Trình Diện

52

Trinh DienTrình diện là ra mặt cho người ta biết, là gặp mặt trực tiếp một người nào đó, đặc biệt là gặp người lớn và có quyền thế. Trình diện có dạng tích cực và tiêu cực, có thể đáng buồn hoặc đáng vui. Trình diện khá đa dạng: Những người sắp kết hôn trình diện ông bà, cha mẹ, họ hàng đôi bên; phạm nhân trình diện cảnh sát hoặc tòa án; quân nhân trình diện cấp trên sau thời gian đi công tác hoặc nghỉ phép; tu sĩ trình diện bề trên khi đi đâu về; trò trình diện thầy… Đủ dạng và đủ cấp độ trình diện.

Trong Kinh Thánh có nhiều dạng trình diện khác nhau. Cựu Ước cho biết: “Ông Giuse được ba mươi tuổi khi ra trình diện Pharaô, vua Ai-cập. Ông cáo biệt Pharaô và rảo qua khắp xứ Ai-cập. Trong bảy năm sung túc, đất đã sinh ra mùa màng dư dật” (St 41:46-47). Sau khi anh em hùa nhau giết “thằng chiêm bao” Giuse, nhưng rồi một người anh ngăn cản nên họ đem bán Giuse làm nô lệ. Nhưng Giuse được Thiên Chúa che chở và danh tiếng lẫy lừng. Khi biết tin, ông Ít-ra-en bảo các con đi gặp Giuse: “Những người này lấy những món quà đó, mang theo số bạc gấp đôi, và đem Ben-gia-min theo. Họ đứng lên, xuống Ai-cập và vào trình diện ông Giuse” (St 43:15). Giờ đây, các anh phải “trình diện” quan em là Giuse.

Trình diện cũng có luật rõ ràng và nghiêm túc: “Mỗi năm ba lần, tất cả đàn ông con trai của anh em phải đến trình diện Đức Chúa, ở nơi Người chọn: vào dịp lễ Bánh Không Men, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều. Người ta sẽ không đến trình diện Đức Chúa tay không” (Đnl 16:16). Trong thời gian sống trong sa mạc, cố gắng nằm gai để chờ ngày nếm mật tại Đất Hứa, chính ông Mô-sê đã truyền luật cho dân: “Sau bảy năm, vào thời kỳ có năm tha nợ, trong dịp lễ Lều, khi toàn thể Ít-ra-en đến để ra trình diện Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ở nơi Người chọn, anh em phải đọc luật này trước toàn thể Ít-ra-en, cho họ nghe” (Đnl 31:10-11). Sau khi chiến thắng, đích thân Đa-vít ra trình diện vua Sa-un (Đnl 17:55-58).

Trong thị kiến thứ tám về “chiến xa”, ngôn sứ Dacaria nghe thần sứ lên tiếng trả lời: “Đó là bốn luồng gió trời tiến đi sau khi đã trình diện Chúa Tể toàn cõi đất. Xe thắng ngựa ô tiến về đất bắc, ngựa bạch tiến theo sau; ngựa đốm tiến về đất nam” (Dcr 6:5-6). Đặc biệt nhất là chính Thiên Chúa đã tuyên phán rạch ròi: “Chính tay Ta đã thiết lập địa cầu, tay hữu Ta đã trải rộng trời cao. Ta gọi chúng, chúng cùng nhau trình diện” (Is 48:13).

Tân Ước cũng đề cập một số trường hợp trình diện. Chúa Giêsu chữa lành và bảo người phong cùi đi trình diện các tư tế (Mt 8:1-4; Mc 1:40-45; Lc 5:12-14), Ngài cũng bảo mười người phong cùi đi trình diện với các tư tế (Lc 17:14). Và rồi Thánh Phaolô cũng đã từng ra trình diện vua Ác-ríp-pa (Cv 25:13-27).

Con cái trình diện cha mẹ, bề dưới trình diện bề trên, người nhỏ trình diện người lớn,… Đó là chuyện bình thường. Nhưng thật là kỳ lạ, vì ngay cả ma quỷ cũng phải trình diện Thiên Chúa: “Một ngày kia, con cái Thiên Chúa đến trình diện Đức Chúa; Satan cũng đến trong đám họ để trình diện Đức Chúa” (G 2:1).

Đối với các Kitô hữu, hằng ngày mỗi người phải tự trình diện Thiên Chúa khi xét mình vào buổi tối trước khi đi ngủ. Và hằng tháng, chí ít là hằng năm, người Công giáo trình diện Thiên Chúa bằng cách lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Ngay cả khi thức dậy vào buổi sáng, họ cũng phải trình diện Thiên Chúa, kể cả nhiều lúc khác trong ngày. Ai càng yêu mến Ngài thì càng muốn trình diện Ngài.

Cuối cùng, lần trình diện quan trọng và đáng sợ là lúc chết, quan trọng nhất và đáng sợ nhất chính là Ngày Phán Xét Chung – lúc này biết rõ ai là chiên và ai là dê (x. Mt 25:31-46). Trong các cuộc xét xử khác, người ta có thể kháng án, tự biện hộ hoặc có luật sư biện hộ, nhưng tại Cuộc Phán Xét Chung, không ai có thể tự biện minh và không có ai biện hộ. Cuốn-sách-cuộc-đời đã ghi đầy đủ từng chi tiết, cuốn-phim-cuộc-đời đã ghi đầy đủ mọi hình ảnh, và cuộn-băng-cuộc-đời cũng đã ghi rõ ràng từng âm thanh nhỏ nhất của nhịp thở. Không thể biện minh được chút gì. Tất cả là đời đời rồi!

Cuộc trình diện Thiên Chúa vừa đáng sợ hãi vừa đáng vui mừng. Còn tùy người. Cổ nhân đã nói: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Người ta có thể biết trước thời điểm sinh một cách tương đối khá chính xác, nhưng không ai có thể biết trước lúc chết, ngay cả đối với những người xem chừng sắp chết đến nơi mà cũng chẳng ai đoán được tương đối chính xác. Có người tưởng chỉ vài giờ nữa sẽ tắt thở, nhưng rồi kẻ hấp hối đó vẫn sống thêm vài ngày nữa.

Sinh – tử là chuyện của Ông Trời, phàm nhân chỉ biết cúi đầu tuân lệnh. Vâng, dù là người vô tín ngưỡng hoặc vô thần, người ta cũng vẫn nói: “Trời kêu ai nấy dạ, trời gọi ai nấy đi”. Như vậy, dù không minh nhiên nhưng mặc nhiên họ vẫn có phần tâm linh đấy chứ! Quả thật, “chuyến đi xa” này bất ngờ hơn cả sự bất ngờ, và kẻ “ra đi” không bao giờ hẹn tái ngộ, một chuyến đi rất xa… rất xa…

Họ đi đâu vậy? Người ta thường nói rằng họ về nơi “chín suối” – nói văn hoa là “cửu tuyền”, về nơi “suối vàng” (hoàng tuyền), về Niết Bàn,… Nói là nói vậy chứ chẳng ai biết nơi đó là nơi nào hoặc ở đâu.

Nhưng với các tín hữu, những người có niềm tin vào Đức Kitô, Ngôi Hai mặc xác phàm, nơi đó rõ ràng và chính xác, nơi mà Đức Giêsu đã đến và cũng đã về lại nơi đó, nơi mà Ngài gọi là “về cùng Chúa Cha” (Ga 14:28). Vì thế, các tín hữu “ra đi” không hẹn gặp lại nơi trần gian nhưng hẹn gặp lại trên Thiên Quốc, họ ra đi để về với Thiên Chúa hằng sinh, Đấng từ bi nhân hậu và giàu lòng thương xót.

Tháng Mười Một lại về như một cuộc hẹn với các linh hồn nơi Luyện Hình, và cũng là dịp để chúng ta chuẩn bị cho cuộc trình diện với Thiên Chúa mà không ai không hẹn, càng phải chuẩn bị hơn vì cuộc trình diện này là cuộc-hẹn-bất-ngờ. Vâng, có thể lát nữa, ngày mai, tuần tới, tháng sau hoặc năm tới, chúng ta phải “trình diện” Thiên Chúa.

Càng chuẩn bị kỹ, chúng ta càng an tâm và sẵn sàng “lên đường” bất cứ lúc nào. Thánh Phaolô nói: “Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4:14). Điều Thánh Phaolô nói liên quan cuộc-trình-diện-bất-ngờ mà chúng ta đang đề cập, dù ông không dùng hai chữ “trình diện”.

Trong các đám tang, một số nơi đọc Kinh Bảo Đàng, lời kinh hay lắm: “…Trái xanh trái chín cùng một chúa cây, Người muốn hái trái nào chẳng kỳ chín hay là xanh. Vậy dù già dù trẻ, chớ lấy sự chết là dễ làm chi. Sự chết là sự thật, giờ chết chẳng ai biết đâu…”. Đó là những từ ngữ nhắc chúng ta phải luôn nhớ tới thời điểm chúng ta ra trình diện Thiên Chúa – dù muốn hay không.

Chúng ta cùng đọc và suy lời Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Thời ông Nô-ê thế nào thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, một người được đem đi, một người bị bỏ lại” (Mt 24:37-41).

Đặc biệt là lưu ý và ghi nhớ câu quan trọng này: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến (Mt 24:42-44).

Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Hình. Ước gì mỗi chúng ta đều có thể hân hoan nói với nhau: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa” (Tv 122:1). Về Nhà Cha thì phải hân hoan chứ!

Lạy Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, xin thương xót chúng con. Chúng con chân thành xin lỗi Chúa. Xin Chúa tha thứ hình phạt để các linh hồn mau được trình diện Ngài và được hưởng phúc trường sinh. Lạy Đức Mẹ Maria, lạy Đức Thánh Giuse, lạy các thánh, xin nguyện giúp cầu thay. Xin các linh hồn cũng nguyện giúp cầu thay cho chúng con đang trên đường lữ hành trần gian. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Suy niệm với bài thánh ca Trình Diện: https://www.youtube.com/watch?v=xtXJSIKjj7U