Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói : “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,27-28)
Trong hành trình rao giảng, Đức Giê-su đã vượt qua những rào cản tôn giáo và xã hội để luôn tôn trọng phụ nữ và gặp gỡ rất nhiều phụ nữ, lắng nghe và đáp ứng những nhu cầu của họ, giải thoát cho họ khỏi đau khổ và sự dữ: mẹ vợ ông Phê-rô, người phụ nữ bị băng huyết, con gái ông Giai-rô, người phụ nữ bị còng lưng, người đàn bà xứ Ca-na-an, người đàn bà góa bỏ hai xu vào Đền Thờ, bà góa thành Na-im, người phụ nữ ngoại tình, người đàn bà tội lỗi, Maria Mác-đa-la, hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a, người phụ nữ Sa-ma-ri, … và biết bao phụ nữ trong đám đông đi theo nghe Người rao giảng, biết bao phụ nữ đã được Người chữa lành. Hơn ai hết, Đức Giê-su thấu hiểu những nỗi khổ đau của họ, những người là vợ, là mẹ, là chị em, bị coi là thấp bé trong xã hội và phải gánh chịu mọi đau khổ trong gia đình.
Khi nhìn thấy các phụ nữ đi theo và khóc thương Người, Đức Giê-su không nghĩ đến tình cảnh riêng của mình, đến những nỗi khổ đau của mình, mà động lòng thương họ, như Chúa vẫn động lòng thương cho những nỗi khổ đau mà các phụ nữ phải chịu, cho chính họ và cho chính con cháu của họ, cho gia đình của họ. Do đó, Người đã dùng sức lực giới hạn còn lại nơi mình để nói với họ, để trao gởi sự quan tâm và yêu thương. Người đã kéo họ ra khỏi tình cảm hiện tại để nhìn vào một thực tế của đời sống, đó là sự dữ đang hoành hành vì tội lỗi nhân loại, sự dữ đang lôi kéo mọi người xa lìa Thiên Chúa, khi họ kết án Đấng Thiên Sai, khi họ biểu lộ sự ác độc và tàn nhẫn của con người qua cách đối xử với Đức Giê-su, khi họ từ chối ơn cứu độ mà Đức Giê-su mang đến. Các phụ nữ được mời gọi đối diện và nhìn nhận tầm quan trọng của tội lỗi và hậu quả của tội trên đời sống con người. Khóc thương mình và con cháu mình, là nhìn nhận thân phận hèn yếu của con người, không hề đủ sức đương đầu với sự dữ, mà chỉ còn biết kêu xin lòng thương xót của Chúa, cậy trông vào sức mạnh quyền năng Chúa.
Trong phim Cuộc Khổ nạn của Chúa Giê-su, hình ảnh những phụ nữ này chỉ được quay lướt qua, tại sao vậy? Vì tác giả muốn đặt chúng ta vào vị trí của những người phụ nữ này, để không phải là chúng ta để cho người khác chiêm ngắm mình, nhưng chính chúng ta đang chiêm ngắm Chúa Giê-su Ki-tô vác Thánh Giá. Những phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem cũng có những nỗi đau khổ của riêng họ và gia đình họ, nhưng họ đã mở lòng để vẫn nhạy cảm với nỗi đau của người khác, với nỗi đau của Đức Giê-su. Họ cho thấy một nét đẹp của lòng thương cảm, nét đẹp của trái tim người nữ, luôn mở ra và nhạy cảm với những nỗi khổ đau của đồng loại.
Khi chiêm ngắm Chúa Giê-su chịu đau khổ, chúng ta được đánh động và cảm thương Người, nhưng chúng ta được mời gọi không chỉ dừng lại ở việc khóc thương Chúa, nhưng cùng với Chúa bước đi trên con đường Thánh Giá, chấp nhận mọi khổ đau để cùng với Người, sẻ chia những nỗi đau thương của toàn nhân loại. Khi chúng ta đặt mình vào vị trí của Đức Giê-su, chúng ta sẽ nhìn thấy nỗi khổ đau của biết bao nhiêu phụ nữ trong xã hội hôm nay: những người vợ bị chồng bạo hành, những người mẹ làm lụng vất vả lo cho chồng cho con, những người mẹ đau khổ vì con hư hỏng, những chị em bị phân biệt đối xử và coi thường trong nơi làm việc, những phụ nữ bị cưỡng bức, bị đẩy vào con đường bán rẻ nhân phẩm, bị trở thành hàng hóa mua đi bán lại của nhiều người, những góa phụ hay phụ nữ già yếu bị con cháu bỏ rơi, những bà già vẫn phải bán dạo kiếm sống, những thiếu nữ cơ nhỡ… Cũng như Đức Giê-su bị lăng nhục, cũng có rất nhiều phụ nữ bị coi thường, như tác giả Thánh vịnh 22 đã cảm nghiệm:
“Thân sâu bọ chứ người đâu phải,
con bị đời mắng chửi dể duôi,
thấy con ai cũng chê cười,
lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai.” (Tv 22,7-8)
Những đau đớn mà Đức Giê-su gánh chịu, cũng là những nỗi đau thể xác và tinh thần của biết bao phụ nữ trên thế giới:
Quanh con cả đàn bò bao kín,
thú Ba-san ùa đến bủa vây :
Há mồm đe doạ gớm thay,
khác nào sư tử xé thây vang gầm.
Tưởng mình như tan dần ra nước,
toàn thân con xương cốt rã rời,
con tim đau đớn bồi hồi,
mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan.
Nghe cổ họng khô ran như ngói,
lưỡi với hàm dính lại cùng nhau,
chốn tử vong Chúa đặt vào ;
quanh con bầy chó đã bao chặt rồi.
Bọn ác đó trong ngoài vây bủa,
chúng đâm con thủng cả chân tay,
xương con đếm được vắn dài ;
chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem. (Tv 22,13-18)
Phụ nữ cũng là những người gánh chịu những đau khổ nhất trước đại dịch hiện nay: mất đi người thân, bản thân bị nhiễm bệnh, coi sóc con cái, lo sao cho gia đình đủ lương thực và nhu yếu phẩm, và có những nữ tu, những nữ bác sĩ và nhân viên y tế ngày đêm hy sinh để phục vụ bệnh nhân…
Những phụ nữ thời xưa, cũng như những phụ nữ thời nay, hơn ai hết là những người gặp nhiều khó khăn và đau khổ, nhưng lòng thương cảm của họ dạy chúng ta biết mở rộng lòng mình, để chúng ta không cảm thấy xấu hổ khi thể hiện cảm xúc từ đáy tim mình, khi để những giọt nước mắt lăn dài trên má, khi nói lên những lời chia sẻ và yêu thương.
Đức Cha Lambert, dẫu là một người nam, nhưng mang một trái tim nhân hậu theo gương Chúa Giê-su, nên có một sự nhạy cảm đối với nhu cầu của phụ nữ, cũng như sống tinh thần Mến Thánh Giá một cách đầy nữ tính: chết vì tình yêu qua những hy sinh nhỏ bé và sự tự hủy hàng ngày. Khi làm giám đốc Trung tâm Xã hội Rouen, ngài đặc biệt chú trọng đến các chương trình thăng tiến nữ giới như dạy văn hóa và dạy nghề. Ngài thao thức muốn thành lập một Tu hội Những người yêu mến Thánh Giá không chỉ cho nam giới mà còn cho nữ giới. Ngài mong ước các nữ tu Mến Thánh Giá mang trái tim thương cảm, để “thoa dịu nỗi khổ đau của đồng bào, đặc biệt giới nữ và giới trẻ” (HC 70, x.Ts 5). Chính ngài cũng là người mang trái tim thương cảm, thể hiện nơi tình yêu thương trong cuộc sống và thể hiện qua những lá thư ngài viết.
Như vậy, khi chiêm ngắm cuộc gặp gỡ và lắng nghe lời Đức Giê-su nói với các phụ nữ đang khóc thương Người, chị em chúng ta được mời gọi mở rộng trái tim để mang lấy trái tim thương cảm của Đức Giê-su, cũng như trái tim của chị em trong cộng đoàn mình, của bao người phụ nữ trên thế giới, để chúng ta nên một với Chúa Giê-su Kitô Chịu Đóng Đinh, và thể hiện tình yêu với chị em trong cộng đoàn và với mọi người chung quanh, đặc biệt là với những phụ nữ nghèo khổ, biết tôn trọng, lắng nghe và thấu cảm, nhạy cảm nhận ra và đáp ứng nhu cầu, đối xử với nhau dịu dàng và tế nhị, hiền lành và khiêm nhường, để mọi người được cùng nhau vui sống trong bình an của Chúa.
Nt. Anna Vân Nga
Tổng Phụ trách Hội Dòng MTG Thủ Đức