Trạm không gian: Nhìn quả đất với con mắt của Chúa

83

Đức Phanxicô nói chuyện với các phi hành gia ở Trạm không gian, 26 tháng 10-2017

fr.zenit.org, Anne Kurian, 2017-10-26

Nhìn Quả đất với con mắt của Chúa, đó là điều tuyệt diệu mà các phi hành gia thổ lộ với Đức Phanxicô trong buổi nói chuyện viễn liên lúc 15 giờ (giờ Rôma) ngày 26 tháng 10-2017.

“Trạm Houston, chúng tôi sẵn sàng cho sự kiện.” Đó là câu hiếm khi nghe ở Vatican, nhưng đã vang lên trong các bức tường nhỏ của Quốc gia nhỏ nhất thế giới này. Trước màn hình trong một căn phòng nhỏ của Đại Thính Đường Phaolô VI, Đức Phanxicô đã nói chuyện trong vòng 25 phút với phi hành đoàn 6 người của chuyến đi 53.

Sau khi điều chỉnh âm thanh, phi hành gia Ý Paolo Nespoli mở đầu buổi nói chuyện, ông xác nhận: “Chúng tôi nhận 5/5” (chúng tôi ở đây nghe rất rõ). Đôi khi phải mất vài giây chờ vì trạm không gian cách Quả đất 400 cây số, các phi hành gia trao đổi với Đức Giáo hoàng về vài chủ đề khác nhau như nghiên cứu, như sức mạnh của tình yêu làm thúc đẩy thế giới, về sự hợp tác quốc tế…

“Chúng con xin cám ơn cha đã ở với chúng con, đã hướng dẫn chúng con hướng lên cao hơn, đã đưa chúng con ra khỏi hệ thống máy móc hàng ngày, đã giúp chúng con suy nghĩ có những chuyện cao lớn hơn chúng con”, ông Paolo Nespoli nói khi kết thúc buổi nói chuyện.

Tất cả sáu phi hành gia đều là tín hữu kitô giáo: một người báp-tít giáo, ba người công giáo, hai chính thống giáo. Đó là các phi hành gia Randolph Bresnik (Mỹ), người điều khiển, NASA; ông Paolo Nespoli (Ý), kỹ sư của ESA; Mark T. Vande Hei (Mỹ), kỹ sư của NASA; Joseph Acaba, (Mỹ, người gốc portoricana), kỹ sư NASA; Sergey Ryazanskiy (Nga), kỹ sư và Alexander Misurkin (Nga), kỹ sư. Đối với các phi hành gia có đức tin, đức tin của họ được sống một cách sâu đậm trên không gian.

Mark Vande Hei, phi hành gia Mỹ người công giáo, rất dấn thân, để lên tinh thần các phi hành gia, chính ông và các bạn đã đề nghị với Trung tâm Không gian NASA Mỹ, thỉnh thoảng mời các người nổi tiếng nói chuyện với họ, trong số các người nổi tiếng này, ông đề nghị Đức Phanxicô.

Với ông, cuộc chinh phục không gian cũng mang một sắc thái viễn du thiêng liêng. Trước khi đi, ông Mark Vande Hei đến giáo xứ để xin linh mục ban phép lành đặc biệt. Ông lo lắng trong sáu tháng trên không gian, ông không được rước lễ ngày chúa nhật. Linh mục Wencil Pavlovsky đã cho ông bình thánh đựng Mình Thánh Chúa để ông có thể rước lễ, để cùng nối kết với cộng đoàn ở đây. Ông Mark 49 tuổi, lập gia đình, có hai người con. Linh mục Wencil, cha xứ của giáo xứ Thánh Phaolô ở Nassau Bay đã mời Hồng y Daniel DiNardo, tổng giáo phận Galveston-Houston, bang Texas và các linh mục trong vùng đến dự buổi nói chuyện với Đức Giáo hoàng trước màn hình của Trung tâm kiểm soát NASA ở Houston.

Ông Roberto Battiston, chủ tịch Cơ quan Không gian Ý (ASI), và ông Josef Aschbacher, giám đốc chương trình Quan sát từ Quả đất của cơ quan không gian Âu châu có mặt bên cạnh Đức Giáo hoàng. Đức Phanxicô ngồi ở một chiếc bàn nhỏ, dưới bức tranh cảnh cuối cùng của tác phẩm Thần Khúc (La Divina Commedia) của văn hào Ý Dante Alighieri.

Sau đây là cuộc nói chuyện giữa các phi hành gia và Đức Phanxicô. 

Đức Phanxicô: Xin chào buổi sáng tất cả các anh.

Paolo Nespoli: Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng con xin chào cha đến với trạm không gian chúng con, cùng với phi hành đoàn 52 và 53. 

Đức Phanxicô: Chào ban ngày hay chào ban đêm, vì khi ở ngoài không gian thì cha không biết là lúc nào! Anh Nespoli thân mến, các bạn phi hành gia thân mến, cha nghĩ ở trạm không gian ngày đi qua khác đây phải không? Cha cám ơn các anh, cha cũng cám ơn những người tổ chức cuộc nối kết này, đã cho cha “được gặp các anh” và được hỏi các anh vài câu hỏi.

Cha xin bắt đầu với câu hỏi đầu tiên: Khoa thiên văn giúp chúng ta ngắm các chân trời vô giới hạn của vũ trụ và gợi lên trong chúng ta các câu hỏi: mình đến từ đâu? Mình đi về đâu? Cha xin hỏi anh Nespoli, qua các kinh nghiệm của anh trong không gian, anh nghĩ gì về chỗ đứng của con người trong vũ trụ? 

Paolo Nespoli: Trọng kính Đức Thánh Cha, đây là một câu hỏi khó, con chỉ là một kỹ thuật gia, một kỹ sư, con thoải mái giữa các máy móc, các thử nghiệm; nhưng khi nói đến các chuyện nội tâm hơn như “mình đến từ đâu…” thì con bối rối. Đây là câu hỏi rất tế nhị. Con nghĩ mục đích của chúng con ở đây là để biết về con người, để bổ túc hiểu biết, để hiểu những gì chung quanh mình. Ngoài ra, cũng rất thú vị, vì mình càng biết thêm, thì mình thấy mình biết rất ít. Con rất mến những người như cha, không phải chỉ các kỹ sư, các nhà vật lý học, nhưng là những người như cha – các thần học gia, các triết gia, các thi sĩ, văn sĩ … –, một ngày nào đó họ sẽ lên không gian, và chắc chắn trong tương lai họ sẽ lên, con thích họ đến đây để khám phá thế nào là một con người trong không gian.

Đức Phanxicô: Con nói rất đúng. Trong phòng mà cha đang ngồi nói chuyện đây, như các con thấy, có tấm thảm của một trích đoạn danh tiếng mà văn hào Ý Dante kết thúc tác phẩm Thần khúc: “Tình yêu làm chuyển động mặt trời và các tinh tú” (Paradiso, XXXIII, 145). Cha xin hỏi các anh: đâu là ý nghĩa này với các anh, các anh tất cả là kỹ sư, là phi hành gia, như các anh nói, “tình yêu” là sức mạnh làm vũ trụ chuyển động phải không?

Phi hành gia Alexander Misurkin trả lời bằng tiếng Nga và được bạn người Ý dịch ra.

Paolo Nespoli: Trọng kính Đức Thánh Cha, con mong chúng con không làm cha ngạc nhiên với anh bạn Nga: con có thể dịch cho cha hay con tóm cho nhanh? 

Đức Phanxicô: Tốt hơn con tóm cho nhanh.

Paolo Nespoli: Bạn đồng nghiệp Nga Alexander của con đã có câu trả lời rất hay bằng tiếng Nga, con xin dịch nhanh. Anh nhắc đến một quyển sách anh đem lên không gian để đọc, để suy nghĩ, đó là quyển “Hoàng Tử Bé” của nhà văn Pháp Saint-Exupéry, nhắc đến câu chuyện của một chú bé trai tình nguyện hy sinh cuộc sống của mình để quay trở về cứu cây cối và súc vật trên Quả đất. Chủ yếu, tình yêu là sức mạnh cho mình có khả năng để hy sinh cuộc sống mình cho người khác (Cơ quan không gian cho phép các phi hành gia mang theo 1.5 kí lô vật dụng cá nhân). 

Đức Phanxicô: Cha thích câu trả lời này. Đúng vậy, không có tình yêu thì không thể nào cho đời sống mình cho người khác. Chúng ta thấy anh đã hiểu sứ điệp mà nhà văn Saint-Exupéry giải thích một cách nên thơ, và các bạn người Nga các anh đã có trong máu, trong truyền thống nhân bản và tôn giáo của các anh. Thật rất đẹp, cha xin cám ơn.

Cha có một điều tò mò. Người ta thường nói chỉ có phụ nữ mới tò mò, nhưng đàn ông cũng tò mò chứ! Cái gì thúc đẩy các anh làm phi hành gia? Cái gì làm cho các anh vui hơn trong thời gian các anh ở trạm không gian? 

Sergey Ryazanskiy: Chúng con đại diện cho nhiều nước khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau trên hành tinh; mỗi người có cuộc đời của mình, có con đường riêng để trở thành phi hành gia… Câu chuyện của con bắt đầu với người ông của con, ông là kỹ sư trưởng … trong vệ tinh Spoutnik đầu tiên được chế tạo. Và với con, thật là một vinh dự được tiếp tục công việc ông đã làm, thực hiện được giấc mơ của ông, vì chuyến bay trong không gian là tương lai của nhân loại, và chuyến bay quanh vũ trụ luôn là ranh giới của các điều mới của khoa học và của các tiếp cận mới. 

Randolph Bresnik: Điều cho con niềm vui lớn nhất là mỗi ngày được nhìn ra bên ngoài và thấy được sự tạo dựng của Chúa, có thể thấy được một ít phối cảnh của Ngài. Những người đến đây, họ không thể nhìn nét đẹp không tài nào tả được của Quả đất mà không xúc động trong lòng. Chúng con ở đây thấy hòa bình, thấy sự thanh thản của hành tinh, với vận tốc 10 cây số/một giây, không có biên giới, không có xung đột, chỉ là một khung cảnh thanh bình. Và chúng con thấy sự tinh tế của bầu khí, điều này làm cho chúng con nhận ra cuộc hiện hữu của chúng ta quá là mong manh; và chúng con làm việc ở đây, trên trạm không gian này với các đối tác quốc tế, chúng con hy vọng qua kinh nghiệm này, chúng con có thể cùng nhau làm việc, đây là một ví dụ cho tất cả mọi người, cho toàn nhân loại, để công việc đến với không gian được mở rộng, và nhiều người có thể nhìn được phối cảnh không gian này. Khi đó tương lai con người có thể tốt hơn là thời buổi chúng ta bây giờ.

Đức Phanxicô: Cha rất thích câu trả lời của hai anh: anh, trước hết anh đi về cội nguồn của mình để giải thích việc anh muốn làm phi hành gia; anh nhắc đến người ông. Còn anh, anh đến từ Mỹ quốc, anh hiểu Quả đất chúng ta quá mong manh; bạn Nespoli nói, 10 cây số mỗi giây, đây là một thực tế rất mong manh, rất vi tế, bầu khí, nó có thể bị hủy hoại. Và bạn nói đến việc nhìn với con mắt của Chúa. Người ông và Chúa: các gốc rễ và hy vọng của chúng ta, sức mạnh của chúng ta. Đừng bao giờ quên gốc rễ: cha vui khi nghe như thế và nghe các anh nói! Cha xin cám ơn.

Cha xin đặt thêm một câu hỏi: du hành trong không gian làm thay đổi nhiều chuyện mà mình có trong đời sống hàng ngày, chẳng hạn ý tưởng trên cao, dưới thấp. Cha hỏi: có một cái gì đặc biệt mà các anh học khi sống ở trên trạm không gian không? Ngược lại, có một cái gì đánh động các anh vì các anh tìm ra được sự khẳng định ở đó, trong một bối cảnh khác không? 

Mark T. Vande Hei: Trọng kính Đức Thánh Cha, điều làm con ngạc nhiên, đó là cách đề cập đến một cái gì trong một phối cảnh khác, gần như làm cho mình không nhận ra được một cái gì đã rất quen thuộc. Đôi khi con làm việc với một cái gì rất gần với con, con tập trung vào đó và con không nhận ra mình đã quay chung quanh, và khi con làm trên một mô thức khác, khi con tiếp cận ở một khía cạnh khác mà con không chờ đợi, trước hết là con bị hoang mang, khi con cố hiểu con đang ở đâu. Thật là thích thú. Điều làm cho con ngạc nhiên, là có một cái gì đã không thay đổi, là trong môi trường này, nơi chúng con thật sự không cần các khái niệm ở trên và ở dưới để đánh mốc cho mình, con còn phải quyết định hướng nhận thức nào là trên cao, để mang ý nghĩa đến cho các sự việc. 

Đức Phanxicô: Đó là một chuyện rất nhân bản, khả năng quyết định. Cha thích câu trả lời vì nó đi vào các nguồn gốc của con người.

Bây giờ, nếu các con vui lòng nghe, cha xin đặt một câu hỏi khác: xã hội chúng ta rất cá nhân; ngược lại, trong đời sống, sự hợp tác là cần thiết. Cha nghĩ, cả một khối việc đàng sau công việc của các con. Các con có thể cho cha một ví dụ đáng kể trong sự hợp tác ở Trạm không gian này không?

Joseph Acaba: Trọng kính Đức Thánh Cha, thật là cả một vinh dự cho các con được nói chuyện với cha. Trạm không gian quốc tế là một ví dụ tiêu biểu của sự hợp tác quốc tế, như cha thấy, các thành viên của phi hành đoàn các con ở đây gồm nhiều nước khác nhau, với công việc chúng con làm hàng ngày, trao đổi với các trung tâm khác nhau trên thế giới: Mỹ, Canada, Nhật, Nga và chín nước Âu châu. Nhưng điều làm cho con thích, chính là các cá nhân tạo nên sự hợp tác này. Chính sự khác biệt của chúng con làm cho chúng con mạnh hơn, và con nghĩ, chúng con phải hiểu cá nhân mình là ai và mình phải tôn trọng những người chung quanh mình, khi làm việc chung, chúng con thấy nhiều chuyện lớn hơn là khi chúng con làm việc như cá nhân. 

Đức Phanxicô: Các anh là “dinh thự kiếng!” Tổng thể thì lớn hơn là từng phần và đó là ví dụ các anh đã cho. Các anh thân mến, cha xin cám ơn các anh rất nhiều, cha muốn nói: các anh thân mến, vì các anh đại diện cho toàn gia đình nhân loại trong chương trình nghiên cứu to lớn của Trạm không gian. Cha hết lòng cám ơn đã có cuộc trao đổi này, đã làm cho cha biết được nhiều. Xin Chúa chúc lành cho các anh, cho công việc các anh và gia đình các anh. Cha cầu nguyện cho các anh và xin các anh cũng nhớ cầu nguyện cho cha. Cha xin cám ơn. 

Paolo Nespoli: Trọng kính Đức Thánh Cha, con xin thay mặt các bạn, con cám ơn cha đã ở với chúng con hôm nay… trên Trạm không gian quốc tế này. Đây là nơi mà chúng con tìm tòi rất nhiều, chúng con nghiên cứu hàng ngày… Chúng con xin cám ơn cha đã ở với chúng con, đã hướng dẫn chúng con hướng lên cao hơn, đã đưa chúng con ra khỏi hệ thống máy móc hàng ngày, đã giúp chúng con suy nghĩ có những chuyện cao lớn hơn chúng con. Chúng con xin hết lòng cám ơn.

Đức Phanxicô: Cha xin cám ơn tất cả các con.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch