Đời sống chung, đời sống chia sẻ trong một gia đình hay cộng đồng, vượt ngoài cái tôi riêng và những người quen thân riêng của chúng ta, có thể là phép trị liệu mạnh mẽ bởi vì nó đưa chúng ta vào đời sống người khác.
Bốn mươi năm trước, tác giả Philip Rieff viết một quyển sách có tiêu đề Chiến thắng của Trị liệu (Triumph of the Therapeutic). Về căn bản, ông lập luận rằng ngày nay, ở thế giới phương Tây, quá nhiều người cần trị liệu tâm lý chủ yếu bởi cấu trúc gia đình của họ đã suy yếu và nhiều cấu trúc cộng đồng bị phá vỡ. Ông cho rằng trong những xã hội vẫn còn các gia đình mạnh mẽ và cộng đồng mạnh mẽ, thì ít cần trị liệu cá nhân hơn, người ta có thể dễ dàng xử lý các vấn đề của mình giữa gia đình và cộng đồng. Ngược lại, ở những nơi mà gia đình và cộng đồng suy yếu, chúng ta gần như bị bỏ mặc, tự xử lý những vấn đề của mình với trị liệu viên hơn là với gia đình.
Nếu Rieff đúng, và tôi cho là đúng, thì nó cũng nói lên rằng lời giải đáp cho nhiều vấn đề khiến chúng ta phải đi tư vấn tâm lý, có thể chính là sự tham gia lành mạnh hơn vào đời sống chung, bao gồm đời sống giáo hội, hơn là đi tư vấn tâm lý riêng. Như Parker Palmer từng nêu lên, chúng ta cần sự trị liệu của đời sống chung.
Nói thế nghĩa là sao? Trị liệu của đời sống chung là gì?
Đời sống chung, đời sống chia sẻ trong một gia đình hay cộng đồng, vượt ngoài cái tôi riêng và những người quen thân riêng của chúng ta, có thể là phép trị liệu mạnh mẽ bởi vì nó đưa chúng ta vào đời sống người khác, cho chúng ta một nhịp điệu và kết nối chúng ta với những nguồn lực mạnh hơn là sự thiếu thốn trong đời sống chúng ta.
Tham gia vào đời sống của người khác một cách lành mạnh có thể đưa chúng ta vượt lên những ám ảnh riêng của mình. Nó cũng có thể giữ cho chúng ta bền vững. Đời sống chung thường có một nhịp điệu nhất định và sự đều đặn có thể giúp bình lặng cơn lốc xoáy hỗn loạn của những khắc khoải, trầm cảm và trống vắng thường hủy hoại đời sống chúng ta. Tham gia vào đời sống chung cho chúng ta những việc được xác định rõ ràng để làm, những điểm dừng đều đặn, những sự kiện có cơ cấu và ổn định, và một nhịp điệu – những điều mà không một bác sĩ tâm lý nào có thể cho chúng ta. Đời sống chung liên kết chúng ta với những nguồn lực vượt quá chúng ta, và đôi khi chỉ có chúng mới giúp được chúng ta.
Khi nghiên cứu ở Bỉ, tôi được vinh hạnh tham dự các bài diễn thuyết của Antoine Vergote, một bác sĩ tâm lý học lừng danh và một tâm hồn nhạy bén. Một hôm nọ, tôi hỏi ông về cách xử lý những ám ảnh cảm xúc gây tê liệt, cả với bản thân mình và cả khi muốn giúp đỡ người khác.
Câu trả lời của ông làm tôi kinh ngạc. Về căn bản, ông nói thế này: “Khi cha là linh mục, cha thường bị thôi thúc đưa ra lời khuyên như thế này: “Hãy đưa rắc rối của con đến nhà nguyện! Hãy cầu nguyện. Chúa sẽ giúp con”. Không phải là cách đó sai. Chúa và việc cầu nguyện, có thể và thật sự có ích. Nhưng những vấn đề ám ảnh chủ yếu là những vấn đề do quá tập trung, và cách để phá vỡ nó, chủ yếu là đi ra khỏi con người mình, ra khỏi tâm trí mình, tấm lòng mình, đời sống và không gian của mình. Vậy nên, về chuyện này, tôi khuyên chúng ta nên tìm đến những gì chung, công cộng, từ giải trí, chính trị cho đến công việc. Hãy ra khỏi thế giới khép kín của mình. Hãy kiên quyết đi vào đời sống chung”.
Dĩ nhiên, ông nói tiếp, việc này không giống với cái thôi thúc đơn giản là vùi mình vào những thú vui cho quên đời hay cắm đầu làm việc để quên. Lời khuyên của ông không phải là chúng ta nên chạy trốn khỏi việc xử lý nội tâm đau đớn, mà là việc giải quyết những vấn đề nội tâm riêng tư cũng dựa vào các mối quan hệ bên ngoài, vào những mối quan hệ thân mật lẫn những mối quan hệ chung.
Tôi xin đưa ra một ví dụ: Hơn mười năm qua, tôi dạy thần học ở Học viện Thần học Newman tại Edmonton, Canada. Trường của chúng tôi nhỏ và ấm cúng, nên đời sống chung rất mạnh. Thỉnh thoảng, có người nào đó đang gặp bất ổn hoặc mỏng manh về cảm xúc sẽ tìm đến trường, không phải để ghi danh một khóa học nào đó, mà đơn giản là được ở trong cộng đồng chúng tôi, cầu nguyện với chúng tôi, giao thiệp với chúng tôi và ngồi dự vài lớp học. Lúc nào cũng vậy, tôi thấy họ dần vững vàng và mạnh mẽ lên về cảm xúc, và họ tìm được một sức mạnh mới và sự cân bằng mới, không phải từ những gì họ tiếp thu được trong buổi học cho bằng từ việc họ tham gia vào đời sống sân trường bên ngoài những lớp học đó. Sự trị liệu của đời sống chung đã giúp chữa lành cho họ.
Với tín hữu kitô chúng ta, điều này cũng có nghĩa là sự trị liệu của đời sống giáo hội. Nhờ tham gia đời sống chung của giáo hội cách trọn vẹn hơn và lành mạnh hơn, mà chúng ta mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn, ít ám ảnh hơn và tâm hoan ít bị khắc khoải bồn chồn khống chế. Các tu sĩ có những bí quyết đáng để chúng ta học hỏi. Từ lâu họ đã hiểu được, một chương trình đều đặn, một nhịp điệu thường nhật, một việc mà mình phải thực hiện, và kỷ luật của tiếng chuông tu viện kêu gọi mọi người đến dự một hoạt động chung (dù hoạt động đó có hợp ý với người đó vào lúc đó không), chính chúng giữ cho chúng ta tỉnh táo và ổn định về mặt cảm xúc. Đi tham dự thánh lễ đều đặn, cầu nguyện đều đặn với người khác, gặp gỡ đều đặn với ai đó, những bổn phận đều đặn và trách nhiệm đều đặn trong cộng đồng giáo hội không chỉ giúp nuôi dưỡng chúng ta về mặt tâm lý mà còn giúp giữ chúng ta tỉnh táo và ổn định. Trị liệu riêng đôi khi có thể có ích, nhưng đời sống chung và đời sống giáo hội, với nhịp điệu và những đòi hỏi thường nhật đều đặn, hơn bất kỳ thứ gì khác, có thể giúp chúng ta vững vàng trên đôi chân của mình.
J.B. Thái Hòa dịch
Ronald Rolheiser,