Tri ân là vẻ đẹp của Kitô giáo

111

TRI ÂN LÀ VẺ ĐẸP CỦA KITÔ GIÁO

Cám Ơn là công thức lễ độ và là tiếng nói tri ân đầu tiên tôi luôn luôn thông truyền cho con cái tôi. Đối với tôi, đó là chiều kích chính yếu của nền giáo dục Công giáo. Tiếng “Cám Ơn” được diễn tả với trọn lòng chân thành thì cũng thật đẹp y như một món quà trao tặng hoặc nhận lãnh. Gia đình chúng tôi luôn luôn có thói quen bày tỏ lòng tri ân đối với các giáo sư, các trưởng hướng đạo và các vị phụ trách các sinh hoạt chung, các trại hè…

Cám Ơn không phải chỉ thuần tuý là hình thức lịch sự xã giao. Không! Tôi muốn đi xa hơn. Khi bắt đầu dạy cho các con biết nói hai tiếng Cám Ơn, tôi cũng chú ý giáo dục các con biết nhạy cảm hướng đến một chiều kích cao cả hơn. Đó là tâm tình cảm tạ tri ân THIÊN CHÚA. Cám Ơn THIÊN CHÚA trong mọi nơi mọi lúc về tất cả các ơn lành chúng ta nhận lãnh trong đời sống thường ngày. Và nhất là vào những biến cố trọng đại. Luôn luôn hướng lòng lên cao và chúc tụng ngợi khen THIÊN CHÚA.

Đúng như thế. Tâm tình tri ân nằm giữa lòng Đức tin Công giáo. Lời kinh cảm tạ trải dài rải rác trong hầu hết các Thánh vịnh. Tâm tình tri ân đạt cao điểm trong Bí tích Thánh Thể. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo viết: Thánh Thể là hy lễ tri ân cảm tạ dâng lên THIÊN CHÚA CHA, một lời chúc tụng qua đó Giáo Hội bày tỏ lòng tri ân đối với THIÊN CHÚA về mọi ơn lành Ngài ban cho chúng ta, về những gì Ngài hoàn tất qua công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá. Thánh Thể có nghĩa trước tiên là Chúc tụng Tạ ơn.

Nếu Kitô giáo dành một chỗ quan trọng chính yếu cho tâm tình cảm tạ tri ân chính là vì tâm tình này có mối liên hệ mật thiết với THIÊN CHÚA và giữa loài người là anh chị em với nhau. Nói lời Cám Ơn hàm chứa việc nối kết mối dây thân tình với tha nhân. Chính tâm tình tri ân làm nên vẻ đẹp của Kitô giáo. Cho dầu đôi lúc bị bắt buộc phải nói lời Cám Ơn đi nữa thì điều này cũng không thể ngăn cản người nói lời Cám Ơn với trọn tấm lòng chân thành. Thông thường lời Cám Ơn đi kèm với cử chỉ chân thật, không giả dối. Một lời Cám Ơn máy móc thì không phải là lời Cám Ơn đúng nghĩa.

Người ta tự hỏi: Làm thế nào để lời Cám Ơn có giá trị? Phải chăng chính Đức tin làm cho tín hữu Công giáo trở nên nhạy cảm đối với tha nhân và dẫn đưa các tín hữu đến chỗ biết diễn tả lòng ghi ơn chân thành? Hay là bởi vì khi tín hữu trang trọng nói lời Cám Ơn tha nhân mà tín hữu khám phá ra sự hiện diện của THIÊN CHÚA? Đúng ra đó là hành động hai chiều. Tín hữu Công giáo không thể bước theo Đức Chúa GIÊSU KITÔ mà lại không quan tâm chú ý đến anh chị em đồng loại. Ngược lại, chính nhờ sự hiện diện của THIÊN CHÚA trong cuộc sống mà các tín hữu Công giáo có thể thoát ra khỏi chính mình, giũ bỏ cái tôi ích kỷ để nghĩ đến người khác, quan tâm săn sóc tha nhân. Khi một người biết luôn luôn nói lời Cám Ơn thì cũng giúp người ấy tiến đến gần THIÊN CHÚA hơn.

Người ta thường lầm tưởng rằng mối liên hệ với THIÊN CHÚA thật là xa vời. Vậy thì, chính lời Cám Ơn nhắc nhở tín hữu Công giáo về chiều kích đơn sơ giản dị của Đức tin Công giáo. Nói Cám Ơn tức là ý thức về những gì chúng ta nhận lãnh và tự đặt mình sẵn sàng tiếp nhận Lời Chúa. Thật tuyệt đẹp! Hãy luôn nói Cám Ơn và mãi mãi nói Cám Ơn chân thành không dối trá!

Chứng từ của bà Marie – tín hữu Công giáo Pháp, 48 tuổi, có 3 người con. Gia đình bà sống tại Havre ở Seine-Maritime nằm về phía bắc thủ đô Paris.

… “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp THIÊN CHÚA. Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa, hết lòng hết dạ kiếm tìm Người. Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo Lời Chúa dạy. Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài, xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa. Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung. Lạy Chúa, con dâng lời ca tụng, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con. Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại, các quyết định miệng Ngài phán ra. Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể. Con sẽ gẫm suy huấn lệnh Chúa truyền, đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa. Con vui thú với thánh chỉ Ngài chẳng quên Lời Ngài phán” (Thánh vịnh 119(118) 1-2/9-16).

(“Pèlerin”, L’Hebdo Du Quotidien, n. 6648 – Jeudi 29 Avril 2010 – trang 41)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Nguồn: RV