/2025
[7] x. Nhóm Nghiên cứu Linh đạo MTG, Tiếu sử Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte, 1998, số 31
[8] Nhóm Nghiên cứu Linh đạo MTG, Tuyển tập bút tích, Btt 9