Trân trọng giới thiệu một tài liệu dạy giáo lý

143

BỞI VÌ THIÊN CHÚA CÓ THẬT:

16 câu hỏi, một câu trả lời

Làm thế nào để “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3:15)

Tác giả: Peter J. Kreeft

 

NXB Ignatius—San Francisco 2008

Peter Kreeft là Giáo Sư Triết khá quen thuộc đã giảng dậy nhiều năm tại Boston College. Ông là tác giả của hơn 40 tác phẩm, trong đó có nhiều cuốn bán rất chạy. Các tác phẩm ông viết rất đa dạng, bao gồm đủ mọi đề tài: linh đạo, triết học, hộ giáo, kinh thánh, luân lý, và nhiều chủ đề khác nữa. Một vài tác phẩm của ông là: Heaven, the Heart’s Deepest Longing, Back to Virtue, You Can Understand the Bible, Angels and Demons, Philosphy 101, và Summa of the Summa.

Qua phần dẫn nhập được phỏng dịch dưới đây, độc giả có thể nhận thấy dễ dàng từ hình thức, nội dung cho đến chủ đích của tác giả Peter Kreeft khi viết cuốn sách này.

Về hình thức, tác giả đặt ra 16 câu hỏi, rồi từ mỗi câu hỏi này, khi khai triển, tác giả bao gồm thêm 10 câu hỏi liên quan nữa, vị chi là 160 câu cả thảy (16 x 10).

Về nội dung, lược qua toàn thể 16 câu hỏi, ta có thể nói tóm gọn đó là những câu hỏi then chốt, những vấn nạn nghiêm trọng liên quan đến ý nghĩa sâu xa của cuộc đời, cũng như những câu trả lời nhằm minh chứng tính hợp lý của niềm tin Kitô giáo. Những câu hỏi này ít nhiều đã được đặt ra cho mỗi người chúng ta, trong một khoảnh khắc nào đó, có khi minh nhiên, có khi mặc nhiên trong vùng tiềm thức. Có đôi lúc ta không muốn trực diện với chúng, ta phớt tỉnh đi. Có thể là một lần, vài ba lần, hoặc nhiều lần. Nhưng rồi chúng vẫn trở lại, dằn vặt ta, thúc bách ta phải tìm cho được một câu trả lời. Ngoài ra, những câu hỏi và trả lời liên quan đến Kitô giáo đều trực tiếp hay gián tiếp đáp ứng lại lối tấn công từ phía những tác giả vô thần hay chủ truơng bất tri, những kẻ lúc nào cũng luôn rình rập đả kích–nhiều khi rất hung hăng–niềm tin tôn giáo truyền thống. Ta phải luôn sẵn sàng trả lời cho những ai chất vấn niềm tin của mình, đúng như câu trích từ trong thư thứ nhất của thánh Phêrô mà tác giả trưng dẫn ngay dưới tựa đề cuốn sách này.

Như vậy, chủ đích của tác giả rõ rệt là một chủ trương hộ giáo. Với lối lập luận đơn sơ nhưng vững chắc, lối suy tư sâu sắc và diễn dịch trong sáng, đôi lúc pha lẫn chút khôi hài dí dỏm, Peter Kreeft đã cho thấy ông đúng là một giáo sư triết chính hiệu—không phải theo nghĩa “huyền siêu như triết”—mà là rất thực tế, rất nhân bản, và đầy sức thuyết phục. Theo hướng này, cuốn sách không chỉ dành riêng cho người tín hữu, mà cả cho những kẻ không tin, hay còn đang trăn trở với những nỗi nghi hoặc mênh mông. Vả lại, sách không hề được viết riêng cho giới trẻ, mà cho cả người lớn, cho những người đang khai tâm tìm đến niềm tin, cũng như cho những ai đã rửa tội từ tấm bé và vẫn còn đang tiếp tục sống niềm tin ấy. Tất cả sẽ kín múc được từ cuốn sách này niềm xác tín và sự kiên cường cần thiết trước muôn vàn những sóng gió hoài nghi gây ra bởi trào lưu duy tục, duy tương đối và duy vật hôm nay.

Xin mời bạn đọc lướt qua phần dẫn nhập.

NỘI DUNG

Dẫn Nhập

1. Tại sao các câu hỏi này đáng đặt ra?

2. Tại sao tôi hiện hữu?

3. Tại sao đức tin lại hợp lý?

4. Làm sao bạn có thể chứng minh rằng Thiên Chúa có thật?

5. Tại sao lại tin vào Thánh Kinh?

6. Tại sao Chúa Giêsu lại khác thường?

7. Tại sao lại phải là Công giáo?

8. Tại sao lại đi nhà thờ?

9. Tại sao phải sống theo luân lý?

10. Tại sao vấn đề phái tính lại tùm lum như thế?

11. Tại sao ta lại có gia đình?

12. Tại sao lại có nhân đức và các nết xấu?

13. Tại sao phải cầu nguyện?

14. Tại sao ta lại không hạnh phúc?

15. Tại sao lại có sự ác?

16. Tại sao ta lại phải chết?

 

Kết luận

Cuốn sách này viết ra để làm gì? Vấn đề nó đặt ra như thế nào? Thực ra cuốn sách sẽ chẳng có giá trị gì nếu nó không giúp bạn tìm ra câu trả lời cho ba câu hỏi về chính bản thân bạn: (1) Tôi là ai? (2) Tôi đã từ đâu đến? (3) Tôi đang đi về đâu?

(1) Suốt cả cuộc đời, chúng ta liên tục tìm tòi để khám phá ra mình là ai. Chẳng ai trong chúng ta đi tới được tận cuối con đường ấy khi còn sống trong cuộc đời này. Chẳng ai trong chúng ta hoàn toàn thấu hiểu được mình là ai, một khi chúng ta ngừng cuộc kiếm tìm chính mình này.

Bạn là một cá nhân duy nhất không ai thay thế được. Xưa nay chưa từng có ai y chang như bạn; cả trong tương lai cũng vậy, sẽ chẳng hề có ai y chang như bạn cả. Bạn có một công việc đặc biệt phải làm trên cõi đời này mà không ai có thể làm được. Ngày qua ngày, bạn càng khám phá ra thêm chút ít về công việc ấy.

Thế nhưng bạn cũng chia sẻ cùng một bản chất con người với tất cả mọi sinh linh khác. Nhiệm vụ của bạn trên cõi đời này là trở thành chính bạn, chỉ một mình duy nhất bạn mà thôi; nhưng cũng là để trở thành một con người, nhiệm vụ này thì ai cũng như nhau. Bạn có thể chọn những môn học khác trong trường, nhưng tất cả chúng ta đều học chung một môn học là “cuộc sống.” Thảm trạng lớn nhất trong đời bạn chính là khi bạn thi trượt môn học cuộc đời, cho dù bạn đậu rất cao trong tất cả các môn học khác.

Chỉ có một mình bạn với Chúa là thấu hiểu được công việc cá biệt của bạn trong đời là gì. Nhưng Hội Thánh Công Giáo cũng hiểu rất rõ công việc này, công việc mà bạn—xét như một hữu thể con người–phải hoàn thành, bởi vì Hội Thánh chính là sứ giả của Tin Mừng/Phúc Âm, hoặc sứ giả của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đem cho loài người chúng ta câu trả lời sau hết và tối hậu trước các câu hỏi như: Ta đang làm gì thế? Tại sao ta hiện hữu? Đâu là ý nghĩa cuộc đời? Cuốn sách bạn đang đọc sẽ xoay quanh câu trả lời này.

(2) Việc bạn là ai thì tùy thuộc vào gốc gác bạn từ đâu đến. Đến từ Hỏa Tinh, bạn sẽ là người từ Hỏa Tinh. Đến từ loài khỉ, bạn sẽ chỉ là một loại hầu. Nhưng nếu bạn được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài, thì bạn chính là Thiên Tử, chứ không phải là con của quái vật Kinh Kông.

(3) Nguồn gốc và bản chất của bạn chính là chìa khóa định mệnh, là mục tiêu đời bạn. Nếu chỉ là cát bụi, thì định mệnh của bạn sẽ chỉ là bụi cát mà thôi—“ngươi sẽ trở về với cát bụi”–bởi lẽ bạn chỉ là một thân xác, chứ không phải là một linh hồn bất tử. Ngược lại, nếu bạn là một nam thần hay nữ thần, được sinh hạ trên cõi thiên thai, nhưng vô tình bị lạc lối dương gian, thì định mệnh của bạn chính là chạy trốn trần gian, thoát khỏi xác phàm để quay bước về nhà, như nhân vật E.T. huyền thoại. Bởi lẽ bạn không thuộc về dương gian này. Câu trả lời của Kitô giáo không phải là như vậy. Bạn thuộc về trần gian, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng bạn như thế, và Ngài để bạn sống trên cõi trần ai này. Thế nhưng, bạn vừa là xác, lại cũng vừa là hồn. Thành ra, định mệnh của bạn là phải trở nên hoàn thiện cả hồn lẫn xác, ở trần gian này, cũng như ở trên Thiên Đàng, sau khi đã sống qua cõi đời này.

Nền văn hoá tân thời nhưng duy tục cống hiến cho ta câu trả lời thứ nhất: ngươi là cát bụi, ngươi là một loài khỉ thông minh. Một vài tôn giáo thời trang lại cống hiến cho bạn câu trả lời thứ hai, nghĩa là bạn không hề là một loài thú, mà là một thiên thần, một thiên thần thuần linh. Kitô giáo đem lại cho bạn câu trả lời thứ ba. Tin vào câu trả lời nào thì sẽ làm cuộc đời bạn thay đổi như thế ấy.

Cuốn sách này dành cho ba nhóm bạn đọc: lớp Thêm Sức, lớp Giáo Lý hoặc giáo dục tôn giáo, và cho những ai muốn đọc cho riêng mình. Nó cũng được dành cho mọi lứa tuổi hậu-Thêm Sức. Thêm Sức thực ra phải là bước khởi đầu–chứ không phải là kết thúc–của một bước giáo dục tôn giáo ngày càng chín muồi. Đức tin Kitô giáo không phải là chuyện con nít.

Thành ra, cuốn sách này dành cho cả thanh thiếu niên lẫn người trưởng thành. Nguyên tắc căn bản trong việc viết sách cho trẻ em mọi lứa tuổi là thế này: nếu người lớn không cảm thấy hứng thú khi đọc sách của bạn, thì bạn đừng viết nữa. Đừng bao giờ lên giọng kẻ cả, kiểu gõ lên trên đầu chúng. Đừng đứng trên cao phán xuống, mà hãy làm bạn đồng trang lứa với chúng. Tôi đã cao tuổi rồi. Tôi sẽ không giả bộ “đi vào” nền văn hoá thời đại. Dẫu sao, mười hay hai mươi năm tới, trào lưu “đi vào” trong nền văn hoá cũng sẽ trở thành “lỗi thời,” y như nền văn hóa mà tôi đã “đi vào” khi còn là trẻ nhỏ. Chính vì thế, thay vì viết sách cho trẻ em, tôi quyết định viết một cuốn sách cho người lớn, nhưng trẻ em lại cũng hiểu được. Cha mẹ các em cũng đọc như các em vậy.

Sách giáo khoa nào cũng đều khô khan như nhau, dù nói về đề tài nào chăng nữa, kể cả tôn giáo. Học sinh, sinh viên thường chẳng hứng thú đọc những sách loại này; cùng lắm là ráng nhớ vừa đủ để làm vui lòng thầy cô, hoặc để thi cho đậu. Nhớ thôi, chứ chẳng thấu hiểu gì. Nếu thế thì phí sức quá. Bởi lẽ nhớ thì phải cố gắng hơn hiểu đến cả chục lần. Vả lại nhớ thì luôn luôn “tối dạ” hơn là thấu hiểu. Điều này đúng khi điều cần hiểu thật sự tối nghĩa. Nhưng càng đúng hơn khi điều cần hiểu lại là một đề tài hứng thú, tỉ như một vụ án mạng bí ẩn nào đó.

Mà quả thế, Tin Mừng hay Phúc Âm chính là một đề tài thú vị, y như một vụ án mạng bí ẩn. Bởi vì trọng tâm của Tin Mừng đúng là một vụ án mạng, vụ giết hại Thiên Chúa cách đây hơn hai ngàn năm tại Giêrusalem. Vị Thiên Chúa này là một niềm bí ẩn tuyệt cùng: Ngài là ai, tại sao Ngài lại dựng nên ta trên cõi đời này, tại sao Ngài lại đến đây và đâu là kế hoạch Ngài đã sắp xếp cho ta? Toàn thể phần còn lại của câu chuyện khởi đi từ đó. Câu chuyện, theo nghĩa đen, là bàn về vấn đề sống chết, sống đời đời và chết vĩnh viễn. Nếu một cuốn sách viết về câu chuyện này mà chẳng gây được hứng thú gì, thì lỗi là do cuốn sách chứ không phải là do câu chuyện.

Một cuốn sách chẳng khác gì một lá thư mà tác giả gửi cho nhiều độc giả. Độc giả thì đủ thành phần: giới tính, tuổi tác, chủng tộc, tín ngưỡng, giáo dục, và sở thích. Nhưng các độc giả lại giống hệt nhau ở điểm này là: họ đều mang nhân tính. Bản tính con người thì y hệt nhau, dù là nam hay nữ, dù người lớn hay trẻ nhỏ, dù thuộc bất kỳ chủng tộc, văn hoá nào. Do đó, với tư cách là một con người, tôi viết cho bạn như là một con người. Chẳng sao cả nếu tôi là một giáo sư đại học, đã luống tuổi, gốc Hoà Lan, da trắng và thích môn trượt nước, còn bạn lại là một nữ sinh trung học da mầu tại nước Jamaica mà lại thích nhẩy múa. Chúng ta đều là người cả; chúng ta đều đồng hội đồng thuyền. Dù là những loài thú khác nhau, tất cả chúng ta đều đang ở trên con tầu của ông No-e.

Hơn nữa, tôi không hề viết cho một nhóm người nào, mà viết cho từng cá nhân một. Khi bạn đọc sách này, bạn đừng nghĩ rằng: “Chắc cả ngàn người may ra mới có một mình tôi đang đọc sách này, nên tôi chỉ là một phần ngàn của những người có trách nhiệm phải hiểu và suy nghĩ về nó.” Ngược lại, bạn nên nghĩ rằng: “Tôi có nguyên một trăm phần trăm trách nhiệm. Đây là một cuộc đối thoại riêng tư. Cuốn sách này là một lá thư tác giả viết riêng cho một mình tôi thôi.” Đây không phải là một lời nói dối hay là một sự giả vờ, mà là một sự thực. Lý do là hiện tại chỉ có một mình bạn đang đọc sách, cũng như lúc này, chỉ có một mình tôi đang ngồi viết.

Thực ra, tôi phải đính chính. Chúng ta chẳng bao giờ ở một mình cả, bởi vì Thiên Chúa có đó. Như thế, có ít nhất là ba người, chứ chẳng phải là hai nữa. Và đó cũng chính là trọng tâm của toàn thể cuốn sách này.

Trước năm 1960, các sách giáo lý thường mang hình thức hỏi-thưa. Chẳng hạn như:

Hỏi: Ai dựng nên ta?

Thưa: Chúa dựng nên ta.

Hỏi: Tại sao Chúa dựng nên ta?

Thưa: Chúa dựng nên ta để ta biết và yêu mến Ngài. Chúa cũng dựng nên ta để ta phụng sự Ngài ở đời này, cho ngày sau được hưởng hạnh phúc với Ngài muôn đời.

Hình thức này thật rõ ràng, sắc nét, ngắn gọn, và đơn giản. Không có một điều gì sai trái cả. Bạn có thể chuyển tải một chân lý sâu xa qua những câu văn ngắn gọn và đơn giản. Hai câu hỏi vừa trưng dẫn cho thấy rõ điều đó. Hai câu hỏi thật là dễ nhớ, bởi lẽ nó vừa đơn giản lại vừa sâu xa. Đối thoại chính là một điểm tích cực khác nữa của dạng hỏi-thưa, câu hỏi và câu trả lời, chứ không phải là một bài giảng.

Tuy nhiên có hai điểm tiêu cực của dạng hỏi-thưa này. Trước hết, học sinh thường chỉ cần nhớ thuộc lòng mà chẳng cần hiểu thấu. Kế đến là nó quá đơn giản và dễ dàng. Nó thiếu mất sự thông đạt cái cảm thức về chiều sâu, tầm lớn lao, sự kinh ngạc, và nét huyền nhiệm vốn là chiều kích cốt tủy của điều gì có thực. Đức tin công giáo chẳng phải là một mớ ý tưởng gọn ghẽ nhẹ nhàng do con người tạo ra, mà là Phúc Âm, tin mừng, tin vui đến ngạc nhiên về điều Thiên Chúa đã làm trên trần gian này và trong cuộc đời chúng ta.

March 19, 2011

Lễ Thánh Cả Giuse

Nguyễn Kim Ngân

Nguồn: Vietcatholic News