Trên cây thập giá

190

jesus-crossBị treo trên cây thập giá, Giêsu không chỉ chịu đựng nỗi đau về thân xác, nhưng còn phải đón nhận lấy hết tất cả những lời nói khinh miệt, thách thức của con người. Ngài lại còn phải chịu cảm giác cô đơn đến tột cùng khi không nghiệm thấy được sự hiện diện của Cha ở bên mình. Trên cao ấy, Giêsu thấm thía hơn thế nào là vâng phục, thế  nào là nỗi cay đắng của thế gian, thế nào là sự bạc bẽo của nhân loại. Giêsu ý thức được rằng chính bởi giây phút này mà Ngài mới giáng sinh xuống thế. Ngài đến là để thay con người hiến dâng một của lễ có một không hai. Ngài đến là để dâng chính Ngài.

Giờ đây, những giây phút cuối cùng của cuộc sống nhưng đang dần trôi qua cách chậm rãi. Ánh tà dương như đang báo hiệu cho đoạn kết của một cuộc hành trình. Giêsu đến thế gian là để ở với con người và để cứu vớt con người, nhưng ngay từ khi mới sinh, Ngài đã bị xua đuổi. Khi còn là một bé thơ nhỏ xíu nằm trong vòng tay mẹ, Giêsu đã phải chạy trốn người ta. Rồi những phút giây ấm êm và nhàn hạ bên gia đình nhỏ bé ở Nazaret, những bữa cơm đạm bạc nhưng chan chứa niềm vui, những tiếng cười đùa nhảy múa bên chúng bạn. Đến khi nghe tiếng vị Tiền Hô cất tiếng trong sa mạc, Ngài thấy trong lòng ngổn ngang bao thổn thức. Một tiếng gọi mời bừng dậy nơi tâm can, thôi thúc Ngài lên đường thi hành sứ vụ. Những bước chân dong duổi khắp thôn miền khu xóm, chia sẻ cho bao người biết về chân lý Tin Mừng, về niềm vui cứu độ. Có khi bên sườn đồi, có khi bên gốc cây, có khi bên hồ nước.

Ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào, Giêsu cũng có thể đưa ra những lời giáo huấn thâm sâu. Nhìn đồng lúa mênh mông, Người nghĩ đến bao tâm hồn đang cần được xoa dịu. Nhìn con chim sẻ đang tìm thức ăn, Người lớn tiếng ca ngợi Chúa Cha vì đã luôn quan phòng cho mọi loài dưới thế. Nhìn hạt thóc vương vãi, Người buồn phiền khi nghĩ đến những ai chưa mở lòng đón nhận Lời hằng sống. Nhìn cỏ dại mọc lên, Người thương xót cho những cành lúa đang yếu ớt chống chọi giữa đồng. Biết bao chân lý nhiệm mầu Người đã luôn sẻ chia cho những môn đệ yêu dấu. Đi đến đâu, Người tuôn đổ hồng ân từ trời đến đấy. Ngài nâng dậy những kẻ liệt lâu năm. Ngài mở mắt cho những ai không thấy, mở đôi tai cho kẻ không nghe, Ngài chữa lành những ai bị phong hủi. Ngài nuôi sống những ai đang đói lã giữa đường. Bất cứ ai tìm đến với Ngài đều gặp được niềm vui và một sự giải thoát.

Rồi mới đây thôi, Ngài còn bịn rịn chia tay với những môn đệ dấu yêu. Ngài trao ban cho các ông những bài học tâm huyết, căn dặn các ông những điều cần thiết, hứa hẹn với các ông về một cuộc tái ngộ mới sẽ chẳng bao giờ tan. Dù trong lòng bao nỗi buồn phiền như cồn cào đau buốt, Ngài vẫn trao ban cho các ông những lời an ủi thật chân tình và thiết tha. Một đêm qua đi, cũng bấy nhiêu thời gian đó, nhưng sao trôi dài đằng đẳng thê lương. Bao tiếng chửi rủa, bao lời vu oan, tiếng đòi roi giáng xuống. Quảng đường dài đi từ chân núi lên đây, những mệt mỏi, những khổ đau. Tiếng búa chan chát gõ vào đinh sắt như vẫn còn vang vọng đâu đó. Tiếng cười hả hê như còn ở bên tai. Cái ngạo nghễ của con người ngày xưa khi đưa tay hái trái cấm dường như đang lặp lại. Họ tưởng là bằng những âm mưu tàn độc, họ có thể củng cố cho uy quyền của mình, họ có thể cho mình một vị thế ngang hàng với Tạo Hóa. Ít ra, trong phút giây ngắn ngủi còn lại trên thập giá này, Ngài còn gặp lại người Mẹ thân yêu đã một đời hy sinh cho Ngài, và nhờ Mẹ tiếp tục chăm sóc cho các môn đệ của mình. Và cũng trong khoảnh khắc hiếm hoi này, Ngài đã đưa tay đón lấy tấm lòng ăn năn thống hối của một người cũng đang bị treo phía bên kia.

Những gì Cha muốn Ngài làm, Ngài đã chu toàn hết tất cả với trọn vẹn tấm lòng của một người con. Kể cả những xua đuổi của con người, kể cả những bội phản của nhân loại. Nào là đớn đau, nào là mệt mỏi, nào là thập giá nặng vai, nào là chửi rủa inh ỏi, nào là cô đơn, nào là nước mắt… Giêsu đã ôm trọn vào lòng hết tất cả. Ngài đã sống trọn vẹn và đã hứng chịu mọi sự như một con người, một con người ở vị trí rốt cùng hết. Đến đây, mọi sự đã hoàn tất nên Ngài dâng mọi sự vào tay Cha, Ngài phó thác hồn Ngài trong tay Cha. Đôi mắt dần mờ đi, đôi tai không còn nghe rõ nữa, những đau đớn dường như cũng phôi phai dần, không còn mấy cảm giác. Chẳng còn sức đâu mà cố giữ thân người. Đầu đội mão gai của Người không thể nào gượng thêm được nữa. Dòng hơi cuối cùng trong người vội thoát ra. Gục đầu xuống, sứ mạng tại thế của Người chấm dấu hết sang trang.

Trên cây thập giá là hình ảnh một Thiên Chúa “không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (x. Pl 2,6-11). Trên cây thập giá là hình ảnh của một con người “đến để phục vụ, chứ không phải được phục vụ” (Mc 10,45), mà phục vụ không chỉ là cho đi vào đồng tiền bố thí hay nói vài lời an ủi cho qua. Phục vụ là hiến cả mạng mình, là cho đi tất cả, bất chấp người ta có đối xử tệ bạc với mình như thế nào. Trên cây thập giá là hình ảnh đích thực của một tình yêu nhưng không, một tình yêu không vun vén cho mình, một tình yêu vô vị lợi, yêu Cha hết linh hồn, hết thân xác, hết sức lực và yêu tha thân “đến cùng” (x. Mc 12,28-31; Ga 13,1).

Đớn đau không còn nữa, tủi nhục không còn nữa. Có đánh đòn hay mắng nhiếc Ngài đi nữa thì cũng chẳng có ích chi. Chơ vơ trên ngọn đồi cao, trong tiếng hú rợn rùng, một thân hình tả tơi treo lơ lửng. Lặng im nhưng lại nói lên nhiều điều thẳm sâu, chất vấn những ai đang nhìn đến. Ngay trong giây phút ấy, thế lực sự dữ bị đánh bại, cửa thiên đàng bị đóng kín bao nhiêu năm qua nay mở toang, ơn cứu độ lai láng của Thiên Chúa ào ạt tuôn xuống cho mọi loài thụ tạo. Muôn loài hò hét mừng chiến thắng của vị cứu tinh. Cả núi đồi chuyển rung như tiếng trống khải hoàn hùng tráng. Giêsu đã vác thập giá của mình đi đến nơi Cha muốn. Đây sẽ là giờ Cha làm công việc của mình. Sự vâng phục và tình yêu đã giúp Giêsu đập tan thế lực tăm tối vốn đang thống trị thế giới này.

Đau đớn sẽ qua đi, mọi cái đều sẽ qua đi. Hãy cứ tin vào lời Cha mà tiến bước. Cuối đường hầm tối tăm là khoảng trời ngợp nắng với hoa. Mở mắt ra, người công chính sẽ thấy được Thiên Đàng.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ